TUỔI 25, CÁI TUỔI ĐỨNG GIỮA NHỮNG CHÊNH VÊNH VÀ CHỌN LỰA

Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb

(Nguyên UV trung tâm Luis Versiglia Bảo Lộc)

     Quý anh chị em Cộng tác viên (CTV) Salêdiêng thân mến!

     Khi cử hành lễ kỷ niệm một chặng đường đã qua của bất kỳ một tổ chức nào, họ đều có những ưu đãi, quà tặng khủng, hoặc sẽ ra mắt một siêu phẩm nào đó với phiên bản giới hạn để tạo dấu ấn trong dịp kỷ niệm. Hơn thế nữa, điều đặc biệt hơn mà ai trong chúng ta cũng đều chân nhận rằng 25 năm là một chặng đường rất đặc biệt – ngã rẻ cuộc đời (bằng ¼ thế kỷ), nó có lẽ sẽ là một cột mốc và dấu ấn khó có thể quên với những người bắt đầu ngay từ ngày mới hình thành. Chính vì thế, trong dịp trọng đại kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội CTV Salêdiêng  tại Việt Nam, tôi cũng muốn hỏi anh chị em, chúng ta có ưu đãi gì? Tặng quà khủng ra sao? Và giới thiệu đến mọi người một “siêu phẩm” nào trong ngày kỷ niệm?

Chắc hẳn anh chị em sẽ cười mĩm và nghĩ thầm rằng: mấy thứ đó không cần thiết đâu cha! Vâng, có lẽ, nhưng chúng ta hãy cùng đến với một lớp học nhé. Tại một lớp học triết nọ, thầy giáo hỏi các học trò của mình: Trong các em “Ai có thể kể về cha mẹ mình?”. Ngay tức khắc mọi người trong lớp đều giơ tay. Thầy hỏi tiếp: Ai có thể kể về ông bà mình? – Khoảng ba phần tư lớp giơ tay. Vậy em nào có thể kể về ông bà cố của mình? – Chỉ hai trong số 60 sinh viên giơ tay.

Thầy giáo nói tiếp: Giờ thì các em hãy suy nghĩ kỹ đi nào, chỉ mới cách có hai thế hệ mà rất ít người biết cụ cố của mình là ai. Có thể các em từng thấy một bức ảnh cũ kỹ phai màu được cất kỹ trong hộp thuốc lá mốc meo, hay đã nghe kể một câu chuyện tiêu biểu về gia tộc mình, và biết có người trong tổ tiên mình đã lội bộ năm dặm đường để đến trường. Nhưng mấy người trong các em thật sự biết tổ tiên mình là ai, các cụ nghĩ gì, hãnh diện, lo sợ hay mơ ước điều gì. Các em thử nghĩ xem. Chỉ trong vòng ba thế hệ thôi mà các bậc tiền nhân đều đã bị lãng quên. Vậy, liệu điều đó có xảy đến với các em sau này ko?

Để thầy nêu câu hỏi cụ thể hơn cho các em. Các em thử tưởng tượng ra ba thế hệ sau mình. Lúc ấy các em đã ra người thiên cổ lâu rồi. Chỗ các em ngồi bây giờ sẽ là chỗ của các chit chắt. Liện chúng có biết gì về các em ko? Hay là các em cũng sẽ chìm sâu trong dĩ vãng? Các em muốn cuộc sống của mình hiện thời sẽ là dấu hiệu báo điềm xấu hay trở thành tấm gương soi sáng cho các thế hệ sau? Các em sẽ để lại di sản nào? Sự lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của các em.

