Chúa Nhật 4 Thường Niên Năm C: Mầu nhiệm Ơn gọi

Có một lần, một vị Giám mục kia gặp nhạc sĩ Văn Cao và hỏi ông: “Thưa ông, ông quả là một thiên tài đã sáng tác nhiều ca khúc nổi danh. Khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, ông cảm thấy điều đó có ý nghĩa gì?”. Văn Cao suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Âm nhạc đối với tôi là một ơn gọi”. Không biết vị nhạc sĩ  lão thành này có phải là một tín hữu Công giáo hay không, nhưng khi trả lời như thế, rất có thể ông đã từng được rửa tội, đã trải nghiệm đời sống đức tin và đã ý thức về con đường mà Chúa mời gọi ông dấn bước vào. Chỉ người Công giáo đích thực mới hiểu thấu ơn gọi là gì.

Ơn gọi là một mầu nhiệm

Ơn gọi mà mỗi người chúng ta đang sống là một mầu nhiệm. Đó là con đường được chính Thiên Chúa vạch dẫn và gọi mời chúng ta bước vào. Mọi ơn gọi đều khởi phát từ Thiên Chúa. Đây không phải là tổng hợp những công việc chúng ta làm hay là sự nghiệp chúng ta theo đuổi. Người Công giáo nói chung, đặc biệt các linh mục và tu sĩ nói riêng được nghe nói rất nhiều về ý niệm này. Giáo hội vẫn dành riêng Chúa Nhật 4 Phục Sinh để mời gọi mọi người hướng ý cầu nguyện cho ơn gọi, hay ơn thiên triệu. Chúng ta vẫn thường xuyên được nhắc nhở về bổn phận sống ơn gọi của Bí tích Thánh Tẩy. Nhưng trong thực tế, chúng ta đã am tường và sống hoàn thiện ơn gọi nơi mình như thế nào?

Trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ âm hôm nay, Giêrêmia đã tường thuật lại lịch sử ơn gọi của ông. Thiên Chúa đã gọi và chọn ông làm ngôn sứ. “Trước khi ngươi được hình thành trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi chào đời, Ta đã thánh hóa ngươi. Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho dân” (Giê 1,5). Trong Giáo hội có nhiều loại hình ơn gọi. Người thì được mời gọi sống thiên chức linh mục hoặc sống đời thánh hiến tu sĩ. Đa phần còn lại, chúng ta sống ơn gọi nên thánh giữa đời trong bậc sống giáo dân. Nhưng tất cả đều quy tập về một ơn gọi căn bản duy nhất, đó là bước theo Chúa Giêsu để trở nên môn đệ Ngài. Một bữa nọ, có một cô gái đến gặp mẹ Têrêsa Calcutta để xin vào dòng. Chị ta nói: “Thưa Mẹ, con cảm thấy Chúa đang mời gọi con và muốn con hiến thân để phục vụ những người nghèo khổ giống như Mẹ đang làm”. Mẹ Thánh trả lời: “Điều quan trọng không phải là con tự chọn lấy cho mình một lối sống, nhưng con hãy quảng đại đáp lại tiếng mời gọi và bước theo Chúa Giêsu. Sau đó, Chính Ngài sẽ chỉ cho con biết con phải làm gì”. Điều cốt lõi để sống mầu nhiệm ơn gọi không phải là liệt kê tổng số những công việc chúng ta ‘làm’, những ở cách chúng ta ‘là’. Chúng ta là ai, có thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu hay không, chứ không phải chúng ta sẽ phải làm những gì.

