suy niệm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Đức Mẹ có chết trước khi được hồn xác lên trời không?

    “Giáo Hội đến nay vẫn không tuyên tín chính thức Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh có phải chết trước khi được Chúa rước hồn xác lên trời hay không, kể cả bản tuyên bố tín điều của Đức Giáo Hoàng Piô XII cũng không khẳng định chuyện này. Tuy nhiên, đa số các Thánh trong Giáo Hội đều nhất trí rằng, Đức Mẹ đã chết và được chôn cất trước khi được rước lên trời…

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng, Đức Maria đã trải qua cái chết thể xác trước khi được rước lên trời. Ngày 25/06/1997, trong buổi tiếp kiến chung, ngài nói: “Để chia sẻ sự phục sinh của Chúa Kitô, Đức Maria cũng phải chia sẻ cái chết của Người trước”. Một điều quan trọng cần nhớ: Chúa Giêsu thăng thiên bởi quyền năng của chính Người là Thiên Chúa. Đức Mẹ Maria lên trời bởi được Chúa mang lên, không phải bởi quyền năng của Mẹ… Tuy nhiên, tông truyền lại có một điểm dị biệt: Các tín hữu Đông Phương mừng lễ ‘An giấc của Mẹ Thiên Chúa’ vào ngày 15/8 chứ không phải lễ Mẹ hồn xác lên trời.” (Theo Larry Peterson, Aleteia, Gioakim Nguyễn dịch).

Trong dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi có đến thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ An Giấc (The Basilica of Dormition), đây là Nhà thờ Công giáo ghi dấu nơi Đức Trinh Nữ Maria đi vào “Giấc ngủ ngàn thu”. Đây là một trong những Nhà thờ hiện đại, rộng lớn và tráng lệ nhất ở Giêrusalem, được các cha Dòng Biển Đức xây dựng vào năm 1906. Từ xa có thể nhìn thấy mái vòm hình chóp và những tòa tháp như dấu hiệu dẫn đường đến núi Sion.

Phía trong Nhà thờ rất sáng, mái vòm chính diện trên gian cung thánh có một bức tranh Đức Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu bằng khảm đá mạ vàng. Sàn nhà được trang trí bằng tranh khảm đá hình tròn xung quanh là các dấu hiệu cung Hoàng đạo (theo khoa chiêm tinh học ngàn xưa). Sau kinh cầu nguyện, chúng tôi đi xuống tầng hầm, đây là một nhà nguyện khá rộng rãi và trang nghiêm năm dưới hầm Vương Cung Thánh Đường, có hai lối lên xuống khác nhau với mỗi bên 24 bậc thang bằng đá cẩm thạch. Giữa ngôi nhà nguyện là bàn thờ đặt tượng Đức Mẹ khổ lớn gấp ba người thường nằm trong thế ngủ. Phía trên bàn thờ bằng đá đặt cách chân Đức Mẹ khoảng 3 mét là bức hình khổ lớn vẽ Chúa Giêsu đứng ở giữa bồng linh hồn Đức Mẹ, còn xác Đức Mẹ được quàn ở phía trên bức hình. Nếu hầu như trong tất cả các bức hình đều vẽ Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng, thì ở đây chính Chúa Giêsu lại ẵm linh hồn của Mẹ Người. Ngôi nhà nguyện được xây theo kiểu Byzantin, có rất nhiều cột, đơn sơ nhưng rất đẹp. Ở phía gian chính nhà nguyện có nhiều bàn thờ phụ hai bên. Trên một trong các bàn thờ ấy có nhà tạm đặt Mình Thánh Chúa. Thật cảm động khi được chiêm ngắm và được sờ bằng tay mình vào chính nơi Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa đã qua đời và được rước cả hồn lẫn xác về Thiên Đàng. Sau khi Đức Mẹ qua đời ở đây, các Tông Đồ đã đưa xác Đức Mẹ đi qua cửa Sion để an táng ở một địa điểm khác. Chúng tôi thành kính quỳ gối lần hạt trước tượng Đức Mẹ ngủ. Nhìn Đức Mẹ thánh thiện ngủ giấc bình an, ai cũng cảm động nguyện cầu khấn xin. Nhiều người thổn thức bên Mẹ.

Theo truyền thống xa xưa, Đức Mẹ không chết mà chỉ ngủ một giấc rồi Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Mẹ dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Deposotio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào Nước Chúa). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới cái chết của Đức Mẹ. Tiếng “assumptio” (bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ), lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Mẹ được đưa vào vinh quang của Chúa (giống như các thánh); về sau từ ngữ này được dùng để chỉ việc Mẹ được cất về trời. Giáo hội phân biệt hai từ ngữ, “ascensio” áp dụng cho Chúa Giêsu vì Ngài lên trời do quyền năng riêng, còn “assumptio” áp dụng cho Mẹ để nói rằng Mẹ được Chúa đưa về trời.

Chúng tôi đến Vườn Cây Dầu và Vương Cung Thánh Đường Các Dân Tộc. Vườn Giệtsimani ở dưới thấp nằm cách Vườn Cây Dầu khoảng 40m, đây chính là nơi xưa kia ba Môn đệ ngồi ngủ trong khi Chúa Giêsu đi cầu nguyện ở Vườn Cây Dầu nằm phía trên, chính nơi đây Chúa bị bắt. Giêtsimani trong thực tế là một cái hang hay một cái hầm đá. Hiện tại là một ngôi nhà nguyện. Cuối nhà nguyện có một cái giếng, bên cạnh đó khoảng 30m là nơi an nghỉ của Mẹ Maria, hiện được xây trùm lên bằng một ngôi Thánh Đường vĩ đại. Mộ nằm sâu dưới hầm nhà thờ qua 45 bậc thang bằng đá cẩm thạch. Để vào phòng có mộ Đức Mẹ nằm phía sau một bàn thờ, người ta phải cúi thấp để đi qua một khung cửa thấp và hẹp, sau đó lại đi ra bằng một khung cửa hẹp khác. Mộ là một tảng đá cẩm thạch hình chữ nhật. Theo lưu truyền, sau khi Đức Mẹ qua đời, các Tông Đồ đã đặt xác Đức Mẹ trong một quan tài, nhưng sau đó không lâu, các ngài mở quan tài ra thì không thấy xác Đức Mẹ trong đó nữa, và bỗng chốc các ngài nhìn thấy từ trên trời rơi xuống trước mặt mình chiếc khăn thắt lưng của Đức Mẹ. Qua dấu hiệu đó, các Tông đồ biết rằng Đức Mẹ đã sống lại và đã về Thiên đàng rồi.

Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố vào ngày 1.11.1950: “Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về trời cả xác hồn”. Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rằng Đức Maria không phải chết và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng, Đức Maria không mắc tội nguyên tổ nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về trời cả xác và hồn.

Nhìn Đức Mẹ ngủ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Nước Trời.

Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave. Magnificat là lời kinh thấm đẫm chất thơ. Thánh vịnh là thi ca cầu nguyện của dân tộc Do thái. Hàng ngày Đức Mẹ cầu nguyện với Thánh Vịnh.

Những lời ngợi ca Magnificat nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.

Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn nầy lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Đức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là “Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.

Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

Trong kỹ thuật hàng không, máy bay cần có 3 thông số quan trọng: bộ phận định hướng tốt, làm nhẹ thân tàu và tăng cường sức đẩy động cơ. Mẹ về Trời, đó là định hướng cho mỗi người theo Mẹ. Càng nhẹ nhàng khi trút bỏ cồng kềnh vật chất, mỗi người sẽ thênh thang cuộc sống nhẹ bay lên cao trong đời sống thiêng liêng. Mỗi tín hữu cần trang bị đời mình qua việc đón nhận hồng ân và cộng tác tích cực sống đạo hạnh, như thế sức đẩy động cơ sẽ mạnh lên. Thực hiện 3 thông số ấy, mọi người sẽ gặp gỡ nhau trên quê hương vĩnh phúc với Mẹ Đầy Ơn Phúc.

Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau này cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).

Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng, có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở; với niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, tin yêu phó thác nơi lòng thương xót Chúa.

               Hôm nay mừng Mẹ Lên Trời.

              Ngày mai đến lượt mỗi người chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Visited 92 times, 1 visit(s) today