Quả thực 25 năm qua chúng ta đã để lại dấu ấn gì? Chúng ta đã khẳng định mình ra sao? Chúng ta nhìn thấy Hiệp hội mình phát triển như thế nào? (cả về phẩm và lượng). Và rồi có lẽ chúng ta hơi vội vàng. Vội trong thời gian, vội cả trong suy nghĩ. Chúng ta vội nên quên nhiều thứ. Vội nên bỏ qua nhiều chuyện, không có thời giờ để thưởng ngoạn từng giây phút Chúa ban. Vội nên thích những gì nhanh chóng, bề mặt, chạy theo hiệu quả. Đã đành là với sự phát triển của kinh tế thị trường, người ta không thể chậm trễ để mất đi những cơ hội cho mình, nhưng một kiểu sống vội như thế sẽ dần dần làm cho con người quên là mình cần phải “sống”. Con người sẽ sống thiếu chiều sâu, chỉ thấy những điều trước mắt, dễ mất niềm tin, mất định hướng.

Vì thế, có lẽ chúng ta nên chậm lại với những khoảng lặng của ngày sống, một phút thôi cũng được để nhìn lại mình, nhìn lại chặng đường đã qua mà tiếp tục bước và biết mình đang bước đi đâu.

1. Cộng tác viên Salêdiêng là ai? (căn tính – identià)

Trước hết chúng ta hãy cùng xem “Cộng tác viên là ai?” nhé.

  • Theo Cambribge Dictionary: “Cooperator” (Cộng tác viên): to work or act together or jointly for a common purpose or benefit nghĩa là làm việc hay hành động cùng nhau vì lợi ích hay mục đích chung.
  • Theo nghĩa thương mại: “Cộng tác viên”: là một hình thức làm việc làm thêmbán thời gian và có thể kinh doanh, góp vốn với một đơn vị nào đó, nhưng kế hoạch công việc vẫn phải hoàn thành với thời gian quy định và đạt được các kết quả tốt nhất mà vẫn đúng tiến độ như đã thỏa thuận trong hợp đồng cộng tác viên giữa 2 bên.
  • Thế còn “Cộng tác viên Salêdiêng” là ai? Theo điều 2 trong Kế Hoạch Đời Sống Tông Đồ định nghĩa người CTV Salêdiêng là những người giáo dân cảm thấy được gọi và sai đi trong một sứ mạng cụ thể: góp phần vào việc cứu rỗi giới trẻ, dấn thân cho sứ mạng của Don Bosco, cho giới trẻ và giới bình dân.

Vì thế, đừng bao giờ chúng ta chỉ xưng mình là “Cộng tác viên” mà phải là “Cộng tác viên Salesian”, nó thể hiện trọn vẹn căn tính đích thực của vai trò cooperator cho một sứ mệnh rõ rệt và chuyên biệt. Bởi vì,

Các Cộng tác viên Salêdiêng là nhóm các thừa tác viên giới trẻ đầu tiên do Don Bosco thành lập. Ngài bắt đầu công việc của mình vào năm 1841 bằng cách tập hợp những đứa trẻ đường phố và những người lao động trẻ vào Chủ nhật. Torino là một thị trấn công nghiệp hàng đầu tại nước Ý vào đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Phổ biến nhất chính là lao động trẻ em và do cuộc khủng hoảng kinh tế ở các khu vực nông nghiệp của Ý vào thời điểm đó, rất nhiều trẻ em và thanh niên đã rời khỏi các trang trại để tìm việc ở các thành phố. Bọn trẻ làm việc sáu ngày một tuần và được nghỉ ngày Chúa nhật. Don Bosco đã tập hợp những đứa trẻ đường phố này ở những bãi đất trống để vui chơi trong một ngày, sau đó ngài đưa chúng đến Nhà thờ để tham dự Thánh lễ và học giáo lý.

Khi các bạn trẻ đến với Don Bosco lên đến hàng trăm thì ngài bắt đầu cần đến sự giúp đỡ của một số người cộng tác cùng với vài linh mục địa phương. Don Bosco biết mình sẽ cần tới sự giúp đỡ của những người “có thiện chí”, biết “dấn thân cho người khác” để chăm sóc các trẻ của ngài. Don Bosco bắt đầu mời gọi những người mà ngài cảm thấy có khả năng và mong muốn trở thành mục tử cho những người trẻ. Mẹ của ngài, Margarita, đã đến để giúp ngài và trở thành CTV Saledieng đầu tiên.

