MỘT PHẦN THƯỞNG RẤT THÚ VỊ: LỜI KHEN

Don Bosco nói với một giáo viên mới ra trường: “Nếu thầy muốn, tôi đề nghị cho thầy một phần thưởng rất thú vị đối với học sinh của thầy. Thầy hãy làm thế này nhé. Thỉnh thoảng thầy hãy nói với học sinh tốt: “Thầy hài lòng về em. Thầy sẽ nói cho ba má em biết điều này”. Thầy sẽ thấy hiệu quả mà những lời khen đã làm phát sinh nơi tâm hồn các em”.

Lời khen sẽ khích lệ hành động. Don Bosco cũng đã dùng phương thế này để khuyến khích học sinh của ngài sống tốt. Tuy nhiên, ngài biết cân nhắc lời khen thế nào để giúp các em tin vào những năng lực của chúng mà không khiến chúng phô trương, và đồng thời lưu ý sao để khen cho đúng lúc hầu không vô tình miễn cho học sinh khỏi phải sửa lỗi.

Trong lúc khen cũng như trong lúc sửa lỗi, Don Bosco luôn là người cha nhân từ, nói vào tận đáy lòng của trẻ em. Ngài nói: “Mỗi nhà giáo dục hãy luôn mang nét mặt bình thản và tươi vui; khi sửa lỗi hay khuyên dạy, hãy luôn dùng những lời khích lệ, đừng bao giờ dùng những lời la mắng hay sỉ nhục. Hãy khen, hãy khen những em đáng được khen!”

* Trẻ em rất vui sướng khi được chúc mừng và được khen về thành công, sự vâng phục, việc phục vụ và lòng quảng đại của chúng. Cha mẹ và nhà giáo dục nên tỏ ra khôn khéo trong việc khen con em mình.

* Lời khen là một dấu hiệu của sự nhận thức về mặt thiêng liêng. Nó là dấu chỉ của một tâm hồn tinh tế. Bản thân mình phải tốt để có thể nhận ra điều tốt nơi người khác, để có thể hài lòng về điều đó, để có thể vui mừng vì đã làm cho người ta biết được điều đó, và để có thể chia vui với sự thành công của người khác. Lời khen phát xuất từ một tâm hồn ngay thật, là một quà tặng đẹp nhất. Lời khen làm vui lòng người được khen, nhóm lên một ngọn lửa mới trong tâm hồn họ, tạo nên một bầu khí hưng phấn và vui tươi cho họ.

* Lời khen có giá trị làm cho trẻ em “nở hoa”, giống như người làm vườn đối với cây cối. Lời khen làm cho trẻ em cảm thấy rằng người ta quan tâm đến chúng.

* Trẻ em rất ước ao được khen; chúng muốn người ta nhận ra nỗ lực và sự thành công của chúng. Khen người khác không phải là một sự nịnh hót. Khen là nịnh hót khi lời khen không thành thật. Lời chúc mừng và lời khen xuất phát từ tâm hồn là dấu chỉ của lòng tốt thanh cao.

Một phụ nữ kể lại rằng: “Trong một bữa liên hoan, cô Ê-lê-na, con gái của tôi, đã nhận ra rằng bà chủ nhà ở một mình, xa cách mọi người. Ê-lê-na lại gần bà chủ và nói: “Thưa bà, bữa liên hoan bà dọn hôm nay thật tuyệt vời. Cháu xin cám ơn bà vì đã mời cháu đến dự”. Sau đó bà ấy đã nói với tôi rằng câu nói của con gái tôi đã làm cho bà rất hài lòng và chưa bao giờ bà được vui như thế”.

* Ai mà chẳng hài lòng khi nghe ta kể lại lời người khác khen họ. Đó là một lời chúc mừng được phóng đại, có hiệu quả hơn khi được nói trực tiếp. Một bà mẹ đã tâm sự với đứa con: “Con có biết không? Bà mẹ của bạn học con nói với mẹ rằng con là đứa trẻ có giáo dục. Trước khi ra khỏi nhà họ, con đã vào bếp để chào bà ta. Con đã làm cho bà ta sung sướng suốt ngày”.

* Lời khen là một lời ấm áp và thân thiện để gặp đứa trẻ đang chìm trong tăm tối; là bàn tay chìa ra cho đứa trẻ đang bị lạc lõng.

Don Bosco khuyên như sau: “Hãy cẩn thận, đừng bao giờ khinh chê trẻ em vì một lỗi lầm nào đó của em, nhất là trước mặt em hay trước mặt chúng bạn. Nếu phải sửa lỗi, hãy sửa lỗi riêng một mình em trong nơi kín đáo và với lòng hiền dịu. Hãy khen em biết sửa mình, và khích lệ những em thờ ơ”.

Một nhà tâm lý đã viết: “Khi tôi thấy trong tôi có sự vui thích trong việc ban lời khen, tôi biết rằng sự vui thích đó mạnh hơn nỗ lực tôi phải bỏ ra”.

“Khen khi người ta làm tốt, khiển trách khi họ sai lỗi, đã là phần thưởng hay hình phạt rồi”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 5 times, 1 visit(s) today