(ANS – Tô-ri-nô): 19.02.2020 – Khi chọn Valdocco là nơi họp Tổng Tu Nghị 28, những kỳ vọng nơi Tổng Tu Nghị này, vai trò người trẻ và người đời, cảm thức về sự hiện diện tuyến đầu… Tất cả những vấn đề này và còn hơn nữa đều có trong video phỏng vấn cha Bề Trên Cả AF. Artime.
Tổng Tu Nghị 28 được cử hành tại Tô-ri-nô – Valdocco: Tại sao thế?
Vì đây là nơi khai sinh ra Hội dòng. Đơn giản chỉ cần nhìn vào khu sân trong, nhà Pi-nạc-đi, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu… thì vấn nạn “Mẫu người Sa-lê-diêng nào cho các người trẻ ngày hôm nay?” có thể tìm được nhiều câu trả lời.
Cha Bề Trên Cả kỳ vọng gì nơi Tổng Tu Nghị 28?
Trước hết: Chúng ta phải xác tín rằng ngày hôm nay, chúng ta vẫn đặt sự chọn lựa ưu tiên cho những người trẻ nghèo khổ nhất.
Thứ hai: Ngay cả nếu niềm đam mê giáo dục vẫn không đổi thay qua các thế hệ đi nữa, thì chúng ta vẫn phải học hỏi về lối sống, sự cảm nhận và hiểu biết về lối sống của các Sa-lê-diêng trẻ trong thời đại kỹ thuật số.
Thứ ba: Tổng Tu Nghị 28 này, cũng như Tổng Tu Nghị 24 vốn đã là một Tổng Tu Nghị nói nhiều về sứ mệnh được chia sẻ với người đời, hẳn phải giúp chúng ta thực hiện tròn đầy một sự hoán cải thực sự mà tới nay vẫn chưa làm được trọn vẹn.
Cha nghĩ gì về các anh em hội viên từ Tổng Tu Nghị 28 này?
Cha cho rằng họ đều kỳ vọng “những điều mới lạ”. Thế nhưng chẳng có gì mà lại chưa từng nghe trước đây, vẫn chỉ là sự khẳng định rằng những người Sa-lê-diêng mong muốn phục vụ các người trẻ, làm mới lại giấc mơ Sa-lê-diêng của mình. Cha tin rằng các hội viên kỳ vọng một lời nói mạnh hơn về chính căn tính của cuộc sống Sa-lê-diêng, làm thế nào để đào luyện những người Sa-lê-diêng ngày nay biết khiêm tốn, trưởng thành…
Có điều gì đổi thay từ Tổng Tu Nghị lần thứ 1 đến Tổng Tu Nghị 28 này?
Đoàn sủng Sa-lê-diêng là một ân ban của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội. Sự bành trướng lan rộng của Hội dòng ngày hôm nay là lý do để cảm tạ Thiên Chúa, nhưng cũng là một trách nhiệm, là việc cống hiến cho Giáo hội chính đoàn sủng Sa-lê-diêng trong sức năng động tràn đầy.
Tổng Tu Nghị dành cho những người Sa-lê-diêng, nhưng giới trẻ và người đời cũng sẽ được tham dự. Tại sao lại như thế?
Đây chẳng phải là một thứ chọn lựa mang tính quảng cáo. Chúng ta mời một số bạn trẻ và người đời đến tham dự để giúp chúng ta trong phần thứ 2 của Tổng Tu Nghị khi chúng ta muốn đưa ra những quyết định. Chúng ta muốn nghe chính ý kiến của họ, lối họ nhìn vào chúng ta và vào những thực tại Sa-lê-diêng.
Liên quan đến 3 nhóm mà chủ đề xoay quanh (sứ mệnh với người trẻ, diện mạo của người Sa-lê-diêng, và việc chia sẻ sứ mệnh), có điều nào chiếm phần nổi bật không?
Không đâu. Cả ba đều liên quan với nhau. Chúng ta không thể trả lời cho vấn nạn “Mẫu người Sa-lê-diêng nào cho giới trẻ ngày hôm nay?” nếu cả 3 mặt này không được bàn tới. Nếu bạn bỏ qua sự ưu tiên của sứ mệnh với người trẻ, thì bạn sẽ trở thành một người thánh hiến nào khác rồi chứ không phải là một người Sa-lê-diêng Don Bosco. Đồng thời, để đến với các người trẻ ngày hôm nay, chúng ta không thể không để tâm đến mẫu người Sa-lê-diêng cần phải đào luyện. Và sau cùng, không thể nghĩ tới việc thực hiện sứ mệnh Sa-lê-diêng mà lại không nói gì tới người đời.
Những người Sa-lê-diêng thường hiện diện nơi nhiều tuyến đầu trên thế giới. Hội dòng có cống hiến gì đặc biệt không?
Cha mới ở đất nước Venezuela cách đây vài ngày: Những gì mà các hội viên của chúng ta làm ở đó thì có gì đặc biệt? Cha xin trả lời: “Tất cả mọi điều và cũng chẳng có điều nào cả”. Họ chỉ đồng hành với cuộc sống của dân chúng, cố gắng không làm mất đi phẩm giá, mong muốn sống và tìm mọi cách đáp trả những điều khẩn thiết trong những hoàn cảnh khó khăn ở nơi đó. Cha cho rằng đó chính là điều bí mật.
Văn Chính, SDB chuyển ngữ