Với sự giúp đỡ của Đức Giáo Hoàng Piô IX, ngài đã thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng vào năm 1876. Những người cộng tác là những giáo dân sống cuộc sống của họ như chính Don Bosco đã mô tả trong cuốn sách nhỏ của ngài: Đây là những người cộng tác với người Salêdiêng, hay nói một cách thực tế là những người đi đầu trong việc thực hành trở nênmột kitô hữu tốt lành và một công dân lương thiện”.

2. Cộng tác viên Salêdiêng sống như thế nào? (sứ mệnh – misione)

Căn tính của người Cộng tác viên Salêdiêng trên hết nằm ở sứ mệnh của họ: góp xây dựng một thế giới nhân bản thực sự và xây dựng Giáo hội (địa phương và phổ quát), đặc biệt là giới trẻ. Don Bosco viết rằng “trở thành Cộng tác viên Salêdiêng là một cách thiết thực để trở nên hữu ích cho xã hội và cổ vũ những truyền thống tốt đẹp”. Nói đến vấn đề này là Don Bosco lại nói đến “những công dân lương thiện và những kitô hữu tốt lành”! Ngài mời gọi chúng ta hãy nắm bắt ý nghĩa của những từ này và chuyển hóa chúng thành những cam kết thực sự và cụ thể cho người trẻ hôm nay.

Thế nào là một Kitô hữu tốt lành?

Thật đơn giản cho chúng ta khi Hoa Thiêng 2020 của cha Bề Trên Cả mời gọi chúng ta đã hướng dẫn cho chúng ta cách để trở thành một ki tô hữu tốt:

  • Bằng việc sống niềm Tin vào Thiên Chúa với sự hướng dẫn của Thần Khí

Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực: một bên là đức tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một bên là sự suy luận theo lý trí của con người. Khi có sự xung đột, con người phải chọn đàng nào? Nhiều người cho họ chỉ tin những gì lý trí con người có thể hiểu được; ngoài ra là mê tín dị đoan. Nhưng Thiên Chúa đã tuyên sấm qua miệng tiên tri Isaiah: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các người như vậy” (Is 55:8-9). Lịch sử nhiều lần chứng minh: vâng lời làm theo ý Thiên Chúa mang lại những kết quả quá lòng mong đợi của con người; ngược lại, bất tuân thánh ý Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình sẽ gây ra muôn vàn khổ đau cho con người.

Hãy nhìn vào con người Giuse, một mẫu gương sống niềm tin dưới sự hướng dẫn của Thần Khí cho chúng ta (những CTV Salêdiêng ) khi ngài đứng trước biến cố Truyền Tin cho Đức Mẹ. Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

Để hiểu việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do thái hiểu biết về Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:

  • Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Exo 31:3; Num 11:25; 27:18; Deut 34:9; 1 Sam 10:10; 2 Sam 23:2; Job 32:8; Psa 32:2);
  • Làm cho con người hiểu biết sự thật (Gen 41:38; Num 24:2; Psa 32:2; Joel 2:28; Lk 12:12; Jn 14:17; 15:26);
  • Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (Gen 6:3; Jdg 14:6; 1 Sam 11:6; Job 27:3; 33:4; Psa 33:6; 104:30);
  • Tái tạo dựng con người (Gen 1:2; Jdg 6:34; 11:29; 13:25; 15:9; 1 Sam 10:6; Psa 51:10; 143:10; Job 33:4; Eze 37:1-14; Acts 2:1-4).

Thấm nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.

  • Bằng việc sống trong sự lắng nghe Lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta. Bằng việc sống những gì chúng ta loan báo. Với nhu cầu Tin mừng hoá và cống hiến lời loan báo đầu tiên cũng như giáo lý.

