(Bangkok, Thái Lan – 19.09.2018) – Hội dòng SIHM là một trong 32 nhóm thuộc Gia đình Salêdiêng, đã được thành lập tại Thái Lan cách nay hơn 80 năm. Hiện nay, hội dòng có 92 nữ tu và 2 tập sinh. Châm ngôn sống của các tu sĩ SIHM là ‘Tôi là tớ nữ của Trái Tim Vô nhiễm Đức Maria’.
Gia đình Salêdiêng ở Thái Lan gồm có 80 tu sĩ SDB; 84 nữ tu FMA; 92 nữ tu SIHM; 26 nữ tu SQM (Dòng Nữ Vương Maria) và 2 nhóm Tu hội đời : VDB (Chí nguyện Don Bosco) với 15 nữ tu và nhóm DQM (Con Đức Nữ Vương Maria) với 39 nữ tu. Các tu sĩ thuộc Gia đình Salêdiêng ở Thái Lan chiếm tới 16% trong tổng số các nam nữ tu sĩ hiện đang làm việc tại đất nước này. Giáo hội tại Thái Lan hiện có 462 tu sĩ nam và 1542 nữ tu.
Số người Công Giáo tại đây chỉ chiếm 0,3% và đại đa số dân chúng theo Phật giáo. Sự hiện diện của các anh chị em tu sĩ Công Giáo tại Thái Lan là những chứng tá rất sống động, đem lại nhiều thành quả trong sứ vụ rao giảng Tin mừng. Các tu sĩ của các hội dòng đang điều hành khá nhiều cơ sở giáo dục, từ mẫu giáo đến đại học và được chính phủ Thái Lan rất trân trọng. Ngoài ra, các anh chị em tu sĩ còn điều hành nhiều bệnh viện, trạm xá và các cơ sở từ thiện xã hội, nhất là tại những vùng miền quê xa xôi hẻo lánh, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong các hội dòng nam, dòng Salêdiêng Don Bosco có con số tu sĩ đông nhất gồm 80 hội viên. Kế tiếp là dòng Chúa Cứu thế với 70 tu sĩ, dòng các Sư huynh Monfort có 68 tu sĩ và dòng Camilô với 58 tu sĩ. Ngoài ra còn 22 hội dòng hay các tu đoàn khác với số tu sĩ khiêm tốn hơn, cũng đang hiện diện và làm việc tại Thái Lan. Có hội dòng chỉ có vài ba tu sĩ mà thôi.
Đời sống tại Thái Lan đang hướng về việc phát triển kỹ nghệ hóa. Giới trẻ bị cuốn hút mạnh mẽ vào lối sống thế tục theo chủ nghĩa hưởng thụ. Việc tìm kiếm ơn gọi mới của các dòng tu đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng với nhiều thách đố. Đặc biệt, ảnh hưởng của nền văn hóa Phật giáo đã ăn rễ sâu đậm nơi tâm thức của tuyệt đại đa số dân chúng.
Xin thêm lời cầu nguyện cho Giáo hội tại Thái Lan cũng như cho việc phát triển ơn gọi nơi đất nước này.
Bài viết của Cha Vaclav Klement, SDB
Văn Hào, SDB chuyển ngữ