Bài chia sẻ của một người đời đã trải qua 56 năm kinh nghiệm tham phần vào sứ mệnh Truyền giáo và Giáo dục Salêdiêng

(Fatumaca, Đông Timor – 07.05.2018) – Ông Rui da Costa Belo năm nay 83 tuổi. Ông đã làm giáo viên tại các trường Salêdiêng và làm giáo lý viên suốt từ năm 1962 trở lại đây. Vào năm 1962, Cha Joao de Deus, SDB đã mời ông đến dạy học tại trường tiểu học Baucau, sau đó ông tiếp tục dạy tại trường Baguia và tại trường Fatumaca. Từ đó đến nay, ông vẫn kiên trì dạy học và dạy giáo lý, tham phần vào sứ mệnh giáo dục và truyền giáo Salêdiêng. Ông là ông bố của gia đình có 9 người con, trong đó có 1 nữ tu dòng Canosse. Chúng tôi đã phỏng vấn ông bằng tiếng Tetun, và thầy Filipe đã chuyển ngữ sang tiếng Anh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

1-Thưa Thầy, điều gì khiến thầy cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc tại các trường Don Bosco?

+ Đó là tinh thần Don Bosco, là linh đạo Salêdiêng. Khi tôi quảng bá Tin mừng, công bố Lời Chúa, tôi thực sự rất vui mừng. Những công việc đó khiến tôi đến gần Chúa hơn, theo sát gót chân của Don Bosco. Vả lại, tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được gặp gỡ các bạn trẻ mỗi ngày. Trong sứ mệnh giáo dục, tôi đến với Chúa gần sát hơn. Khi dạy giáo lý, tôi cũng trở nên phương tiện để đem ơn Chúa đến cho mọi người.

2- Thầy đã có hàng ngàn học sinh cũ, nhiều em đang trong Hiệp hội Cựu học viên Don Bosco. Thầy cảm thấy thế nào?

+ Tôi có rất nhiều học sinh cũ, nhiều không đếm nổi và tôi cũng không thể nhớ hết tên của từng em. Khi tôi có dịp gặp lại các em, các em luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi.

3- Theo thầy, làm thày giáo hay làm giáo lý viên ngày hôm nay, điều thách đố lớn nhất là gì?

+ Dạy học các em học sinh lắm lúc cũng gặp khó khăn. Nhiều em rất bướng, hay quậy phá, không chịu làm bài. Cần phải khôn ngoan và kiên nhẫn. Các thầy giáo phải luôn hiện diện giữa các em học sinh, để nhắc nhở và đồng hành với các em. Cần nhất là phải biết nhẫn nại. Không có sự kiên nhẫn thì không thể làm nhà giáo dục được.

4- Thầy đã gặp Don Bosco như thế nào?

Vào năm 1958, lúc tôi còn là học sinh tại tiểu chủng viện Đaminh ở Manatuto, tôi đã được xem phim về Don Bosco. Nhưng mãi đến năm 1962, tôi mới có dịp gặp vị tu sỹ Don Bosco đầu tiên ở Baucau, đó là Cha Joao de Deus. Ngài là một người bạn thân thiết và cũng là người Cha đáng kính của tôi. Cha Joao đã mời tôi đến chỗ Ngài để dạy học.

5- Thầy có điều gì trăn trở đối với lớp trẻ ngày hôm nay?

+ Những trăn trở của tôi thay đổi theo dòng thời gian. Trước đây, tôi chỉ cần chúng biết nghe lời, còn bây giờ thì khác. Mọi người đều bình đẳng trong một xã hội dân chủ. Đôi khi tôi cảm thấy buồn khi mình không được lắng nghe, cả khi giữa các giáo viên, họ cũng không biết lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau.

6- Sống trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, Hệ thống Giáo dục Dự phòng của Don Bosco có thể giúp chúng ta điều gì, thưa thầy?

+ Có chứ. Don Bosco đang ở trên trời, nhưng tinh thần của Ngài vẫn đang sống động và trợ giúp chúng ta rất nhiều. Anh em tu sỹ Don Bosco đã hiện diện ở Fatumaca suốt 52 năm qua, và đã có nhiều đổi thay nơi dân chúng ở đây. Hiện nay, vùng này hoàn toàn là người Công giáo, khác xa với quá khứ trước đây. Đền Thánh Quốc gia Đức Mẹ Phù hộ đã được xây dựng từ năm 1988 và hiện nay, Đền Thánh lúc nào cũng mở cửa cho khách hành hương từ khắp nơi đến kính viếng và cầu nguyện. Nhưng trong thời buổi văn minh hiện nay, càng ngày càng có ít người đi tham dự Thánh lễ vào các ngày trong tuần, tuy rằng vào Chúa nhật hay vào các ngày lễ, người ta đi đến nhà thờ rất đông đảo. Người ta đến đây để xin khấn Đức Mẹ. Mọi người đều tất bật với bao công việc mưu sinh hằng ngày.

7- Thầy có kinh nghiệm gì khi làm giáo lý viên?

+ Suốt 65 năm qua, tôi dạy giáo lý cho các em trong các lớp xưng tội rước lễ lần đầu, lớp thêm sức, các lớp giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân. Tôi dạy giáo lý tại trường Fatumaca, tại Đền Thánh Đức Mẹ Phù hộ, và cả tại các tư gia. Tôi làm giáo lý viên chỉ vì một lý do đơn giản, đó là tôi ý thức đây là ơn gọi của tôi. Tôi sẽ tiếp tục dạy giáo lý cho đến chết. Chúa đã gọi tôi và muốn tôi thực thi sứ vụ này. Nhiều người Công giáo có khả năng và có điều kiện, nhưng chẳng tha thiết gì đến sứ vụ đó. Khi tôi mời họ tham gia việc dạy giáo lý, họ hỏi tôi, thế ai sẽ trả lương cho tôi và trả bao nhiêu?

8- Thầy có điều gì muốn nhắn gửi đến những người đang tham phần vào sứ mệnh Salêdiêng giống như thầy?

+ Tôi thấy hiện nay, giới trẻ tại Đông Timor ít đọc Kinh Thánh. Cần phải quảng bá Kinh Thánh cách rộng rãi cho lớp trẻ hôm nay, vì đó là cách thế để đạt đến ơn cứu độ. Chúng ta cần phải kiện cường niềm tin nơi giới trẻ, niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc. Tôi cũng mời gọi mọi người trong tháng Năm này, tháng hoa kính Đức Mẹ, chúng ta hãy sốt sắng lần hạt Mân côi mỗi ngày. Lời kinh Kính mừng là lời kinh tôi yêu thích nhất.

Riêng đối với các bạn trẻ tại Đông Timor, tôi chỉ xin nói một điều. Chúng ta đang mắc nợ các vị truyền giáo đã đến đây gieo mầm đức tin cho chúng ta. Bây giờ đến lượt các bạn. Các bạn hãy kế tục sứ mệnh này, và hãy quảng đại lên đường để tiếp nối hành trình truyền giáo của các bậc tiền bối năm xưa. Hãy cố lên.

Bài phỏng vấn ông Rui da Costa Belo, người Đông Timor

Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Visited 5 times, 1 visit(s) today