Chúng ta trở thành nhà giáo dục và nhà loan báo Tin Mừng cho người trẻ hôm nay. Để có thể trở nên như thế, chúng ta cần phải có được kinh nghiệm cá nhân mình trong mối tương quan về tình yêu Thiên Chúa (kinh nghiệm đời sống thiêng liêng), bởi lẽ không ai có thể cho cái mình không có bao giờ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nói với người trẻ về tương quan tình yêu ấy bằng lời nói, bằng hành động, bằng cử chỉ rằng Thiên Chúa yêu thương họ, rằng “Đối với Thiên Chúa các bạn trẻ thực sự là quý giá, các bạn không vô nghĩa và các bạn rất quan trọng đối với Ngài” (ChV 115)

  • Kitô hữu và nhà giáo dục thực sự của ngày hôm nay với linh đạo Salêdiêng

Để làm được điều này, CTV Salêdiêng phải hiểu, biết rõ và sống linh đạo Salêdiêng. Nghĩa là phải biết cách sống tình yêu của Thiên Chúa trong bầu khí tình bạn với người trẻ, cùng đồng hành với chúng lớn lên trong nhân cách, tăng trưởng trong đức tin, nồng nàn trong đức mến được đóng ấn bởi “sự thân tình lớn lao nhất”, bởi “tình gia đình mang chở tình yêu”, và tình yêu đem lại sự tin tưởng. Có nghĩa là mở con tim ra và những người trẻ sẽ tỏ lộ tất cả mà không sợ hãi (…), bởi các em chắc chắn rằng mình được yêu thương” (x. Strenna 2020).

  • Kitô hữu tốt trong thách đố của môi trường không Kitô giáo

Thánh Phêrô nói “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15). Để có thể sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai dù người đó là vô thần hay khác tôn giáo thì người Công Giáo chúng ta cần phải sống cái đạo của mình. Càng sống tốt chừng nào thì đối thoại càng kết quả chừng đó. Ngược lại chẳng những không sống đạo mà còn nghịch đạo nữa thì thậm chí nguy. Đức Thánh cha Phanxicô trong bài huấn từ nhân dịp gặp gỡ các giám mục Á Châu tại Đền Các Thánh Tử Đạo Haemi (Hàn Quốc) ngày 17/8/2014 đã nêu ra ba trở ngại lớn khiến người Công Giáo không sống đạo tốt. Một là ánh sáng lừa đảo của thuyết Tương Đối là điều che lấp sự rạng ngời của chân lý và lay chuyển vùng đất dưới chân chúng ta, kéo chúng ta về phía những bãi cát lún cát lầy của mơ hồ và thất vọng. Hai là sự nông cạn tức khuynh hướng chạy theo những mốt mới nhất những tiện nghi và những trò tiêu khiển thay vì tham gia vào những điều thực sự quan trọng. Ba là nấp sau những thái độ có vẻ an toàn, những luật lệ và quy tắc có sẵn” (NS Cg & Dt số 236 tháng 8/2014).

  • Kitô hữu tốt trong thách đố của môi trường hậu tín hữu hay hậu kitô giáo

Trước bối cảnh nhiều người trong đó có các bạn trẻ chối bỏ đức tin cách công khai hoặc không chính thức chối bỏ nhưng không còn tham gia, nguội lạnh với đức tin Kitô giáo chúng ta phải làm gì?

Cha Matthew Schneider, người làm mục vụ giới trẻ được 4 năm, nhấn mạnh là đức tin và khoa học phải được trình bày cho người trẻ trong sự hài hòa của chúng. Theo cha, một thách đố là giảng dạy “khoa học và đức tin liên quan nhau thế nào” qua triết học và thần học, trong khi khoa học chỉ  liên quan đến những gì mình có thể quan sát và đo lường đong đếm, thế giới cần điều gì đó “phi vật lý” như là nguồn gốc của nó, và đó là cách hiểu Thiên Chúa cùng với khoa học. Cha nói tiếp: “Chính đức tin Kitô giáo là nơi phát sinh của khoa học. Không có sự tương phản giữa đức tin và khoa học nhưng là hiểu mỗi đối tượng trong lãnh vực của nó”.

