🧎🧎Suy niệm Lời Chúa – Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô🧎🧎 – ❤️❤️Nghịch lý giữa Ân sủng và Tội lỗi.🖤🖤

 ❤️❤️Nghịch lý giữa Ân sủng và Tội lỗi.🖤🖤
 
⛴Trong một cuộc triển lãm ghi dấu ngày con tàu Titanic khổng lồ chìm sâu giữa đại dương mênh mông, người ta trưng bày hai bức ảnh với hai chủ đề đối nghịch. Bức ảnh thứ nhất chụp cảnh con tàu vĩ đại đang từ từ chìm xuống giữa lòng biển khơi trước con mắt kinh hoàng của hơn một ngàn du khách trên tầu. Tác giả chú thích : ‘Sự yếu ớt của con người trước sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên’. Bức ảnh thứ hai ghi lại cảnh một người đàn ông quý phái đã can đảm nhường chỗ của mình trên chiếc thuyền cứu hộ cho một phụ nữ và sẵn sàng chấp nhận cái chết. Tác giả chú thích ở dưới : ‘Sự yếu ớt của thiên nhiên trước sức mạnh của tình yêu con người’. Tổng hợp cả hai bức ảnh, người ta muốn nói lên rằng, con người là một sinh vật rất nhỏ bé trước thiên nhiên và vũ trụ, nhưng con người sẽ trở nên vĩ đại và cao cả nhờ vào tình yêu dành trao cho nhau.
 
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai vị là những con người thật nhỏ bé và yếu đuối do những lỗi phạm trong quá khứ, nhưng cả hai đã trở nên vĩ đại nhờ vào tình yêu hiến dâng cho Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.
Những quá khứ đen tối.
 
Nơi Phêrô, chúng ta nhận ra sự yếu đuối rõ nét qua ba lần phản bội. Phêrô cho dù rất cương quyết và bộc trực, nhưng đã nhát đảm và run sợ chối Chúa, ngay cả khi đứng trước một cô gái nhỏ trong sân nhà thượng tế Cai-pha. Tuy nhiên, cũng chính nơi Phê-rô, chúng ta khám phá ra sự phi thường và sức mạnh tuyệt đối của ân sủng. Ân sủng và tình yêu Thiên Chúa đã biến một cây sậy dập nát trở nên đá tảng xây dựng Hội thánh. Nguyên lý của sự biến đổi này chính là sự đáp trả tình yêu một cách tròn đầy. “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17).
Tương tự nơi thánh Phaolô, chúng ta cũng thấy rõ sự đối kháng giữa tội lỗi và ân sủng, giữa sự chết và sự sống, giữa ánh sáng và bóng tối. Một hung thủ đã từng ra tay sát hại biết bao Kitô hữu, lại trở thành vị Tông đồ trổi trang nhất, bôn ba đi khắp nơi rao giảng Tin mừng về Chúa Giêsu cho dân ngoại. Thánh Phaolô đã diễn tả cảm thức đức tin của mình một cách sâu xa khi Ngài viết trong thơ Rôma : “Ở đâu tội lỗi càng nhiều, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20).
Nguyên lý căn bản nơi cuộc trở về của Phaolô cũng chính là nguyên lý của tình yêu, như Ngài đã viết : “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi. Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Rm 8,38).
Nói tóm lại, tình yêu là tên gọi của Thiên Chúa (1 Ga 4,15) và cũng là thuộc tính căn bản của Ngài. Tình yêu chính là khung căn bản hình thành nên ơn gọi của Phêrô và Phaolô. Chính tình yêu đã biến đổi hai con người yếu đuối và tội lỗi trở nên những vị thánh vĩ đại nhất.
 
☀️Được biến đổi trong Ánh sáng☀️
 
Thánh Tôma Aquinô đã nói : “Kẻ nào sa ngã trong tội, đó là một con người rất bình thường. Ai ở lỳ trong tội lỗi, đó là một tên ác quỷ. Còn những ai biết trỗi dậy từ trong đống bùn tội ác để trở về với Chúa, đó lại là một vị thánh”. Một nhà tu đức cũng đưa ra một nhận định tương tự khi phát biểu : “Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, và mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Qúa khứ của con người cho dầu có đặc kín tội lỗi với bao bầm dập và thương tích, chúng ta vẫn có thể hướng về một tương lai tươi sáng ngập tràn hy vọng, nếu biết tín thác vào lòng thương xót của Chúa và bước đi trong ánh sáng tình yêu Ngài. Kinh nghiệm này chúng ta có thể học hỏi một cách cụ thể từ nơi hai vị Thánh Phêrô và Phaolô.
 
