🌞🌞Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Ngày 28/05/2021.
1- Xin ông chia sẻ đôi điều về bản thân, về gia đình, về công việc cũng như về lộ trình theo Don Bosco nơi ông.
+ Tôi tên là Michal Hort, năm nay 43 tuổi và đã có gia đình. Vợ của tôi tên là Martina. Tôi có 3 người con. Chúng tên là Therese 10 tuổi ; Philip 8 tuổi và Matthew năm nay 4 tuổi. Tôi làm chủ một cơ sở kinh doanh, và thành lập một công ty tư vấn về việc sử dụng những nguồn quỹ do EU tài trợ. Công ty của tôi có 10 nhân viên, làm việc trong lãnh vực đầu tư.
Tôi lớn lên trong 1 gia đình có 5 anh em và tôi là con lớn nhất. Cả 2 song thân của tôi đều là những cựu học sinh Don Bosco. Thân phụ tôi vẫn hay nhắc nhở tôi phải giúp đỡ các tu sỹ Salêdiêng, để thể hiện lòng biết ơn đối với các ngài. Tôi đã từng được thụ giáo dưới mái trường Salêdiêng ở Sastin (Slovenia), sau đó tôi theo học tại Đại học Bologna ở Italia. Vì vậy, tôi rất may mắn được hưởng nhận nền giáo dục từ các tu sỹ SDB cũng như từ chính song thân của tôi. Tôi rất biết ơn và tự hào về điều ấy. Vào năm 2015, tôi được bầu chọn làm chủ tịch Hiệp hội Cựu học viên Don Bosco thế giới.
2- Theo ông, trở thành một Cựu học viên Don Bosco có ý nghĩa như thế nào ?
+ Đối với tôi, trở nên một Cựu học viên Don Bosco mang một ý nghĩa rất rộng lớn, bao trùm trọn vẹn cuộc sống của tôi. Nền giáo dục mà tôi đã hấp thụ sẽ soi sáng để giúp tôi biết phải sống như thế nào và giúp tôi biết cách hoạch định kế hoạch đời sống cho chính mình. Bây giờ, tôi đã khôn lớn và cũng khá già dặn. ‘Trở nên một công dân lương thiện và trở nên một Kitô hữu tốt lành’ là tóm tắt tiêu chí về châm ngôn sống mà tôi đang cố thực hiện.
Tôi cũng muốn nói cho các bạn biết rằng, để diễn bày lòng biết ơn về quà tặng giáo dục mà chúng ta đã được lãnh nhận trong quá khứ, chúng ta cũng cần phải giang rộng vòng tay trợ giúp người khác với những khả năng Chúa ban, thể hiện qua những việc làm cụ thể. Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đơn giản, trở thành Cựu học viên Don Bosco là như thế đó.
3- Là chủ tịch của Hiệp hội Cựu học viên Don Bosco thế giới, xin ông chia sẻ đôi chút về những thực hành cụ thể tại các Hiệp hội địa phương.
+ Trước khi trả lời, tôi xin gợi lại một điều khá quan trọng. Cựu học viên Don Bosco là một phong trào rất rộng lớn trên toàn thế giới, lan toả đến hàng trăm quốc gia, với con số ước tính khoảng 30 triệu người. Riêng con số các tu sỹ Salêdiêng (SDB) trên toàn thế giới là hơn 14.500 vị, đang làm việc tại 3.500 trường học và hơn 4.000 công cuộc khác nhau, như nhà nội trú, nguyện xá, trung tâm trẻ bụi đời, nhà mở, giáo xứ… CHVDB là những người đời, những người đã từng được thụ giáo dưới mái trường Salêdiêng hoặc đã từng được giáo dục trong các công cuộc Salêdiêng.
Năm nay, Hiệp hội mừng 150 năm kỷ niệm ngày thành lập. Hiệp hội được sánh ví giống như 1 gã khổng lồ đang ngủ. Chúng ta cần đánh thức gã khổng lồ đó dậy vì đây là 1 tiềm năng rất to lớn mà chúng ta cần phải khai thác tối đa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hiệp hội, cũng như hãy sử dụng những phương thế để đánh thức, giúp Hiệp hội chỗi dậy với một sức bật mới.
Để thực hành cụ thể, chúng tôi đã đề ra ‘Kế hoạch lục niên chiến lược’ (Strategic Plan 2016 -2021) với những việc làm rất cụ thể (xin xem trên website www.exallievi.org). Ví dụ, chúng ta có thể tổ chức những khoá đào tạo mang tính giáo dục cho các em học sinh phổ thông, tổ chức những buổi hội thảo về nghề nghiệp, về đầu tư, hoặc tổ chức những trại hè, những ngày nghỉ cuối tuần cho các gia đình…không phải chỉ để giải trí nhưng còn mang tính giáo dục nữa..
