UGANDA – PALABEK: KHU TÁI ĐỊNH CƯ, KHÔNG PHẢI TRẠI TỊ NẠN

 (ANS – Palabek) –  Từ những con đường đất đỏ khô ráp của Uganda dẫn đến khu tái định cư giáp biên giới Palabek. Vào mùa mưa, những con đường này trở nên lầy lội và trơn trượt nguy hiểm hơn sau những trận mưa lớn. Thậm chí những phương tiện được trang bị tốt nhất đôi khi cũng phải chịu thua với thiên nhiên ở đây. Dọc đường, rất dễ bắt gặp hàng chục trẻ em, phụ nữ gánh nước trong những chiếc thùng nhựa màu vàng. Những người di cư xin đi nhờ bằng cách nhảy lên phía sau một xe bán tải nào đó và không ai biết họ đến từ Uganda hay từ Nam Sudan.

Trẻ em Châu Phi đi lấy nước mang về làng. Ảnh: TTXVN

Palabek không phải là trại tị nạn châu Phi như các phương tiện truyền thông đưa tin, mà là một khu tái định cư của người Uganda, họ đến từ phía bắc đất nước và những người mới đến từ Nam Sudan. Khu vực biên giới đã trở thành nơi sinh sống của hơn 70.000 người nhập cư, 60% trong số đó dưới 13 tuổi. Cư dân Palabek nói ngôn ngữ Acholi, cho dù họ là người Ugandan hay người Nam Sudan. Milton Obote, cựu Tổng thống Uganda, xuất thân từ người Acholi: ông hai lần được bầu vào chức vụ và được coi là “Cha đẻ của nền độc lập” của Uganda. Khu định cư mở cửa vào năm 2016 để ứng phó với làn sóng người di cư ngày càng tăng từ Nam Sudan chạy trốn khỏi cuộc xung đột vũ trang tàn khốc ở đất nước họ.

Các Salêdiêng truyền giáo đã làm việc tại Palabek từ năm 2017. Các nhà truyền giáo đã mở được một trường học, một giáo xứ, xây dựng một nhà thờ và 17 nhà nguyện ở các làng lân cận. Ngoài ra các Salêdiêng còn hỗ trợ giáo dục, phân phát thực phẩm và công tác mục vụ. Các Salêdiêng đã tổ chức hoạt động giải trí cho thanh thiếu niên như: thể thao và âm nhạc. Đồng thời các nhà truyền giáo còn quan tâm đến việc giáo dục, và mở Trung tâm Dạy nghề. Giáo dục là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà những người di cư trẻ tuổi có thể sử dụng để xây dựng tương lai của mình. Trên áo của các em có dòng chữ PPC với ý nghĩa “Xây dựng lại cuộc sống”. Dòng Salêdiêng đang giúp xây dựng lại những cuộc đời thanh thiếu niên và người dân nơi đây bị tàn phá bởi hận thù và chiến tranh.

Cha Ubaldino Andrade, SDB, truyền giáo nơi đây cho biết có rất nhiều thách đố trong vùng truyền giáo Palabek. Cha nói: “Chúng tôi cần thêm những người Salêdiêng  làm việc ở đây. Nhiều người trẻ đang lớn lên mà không có sự chăm sóc của cha mẹ, vì họ đã trở về Nam Sudan. Họ để con cái cho người khác chăm sóc, khiến sự phát triển của chúng gặp nguy hiểm”.

Cha Ubaldino giải thích rằng những người di cư sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, họ phải làm việc chăm chỉ mỗi ngày để kiếm sống, họ ăn rất ít, đôi khi chỉ một bữa một ngày. Nhiều trẻ vị thành niên buộc phải nghỉ học để đi đập đá, làm than, kiếm củi, ra đồng trồng ngô hoặc chăm sóc động vật. Một số ít học sinh đến trường phải đi bộ rất xa, có khi đi mười đến mười lăm cây số và nhiều em về nhà mà không có đồ dùng học tập hay thức ăn. Nhiều em gái mang thai và bỏ học. Nhiều trẻ em trở thành cha mẹ khi còn trẻ, không có phương tiện sinh sống, không có kinh nghiệm và không có việc làm.

Đất nước Uganda nổi tiếng với chính sách nhân đạo và ưu ái dành cho người di cư. Họ chào đón những người tị nạn với vòng tay rộng mở và trao cho họ quyền làm việc và tự do đi lại. Cách tiếp cận này khác với tình hình ở nhiều quốc gia khác, thường hạn chế việc di chuyển và cơ hội tìm kiếm việc làm của những người mới đến. Bất chấp điều kiện sống khó khăn và những tổn thương phải gánh chịu, những người di cư ở khu định cư Palabek đã hình thành một cộng đồng dựa trên sự hỗ trợ và đoàn kết lẫn nhau. Chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ làm việc để đảm bảo an ninh và duy trì hòa bình trong khu tái định cư. Điều đáng nói nữa là cư dân ở các thị trấn và thành phố xung quanh thường chia sẻ nguồn lực của họ với những người di cư mới đến này và giúp họ hòa nhập.

Cha Ubaldino Andrade, một trong những nhà truyền giáo Salêdiêng ở khu dành cho người di cư vùng Palabek, nơi chào đón khoảng 36.000 người tị nạn từ Nam Sudan. Ảnh: ANS

Theo dữ liệu từ Cao ủy Liên hợp quốc về người Di cư (UNHCR) năm 2022, hiện có gần 1,5 triệu người tị nạn ở Uganda, trong đó riêng Palabek có khoảng 70.000 người. Họ đến từ các quốc gia khác nhau: Ethiopia, Somalia, Congo, Rwanda, Burundi, Eritrea, Sudan và Nam Sudan. 83% trong số họ là phụ nữ và trẻ em, và 25% là thanh niên từ mười lăm đến hai mươi bốn tuổi.

Tác giả: Linh mục Maciej Makula, SDB

Nguồn: https://www.infoans.org (Ngày 29/9/2023)

Chuyển ngữ: Ban Truyền Thông SDB Việt Nam

 

 

 

 

Visited 52 times, 1 visit(s) today