UGANDA – VỚI NHỮNG NGƯỜI TỊ NẠN… HƯỚNG ĐẾN MỘT “CHÚNG TA” NGÀY MỘT RỘNG LỚN HƠN

       (Hãng thông tấn Salêdiêng – ANS) Trại tị nạn tại Palabek, 21.06.2021 – Hôm Chúa nhật ngày 20 tháng 6, Ngày Tị nạn Thế giới đã được tổ chức. Các tu sỹ Salêdiêng cam kết mạnh mẽ trong việc chăm sóc nhiều người trẻ và những cộng đồng dân cư bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ. Ban Truyền giáo dự tính sẽ thúc đẩy sự bén nhạy hơn về lãnh vực này trong Tu hội để công tác truyền giáo trở nên sâu sắc và hiệu quả hơn. Vì lý do này, hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ một cách tổng hợp và bao quát về suy tư của Cha Lazar Arasu, một Salêdiêng Ấn Độ, đang phụ trách cộng đoàn ở Palabek, thuộc Uganda.

—–

       Khi đưa ra thông điệp cho Ngày Tị nạn Thế giới, tôi nhận được những cuộc điện thoại đau buồn từ các Trung tâm Y tế trong và ngoài Khu Định cư Người tị nạn Palabek, quận Lamwo, nơi tôi làm việc trong bốn năm qua, nói rằng sự lây nhiễm vi rút Corona hầu như đang gia tăng hàng giờ. Điều kiện sống, đặc biệt là tình hình vệ sinh ở khu định cư của người tị nạn, thật kinh khủng – vẫn luôn như vậy.

       Một gia đình tị nạn, thường ngay cả một bánh xà phòng cũng rất khó kiếm. Trong bối cảnh đó, chúng ta được kêu gọi để tổ chức Ngày Tị nạn Thế giới.

       Ngày quốc tế do Liên hợp quốc thiết lập này, được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần vào ngày 20 tháng 6. Hàng năm, ngày này nêu bật những tư tưởng như quyền của người tị nạn, khả năng khôi phục cuộc sống của họ và cung cấp sự bảo trợ mà họ đang cần gấp. Người tị nạn là khách của chúng ta chứ không phải là kẻ xa lạ; họ là anh chị em của chúng ta chứ không phải là dân vãng lai. Bất cứ ai cũng có thể trở thành người di cư và tị nạn. Hầu hết họ không tự chọn số phận như vậy. Họ trở thành dân tị nạn do chiến tranh, mất trật tự an ninh, bất ổn chính trị, thiên tai, và thậm chí cả những hoàn cảnh do biến đổi khí hậu gây ra.

       Trên thế giới hiện nay, thật không may là một phần đáng kể nhân loại đang phải trở thành người tị nạn. Nhìn sâu hơn vào thực trạng này ta thấy rằng chính lòng tham và sự ích kỷ của một ít người đã khiến đồng loại của mình phải chịu muôn vàn đau thương. Những người đang sinh sống trên mảnh đất của mình và tự làm lụng kiếm sống, giờ bị tước đoạt đất đai, kế sinh nhai và buộc phải ẩn náu ở những vùng đất và nền văn hóa xa lạ. Lúc này đây, ngay cả giá trị bản thân và phẩm giá của họ cũng đang bị đe dọa.

       Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả Anh em) mời gọi mọi người hãy sống trong tinh thần “chúng ta”, từ đó xây dựng thành một gia đình nhân loại. Trong tình hình của đại dịch Corona, ngài viết: “Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe này qua đi, điều tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta sẽ lún sâu hơn nữa vào cơn sốt chủ nghĩa tiêu thụ và các hình thức tự tôn cá nhân mới. Sau hết những điều này, chúng ta sẽ không còn nghĩ về ‘họ’ và ‘những người kia’, mà chỉ còn là ‘chúng ta’ ” (số 35). Thật vậy, khi chúng ta xem mọi người như một phần của gia đình mình, thì giữa chúng ta, sẽ không còn ai là người di cư và dân tị nạn.

       Vào ngày 3 tháng 5 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày với Giáo hội thông điệp của ngài cho Ngày Tị nạn Thế giới với chủ đề: Hướng đến một “Chúng ta” rộng lớn hơn. Thông điệp này rất liên kết với chủ đề mà Liên hợp quốc đã đưa ra – Chúng ta cùng chữa lành, Chúng ta cùng học hỏi, Chúng ta cùng tỏa sáng. Một điều chắc chắn là cả hai thông điệp đều tương đồng với nhau mà trong đó nổi bật lên là hai chữ “CHÚNG TA”.

       Chúng ta cùng chữa lành, nhằm mục đích cho người tị nạn tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (cấp 1) và cấp 2, sức khỏe tình dục và sinh sản, dinh dưỡng và sức khỏe tâm thần.

       Chúng ta cùng học hỏi, nhằm mục đích thay đổi cuộc sống của những người tị nạn trẻ tuổi bằng cách cung cấp cho họ nền giáo dục và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

       Chúng ta cùng tỏa sáng, nhằm mục đích giúp người tị nạn khám phá khả năng sáng tạo để khai mở tiềm năng và sử dụng cuộc sống của họ cách tốt nhất.

       Chữa lành, Học hỏi và Tỏa sáng có thể tăng cường sức khỏe tâm thần và giúp những người tị nạn có được sự tự tin, tìm ra tình bạn mới và cảm thấy được chào đón. Trong quá trình này việc sử dụng các môn thể thao, trò chơi, phương pháp học tập mới và những hoạt động sáng tạo khác có thể giúp phát triển tài năng vốn có của những người tị nạn trẻ tuổi này.

       Hai chữ “CHÚNG TA” là biểu trưng của sự đoàn kết, thống nhất, gần gũi, không thể tách rời, tình bạn và thậm chí là sự thân mật. Có lẽ, trong thế giới của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất và óc lợi nhuận, khái niệm CHÚNG TA rất dễ bị quên lãng và coi thường. Giờ đây, Liên hợp quốc và các nhà lãnh đạo thế giới như Đức Giáo hoàng Phanxicô đang kêu gọi mọi người hãy cảm thức về ý nghĩa của hai chữ “CHÚNG TA”. Thời điểm này, chỉ duy cảm thức ấy mới có thể cứu những người tị nạn và tất cả mọi người, đặc biệt là trong giai đoạn kinh hoàng của đại dịch Corona. Cảm thức về hai chữ “CHÚNG TA” chắc chắn có thể giúp chúng ta ở bên nhau (dù cho trong khoảng cách về thể lý / xã hội).

       Vào Ngày Tị nạn Thế giới, chúng ta thường nghe những bài phát biểu dựa trên lòng trắc ẩn, thương xót, sẻ chia và chào đón. Chắc chắn đây là dịp để xây dựng sự đồng cảm và thấu hiểu cho những hoàn cảnh khó khăn của những người tị nạn và nhận ra khả năng khôi phục cuộc sống của họ.

       Ngày này rọi chiếu lên quyền lợi, nhu cầu và ước mơ của người tị nạn, giúp huy động ý chí chính trị và các nguồn lực để người tị nạn không chỉ có thể tồn tại mà còn phát triển. Đang khi điều quan trọng là phải bảo vệ và cải thiện cuộc sống của những người tị nạn mỗi ngày, thì những ngày quốc tế như Ngày Tị nạn Thế giới sẽ giúp tập trung sự chú ý của toàn cầu vào tình hình của những người đang chạy trốn xung đột hoặc bắt bớ. Nhiều hoạt động được tổ chức vào Ngày Tị nạn Thế giới tạo cơ hội để hỗ trợ người tị nạn.

       Giữa những điều động về chính sách và chính trị, Uganda đã trở thành thiên đường cho những người tị nạn. Là một quốc gia nghèo và đang phát triển, Uganda có thể không là nơi cung cấp điều tốt nhất cho người tị nạn nhưng Uganda luôn chào đón, đặc biệt là đối với những công dân bình thường. Hiện nay, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm giữ cam kết thực hiện lời hứa đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người tị nạn, đặc biệt là vào thời điểm của đại dịch, khi nhiều nhu cầu đang gia tăng ở khắp mọi nơi, ngay cả tại các quốc gia giàu có hơn. Việc tiêm chủng cũng nên được mở rộng cho những người tị nạn.

       Khẩu phần ăn bị giảm và chi phí hỗ trợ cho các chương trình mưu sinh đã bị đẩy xuống mức tối thiểu. Với cảm thức về “CHÚNG TA”, chúng ta hãy cùng nhau đặt con tim và chung tay để tiếp chạm tới những người tị nạn đang ở ngưỡng cửa nhà chúng ta.

       Mong sao những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày hôm nay tiếp tục vang vọng bên tai chúng ta, “Tôi đưa ra lời kêu gọi này để mọi người cùng nhau tiến bước hướng tới một “chúng ta” rộng lớn hơn cho tất cả mọi người, vì mục tiêu đổi mới gia đình nhân loại, cùng nhau xây dựng một tương lai của công lý và hòa bình, và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta được mời gọi để cùng nhau mơ ước, không sợ hãi, như một gia đình nhân loại duy nhất, như những người bạn đồng hành trên cùng một hành trình, như những người con trai và con gái trên cùng một trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, tất cả là anh chị em của nhau.”

       Nguồn: https://www.infoans.org/en/sections/news/item/13108-uganda-with-refugees-towards-an-ever-wider-we

 Bọt Biển chuyển ngữ

Visited 2 times, 1 visit(s) today