🌾Suy niệm Chúa Nhật XXIV TN B💟THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ

Mc 8,27-35 ; Is 50,5-9a ; Gc 2,14-18
 
✍Chúa nhật tuần này, Hội thánh mời gọi chúng ta tiếp tục suy niệm Tin mừng theo thánh Mac-cô. Bài Tin Mừng hôm nay nằm ở chương 8, như chiếc bản lề làm xoay chuyển nền tảng cơ bản của Mac-cô. Nếu trước đó, Mac-cô cho chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp về một Đức Giê-su đầy uy quyền, làm nhiều phép lạ; thì hôm nay, Mac-cô trình bày một Đức Ki-tô bước vào cuộc thương khó, đi vào căn tính đích thực của Ngài. Vậy căn tính của Ngài là gì?
Chúng ta cùng đến với Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, để tìm xem: Đâu là dung mạo đích thực của Đấng Kitô, Ngài tương quan thế nào và mời gọi ta sống làm sao trong đời sống hằng ngày.
🍄1. Người ta bảo Thầy là ai?
🍀Khởi đi từ những câu hỏi của Chúa Giêsu: Người ta bảo Thầy là ai? Và anh em bảo Thầy là ai? Rõ ràng, Chúa Giê-su đã không vô tình, nhưng là hữu ý muốn tập chú vào một câu hỏi lớn, câu hỏi đi vào tận căn, tận thâm sâu của người nghe; mang tính mặc khải Kitô Giáo, là cửa ngõ dẫn vào đời sống đức tin, khai mở một tương quan mật thiết của các môn đệ và của mỗi người chúng ta với Đức Giêsu Kitô. Khai mở một kinh nghiệm đức tin để nhận ra căn tính đích thực của Ngài.
🍀Với câu hỏi của Đức Giêsu, các môn đệ nhớ lại và thay nhau trả lời: “Thầy là Tiên Tri Elia, là một vị Ngôn Sứ, là Gioan Tẩy Giả…”(Mc 8,28). Phêrô đại diện cho các anh em, đại diện mỗi người chúng ta trả lời câu hỏi thâm sâu nhất, câu hỏi đụng chạm đến lương tâm, đến tự do cá nhân; dẫn bước vào đời sống kinh nghiệm đức tin: Thầy Là Đấng Kitô (Mc 8,29). Một câu trả lời khẳng định niềm tin, đức tin, diễn tả mối tương quan của Phêrô, của các môn đệ, của những người kitô hữu, của mỗi người chúng ta với Đức Giê-su Ki-tô.
🍄2. Dung Mạo của Đấng Kitô
🍀Câu trả lời của Phêrô, của chúng ta hôm nay xác quyết Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng là Đấng Kitô nào? Có phải Đấng Kitô mà dân Do thái mong đợi từ lâu rằng: Đấng giải thoát họ khỏi nô lệ, khỏi ách thống trị của người Rôma. Một Đấng Kitô làm cách mạng hay một Đấng Kitô hô một câu “BIẾN” thì tất cả từ không ra có và từ có ra không. Hay một Đấng Ki-tô chạy theo nhu cầu của thời đại: chỗ này kêu khổ, nơi kia kêu đói, chỗ nọ đòi công bằng, chốn kia tranh chấp, hơn thua thì Ngài phải đáp ứng và giải quyết ngay. Hay một thần tượng Giêsu đến làm huyên não cộng đồng mạng xã hội như các Youtuber, các Tiktok làm đảo lộn các giá trị chân lý, đưa ra những điều làm cho chúng ta không phân biệt được các giá trị thật giả, đúng sai.
🍀Thưa không! Không phải một Đấng Kitô làm cách mạng; cũng không phải Đấng Kitô luôn thỏa hiệp với những giá trị, kiểu toan tính trần thế; cũng không phải Đấng Kitô chỉ dừng lại ở những giá trị hữu hạn của vật chất thế gian; càng không phải Đấng Ki-tô mang đến những sự lẫn lộn thật-giả, đúng-sai để “câu view, câu like”.
🍀Đấng Kitô mà Phêrô và mỗi người chúng ta tuyên xưng hôm nay vừa là con người, vừa là con Thiên Chúa, vừa mang bản tính hữu hạn của nhân loại vừa mang bản tính vô hạn, siêu vượt của Thần Linh, là con Vua Đavít. Đấng mà BĐ1 trình bày như là hình ảnh của Người Tôi Tớ Đau Khổ: “người đã đưa lưng cho đánh đòn, giơ má cho giật râu, bị sỉ vả, mắng nhiếc, phỉ nhổ…”(Is 50,6).
🍀Ngài là Đấng Kitô khiêm hạ, đã đi vào tận cõi thâm sâu của đời người, của một kiếp nhân sinh, rất thực tế: mang lấy thân xác hữu hạn, yếu đuối, mỏng dòn của con người; cùng ăn, cùng uống, cùng cảm, cùng đau và cùng bước đi với bạn, với tôi. Ngài không cứu chuộc chúng ta bằng quyền lực, nhưng bằng con đường từ đau khổ đến vinh quang, con đường của ân sủng và tình yêu, của chân lý và sự thật, con đường nâng cao phẩm giá làm người, làm con Thiên Chúa.
🍄3. Sống lời mời gọi của Đấng Ki-tô
🍀Chúng ta vừa tuyên xưng, vừa nhận ra dung mạo một Đấng Kitô, hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa. Giờ đây, Ngài mời gọi chúng ta dấn bước theo Ngài bằng việc tuyên xưng và sống đức tin: “ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).
“Từ bỏ, vác thập giá và đi theo” là những hành động cụ thể đòi ta phải sẵn sàng thay đổi, biến đổi, cải biến con người và lương tâm chúng ta. Câu hỏi của Chúa đụng chạm đến lương tâm từng cá nhân thế nào, thì đời sống chúng ta càng phải được biến đổi như thế. Lời tuyên xưng của Phê-rô đã làm cho ông biến đổi, để ông đánh đổi cả mạng sống “bỏ thầy thì chúng con biết đến với ai”(Ga 6,68).
🍀Thập giá mà Chúa mời gọi chính là đời sống thường ngày của chúng ta như một chút hy sinh, một chút từ bỏ: cái tôi, ích kỷ, biếng nhác, bê tha; thập giá của sự ngông cuồng và điên đảo tuổi trẻ; thập giá của sự dán mắt, lệ thuộc vào phương tiện truyền thông: internét, điện thoại; vào các trang mạng xã hội: facebook, zalo, tiktok, youtube…; thập giá của sự xáo trộn đức tin, thách đố của: dịch bệnh, túng thiếu, chết chóc, sự mất mát những người thân; với những ràng buộc khó chịu, với sự thật, chân lý, với tình yêu, giả dối và sai lầm…
🍀Thánh Giacôbê nói “đức tin mà không hành động là đức tin chết… Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,17-18). Còn thánh Phaolô nói: “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính, có tuyên xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10).
 
Petersmile. SDB
Visited 10 times, 1 visit(s) today