MÌNH THÍCH THÌ MÌNH LÀM THÔI

Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb

     Trong những ngày tháng 8 vừa qua thì cộng đồng mạng đã không khỏi bất ngờ với những hình ảnh các thanh niên trai tráng (cũng không rõ là “thẳng” hay “cong”) lại xuất hiện trong một bộ váy thường thấy của các chị em và ngồi trên xe máy dạo phố trên đường. Qua tìm hiểu thì tôi mới biết được rằng đây là một trào lưu của giới trẻ, nó đang được đánh giá là “Hot trending” mang tên “Một ngày làm công chúa” và trào lưu này đã xuất hiện không chỉ ở trên TikTok hay Facebook mà còn được thấy rất nhiều ở ngoài đời thực, khi mà các “Công chúa” diện cho mình một chiếc váy nữ tính và hiển nhiên vô tư lượn vòng nhiều con phố cho thiên hạ trầm trồ miệng chữ “O”, mồm chữ “A”.

Hiện tại tôi chưa biết được trào lưu này bắt nguồn từ đâu, nhưng theo như những lời đồn đại từ cộng đồng mạng thì “Một ngày làm công chúa” bắt nguồn từ một vụ cá cược của một nhóm thanh niên với nhau, nếu ai thua thì phải mặc váy ra đường. Cũng sau khi video này được đăng tải đã nhanh chóng trở thành một trào lưu được giới trẻ thực hiện theo ngày càng nhiều.

Như chúng ta đã từng biết đến sức lan tỏa của trao lưu này trên mạng xã hội là vô cùng nhanh, tuy nhiên khi theo dõi trào lưu này tôi cũng đã bắt gặp khá nhiều những ý kiến trái chiều nhằm chỉ trích những hành động thế này trên mạng xã hội. Bởi lẽ, đối với nhiều người thì việc làm này khởi đi từ một trò chơi có thể được gọi là vui, hài hước khi mà những anh chàng thanh niên lực lưỡng lại mang cho mình một chiếc váy đầm nữ tính của chị em. Nhưng càng về sau thì càng có nhiều trường hợp những người thực hiện trào lưu “Một ngày làm công chúa” một cách phản cảm, không còn là một “trò vui” nữa mà bắt đầu thể hiện một vấn đề: bạn có biết đó là vấn đề gì không?

Cũng sau trào lưu này thì mới thấy được rằng cộng đồng mạng hiện tại đang quá dễ dãi trong việc tạo trending trên mạng xã hội. Việc các thanh niên mặc váy rồi đăng tải lên mạng xã hội chẳng đem lại bất kỳ thông điệp gì tích cực cả, mục đích đơn giản của họ chỉ là “để cho vui” mà thôi. Đây mới là vấn đề tôi muốn nói với các bạn nhân sự kiện hiện nay.

Slogan: “mình thích thì mình làm thôi”

Tôi không biết từ bao giờ, lời của một ca khúc do ca sĩ Tronie Ngô sáng tác “mình thích thì mình làm thôi” đã trở thành câu cửa miệng của không ít bạn trẻ. Theo đó, không ít người liên tục dùng mẫu câu nói: “Mình thích thì mình… thôi” để trả lời khi được hỏi lý do cho hành động nào đó của họ.

Tôi không biết và không hiểu từ bao giờ các bạn “thích là làm”, “thích là chụp”, “thích là cởi” để giải thích, biện minh cho sự nổi loạn của mình, đôi khi có những vấn đề đi ngược luôn cả những giá trị đạo đức thông thường. Rõ ràng tuổi trẻ thì ngắn, việc để làm thì nhiều, nhưng đâu phải chỉ là để làm những điều như vậy?

Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng ngày hôm nay do tiếp xúc với rất nhiều quan điểm mới, một bộ phận những người trẻ có suy nghĩ thoáng hơn trong nhiều vấn đề, từ bạo dạn quá thành bất chấp tất cả, bỏ qua các chuẩn mực xã hội từ trước đến nay. Thậm chí, đơn giản chỉ là “thích thể hiện”, thích lưu lại những hình ảnh “khác người” để câu like trên facebook, rồi vin cái cớ “lưu lại khoảnh khắc tuổi trẻ” mong đạt được chú ý của người khác.

Tôi không hề phủ nhận việc cá tính nổi trội hơn một chút là xấu, là không tốt. Không ai muốn mình trở thành một con người mờ nhạt giữa một cộng đồng trẻ năng động. Bạn thích thì bạn làm, ok, không ai cấm đoán được cả. Thế nhưng khi bạn thể hiện “cái tôi” hơi quá đáng lại là một việc hoàn toàn khác.

Chúng ta thấy nhan nhản trên mạng những vụ scandal cũng vì thể hiện “cái tôi”, vì “thích là làm thôi”, nên bất chấp hết. Từ hiện tượng Tùng Sơn MTP nổi lên một cách “quằn quại”, “đau khổ” đi thi hát với phương châm “mình thích thì mình hát” trở thành đề tài nóng bỏng trên mạng xã hội trong thời gian dài. Người ta chế giễu, thậm chí miệt thị, xúc phạm Tùng Sơn vậy nhưng người ta vẫn không khỏi tò mò với từng hành động của “công chúa thủy tề này”.

