Một hôm, Don Bosco đi bách bộ ngoài hành lang Nguyện xá, Ngài thấy một mẩu bánh mì bị vứt bỏ trên khung cửa sổ. Ngài lượm lên và bỏ túi. Sau đó, ngài vào phòng ăn của học sinh: một phòng rất rộng. Ngài thấy có nhiều mẩu bánh vụn vứt bỏ tứ tung. Ngài thu lượm tất cả lại.
Chiều tối, theo thông lệ, ngài ban huấn từ cho học sinh, nguyên văn như sau: “Các con thân mến. Chúa Quan phòng luôn nghĩ tới những nhu cầu của chúng ta và các con không bao giờ phải thiếu thốn điều gì. Nhưng nếu các con phung phí bánh Chúa đã ban như thế, tức là các con đã xúc phạm đến lòng tốt của Ngài. Các con không được phép phung phí bánh. Nếu các con làm như thế, e rằng một ngày kia Chúa sẽ để các con rơi vào cảnh túng thiếu” (người viết Hồi ký thận trọng ghi nhận rằng những lời đó có một cung giọng nghiêm trọng như những tiếng chuông được gõ bằng búa).
Tiếp đến, ngài trích dẫn một ví dụ trong Tin mừng: phép lạ hóa bánh ra nhiều. Sau khi đã cho đám đông dân chúng ăn no một cách kỳ diệu, Chúa Giêsu đã bảo các tông đồ thu lượm những mẩu bánh vụn để khỏi phí đi. Don Bosco sống thanh đạm và dạy các học sinh của ngài về sự thanh đạm.
* “Chúng ta không được phép làm điều đó”. Trong bất cứ ngôn ngữ nào, đó là một trong những câu rất ý nghĩa. Nó giúp người ta phân biệt những ước muốn vô ích và ích kỷ với những điều thực sự cần thiết và không thể thay thế được. Cha mẹ và nhà giáo dục hãy thường xuyên nói cho con em mình câu đó. Họ hãy tập cho chúng có thói quen tránh phung phí khi được sung túc, không ca thán khi thiếu thốn, túng đói và khi không còn gì cả. Một nhà giáo dục đã nói một câu rất ý nhị: “Tục ngữ có câu: khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
* Sự thanh đạm giúp rèn luyện thân thể không kém việc tập thể dục. Nó rèn luyện tâm hồn và tính tình. Một nhà văn đã kể lại một giai thoại kỳ lạ này:
“Tôi biết có một đứa con của bác nông dân nghèo thường cảm thấy rất xấu hổ vì không được sống theo lối sống khá giả như một vài người bạn thuộc gia đình giàu có. Một chiều kia, cậu nghe được câu chuyện trao đổi giữa cha cậu và cha của người bạn thân nhất, một viên chức nhà nước. Ông ấy tìm cách thuyết phục bác nông dân cho đứa con đi nghỉ hè tại một nơi du lịch rất danh tiếng và tốn kém. Và ông ấy đã thêm:
– Anh sẽ thấy, hai đứa con của chúng ta sẽ rất vui thích. Chúng là hai đứa bạn có nhiều hứa hẹn. Bác nông dân trả lời:
– Tôi biết, nhưng chúng tôi không thể cho phép được.
Cả hai đều im lặng. Sau đó viên chức nhà nước bắt tay bác nông dân và nói:
– Anh bạn thân mến, tôi cũng không thể cho phép, nhưng tôi đã chưa bao giờ có can đảm nói ra.
Đứa con bác nông dân kể lại cho tôi rằng từ đó về sau em luôn hãnh diện và tự hào về ông bố của mình. Em đã khóc vì xúc động và nói:
– Lúc ấy ba tôi giống như một người khổng lồ.
Bài học của người cha đã soi sáng cho cậu nhiều tư tưởng và dạy cậu biết kính trọng mình và kính trọng các bạn bè một cách thẳng thắn, không úp mở”.
* Những từ bỏ mà sự thanh đạm đòi hỏi sẽ kiện cường tâm hồn và điều chỉnh những mơ mộng. Chúng là nền tảng cần thiết để giáo dục trẻ em hy sinh và sống vui.
Ngay từ khi còn nhỏ, Don Bosco đã sống một cuộc đời còn hơn thanh đạm: nghèo khó. Mẹ Margherita đã khôn khéo dùng tinh thần hy sinh và từ bỏ. Như vậy, bà đã chuẩn bị cho cậu để sau này có thể đương đầu với những hy sinh và từ bỏ anh hùng mà sứ mệnh Thiên Chúa trao phó đòi hỏi.
“Ai khiêm tốn và dịu hiền, thì luôn được Thiên Chúa và người ta quí mến”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB