Tuần 9 Ngày Kính Thánh Gioan Bosco – Ngày Thứ Hai: “Tự Hỏi”

Học kỳ vừa qua, con được học về một Triết gia rất nổi tiếng thời cận đại đó là Emmanuel Kant. Siêu hình học của ông mang lại cho con nhiều điều thú vị, đặc biệt là ba câu hỏi của ông: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Và tôi được phép hy vọng gì? Ba câu hỏi này không chỉ đóng lại khi kết môn siêu hình nhưng nó còn tiếp tục cho con những chất liệu suy tư trong cuộc sống. Chính vì thế, trong bài chia sẻ hôm nay, con sẽ dựa vào ba câu hỏi của Kant để nói lên những cảm nghĩ của mình về Don Bosco: Tôi thực sự biết gì về Don Bosco? Tôi phải làm gì để nói lên lòng yêu mến? Và tôi hy vọng điều gì ở ngài? 

Don Bosco sinh ngày 16 tháng 08 năm 1815, tại xóm Bechi, vùng Castelnuovo Asti, miền Bắc Ý. Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cha ngài là ông Phanxicô Bosco và Mẹ là bà Magaritta. Cha ngài mất sớm và mẹ ngài phải vất vả gánh vác một gia đình gồm mẹ già và ba đứa con nhỏ. Don Bosco lớn lên trong sự giáo dục tận tình, khôn ngoan và đạo đức của mẹ Magaritta, mặc dù mẹ ít chữ nghĩa. Ngay từ bé, Don Bosco đã khao khát trở thành linh mục để mong cứu vớt thanh thiếu niên nghèo bị bỏ rơi và hướng dẫn chúng đến sự thánh thiện đích thực. Mặc dù gia đình nghèo nàn và thiên chức linh mục chỉ là điều mơ ước viễn vong nhưng, Thiên Chúa đã trù liệu mọi sự để ước mơ của ngài trở thành sự thật. Don Bosco đã thành lập Tu hội Thánh Phanxicô Salê để các con cái của ngài tiếp tục sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó. Nhờ sự thánh thiện, lòng nhiệt thành chăm lo cho các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, Ngài đã được tuyên phong hiển thánh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tặng cho ngài danh hiệu là Cha – Thầy – Bạn của giới trẻ.

