(SHUWUU, 07.05.2018) – Vào lúc 10 giờ 30 sáng, Chúa Nhật, ngày 06.05.2018 vừa qua, cộng đoàn tín hữu nhỏ bé tại giáo điểm Shuwuu – Mông Cổ, đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật 6 Phục Sinh, nhưng đây cũng là dịp đầu tiên họ long trọng mừng lễ Thánh Đa-minh Sa-vi-ô theo truyền thống Sa-lê-diêng.
Đến hiện diện trong ngày mừng lễ này có cha Paul Leung, Bề Trên Phụ tỉnh của Mông Cổ, cha Gioan Kim Khẩu Phạm Ngọc Trường và cha Phê-rô Phạm Văn Chính đến từ Việt Nam, quý cha và sư huynh của cộng đoàn Don Bosco Ulaanbaatar. Ngoài ra, còn có 4 nữ tu FMA đến từ cộng đoàn ở thủ đô Ulaanbaatar. Tất cả cùng hòa chung niềm vui với cộng đoàn tín hữu nhỏ bé tại đây. Căn nhà nguyện hôm nay cũng hơi nhỏ so với số người đến tham dự thánh lễ. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Mông cổ. Chủ tế thánh lễ là cha An-rê Trung Tín và quý cha Sa-lê-diêng đồng tế. Cộng đoàn, đặc biệt các em thiếu nhi, giúp sinh động thánh lễ qua những bài hát và bộ lễ bằng tiếng Mông Cổ.
Sau Thánh lễ, tất cả cộng đoàn, từ người lớn đến trẻ em, đều tham gia vào những trò chơi hội chợ với những trò chơi truyền thống thường thấy: Thảy cổ chai, câu cá, ném phi tiêu, thả bóng, ném lon… Đây là lần đầu tiên cộng đoàn địa phương được tham gia vào dạng thức sinh hoạt hội chợ này, nên mọi sự đều thích thú và ngỡ ngàng. Hội chợ kết thúc sau khoảng 1 tiếng rưỡi, mọi người nghỉ ăn trưa trong căn phòng của giáo xứ. Sau đó, mọi người cùng tham gia vào buổi rút số lô tô. Mười chiếc xe đạp như những món quà đến từ những ân nhân ở Việt Nam, được trao cho những người trúng giải (Bing-gô).
Giáo điểm Shuwuu là một giáo điểm mới của Sa-lê-diêng Mông Cổ, một địa điểm nằm về phía Đông Nam của thủ đô Ulaanbaatar, cách thủ đô khoảng 45 cây số. Shuwuu trong tiếng Mông Cổ là loại gà, chim, vì nơi đây nuôi nhiều chim, gà. Đây cũng là nơi sống trung chuyển của nhiều người dân thủ đô, trước khi họ di chuyển và định cư tại thủ đô Ulaanbaatar.
Trước năm 2000, dòng nữ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội (ICM) – đã tới Shuwuu để làm việc. Họ gầy dựng một nông trại với 3 khu: Khu lớn chuyên trồng trọt (12 mẫu), một khu khoảng 2 mẫu dành cho việc sinh hoạt với những chiếc lều theo kiểu của người Mông Cổ và một khu khác cũng hơn 2 mẫu dùng làm nơi ở và nhà nguyện. Ngoài công việc nông trại, hội dòng ICM còn có một lò làm bánh mì, một hệ thống cung cấp nước và một khu tắm cho dân chúng địa phương, Về việc mục vụ, nơi đây không có cha xứ chính thức, nhưng có việc cử hành thánh lễ hằng tuần và việc dạy giáo lý cho dân chúng. Sau một thời gian mục vụ, đã có khoảng 60 người trên 16 tuổi được rửa tội.
Sau khi Hội dòng ICM rời bỏ khu vực này, trong suốt 3 năm không có sự chăm sóc mục vụ và những hoạt động khác. Số tín hữu Công giáo giảm dần. HIện nay, số người Công giáo tại đây chỉ còn rất ít, vì một số người đã rời vào sống trong thủ đô, một số khác đã bỏ đi định cư nơi khác. Số nhân viên làm việc cho khu này còn lại 5 người.
Từ năm 2015, các anh em Sa-lê-diêng đã bắt đầu đến làm việc tại Shuwuu theo lời mời của Đức Giám mục Mông Cổ, Đức Cha Wenceslao Padilla. Tháng 11.2016 lễ thánh Martin, Đức cha Wenceslao Padilla đã trao lại giáo điểm này cho Sa-lê-diêng, nhưng mãi đến lễ Thánh Gia cuối năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 25 năm truyền giáo Mông Cổ, nơi đây mới trở thành giáo xứ chính thức. Ngày đó cũng có 7 người được rửa tội: 4 người trẻ, 3 người lớn. Tổng số giáo dân hiện nay tại đây có khoảng 15 người lớn.
Nhóm trẻ khoảng 25 em cũng thường xuyên tham gia các sinh hoạt, nhưng hầu hết các em chưa được rửa tội. Những ngày cao điểm sinh hoạt trong mùa hè thì số các em lên đến 40-50 trẻ.
Hiện nay hằng tuần, từ thứ Năm đến hết ngày Chúa nhật, cha An-rê Trung Tín và cha Mario đến ở lại giáo điểm này, để cử hành thánh lễ, chăm sóc mục vụ và có những sinh hoạt với người dân địa phương. Vào thứ Bẩy và Chúa nhật hằng tuần, cũng có 2 nữ tu FMA đến phụ giúp các công việc mục vụ. Các công việc mục vụ tại đây bao gồm việc cử hành thánh lễ, thăm viếng mục vụ các gia đình, các sinh hoạt giáo lý, nguyện xá như chơi, học âm nhạc, ca múa… và cả việc dạy tiếng Anh cho các nhân viên chính quyền địa phương. Anh em Sa-lê-diêng tại đây cũng có mối tương giao rất tốt với chính quyền địa phương. Trong tương lai, các anh em Sa-lê-diêng muốn gầy dựng một Trung tâm trẻ cho Giáo hội với nhiều sinh hoạt đa dạng khác nữa.
Vì việc xa cách và nhu cầu hiện diện thường xuyên, các anh em Sa-lê-diêng mong sẽ sớm thành lập một cộng đoàn tại đây, để công việc mục vụ thuận lợi và đạt kết quả hơn nữa.
Văn Chính, SDB