Cũng cách đây không lâu, một thiếu gia con nhà giàu đã quay một đoạn clip dài 30 phút ghi lại cảnh tắm bằng… tiền, anh chàng không ngừng tung những tờ tiền để thể hiện độ giàu có và độ chịu chơi của mình, ừ thì “mình thích thì mình tắm thôi”.
Một thanh niên bỗng dưng đưa ra điều kiện: “Nếu nhận đủ 40.000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một thanh niên khác thách: “Đủ 60.000 like, 15.000 share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”. Một nữ sinh tuyên bố: “7.000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn”…

Và còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng làm những hành động tương tự, “mình thích thì mình điên thôi”, “mình thích thì mình hẹn nhau ra phố đi bộ đánh thôi”, “mình thích thì mình mặc đầm giả gái chạy vòng vòng trên phố thôi”, chẳng cần biết mọi người nghĩ gì, đánh giá thế nào.

Phải chăng mình thích làm gì là mình làm? Phải chăng thế giới này chỉ có một mình bạn?

    Suy cho cùng thì “mình thích thì mình… thôi” chỉ là trò vui, giải trí nhưng nếu nghĩ xa hơn thì những bạn trẻ này đang tạo tiền lệ xấu cho giới trẻ Việt, cứ làm khác người đi, cứ tạo scandal đi rồi sẽ nổi tiếng. Nó khiến cho phông văn hóa bị đi xuống và tụt hậu. Và chắc chắn sẽ còn nhiều người đi theo con đường này, càng độc, càng dị, càng lạ càng tốt. Rồi sẽ tạo ra thêm một thế hệ trẻ bất chấp tất cả để nổi tiếng, một nền văn hóa mất đi những chuẩn mực lẽ ra phải có.

Các bạn ơi, đâu phải cứ thích làm gì thì làm được đâu! Nếu cứ thích là làm một cách nổi loạn, buông thả thế này thì người trẻ không còn biết đâu là giá trị sống, đâu là bản sắc của dân tộc, đâu là nét đẹp riêng của bản thân mình. Tệ hại nhất là những người sống không còn biết tự trọng, biết liêm sỉ chỉ vì lối sống vị kỷ và thỏa mãn cho những nhu cầu thấp hèn của họ.

Một bộ phận người trẻ ngày nay nhiều khi tự cho mình quyết định mọi thứ nên thường bỏ ngoài tai những lời khuyên của người lớn. Họ dám làm tất cả, nhưng quá liều lĩnh và thiếu kinh nghiệm. Họ dám nghĩ, nhưng nhiều lúc quá bồng bột và non nớt. Vì thế, không ít sai lầm đã phải trả bằng giá quá đắt. Họ đang tự yêu “cái tôi”, yêu “tuổi trẻ” đến mức tự cho mình bỏ qua, coi thường sự đánh giá, nhìn nhận của gia đình và xã hội. «Một số người trẻ “cảm thấy truyền thống gia đình như áp bức và chạy trốn nó theo sự thúc đẩy của một nền văn hóa toàn cầu hóa, là nền văn hoá đôi khi không cung cấp cho các em bất kỳ điểm tham chiếu nào» (ChV 80). Họ tự đo mình bằng những bậc thang giá trị mà xã hội chưa từng hoặc sẽ không bao giờ chấp nhận.

Tôi không phủ nhận bạn thiếu tài năng, thiếu nỗ lực, thiếu nhiệt huyết, nhưng đừng lấy tài năng, đừng lấy nỗ lực của mình để đi làm những điều “mình thích thì mình làm” để thả thính câu like, câu view, lôi kéo đồng bọn… Bạn đừng quên rằng «thế giới kỹ thuật số có thể làm cho chung ta có nguy cơ chỉ nghĩ đến mình, cô lập hoặc tìm thú vui trống rỗng» (ChV 104). Thực sự mà nói, một bộ phận thế hệ trẻ đang phải trải qua cuộc “khủng hoảng về giá trị”, mất định hướng, quay cuồng, sống vội, sống buông thả.

Bạn trẻ thân mến,

Chúng mình còn rất nhiều thứ mình thích để làm tốt, để giá trị bản thân được ghi nhận, để xã hội ủng hộ, đồng tình, để lưu lại khoảnh khắc tuổi trẻ tươi đẹp nhường này. Tại sao lại cứ phải chạy theo những điều tầm thường, đạo lý cương thường đảo điên đến vậy?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các bạn như sau: các con cần phải nhận ra một điều cơ bản: tuổi trẻ không chỉ để tìm những thú vui chóng qua và những thành công bề ngoài. Để tuổi trẻ đạt đến cùng đích trong cuộc sống, nó phải là thời gian dấn thân quảng đại, chân thành hiến dâng, và hy sinh, dù đắt giá nhưng cuối cùng hiệu quả. Như một thi sĩ thời danh đã viết:

Nếu để tìm lại được những gì tôi đã tìm lại,

Thì trước hết tôi phải mất đi những gì tôi đã mất;

Nếu để có được những gì tôi đã có,

Thì tôi đã phải chịu đựng những gì tôi đã chịu;

Nếu để được yêu lúc này,

Thì trước hết tôi phải chịu tổn thương,

Tôi nghĩ rằng thật đúng khi chịu đựng những khổ đau tôi đã chịu,

Tôi nghĩ rằng thật đúng khi khóc về những điều tôi đã khóc.

Bởi vì cuối cùng, tôi đã thấy,

Người ta chỉ được vui hưởng điều họ hưởng

Sau khi đã phải chịu đựng để có nó.

Bởi vì cuối cùng, tôi đã hiểu,

Rằng những chùm hoa nở rộ trên cây

Rút nhựa sống từ những gì được chôn dưới đất”.[i]

[i] FRANCISCO LUIS BERNÁRDEZ, “Soneto”, in Cielo de tierra, Buenos Aires, 1937.

Visited 10 times, 1 visit(s) today