Làm sao cha mẹ nuôi dạy con cái mình trong đức tin? Cha Schneider đã đưa ra nghiên cứu của một giáo sư ở đại học Notre Dame, người đã kết luận: sự kết hợp của 3 yếu tố sẽ giúp giữ lại 80% người trẻ Công giáo.

Nếu họ có một hoạt động cuối tuần như giáo lý, học hỏi Kinh thánh hay nhóm trẻ; nếu có những người lớn ở giáo xứ, không phải là cha mẹ của họ, mà họ có thể chuyện trò về đức tin; và nếu họ có một kinh nghiêm thiêng liêng sâu sắc, họ sẽ có khả năng ở lại Công giáo cao hơn.

Theo tiến sĩ Mark Gray, một chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về Tông đồ (viết tắt CARA) tại đại học Georgetown cho biết, các cha mẹ cần ý thức về niềm tin của con em họ, vì có những cha mẹ không biết rằng con cái họ không tuyên xưng mình là Công giáo. Ông nhấn mạnh rằng Giáo hội luôn cởi mở với khoa học; không có sự xung đột thật sự giữa khoa học và đức tin. Giáo hội vẫn luôn cân bằng cách chắc chắn các vấn đề của đức tin và lý trí từ tác phẩm của thánh Augustin vào thế kỷ thứ 5. Tuy thế, ông Gray nói: “Giáo hội có cơ hội giữ nhiều người trẻ Công giáo được rửa tội hơn bây giờ nếu Giáo hội có thể làm hơn nữa để sửa chữa những huyền thoại lịch sử về Giáo hội liên quan đến khoa học, và tiếp tục đề cao sự ủng hộ khoa học mà phần lớn là các kết quả khởi đầu của các hoạt động được các trường đại học Công giáo thực hiện cách đây hàng trăm năm.”

  • Một đức tin được sống cùng nhau và trong việc ra khỏi chính mình

Anh chị em chúng ta phải hiểu rõ rằng nền tảng của toàn bộ linh đạo Kitô giáo là nỗ lực biến thế giới thành địa điểm để gặp gỡ Thiên Chúa và làm cho cuộc gặp gỡ với Ngài trở thành cơ hội để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. CTV Salêdiêng chúng ta hãy “ra đi” và bắt đầu cuộc gặp gỡ từ chính những người thân yêu nhất trong gia đình mình.

Đức Thánh Cha Phanxico giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về điều này khi ngài khẳng định: “Khi cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa được gọi là “xuất thần”, vì nó kéo chúng ta ra khỏi chính mình và nâng chúng ta lên, lôi cuốn chúng ta vào tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có thể ra khỏi chính mình để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, phẩm giá và sự vĩ đại của họ như hình ảnh của Thiên Chúa và con cái của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, ôm lấy người khác bằng tình yêu và tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ. Đó là lý do tại sao luôn luôn tốt hơn để cùng nhau sống đức tin và thể hiện tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đồng, chia sẻ tình yêu, thì giờ, đức tin và các lo âu của chúng ta với những người trẻ khác. Hội Thánh cung cấp nhiều không gian khác nhau để sống đức tin trong cộng đồng, bởi vì mọi sự sẽ dễ dàng hơn khi cùng nhau làm”. (ChV 164)

Thế nào là một công dân lương thiện?

