
Vatican News
Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Liên bang Bahia, ISGlobal và nhiều tổ chức y tế quốc tế thực hiện, được tài trợ bởi các cơ quan nghiên cứu của Tây Ban Nha, Anh và Liên minh châu Âu.
Dựa trên dữ liệu từ 133 quốc gia thu nhập thấp và trung bình giai đoạn 2001–2021, nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong việc giảm tỷ lệ tử vong toàn cầu.
Cơ quan này đã góp phần ngăn chặn khoảng 91 triệu ca tử vong, trong đó 1/3 là trẻ em dưới 5 tuổi. Mức tài trợ cao từ Cơ quan giúp giảm mạnh số ca tử vong do HIV/AIDS (65%), sốt rét (51%), bệnh nhiệt đới bị lãng quên (50%), cũng như lao, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe bà mẹ. Sự suy giảm cũng được ghi nhận ở bệnh lao, bệnh tiêu chảy, tình trạng của bà mẹ, nhiễm trùng đường hô hấp và suy dinh dưỡng.
Sử dụng mô hình mô phỏng vi mô, nghiên cứu đưa ra hai kịch bản: duy trì tài trợ hiện tại và cắt giảm theo các chính sách mới, như Sắc lệnh hành pháp 14169 và việc hủy bỏ tới 83% chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy, kịch bản cắt giảm sẽ làm đảo ngược hàng thập kỷ tiến bộ trong y tế toàn cầu. Theo dự báo, tổng số ca tử vong quá mức từ năm 2025 đến năm 2030 có thể lên tới hơn 14 triệu, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất lên trẻ em, phụ nữ và dân số ở Châu Phi cận Sahara và các khu vực có nhu cầu cao khác.
Ngoài các can thiệp y tế trực tiếp, Cơ quan còn đóng góp lớn vào các yếu tố xã hội. Các khoản đầu tư vào nước, vệ sinh, giáo dục và giảm đói nghèo – chẳng hạn như chuyển tiền mặt và cơ sở hạ tầng trường học – cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong, góp phần vào những tiến bộ đáng kể về sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia nghèo nhất.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt