Ước mơ qua hàng giậu

Bàn tay thằng bé cứ cố rướn cao, nhìn qua bờ rào. Nó say sưa dõi theo những bước chân chạy vui tươi của lũ trẻ bằng tuổi nó trong sân trường. Thỉnh thoảng, nó nhún nhẩy theo trò vui, khiến cái thùng rác dưới chân suýt đổ, làm nó chấp chới đu đưa trên tấm phên rào.

Tuột xuống, ngồi dựa vào bờ tường, nó rút xập vé số dầy cộm từ cái túi dết đeo bên hông, và đếm. Úi chà, còn nhiều quá! Tháng trước thôi, quãng chín mười giờ nó đã có thể ra về rồi, nhưng dạo này “đội quân vé số” của bọn nó đông quá cỡ. Không biết vì người ta có nhu cầu mua mắn nhiều, hay là vì ngày càng nhiều người nghèo khiến cho những đứa trẻ như nó phải nhập cuộc bươn chải???

Ôi, nghĩ nhiều làm gì cho khổ, bởi ngay lúc này, xấp vé số ế ẩm cũng đủ để tước đi nơi nó mọi niềm vui. Trong cái đầu non nớt của nó hiện lên nhiều địa chỉ cần đến “Thần may mắn” để vượt lên số phận. Nó cũng mong mỏi được ai đó mua giùm vé số, nhưng thế gian này nhiều kẻ nhanh chân. Có khi nó đến nơi thì đã có đứa trẻ nào đó đến bán trước rồi!

Dợm bước đứng lên, nó bước đi dứt khoát, mặc cho phía sau lưng nhiều lời bình phẩm. Chị bán bánh mì chép miệng nói: “Tội nghiệp thằng bé, muốn đi học mà chẳng được đến trường. Chẳng bù cho mấy đứa con em, lười quá, hết quát rồi van lạy nó cũng chẳng chịu học cho! Chị thấy không, ngày nào nó cũng phải lân la đến trường dăm phút”.

“Thời buổi này ai mà biết được! Nhìn bề ngoài nó thế thôi, chứ biết đâu đang dò la tình thế đấy..” Chị bán nước chặn ngang. “Con nít bây giờ cũng gớm lắm”. Hai người phụ nữ huyên náo chuyện trò, họ không biết gần đó có đôi mắt đang dõi theo mọi sự kiện.

Ngày hôm sau cũng thế, tiếng trống trường, tiếng cười, tiếng ê a lại đưa chân nó đến trường, mặc cho xấp vé số lúc nào cũng như đang đe doạ lấy mất vui đơn sơ của nó. Cố gắng trèo lên cái thùng rác to tướng để sát bên ngoài hàng rào, nó tròn mắt thấy đám trẻ vây quanh chiếc bánh sinh nhật, có thầy đứng gần bắt nhịp hát bài “Happy birthday to you”, thế rồi, nó bị chìm ngập trong nỗi nhớ nhung về thuở ngày xưa, lúc nó 5 tuổi, học lớp lá. Mừng sinh nhật nó, mẹ cũng mua cho nó một bánh sinh nhật thật to, rồi cô giáo dậy cho cả lớp bài hát này để mừng nó. Rất tiếc, đó lại là ngày mừng sinh nhật cuối cùng của nó, vì ngay năm sau, ba nó bệnh nặng, mẹ nó phải tần tảo đi làm thuê nuôi gia đình, nó là anh cả nên phải nghỉ học để phụ mẹ trông 3 đứa em. Giờ thì ba không còn nữa, nó phải bán vé số phụ vào số tiền nhỏ nhoi mẹ kiếm được từ hai gánh rau muống. Rồi hứng chí, nó hát mừng “Happy birthday to you” cho chính mình, vì hai ngày nữa là đến sinh nhật của nó rồi!

Giọng hát ngây thơ của nó làm tan chảy một con tim, mà nó không biết.

“Các em thân mến, sắp đến ngày lễ Giáng Sinh rồi. Đây là ngày lễ của người Công Giáo. Trong ngày lễ Giáng Sinh, họ mừng vì Thượng Đế đến trần gian, thành một con người như chúng ta, để dậy con người biết yêu thương. Các em có muốn làm điều gì dễ thương trong ngày lễ này không?. Khi cô hiệu trưởng vừa dứt lời, đám trẻ lao nhao cho ý kiến. Có em đề nghị nhặt rác làm sạch môi trường, có em xin nhường phần ăn sáng một tháng cho những trẻ nghèo, em khác xin đặt con heo đất vào tiệm phở mẹ em bán, để xin tiền lẻ tiết kiệm làm quỹ khuyến học các bạn nghèo trong trường…

Mắt cô hiệu trưởng cay xè. Lòng cô chất ngất cảm động vì tấm lòng quảng đại của các trẻ, dù mới ở độ tuổi tiểu học. Ai dám bảo lòng người trẻ ngày nay đã chai cứng?