  • Sống giá trị nhân bản cách trọn vẹn

Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn thốt lên rằng: Có lẽ “nhiều người trong chúng ta có một đời sống khá thoải mái nên không biết khóc. Một số thực tại của cuộc đời chỉ được nhìn thấy với cặp mắt được rửa bằng nước mắt. Tôi xin mỗi người hãy tự hỏi: Tôi đã học được cách khóc chưa? Tôi có biết khóc không khi thấy một đứa trẻ đói khát, một đứa trẻ nghiện ngập ở ngoài đường, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ bị xã hội sử dụng như một nô lệ? Hay là tiếng khóc của tôi chỉ là tiếng than van của những kẻ chỉ biết nghĩ đến mình vì họ muốn một điều gì đó cho mình?” Hãy cố gắng học cách khóc cho những người trẻ không được may mắn như bạn.  Lòng thương xót và trắc ẩn cũng được thể hiện trong nước mắt. Nếu nó không đến với bạn, hãy cầu xin Chúa ban cho bạn những giọt nước mắt vì sự đau khổ của người khác. Chỉ khi nào bạn biết khóc bạn mới có thể làm điều gì đó cho người khác tận đáy lòng. (ChV 76)

Do đó, tiếng gào thét to lớn của người trẻ là đến để gặp gỡ những vấn đề “thực tế” mà người trẻ đang phải đối mặt: Ý nghĩa của sự sống, thiếu vắng những cơ hội, đào tạo, hội nhập vào thế giới lao động…

  • Chúng ta tự giáo dục mình và giáo dục người trẻ về quyền công dân, về sự dấn thân trong xã hội, về đời sống luân lý …

Giáo dục người trẻ sống lương tâm lương thiện, biết cách giữ mình khỏi những tự do suy đồi về các giá trị và đạo đức, biết bảo vệ mình khỏi những trào lưu hư ảo của mạng xã hội, biết phân định và chọn lựa những giá trị mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống của mình và của người khác.

Cùng với người trẻ chúng ta cam kết chăm sóc “Ngôi nhà chung” (Laudato sì, 13): Cam kết vì ngôi nhà chung (tầm nhìn về sinh thái do Laudato si’ đề xuất) không là một dấn thân thêm vào: Nó là chân trời vốn chất vấn về toàn bộ nền văn hoá, đức tin, lối sống, sứ mệnh… giáo dục và truyền giáo của chúng ta. Không có nhiều thứ để phát minh vì trong điều này (vừa về hệ sinh thái lẫn quyền của trẻ vị thành niên) lộ trình đã được giáo huấn của Giáo hội vạch ra các rõ ràng trong thời gian và bây giờ trở nên mạnh mẽ với Đức Thánh Cha Phanxico.

  • Trong việc bảo vệ nhân quyền và đặc biệt là quyền của trẻ vị thành niên

Chúng ta phải là những chuyên viên trong việc bảo vệ nhân quyền cho tất cả, đặc biệt là quyền của trẻ vị thành niên, và chúng ta phải xin lỗi với nước mắt khi chúng ta không làm như thế. Chúng ta không thể trở nên những người đồng loã của bất cứ vụ lạm dụng nào, nó bao gồm cả lạm dụng về “quyền thế, kinh tế, lương tâm, tình dục” (x. ChV 72-80)

3. Môi trường dấn thân tông đồ và định hướng tuổi 25.

Các Cộng tác viên Salêdiêng được liên kết với một trường học, một giáo xứ hoặc một trung tâm trẻ Salêdiêng cụ thể tại địa phương mình sinh sống. Một số cộng tác viên Salêdiêng làm việc trực tiếp trong các công tác mục vụ của Salêdiêng, trong khi đó, một số khác phục vụ tại các giáo xứ của họ hoặc các chương trình mục vụ khác tại giáo hội địa phương. Bên cạnh đó, cũng có một số CTV Salêdiêng không làm việc trực tiếp với bất kỳ chương trình mục vụ cụ thể nào, nhưng họ mang tinh thần Salêdiêng đến nơi làm việc của họ, họ thể hiện tinh thần ấy trong nghề nghiệp và trong gia đình của họ.