Trên đây là những gì con biết về Don Bosco. Nói biết nhưng có thực sự biết hay không? Con biết về ngài chỉ qua những sự kiện, những biến cố lịch sử, như thế có đủ hay không? Con thiết nghĩ rằng, cái biết không chỉ dựa trên những gì mình nghe, mình thấy nhưng còn phải vượt qua cả những gì giác quan cảm nhận nữa. Nếu Don Bosco đơn thuần là một nhân vật nổi tiếng trong một giai đoạn lịch sử của Thành phố Tôrinô thì có thể con sẽ nhìn ngài trong cách khía cạnh của lịch sử không hơn không kém. Thậm chí, con cũng sẽ dễ dàng quên ngài khi gặp một nhân vật khác nổi tiếng hơn làm điên đảo giới trẻ như cầu thủ Công Phượng hay Bùi Tiến Dũng… Tuy nhiên, ngài là một vị thánh của thời đại ngài, trong giây phút này và cả tương lai nữa. Vì thế, cái biết về ngài không chỉ dừng lại ở khía cạnh sự kiện nhưng còn phải là một chất liệu suy tư trong cuộc sống nữa. Một cuộc đời đáng sống như Don Bosco phải được suy đi ngẫm lại nhiều lần không chỉ đối với những ai là tu sĩ Salêdiêng nhưng còn tất cả mọi người yêu mến ngài, để không những biết về ngài mà còn hiểu nữa. Nhiều người cho rằng, Don Bosco và con cái của ngài là những tông đồ duy hoạt động, hoạt náo giữa một đám đông hay một nhóm trẻ là không một hội dòng nào có thể qua mặt được. Chính vì cái biết về Don Bosco như thế mà nhiều người đã đánh giá sai lầm về chúng ta. Liệu rằng, chúng ta có đang rơi vào những điều mà người ta nhìn thấy hay không? Điều này làm cho con càng suy nghĩ nhiều về cái hiểu biết của mình về Cha. Nó là cái biết theo nghĩa knowledge hay understand? Nếu là knowledge thì con có khác gì một người tò mò biết về Don Bosco. Nếu là biết theo nghĩa understand thì con đã phải bày tỏ ra bằng cung cách sống của mình, sống làm sao cho ra một người tu sĩ Salêdiêng thực sự. Người tu sĩ Salêdiêng là người cảm nếm tình yêu của Thiên Chúa qua đời sống thần nghiệm của mình. Người tu sĩ Salêdiêng là người loan báo và vun đắp cho tình huynh đệ. Người Salêdiêng phải là người hết lòng cho thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Từ những việc làm đó, con mong mình sẽ được biến đổi và thăng tiến trong tình mến với Don Bosco. Bản thân con không dám nói rằng mình đã yêu mến hết lòng vì lòng yêu mến của con vẫn còn để trên môi, trên miệng. Một người con luôn tự hào về cha của mình, luôn nhớ về cha và không thể nào quên được hình bóng cha nhưng chẳng bao giờ sống một điều gì giống như cha đã sống thì những việc tưởng nhớ kia có còn ý nghĩa gì hay không? Ông bà ta có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Suy nghĩ tới đây, con tự vấn bản thân mình đã làm được điều gì để những điều con nói về Don Bosco được thuyết phục. Nhờ Kant, con tiếp tục những suy nghĩ của mình về câu hỏi thứ hai: Tôi phải làm gì để bày tỏ lòng mến của mình?

Thoạt nghe qua câu hỏi thứ hai: Tôi phải làm gì để bày tỏ lòng mến của mình? Con nhận thấy một bổn phận đằng sau đó. Don Bosco từng nói: “Các con hãy chu toàn bổn phận trong vui vẻ”. Khi nói tới bổn phận thì dường như nó là một mệnh lệnh tuyệt đối mang tính chất bắt buộc. Hiện hữu trong thế giới nay, mọi loài đều có bổn phận riêng, trừ khi không tồn tại. Một cây ăn trái nó cũng phải chu toàn bổn phận của nó là sinh hoa kết quả và như thế nó mới đạt đến sự viên mãn tròn đầy của nó; nếu không nó chỉ còn chờ người ta bứng gốc nó đi. Sự vật vô tri vô giác còn thế huống chi con người là thụ tạo đặc biệt trong trái đất này với lý trí, ý chí và tự do. Con nghĩ tới bản thân mình đầy yếu đuối bất toàn đã nhiều lần không thể chu toàn được bổn phận của mình như thế thì không đúng với những gì mình đã khấn hứa và Thiên Chúa sẽ đòi con phải trả lẽ cho những điều ấy. Suy nghĩ tới đây, con chỉ mong lòng thương xót của Ngài đổ đầy và bù đắp cho những thiếu xót của con. Con ước mong sao mình phải chu toàn những bổn phận như là lẽ sống của mình để không còn cảm thấy nặng nề vì phải giữ luật nữa. Lời khấn chỉ để giữ thì chưa tròn vẹn ý nghĩa nhưng nó còn phải được sống như một luật lương tâm tự do thúc bách nữa. Một việc làm nhỏ bé được thực hiện với sự tự do, với một tình yêu thì mang lại nhiều hoa trái hơn và ý nghĩa hơn nhiều so với một việc vĩ đại được thực hiện trong sự chi phối bởi các quan niệm, dư luận khác nhau. Con không dám nói tự mình nỗ lực trên con đường thánh hiến nhưng với sự trợ giúp của Chúa, Mẹ Maria và các anh em của con, con ung dung bước đi trên giàn hoa hồng mà Ngài đã mời gọi con.

