Đi Làm Tông Đồ Là Gì?

Tại sao phải là một đời sống thần nghiệm trong hoạt động và hoạt động thì lại mang sự thần nghiệm trong đó. Tại sao lại phải gọi là “đi làm tông đồ” chứ không phải là “đi giúp hè”.

Cứ như thường lệ hằng năm, anh em học viện Don Rua Đà Lạt của chúng tôi cũng như những anh em trong giai đoạn đào luyện ban đầu khác được Bề trên gửi đến các điểm tông đồ như giáo xứ, trung tâm trẻ… để trải nghiệm đời sống tông đồ Salêdiêng trong hai tháng hè. Quả thật đối với tôi, đây là một thời gian rất quý báu cho chính bản thân mình khi tôi được sống và làm việc với giới trẻ thật sự trong hai tháng này. Tất cả thời gian, công sức và con người của chúng tôi là để dành cho chúng.

Thế nhưng, tôi phải thú nhận rằng, đôi lúc mình cũng đã hoanh hoang cho rằng những gì mình làm chính là việc tông đồ nhưng thực ra, đó dường như chỉ là một công việc “giúp hè” thì đúng hơn. Tôi tự hỏi rằng mình cần phải sống như thế nào đây trong hai tháng để có thể gọi là một người tông đồ thực sự để đi làm tông đồ cho Chúa và Tu hội đây?

Nhìn các trẻ đến với nhà dòng, nhà thờ, lòng tôi cảm thấy phấn khởi, hào hứng vô cùng bởi vì chúng còn ao ước để đến đây, còn thích để gặp gỡ các cha các thầy, và còn vui để chơi ở đây. Tôi có thể cho chúng nhiều hoạt động, giải thưởng và làm cho chúng vui thích. Vâng điều đó quả là tốt nhưng rồi chợt nghĩ lại nếu giả sử khi không còn hoạt động như trong hè nữa thì liệu chúng như thế nào đây? Hóa ra những việc tông đồ cũng chỉ là giúp cho trẻ có thêm những hoạt động bổ ích trong hè thôi sao? Rồi tôi cũng như bao anh em khác cũng phải chia tay các em và tiếp tục lên đường với một sứ mệnh mới. Rồi tôi hay anh em tôi có thể mang lại cái gì cho các em sau hai tháng hè đây?

Những công việc tông đồ này có lẽ rất hấp dẫn, rất bổ ích đấy nhưng rồi nó sẽ đem lại lợi ích gì đây? Lợi ích gì mới là thiết thực cho một việc gọi là “việc tông đồ” đây?

Dường như có cái gì đó đang đánh động tôi làm cho tôi suy tư về việc tông đồ của mình. Quả là tôi không phải là người đi giúp hè nhưng phải đúng hơn là người tông đồ của Chúa, ra đi vì một mệnh lệnh của Đấng đã yêu thương tôi và chọn gọi tôi để đem Tin Mừng đến cho những thanh thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Nét thần nghiệm khi hoạt động, làm việc cho giới trẻ là đâu? Theo cá nhân của tôi thì đó chính là một cõi lòng. Cõi lòng của một người chìm ngập trong tình yêu và rồi lại là một người để sống cho tình yêu ấy. Và phải thú thật rằng, đã có lúc tôi đóng vai là một người với nhiều hoạt động nhưng với một cõi lòng rỗng tuếch. Tôi có thể làm cho chúng điều này điều kia, cho chúng nhiều món quà hấp dẫn nhưng rồi giới trẻ đã đáp lại tôi: “Chúng con cần một điều gì khác thầy ah!”.

Thánh Phêrô, Phaolô lại không phải là người có cõi lòng yêu mến tột cùng để rồi dám hy sinh tất cả vì Hội Thánh đó sao? Không phải tình yêu đã làm cho Don Bosco dám sống cả một đời vì giới trẻ đó sao? Và rồi đến lượt tôi là những người sống đời thánh hiến, không phải tôi cũng được mời gọi để sống và chết cho giới trẻ với một cõi lòng đầy ắp tình yêu sao?

Chính lúc này, tôi phải là người thần nghiệm ở giữa giới trẻ. Tôi không thể đem Tin Mừng của Chúa đến cho giới trẻ được nếu như tôi không phải là người có hạnh phúc thật sự được. Làm việc tông đồ như thế thì còn có ý nghĩa gì nữa cơ chứ. Và người sống thánh hiến như thế thì có phải là tông đồ của Chúa nữa không?

Vậy thì trước hết tôi phải là người hạnh phúc, là người có cõi lòng của tình yêu trước hết đã rồi tôi mới là người đi làm tông đồ của Chúa. Điều quan trọng nằm ở chỗ này. Tôi không thể nào dừng lại ở những hoạt động bề ngoài được nhưng đúng hơn phải là hoạt động với một cõi lòng. Và tôi cũng không thể nào có một cõi lòng mà không hành động gì cả. Vậy thì trước hết, tôi phải là người có cõi lòng.

Tiếp đến, người có cõi lòng thì lại phải sống cho người trẻ thấy mình hạnh phúc chứ nhỉ. Và nếu cõi lòng đầy ắp tình yêu mến rồi thì cớ gì tôi lại phải trốn chạy những khó khăn, thách đố trước mắt cơ chứ. Có ai lại nói “Tôi và cô yêu nhau như thế đủ rồi, còn việc sống với nhau và chịu thử thách cùng nhau thì chắc có lẽ tôi không dám”. Yêu như thế thì còn gì là yêu. Cõi lòng như thế thì chắc chắn không phải là cõi lòng của tình yêu rồi. Tôi có thể yêu làm sao được khi tôi không muốn nói cho người khác được rằng tôi hạnh phúc bên người đó dù có vui hay buồn đi nữa. Tôi yêu người trẻ ah, tôi hãy chứng minh tôi hạnh phúc bên người trẻ chứ dù người trẻ có như thế nào đi nữa. Tôi hãy đến gần với giới trẻ, tôi hãy làm những gì có thể trong khả năng hiện tại của tôi để cho người trẻ thấy rằng tôi hạnh phúc chứ nhỉ. Điều quan trọng là gì? Thưa đó là hãy nói cho người trẻ rằng tôi hạnh phúc, tôi đang được yêu mến chứ không phải là tôi sẽ làm được cái gì.

Là một người Salêdiêng, tôi ý thức được vai trò sứ mệnh tông đồ cao cả mà Chúa gửi đến cho tôi. Sứ mệnh ấy không chỉ là một công việc mang tính bên ngoài; và sứ mệnh ấy cũng không phải là công việc nói xuông là tôi sống vì giới trẻ mà không có một hành động nào.

Thời gian hè quả là thời gian quý báu cho tôi; thời gian mà tôi có thể sống như là một người tông đồ thực sự giữa giới trẻ; thời gian để tôi có cơ hội cảm nghiệm nhiều hơn về tình yêu bao la của người Cha nhân lành và cũng là thời gian để tôi có thể sống chứng tá cho tình yêu ấy.

Cảm tạ Chúa, cảm tạ Chúa vì đã yêu con cách lạ lùng. Xin cho tình yêu ấy được tràn ngập khắp nơi nơi và xin cho công việc tông đồ của chúng con cũng làm triển nở tình yêu ấy trên thế giới này. Amen.

Đaminh Lê Hoàng Trường Sơn, SDB

Visited 40 times, 1 visit(s) today