Trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Chân phước Artemide Zatti, người Salêdiêng sư huynh, với một vài tài liệu đơn sơ, con thấy thật cần thiết và vui sướng khi tìm thấy một con đường nên thánh dễ dàng mà một người con của Chúa, một người anh trong Tu hội đã đi qua và đã để lại.
Sư huynh Zatti xuất thân trong một gia đình nghèo khó, là một người di tản từ miền Nam nước Ý qua Argentina để kiếm tìm cuộc sống tốt hơn. Một điều vĩ đại đã đến với Zatti, đó chính là cuộc gặp gỡ với Salêdiêng và nên thân thiết với Chúa qua con đường tận hiến Salêdiêng.
1. Một người sống tận căn đời sống thánh hiến.
Zatti tận hiến đời mình cho Chúa với vai trò một Salêdiêng sư huynh, ngài đã chu toàn những bổn phận của một người phục vụ và đặc biệt của một người môn đệ Chúa. Chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều tài liệu mô tả thời gian trong một ngày của ngài như sau: “Ngài thức dậy rất sớm, lúc 4g30, nguyện ngắm và tham dự Thánh lễ, sau đó đi thăm viếng tất cả các phòng bệnh. Tiếp tục với chiếc xe đạp, ngài đi thăm tất cả các bệnh nhân trong thành phố. Sau cơm trưa, ngài vui vẻ tham dự trò chơi thảy bi với những người dưỡng bệnh. Từ 2 đến 6 giờ chiều, ngài lại đi thăm các bệnh nhân, sau đó ngài làm việc ở phòng thuốc cho đến 8 giờ tối rồi lại đi thăm các phòng bệnh. Khuya về ngài tiếp tục đọc sách nghiên cứu và tu đức đến 11 giờ đêm. Lúc này, ngài mới đi ngủ, nhưng luôn sẵn sàng cho bất cứ lời kêu gọi nào.”
Giữa cuộc sống tận tuỵ phục vụ các bệnh nhân, ngài đã không hề bỏ quên bổn phận đối với Chúa, vị phu quân tuyệt vời mà ngài đã chọn để hiến dâng trọn vẹn cuộc đời; tuy chỉ là những công việc và thời gian rất bình thường, nhưng để luôn chu toàn những thời gian ấy, lại là một phép lạ diệu kỳ mà Chúa đã thực hiên trên cuộc đời ngài.
2. Zatti, người phục vụ Chúa trong mọi người.
Kể từ sau khi ngài được phép lạ chữa lành bệnh lao phổi, ngài đã giữ trọn lời hứa với Mẹ Maria Phù hộ là dành cả cuộc đời để ở lại bệnh viện và phục vụ các bệnh nhân. Trước hết, ngài coi sóc Phòng thuốc Bệnh viện, rồi sau khi cha Garrone qua đời, ngài phụ trách hoàn toàn bệnh viện. Cũng kể từ đó, mọi không gian, thời gian và con người nơi bệnh viện này đều trở thành con đường nên thánh của ngài.
Đối với mỗi bệnh nhân, ngài phục vụ với lòng từ phụ của một người cha và lòng dịu hiền nơi một người mẹ; người ta nhiều lần bắt gặp ngài thường sánh ví những người bệnh, những đứa trẻ nghèo đến với ngài là hình ảnh Chúa Giêsu. Khi có một người thổ dân tướng hình bẩn thỉu và tướng đi xiêu vẹo, thầy Zatti gọi nữ y tá và nói ngay: “Chị à, hãy chuẩn bị một cái giường cho Chúa”. Rồi khi có một đứa bé đến, mặt mũi phờ phạc và bụng đói meo, thầy hỏi chị nữ tu: “Chị có cháo nóng và chiếc áo nào cho một Chúa Giêsu 10 tuổi không?”
Rồi khi phải xây bệnh viện mới hay những lúc gặp khó khăn về tài chính, thầy Zatti đã không ngần ngại đi xin, và thầy luôn nói với mọi người là cho Chúa mượn, và khi có người thắc mắc tại sao lại cho Chúa mượn, thầy không ngần ngại và giải thích rằng: “Chúa đã nói rằng điều gì chúng ta làm cho các bệnh nhân tức là chúng ta làm cho Ngài. Cho Chúa mượn thật là một điều có lời đó”.
Quả đúng thế, khi đã dùng hết mọi khả năng nơi con người mình, Zatti đã cậy nhờ và tin tưởng nơi sự quan phòng của Chúa, và kết quả là Chúa đã chẳng để cho người con của Chúa phải thất vọng bao giờ.
3. Zatti, một con người mạnh mẽ phi thường.
Khi nghĩ cho những người nghèo, với sự chấp thuận của bề trên, thầy Zatti học thêm về dược và thi lấy bằng dược sĩ, tuy lúc này đã lớn tuổi. Sau khi lấy được bằng dược sĩ, thầy trở về bệnh viện với tiệm thuốc của bệnh xá để phục vụ những người nghèo.
Một hôm trời mưa lớn mà bồn chứa nước lại bị hư, dưới trời mưa, thầy Zatti lúc đó đã 70 tuổi những vẫn không ngần ngại leo lên để sửa bồn chứa nước. Nhưng chẳng may thầy bị trượt chân và thang ngã xuống. Thầy bị thương khá nặng, nhưng khi được hỏi, thầy vẫn tỏ ra bình thản mà nói là không sao, những chính thầy lại biết rõ là mình không ổn.