Bài ca đức mến, Hiến chương ơn gọi

Đức Giêsu đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo như nhiều người thường hay nghĩ. Ngài đến để thực hiện kế hoạch cứu thế mà Chúa Cha đã vạch dẫn. “ Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10,9). Đây là con đường ơn gọi và cũng là sứ mệnh cứu thế của Chúa. Để thực hiện sứ mệnh đó, Đức Giêsu đã hoàn thiện một cách sung mãn mầu nhiệm tình yêu qua việc treo thân trên Thập giá nhằm hiển thị điều Ngài nói với các môn sinh: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người hiến dâng vì bạn hữu”. Nói tóm lại, trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã thiết lập một ngôi trường, và ngôi trường này có tên gọi là ‘trường học tình yêu’. Môn học duy nhất Ngài truyền thụ lại cho các học trò cũng chính là môn học về tình yêu. “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

‘Tình yêu’ chính là tên gọi của Thiên Chúa như Thánh Gioan đã định nghĩa. Đó cũng là tiêu chí duy nhất để chúng ta hoàn thiện ơn gọi bước theo Chúa Giêsu.

Không phải vô tình mà Giáo hội chọn ‘Bài ca đức mến’ của Thánh Phaolô để đọc trong phụng vụ hôm nay. Đây là tổng lược về cuộc hành trình ơn gọi mà chúng ta phải sống để hoàn thiện mỗi ngày. Thánh Phaolô dẫn giải rất tỉ mỉ cách thức để giúp chúng ta biết cách thực hành. Ngài viết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thực”. Ngoài ra, vị Thánh Tông đồ còn nêu những khía cạnh tích cực để diễn tả đức mến: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,4-17).

Thánh Phanxicô Salê, vị tiến sĩ đức ái đã tóm kết về con đường ơn gọi này. Ngài viết: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái chính là sự hoàn thiện của tình yêu”. Sống sung mãn đức ái, chúng ta cũng sẽ đạt đến sự viên thành trong đời sống ơn gọi của chúng ta.

Gương mẫu Đức Giêsu

Đức Giêsu đã đi vào trần gian như một ‘ngôn sứ’ của Chúa Cha. Đó cũng là ơn gọi gắn liền với sứ mạng cứu thế của Ngài. Ơn gọi đó khởi đầu nơi máng cỏ Bêlem và hoàn tất nơi đỉnh cao Thập giá. Tại Bêlem, Ngài bị mọi người chối từ đến độ không một quán trọ nào chịu mở cửa tiếp đón. Trên Thập giá, sự từ chối đạt đến đỉnh điểm khi toàn dân đồng thanh đả đảo và kết án Ngài như một tên cướp. Cũng vậy, tại hội đường Do Thái mà bài Tin mừng hôm nay thuật lại, sự chối từ đó dần dần được hiện lộ. Chúa đã trích dẫn lời Kinh thánh Cựu ước để ám thị về mình: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Sống ơn gọi theo Đức Giêsu là chấp nhận đi vào con đường tự hủy của Thập giá. “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình vào Thập giá hằng ngày mà theo”. Don Bosco trong ngày lãnh tác vụ linh mục đã được thân mẫu Ngài dặn dò: “Hôm nay con đã trở thành Linh mục của Chúa. Cuộc sống con phải gắn kết với Thập giá Chúa Giêsu. Bắt đầu dâng Thánh lễ là bắt đầu vác Thập giá cùng với Chúa để hiến thân trọn vẹn phục vụ các linh  hồn”.

Kết luận

Ông Dunan là người sáng lập hội Hồng Thập tự quốc tế. Trong những năm tháng cuối đời, ông đã hiến tặng toàn bộ tài sản ông có để thực  hiện ‘Bài ca Đức  mến’ theo gương Chúa Giêsu. Ông nói với mọi người: “Khi tôi chết đừng để trên ngôi mộ của tôi những gì đắt tiền hay xa xỉ. Tôi không cần một cỗ quan tài xa hoa lộng lẫy. Tôi cũng không muốn có những vòng hoa phân ưu lỉnh kỉnh cùng những nghi lễ trang trọng bề ngoài. Điều duy nhất tôi mong muốn, là hãy để trên ngôi mộ của tôi một cây Thánh giá. Tôi muốn mọi người biết rằng khi tôi còn sống hay khi tôi đã chết đi, tôi vẫn mãi là môn đệ của Đức Kitô”. Ông Dunan đã thâm tín sâu xa và sống trọn vẹn ơn gọi của mình, còn chúng ta thì sao?

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB

Visited 16 times, 1 visit(s) today