(Hãng thông tấn Salêdiêng ANS – Cuenca) 19.03.2021 – Đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy nhiều nhà giáo dục Salêdiêng bắt tay vào việc phải tìm ra một sáng kiến hay một sự thay đổi trong phương pháp giáo dục để đáp ứng với công cuộc giáo dục ngày nay. Thực ra, phương pháp giáo dục truyền thống không còn đủ sức cuốn hút học sinh, đặc biệt đối với các thanh nam thiếu nữ đang đứng trước sự lôi cuốn của thời đại số: máy tính, ipad, iphone…
Chính từ sự thúc bách này mà cô giáo Tatiana Pesántez, một giáo viên thuộc Trường Huấn Nghệ Salêdiêng Unit-Carlos Crespi ở Cuenca, đã có sáng kiến mới trong việc giáo dục. Đây là một sáng kiến giáo dục thông qua một nhân vật búp bê mà cô đặt tên “Pipo – Cô giáo Khỉ”.
Cô giáo Tatiana là một thành viên trong nhóm sinh động, chuẩn bị cho Ngày Đại Hội Thiếu Nhi 2020 , được tổ chức qua hình thức online. Cô chợt nhớ, cô có một con búp bê hình con khỉ trong tủ quần áo của mình, và từ con búp bê này cô đã nảy ra ý tưởng giáo dục của mình. Từ đó, chú khỉ “Pipo” trở thành người bạn của cô trong việc giáo dục nhân bản lẫn giáo dục kitô giáo.
Trước đây khi còn nhỏ, cô được một người cô tặng cho một con búp bê khỉ. Và cha cô, ông Homero Pesántez thường hay lấy nó để tấu hài với những cung giọng khác nhau để mua vui cho cô. Đây là lý do tại sao “Pipo” đã mang lại cho cô một nguồn cảm hứng, để từ đó cô sử dụng Pipo vào trong công việc giảng dạy học sinh lớp 3 và lớp 5 của mình.
Từ sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh, Tatiana đã quyết định làm những đoạn clip ngắn về Pipo để trình bày các bài học của mình. Sau đó, cô nảy ra một ý tưởng táo bạo hơn: đưa Pipo lên sân khấu với những tiết mục kịch dí dỏm với những câu chuyện mang tính giáo dục. Dự án này đã được sự hỗ trợ rất đắc lực của ông Luis Curay, giám đốc trường.
Đây là cách mà cô Tatiana, cùng với Jessica Suqui và Maria Jose Flores đã biên đạo ra vở kịch đầu tiên, với chủ đề về lời dạy của Don Bosco. Bài học của cô giáo Pipo, dạy cho người trẻ cách để chiếm được cõi lòng của người Salêdiêng.
Cô Tatiana chia sẻ: “Pipo là cuộc sống của tôi. Giờ đây, tôi không thể dạy mà không có Pipo”. Thật ra, Pipo bây giờ đã trở nên một phần không thể thiếu trong phương pháp giáo dục của cô. Qua cung cách giáo dục sáng tạo, lồng ghép nhân vật vào trong những cuộc hội thoại, cô giúp cho học sinh yêu thích việc học hỏi. Đồng thời qua lối giáo dục này, cô lồng ghép vào đó những cuộc hội thoại, những câu hỏi xen kẻ những câu trả lời theo những chủ đề khác nhau, như về tình yêu Thiên Chúa…để kêu gọi sự đóng góp ý kiến và kết luận từ bài học.
Từ đây, sự hiện diện của cô giáo Pipo đã đánh thức sự ham học của các trẻ em, từ trên lớp cho đến hình thức online, bởi vì các bài học là những khoảnh khắc của niềm vui, giải trí và đầy tính nhân văn.
Nghĩ về tương lai, cô giáo Tatiana không muốn “Pipo” lại trở về trong đống tủ quần áo khi học sinh trở lại học ở trường; Pipo vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với cô trong công việc giáo dục, để mang lại niềm vui thích học hành cho các học sinh, ở trên lớp cũng như học online.
Cô giáo trẻ này đã mang đến cho chúng ta một bài học tuyệt vời: những trở ngại, khó khăn của hiện tại không phải là sự trở ngại, ngăn cản những sáng kiến của chúng ta, nhưng hơn hết nó là cơ hội để chúng ta sáng tạo và phát huy những sáng kiến mới trong công việc giảng dạy.
Cô Tatiana kết luận: “Trở nên một giáo viên, đối với tôi điều đó có nghĩa là một sứ mệnh để kiến tạo thế giới nên tốt đẹp hơn, và cũng là cách để cùng chung tay với Don Bosco; qua một cách thức giáo dục khác, để thông truyền niềm vui và kiến tạo tình huynh đệ”.
Quốc Khanh SDB chuyển ngữ