4- Làm sao để có thể quảng bá và thành lập Hiệp hội tại các địa phương ?
+ Ở mỗi nơi hay tại mỗi quốc gia đều có những nét đặc thù cá biệt và có những bối cảnh văn hoá – xã hội rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi xin đề nghị 3 bước mà chúng ta cần phải làm :
– Trước hết, cần bổ nhiệm một Uỷ viên đặc trách (Delegate). Vị Uỷ viên này thường là một tu sỹ SDB, nhưng cũng có thể là 1 người đời. Sau đó, vị Uỷ viên này sẽ hình thành một nhóm để làm việc theo ê kíp (team work). Nhóm này sẽ soạn thảo những công việc chuẩn bị để khai sinh Hiệp hội. Trong giai đoạn này, Hiệp hội trung ương cũng sẽ hỗ trợ nếu cần. Xin liên hệ với văn phòng thư ký của Hiệp hội theo địa chỉ secretary@exallievi.org.
– Hình thành những buổi gặp gỡ, bằng cách ghi danh các thành viên và địa chỉ, số phone của họ. Thông tri cho họ biết rằng, họ là những cựu học viên Don Bosco.
– Soạn thảo 1 kế hoạch hành động cụ thể, có thể dựa trên ‘kế hoạch lục niên’ mà Hiệp hội trung ương đã đề ra’.
5- Hiệp hội CHVDB thế giới sẽ trợ giúp gì cho các thành viên ?
+ Chúng tôi có thể giúp được nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là trợ giúp anh em ý thức và sống như là những CHVDB cách thực sự. Ví dụ, Hiệp hội có thể quy tụ anh em để gặp gỡ, để ôn lại những kỷ niệm xưa, chia sẻ với nhau những giá trị cao đẹp, hướng tới những mục tiêu tốt lành…Anh em sẽ có thêm những bạn bè đồng chí hướng, không sợ cô đơn một mình và việc giúp đỡ lẫn nhau sẽ đạt được nhiều kết quả hơn.
6- Ông kỳ vọng gì nơi những thành viên của Hiệp hội ?
+ Rất đơn giản. Tôi chỉ mong muốn anh em hãy trở nên ‘Những Cựu học viên DB cách thực sự’. Điều đó có nghĩa là, bạn hãy tận dụng những khả năng Chúa ban để giúp đỡ người khác, nhất là trong sứ vụ giáo dục. Là một CHVDB, chúng ta phải trở nên những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt lành. Ví dụ, nếu là giáo viên, bạn hãy lập 1 nhóm để sinh hoạt nguyện xá với các em học sinh. Nếu là 1 nhạc sỹ, bạn có thể thành lập 1 ca đoàn hay tham gia vào 1 ca đoàn nào đó để phục vụ trong các dịp lễ Salêdiêng.. Giả như bạn là một luật sư, bạn vẫn có thể sử dụng những khả năng Chúa ban để trợ giúp các công cuộc Salêdiêng trong lãnh vực pháp lý…. Có rất nhiều dịp bạn có thể tiếp cận những người trẻ, sinh hoạt với chúng, vui đùa với chúng trong bầu khí gia đình. Chúng ta là những cựu học viên Don Bosco, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc để phục vụ cho thiện ích của các linh hồn, như Don Bosco mong muốn.
7- Ông có điều gì muốn nhắn gửi tới những anh em đã hoặc sẽ gia nhập Hiệp hội CHVDB ?
+ Chẳng còn nghi ngờ gì nữa khi tôi nói rằng, được sống với Don Bosco là một hạnh phúc lớn lao. Con đường dẫn tới Nước Trời không phải là điều viễn vông mà chúng ta không thể đạt tới được. Ở Đông Âu ví dụ như tại Slovenia, chúng tôi đã phải trải qua những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản với muôn vàn khó khăn để bảo vệ đức tin và sống theo linh đạo do Don Bosco để lại, nhưng chúng tôi đã vượt thắng được những gian khổ đó. Ngày nay, chúng ta cũng phải đối diện với biết bao đe doạ và thử thách, đặc biệt trước sự tấn công của lối sống theo chủ nghĩa ‘Vô cảm’ (indifference) hoặc chủ nghĩa ‘Mặc kệ nó’ (ignorance). Nếu sống như những CHVDB một cách thực sự, chúng ta sẽ dễ dàng vượt thắng những nguy hiểm đó và sống cuộc sống của chúng ta một cách có ý nghĩa cách tròn đầy.
8- Ông có thể tóm tắt về linh đạo của CHVDB trong 1 câu ngắn gọn ?
+ Rất đơn giản. Đó là ‘Hãy trở nên một công dân lương thiện và một Kitô hữu tốt lành’. Chỉ thế thôi.
Visited 3 times, 1 visit(s) today