Cha Giuseppe Casti, Đại diện CTV Salêdiêng thế giới khẳng định rằng: CTV Salêdiêng phải “thuộc về quần chúng và chiếm lĩnh được cơ sở”. Điều này có nghĩa là các CTV Salêdiêng phải là tiếng nói của những người không có tiếng nói – những người nghèo, những người thiệt thòi trong xã hội. Ngài nói thêm: “Việc tìm kiếm lợi ích chung đòi hỏi một sự tìm kiếm lâu dài, tiến triển từ từ. Nó đòi hỏi sự kiên trì và một sự nghiêm khắc nhất định”.

Trong thời đại như hiện tại, các CTV Salêdiêng phải có khả năng đối mặt với những tình huống khẩn cấp thách thức họ cũng như những thách thức và mong đợi của những người trẻ, những kẻ yếu kém trong xã hội và những người bị đe dọa nhiều nhất bởi sự bất an kinh tế, chính trị và những trận đại dịch như Coronavirus chẳng hạn.

Anh chị em CTV Salêdiêng thân mến!

Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi và lớn lên trên đôi chân của chính mình. Bạn không còn ở tuổi 15-16 nữa, bạn đã 25 tuổi rồi, phải thay đổi và lớn lên, phải có hướng đi cho cuộc đời mình và phải khẳng định chính mình trong căn tính (tôi là ai?), trong sứ mệnh (tôi phải làm gì?) và tôi phải thực thi nó trong môi trường như thế nào?

Anh chị em thân mến! “Bước đi và dừng lại” là hai mặt tồn tại tất yếu của “hành trình và đích đến”. Mỗi người khi bắt đầu bước đi trong một hành trình nào đó cũng đều đặt ra cho mình một đích đến, một điểm dừng cụ thể. Chúng ta đã bước đi trong hành trình ơn gọi CTV Salêdiêng, vậy đâu là đích đến và điểm dừng cụ thể của quý anh chị em? Phải chăng chỉ là phần rỗi của giới trẻ mà không có chúng ta?

Tại quảng trường thánh Phêrô ngày 21/08/2016 Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Đời sống con người không phải là một trò chơi điện tử hay một bộ phim nhiều tập; mà cùng đích của đời sống con người thì vô cùng quan trọng: đó là sự sống đời đời”. “Vấn đề không phải là có bao nhiêu người được cứu rỗi” – Đức Thánh Cha cho biết – “nhưng điều quan trọng là mọi người đều biết đâu là con đường dẫn đến ơn cứu rỗi”. Và cánh cửa dẫn đến ơn cứu rỗi chính là Chúa Giêsu. Cốt lõi của cam kết của các CTV Salêdiêng là sống cuộc đời của mình như một kitô hữu tốt lành và một người công dân lương thiện. Người CTV Salêdiêng đón nhận lối sống Phúc âm, chia sẻ sứ mệnh của Giáo hội là mang Chúa Kitô đến cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Vì vậy, sẽ ra sao nếu một CTV Salêdiêng không có Đức Kitô trong cuộc đời mình? Làm sao ta có thể lo cho phần rỗi của người trẻ khi chúng ta có thể không chiếm được phần rỗi ấy?

Hãy xác định lại đích đến của hành trình ta đã bước đi 25 năm qua, hãy cố gắng chiếm cho bằng được sau khi đã nhận ra được giá trị của kho tàng. Như thánh Phaolô đã nói: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Cr 9, 24-25).

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy tâm hồn và toàn bộ đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho bản thân họ được Chúa Giêsu cứu thì được thoái khỏi tội lỗi, khỏi sự buồn phiền, khỏi sự trống trải nội tâm, khỏi sự cô độc. Niềm vui vẫn luôn được sinh ra và tái sinh bởi Đức Giêsu Kitô (x. Evangelii Gaudium, 1).

Chúc anh chị em mừng lễ thật nhiều niềm vui và ơn Thánh.

Visited 6 times, 1 visit(s) today