Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Rôma 04/12/2020. Ngày mai 05/12, toàn thể Gia đình Salêdiêng mừng kính Chân phước Philip Rinaldi, đấng kế vị thứ 3 của Cha Thánh Gioan Bosco. Trong 32 nhóm thuộc Gia đình Salêdiêng, nhóm VDB do chính Chân phước Rinaldi thành lập tại nguyện xá của các sơ FMA ở Valdocco. Ngài đặt tên cho nhóm là ‘Zelatrici của Mẹ Phù hộ’ và sau này nhóm được đổi tên thành ‘Các chị em Chí nguyện Don Bosco’.
Chúng ta không thể thấu triệt được hết những gia sản thiêng liêng mà Cha Philip Rinaldi đã để lại. Tuy nhiên từ lúc khấn dòng vào năm 1880 đến khi qua đời vào năm 1931, Cha Philip Rinaldi đã để lại rất nhiều dấu ấn qua việc quảng bá và kiện cường tinh thần Salêdiêng cho các thành viên trong Gia đình Salêdiêng, đặc biệt trong thời gian Ngài làm Bề Trên cả. Cụ thể như :
+ Chăm sóc ơn gọi : Từ năm 1882, khi Chân phước Rinaldi mới khấn dòng được 2 năm và là một linh mục trẻ, Ngài đã được Don Bosco trao phó công việc chăm sóc các ơn gọi muộn. Khi làm Bề Trên cả, Ngài đã khởi động việc khuyến khích các tu sinh đi truyền giáo bắt đầu tại Ivrea vào năm 1922, khi tuổi đời của các em còn rất trẻ. Trong 10 năm làm Bề Trên cả, Cha Rinaldi đã mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển ơn gọi trong toàn Tu hội. Cụ thể vào năm 1921, Tu hội Salêdiêng có 4638 tu sỹ đã tuyên khấn và 437 tập sinh. Đến năm 1931, khi Cha Rinaldi qua đời, con số tu sỹ đã lên tới 8039 SDB và 895 tập sinh.
+ Nhiệt tình truyền giáo : Vì có nhiều ơn gọi truyền giáo Salêdiêng lúc bấy giờ, cha Rinaldi đã quảng đại đảm nhận những vùng truyền giáo mới do Tòa Thánh chỉ định. Trong thời gian làm Bề Trên cả, Cha Rinaldi đã gửi đi 2000 vị truyền giáo Ad Gentes. Đặc biệt trong đợt Xuất phát Truyền giáo Salêdiêng vào năm 1929, năm mà Don Bosco được tuyên phong Chân phước, Tu hội Salêdiêng đã gủi đi truyền giáo 374 anh em SDB và dòng FMA đã gửi đi 103 chị em. Đây là con số kỷ lục đông nhất từ trước đến nay.
+ Chăm sóc Gia đình Salêdiêng : Cha Rinaldi đã thành lập Tu hội đời VDB (Chí nguyện Don Bosco). Ngoài ra, Ngài đặc biệt lưu tâm đến việc quảng bá lòng yêu mến Đức Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Phù hộ các giáo hữu, qua việc cổ võ Hiệp hội ADMA. Trong nhiệm kỳ làm Bề Trên cả, Chân phước Philip Rinaldi cũng đã chỉnh đốn cơ cấu của Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng và cả 2 Hiệp hội Cựu học viên Don Bosco nam cũng như nữ. Vào năm 1920, Ngài đã tổ chức và chủ sự 3 đại hội quan trọng của Gia đình Salêdiêng : Đại hội Cộng tác viên Salêdiêng; đại hội Cựu học viên Don Bosco và đại hội cựu học viên FMA.
+ Quan tâm đến việc linh hướng : Cha Rinaldi dành mối quan tâm đặc biệt đến việc linh hướng. Cho dầu rât bận rộn trong vai trò làm Bề Trên cả, Ngài luôn dành thời giờ tối đa cho việc ngồi tòa giải tội. Đối với cha Rinaldi, việc quan trọng nhất là giúp các con cái mình đi sâu vào đời sống thiêng liêng. Đây là bí quyết căn bản để có được sự thành công trong các việc tông đồ.
+ Một vài tư tưởng của Chân phước Philip Rinaldi :
– Khi hồi tâm, chúng ta trở về trong thinh lặng của cõi lòng để lắng nghe tiếng Chúa. Nhờ thế, tâm hồn thánh hiến trong ta mới được hình thành và tăng triển.
– Hãy làm những điều tốt lành bao có thể với tinh thần của Don Bosco.
– Hãy chăm sóc đời sống nội tâm và hãy có một tâm hồn thanh thản, đừng quá lo lắng hoặc đừng để ý đến những thành công bên ngoài.
– Hãy yêu mến Thiên Chúa, và trong tình yêu Thiên Chúa hãy mến thương tha nhân. Đó là cách thức thể hiện đời sống thánh hiến.
– Một người sống hiền lành và khiêm tốn là người luôn sẵn sàng hiến thân cho tha nhân, luôn hy sinh cách quảng đại và ước muốn yêu mến Thiên Chúa cách trọn hảo.
– Khi chúng ta vâng theo sự sắp xếp an bài của Thiên Chúa mỗi ngày, chúng ta đang đi tìm kiếm và thực thi ý Chúa.
– Sống để làm việc. Ai đang sống cần phải làm việc. Nếu không làm việc, chúng ta như đã chết rồi.
– Chúng ta hãy đồng tâm nhất trí để liên kết với nhau nên một. Có như thế, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu biết nhau hơn.
– Chúng ta hãy thể hiện sự nhã nhặn và lịch thiệp đối với nhau, trong từng ánh mắt, trong cách cư xử cũng như trong từng lời ăn tiếng nói. Chúng ta hãy dùng sự tử tế để chinh phục mọi người.
-Chúng ta đừng kỳ vọng làm những điều phi thường. Hãy sống đơn sơ như trẻ thơ.
– Bản chất của lòng thương xót chúng ta có thể tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể và qua những điều thiện hảo chúng ta thực hiện. Chúng ta hãy học hỏi bản sao của lòng thương xót nơi Đức Trinh nữ Maria.
Văn Hào, SDB lược dịch