4. Zatti, một người Samari nhân hậu.
Trong khi điều hành bệnh viện, thầy Zatti đã không ít lần gặp những trường hợp khó khăn, chúng ta có thể biết đến với việc một nhân viên đã lơ đễnh bỏ những cuộn băng đắt tiền vào nồi luộc rồi quên đổ nước, thế là tất cả số băng biến thành than. Rồi sau đó, đã có đề nghị thầy đuổi việc người nhân viên vụng về này, nhưng thầy vẫn vui vẻ nói: “Chúa ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa.”
Nhiều lần khác, khi đi xin tiền để giúp đỡ các bệnh nhân, thầy đã bị đuổi thẳng và phải nghe những lời mắng nhiếc thật nhục nhã. Những rồi sự nhẫn nại của thầy cũng được đền đáp, người ta cho thầy tất cả những gì thầy cần khi thấy được tấm lòng của một vị thánh, chính lòng khao khát được phục vụ bệnh nhân khiến thầy sẵn sàng chịu đựng sự mệt nhọc và khinh khi.
Khi có một bệnh nhân tới bệnh viện của ngài, tuy đã được chữa lành bệnh tật, những sự đói rách và khổ sở nơi con người ấy vẫn còn, lúc này thầy Zatti đã không ngần ngại tới một gia đình và hỏi:“Ông bà có chiếc áo nào cho Chúa mượn không?” Họ lôi ra một chiếc áo rất cũ, và thầy lại hỏi tiếp:“Ông bà không có chiếc áo nào đẹp hơn sao? Chúng ta phải cho Chúa mượn cái áo nào tốt hơn chứ!”
Trong những năm cuối đời, người ta thấy thầy Zatti đột nhiên cảm thấy mình già nua và bệnh tật. Thầy biết rõ đó là bệnh ung thư tụy tạng và khi biết mọi người đang lo lắng cho mình, thầy đã trấn an mọi người: “Xin anh chị em đừng vất vả làm chi, vì không có thuốc chữa đâu”. Rồi khi bị ai đó bắt gặp mình đang khóc thầm, thầy Zatti giấu ngay những dòng lệ như tác nhân khiến mọi người thêm lo lắng. Có lúc họ hỏi thầy: “Thầy đau đớn lắm sao?” Thầy đáp: “Không phải như vậy. Tôi khóc là vì từ nay vô dụng”.
Thầy đã sống một cuộc đời nhân hậu như thế, không những chẳng bao giờ nghĩ gì cho mình, nhưng lại luôn nghĩ đến người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ. Quả vậy, khi thấy Zatti, người ta đã không ngần ngại nói ngay và rồi quen gọi là: “Don Bosco của người nghèo”.
Thầy Artemide Zatti qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1951, hưởng thọ 71 tuổi. Thi hài của ngài được gìn giữ trong Nhà nguyện Salêdiêng ở Viedma. Ngài được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Chân phước ngày 14/4/2002 tại Rôma.
Chân phước Artemide Zatti không chỉ là một bông hoa thơm của Tu hội Salêdiêng, nhưng là của tất cả mọi người, điều ấy được minh chứng qua việc ngài đã được tuyên phong lên bậc chân phước. Trong thánh lễ phong chân phước cho ngài, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nói: “Zatti đã khám phá ra ơn gọi Salêdiêng của mình bằng việc cụ thể hóa ơn gọi này trong việc phục vụ các bệnh nhân. Ngài đã sống cách say mê như một y tá sở trường và đầy tình yêu thương”.
Ngay từ khi còn là một tập sinh (Tập viện Thánh Tâm Ba Thôn, Việt Nam), con đã nhiều lần thắc mắc và cũng rất ấn tượng với bức tượng Zatti ngay trong khuôn viên Tập viện. Một bức tượng quỳ gối, hai tay ẵm một đứa trẻ nghèo, còn điều đặc biệt là hai mắt luôn hướng lên trời, đây cũng là điều mà còn thắc mắc. Rồi khi được chính cha cố Gioan Nguyễn văn Ty giải thích: “Zatti hai tay ẵm lấy cái khổ của những người nghèo, mà đặc biệt của người trẻ nghèo, nhưng hai mắt lại hướng nhìn lên trời tỏ ý tin tưởng và phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa.” Kể từ đó, khi chiêm ngắm bức tượng này, con luôn nhớ lời của cha cố và thích mẫu gương của chân phước, đối với con, Zatti không chỉ là một y tá, một dược sĩ của bệnh viện, của người nghèo, mà còn là một “bác sĩ của tâm hồn”, người đã sống trọn vẹn cả cuộc đời cho Chúa qua sứ mệnh phục vụ mà cha thánh Gioan Bosco đã để lại. Đây cũng là nguồn cảm hứng để con viết lên nhạc khúc “Zatti, Bác sĩ tâm hồn” để mừng kính chân phước cũng như xin nhờ lời chuyển cầu của ngài cho Tu hội và Tỉnh dòng Việt nam chúng ta.
Chân phước Salêdiêng sư huynh Artemide Zatti là nguồn cảm hứng để mỗi người chúng ta tự tin tìm cho mình con đường nên thánh, đây cũng là lúc chúng ta mạnh dạn tin tưởng và phó thác cuộc đời trong vòng tay quan phòng của Chúa, khi tin tưởng nơi Chúa, chắc hẳn Người sẽ thực hiện những điều lạ lùng và vĩ đại nơi cuộc đời chúng ta. Con xin kính chúc quý Bề trên và tất cả mọi người có ngày lễ mừng kính chân phước Zatti thật nhiều ơn thánh Chúa; đặc biệt quý Salêdiêng sư huynh luôn học nơi gương sáng của chân phước Zatti, để cũng trở thành thánh giữa lòng Giáo hội.
Lưu Hành