Khép lại câu hỏi thứ hai, con nhận thấy một sự mời gọi, một lời động viên mà Don Bosco dành cho mình: “Hãy tiến bước đừng bao giờ nhìn lại đằng sau, cũng đừng nhìn xuống dưới chân. Gai nhọn sẽ biến thành hoa hồng vào giờ chết nếu con biết tin tưởng”.

Cuối cùng, câu hỏi thứ ba: Tôi được phép hy vọng gì? Hai từ được phép, con nghe sao quá dè chừng. Kant cho thấy sự giới hạn của lý trí trong việc nhận biết của con người nhất là vấn đề thiêng liêng. Con người chỉ được phép hy vọng chứ không chắc chắn đạt được nhờ nỗ lực của mình. Kant nhìn cuộc đời này cũng trong khóe nhìn của niềm hy vọng. Thỉnh thoảng, con vẫn được nghe đâu đó những vụ tự sát của những người trẻ nhất là ở nước Nhật và Hàn Quốc, con không dám phê phán những con người này nhưng con thương cho họ vì họ đã không còn một niềm hy vọng nào để có thể tiếp tục duy trì cuộc sống này. Don Bosco cho con thấy một niềm hy vọng thực sự, khi nhìn qua song sắt nhà tù, ai cũng cho rằng những đứa trẻ sau những song sắt ấy chỉ là thứ bỏ đi của xã hội nhưng chỉ có Don Bosco thấy một tương lai tươi sáng nơi chúng. Con nghĩ Don Bosco khóc không chỉ vì thương cho cuộc sống khốn khổ của chúng nhưng ngài khóc vì sự vô tâm của người đời không cho chúng một niềm hy vọng, thậm chí còn dập tắt luôn cả niềm hy vọng nữa. Don Bosco đã khơi lên niềm hy vọng nơi các thanh thiếu niên nghèo khổ chẳng còn mấy hy vọng bẳng ngọn lửa tình yêu từ con tim mục tử của Chúa Giêsu. Cánh cửa tù ngục ngăn cách thể lý chứ không thể ngăn cản được ánh sáng hy vọng mà Don Bosco đã cho chúng thấy. Mỗi người Salêdiêng cũng phải trở nên những niềm hy vọng của giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi trong thế giới hôm nay. Con tin rằng, các bạn trẻ ấy đang mong chờ chúng ta đến để cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ họ. Cuộc sống của Don Bosco luôn tràn đầy niềm hy vọng vì thế mà ngài luôn hân hoan, vui vẻ cho dù nhiều khó khăn vây kín ngài, những lúc tâm hồn ngài nổi lên sóng gió là lúc ngài càng tỏ ra vui vẻ, lạc quan. Don Bosco đã sống niềm hy vọng tràn trề và niềm hy vọng ấy đã lan tỏa ra cho mọi người mà ngài gặp gỡ. Niềm hy vọng sinh ra lòng nhẫn, lòng nhẫn trở thành nhân đức sáng ngời nơi ngài. Niềm hy vọng sinh ra sự lạc quan, vui tươi và lạc quan vui tươi dẫn đến sự thánh thiện. Đây là điều mà mọi người nhìn thấy rõ nét nhất nơi ngài: SỰ THÁNH THIỆN.

Mỗi mùa lễ Don Bosco đến lại cho con có cơ hội nhìn lại bản thân mình để học hỏi, để canh tân và để sống xác tín ơn gọi của mình hơn. Trên đây là chút suy tư vụn vặt, góp nhặt đây kia của con. Chút tâm tình nhỏ bé ấy mong được hòa chung với những tấm lòng yêu mến Don Bosco nơi mọi người để dâng lên Don Bosco bó hoa lòng, nhân ngày mừng kính ngài. Con cầu chúc mọi người có nhiều sự thánh thiện của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Don Bosco – cha của chúng ta.

Phêrô Nguyễn Duy Phương, SDB

Visited 18 times, 1 visit(s) today