Lc 11,27-28
Bạn thân mến,
Khi đọc Tin mừng ta thấy ít là 4 lần Mẹ Ma-ri-a phải nghe những lời chua xót, cách nào đó hình như Đức Giê-su không kính trọng, yêu mến đối với công sinh thành dưỡng dục của Mẹ: Khi Chúa lên 12 tuổi, Người nói: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (x. Lc 2,41-50). Tại tiệc cưới Ca-na, Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” (x. Ga 2,1-5). Khi Đức Ma-ri-a và các anh em muốn gặp Ngài, Ngài lại bảo: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ vào các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (x. Mt 12,46-50). Và trong bài Tin mừng hôm nay, khi một phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27-28).
Nhưng rồi Tin mừng cũng cho ta thấy Mẹ Ma-ri-a không hề phản ứng tiêu cực trước những lời này; Chúa Giê-su rõ ràng đã không thực hiện theo như lời Ngài nói: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài (x. Lc 2,51); “Dù chưa đến giờ của mình, nhưng Chúa Giê-su đã làm phép lạ hóa nước thành rượu” (x. Ga 2,6-12); Cùng một lúc Chúa Giê-su xác nhận Đức Ma-ri-a là mẹ mình, cũng vừa là người đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa hơn ai hết, bởi qua tiếng thưa xin vâng mà Mẹ đã thể hiện (x. Lc 1,26-38).
Cách hành xử của hai mẹ con Ma-ri-a và Giê-su thật hay và ý nghĩa, đáng là bài học cho mỗi người chúng ta thực hành trong đời sống gia đình, cộng đoàn của mình: nói vậy mà không phải vậy, luôn nghĩ tốt cho nhau và quan trọng là hiểu nhau!
Hải Đăng, sdb.