Sau những sáng kiến của đám trẻ, cô một lúc im lặng rồi nói: “Cô cám ơn các em rất nhiều vì những sáng kiến. Cô hoan nghênh tất cả những sáng kiến ấy, và cô khích lệ các em cứ làm như các em đã nghĩ ra, và bắt đầu sáng kiến ấy kể từ ngày hôm nay”.

Đám trẻ nhẩy lên vui sướng vì thấy những sáng kiến của mình được trân trọng. Cô nói tiếp: “Nhưng cô đề nghị các em đừng làm một mình, nhưng nếu có thể, hãy rủ bạn mình cùng làm, như thế trường chúng ta sẽ có những nhóm bạn “thợ xây thế giới”. Các em có đồng ý không?”. Đám trẻ đưa hai ngón tay hô vang “Yeh”, mắt ánh lên niềm vui sướng.

Cô hiệu trưởng tỏ vẻ băn khoăn rằng không biết làm thế nào để tìm ra người cần giúp đỡ. Rồi đề nghị: “Cô sẽ đặt một thùng thư ở cổng, và thông báo các trẻ, ai cần sự trợ giúp nào cứ tự do ghi, kèm theo tên cũng như địa chỉ.

Đám trẻ trong trường giờ này sinh hoạt vui và lạ lắm. Đứng trên thùng rác, nó nhận định, vì thỉnh thoảng khi đi bán vé số, nó gặp mấy bạn cùng nhau đi lượm ve chai, hoặc vào giờ chơi, nó thấy chúng tụm năm túm ba bàn thảo ra chiều đắc chí lắm về điều gì đó, chứ không chỉ cảnh huyên náo vui tươi trước kia. Nhưng nó không đoán ra.

“Cô ơi! Trước cổng người ta viết cái gì thế?”. Nó rụt rè hỏi cô bán bánh mì. Vừa thương, vừa cám cảnh trước đứa trẻ không biết chữ, cô giải thích về hộp thư như đã có lần đám học trò mua bánh mì kể. Nó ra vẻ đăm chiêu, và tuần sau, nó thẽ thọt xin cô bán bánh mì ghi giùm nguyện ước: “Ông già Noel yêu quý, trong năm qua con đã rất cố gắng để trở thành một em bé ngoan, con chỉ mong ông cho ba mẹ con khỏe mạnh, và con cũng muốn được đi học nữa. Chúc ông luôn vui, con cảm ơn ông thật nhiều!”

Ngày Giáng Sinh, đám trẻ tập họp, “nghiệm thu” về số tiền kiếm được. Thật không ngờ được, 9 triệu 4 trăm ngàn. Tất cả ồ lên, chúng không ngờ sức mạnh của tập thể, của tình yêu, và nhất là sự nhiệt tình đóng góp của một vài ba mẹ cho kế hoạch nhỏ của con cái.

Thế nhưng, ở ngoài kia, có một đứa bé khóc. Thì ra hôm nay người ta đã lấy mất đi cái thùng rác to đùng, đó là cái “bệ đỡ” đưa nó đến những ước mơ, niềm vui được nhìn thấy các bạn vui chơi, học hành. Vậy là từ nay nó sẽ không còn niềm hạnh phúc được ngắm nhìn các bạn vui học qua tường rào của nhà trường nữa. Đứng dưới chân tường, nó mân mê xấp vé số trên tay mà hai hàng nước mắt rơi lã chã.

Chợt có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên đôi vai bé nhỏ của nó. Nó quay nhìn lại, khuôn mặt phúc hậu của một người phụ nữ đứng tuổi hiện ra, phía sau là những khuôn mặt tươi vui của đám trẻ mà nó chỉ được nhìn sau tấm phên hàng giậu. Cô hiệu trưởng cầm lá thư nó gởi cho ông già Noel, đọc và tuyên bố: “Đây là lá thư duy nhất mà cô nhận được. Các em có muốn thực hiện ước mơ của bạn không?”

Đám trẻ cười tươi: “Thưa có!”, thế là nhà trường có thêm một cậu học trò mới.

Cho tới bây giờ, trong ký ức của bà Hiệu trưởng không bao giờ phai mờ hình ảnh cậu bé đu bám tấm phên rào, để treo lên đó niềm mơ ước. Bà thầm cảm ơn Trời vì ngày ấy, may mà bà kiên nhẫn dõi theo và cảm thương trước “hành vi khả nghi của một đứa trẻ bụi đời” – như tin báo đến nhà trường – thay vì kết tội, đuổi xua.

Nhờ đó, đám học trò năm ấy tạo nên một luồng gió mới trong nhà trường với những sáng kiến cao thượng. Sau này, bà càng cảm động hơn, khi biết có nhiều em thành đạt. Đặc biệt, sáng kiến nhỏ của bà và đám trẻ, đã tặng cho xã hội một anh cử nhân tin học xuất sắc, một con người đáng tin cậy.

Hồng Ngọc

Visited 3 times, 1 visit(s) today