Cả hai Tông đồ đã trải nghiệm sâu xa nguồn sáng từ chính Đức Giêsu soi chiếu vào mình. Trong sân của thầy thượng tế Caipha, ánh sáng từ đôi mắt Chúa đã quét ngang khuôn mặt Phêrô, khơi dậy nơi Ngài cảm thức thống hối chân thành. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61). Chính ánh mắt thân thương của Chúa Giêsu đã soi dọi vào tâm hồn Phêrô một luồng ánh sáng để xua tan bóng tối tội lỗi sau 3 lần phản bội. Ánh mắt đó mang chở cả một bầu trời lồng lộng chất chứa tình yêu sâu thẳm. Phêrô đã cảm nhận được tình yêu này và Ngài đã được biến đổi hoàn toàn.
Cũng vậy, trên đường đi Đamas, ánh sáng của Chúa từ trên cao đã chọc thủng đôi mắt của Saolê khiến ông trở nên mù lòa, nhưng luồng sáng ấy lại khai mở nơi Phaolô cặp mắt đức tin sáng ngời. Cuộc đời của Phaolô đã được biến đổi vì Ngài cảm thấu được luồng ánh sáng tình yêu từ nơi Đức Kitô hắt dọi vào tâm hồn mình.
 
Trong hành trình ơn gọi của mỗi người, điều quan trọng là chúng ta có biết nhận ra ánh sáng từ tình yêu của Thiên Chúa hay không. Tội chúng ta cho dầu nặng đến mấy, nhiều đến bao nhiêu cũng không quan trọng. Ánh sáng nơi tình yêu Chúa sẽ hoá giải tất cả, miễn là chúng ta biết trải lòng mình ra để cho ánh sáng ấy hắt dọi vào.
 
⛪️Sứ mạng phục vụ Hội thánh.
 
Tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, chúng ta thấy hai bức tượng bằng đá đứng sừng sững giữa trời, đó là tượng Thánh Phêrô và tượng Thánh Phaolô. Đây là hai vị Tông đồ trưởng, hai cột trụ vững chắc của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đọc lại sách Tông đồ công vụ, chúng ta sẽ học được cách thức mà hai vị đã thể hiện trong sứ vụ phục vụ Hội Thánh thuở ban đầu. Hai con người phát xuất từ hai môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau. Phêrô gốc Do Thái, còn Phaolô là một công dân Rôma. Phaolô thuộc giới trí thức, đã từng thụ giáo dưới chân thầy Gamalien, còn Phêrô chỉ là một anh dân chài quê mùa chất phác. Phêrô coi trọng truyền thống của tổ tiên, nhất là việc tuân giữ tập tục cắt bì, còn Phaolô thì không. Tuy nhiên, cả hai đều rất năng động và hăng hái. Một Phêrô đã từng cương quyết đi theo Thầy đến cùng cho dù phải chấp nhận cái chết, còn Phaolô thì hăng say đi lùng bắt các Kitô hữu chỉ vì ngộ tín.
 
Nhưng những khác biệt sâu xa nơi hai vị Thánh đã được Thánh Thần hóa giải. Công đồng Giêrusalem đã được triệu tập, và chính Thánh Thần đã liên kết hai vị Tông đồ trở nên một lòng một trí với nhau để chung tay xây dựng Giáo hội.
Trong Hiến chế Gaudium et Spes, Công đồng Vaticanô 2 đã nói đến ý niệm ‘Đồng nhất trong dị biệt’ (Unity in diversity) nơi Giáo hội để mời gọi chúng ta hãy biết từ bỏ ý riêng và biết cách làm việc chung trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Tại mỗi Giáo hội địa phương, như tại các giáo xứ hay tại các giáo phận, mô thức này rất quan trọng giúp chúng ta noi gương thánh Phêrô và thánh Phaolô để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Có như thế, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng Giáo hội một cách hữu hiệu.
 
💗Kết luận
 
Trong tác phẩm ‘Quo vadis’, nhà văn Sienkievich đã viết : “Đế quốc hùng mạnh của bạo Chúa Néron sẽ có ngày sụp đổ, nhưng con thuyền mộc mạc của bác dân chài quê mùa miền Galilê vẫn luôn vững vàng lướt sóng”. Đó là con thuyền Giáo Hội, được xây trên đá tảng là Thánh Phêrô. Cuộc hành trình ơn gọi của thánh Phêrô cũng như của thánh Phaolô là cả một huyền nhiệm sâu xa. Hai vị thánh đã trở nên vĩ đại nhờ vào việc biết mở rộng cõi lòng để cho tình yêu Chúa Giêsu chiếm ngự. Đó là khuôn mẫu nội tâm cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay.
 
GB Trần văn Hào SDB
Visited 150 times, 1 visit(s) today