“Tình cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan, ân tình đậm sâu bao nhiêu cha hỡi cha già dấu yêu. Và con nhớ mãi những ngày tháng qua. Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng. Nhớ hoài tuổi thơ bên cha, gian khổ ngày đêm chăm lo, mong muốn con được lớn khôn.” Mọi người thân mến, những lời hát trên nằm trong bài hát “Tình Cha” của ca sĩ, nhạc sĩ Ngọc Sơn và cũng là tựa đề bài chia sẻ của con trong ngày cuối cùng của tuần chín ngày chuẩn bị mừng lễ Don Bosco.
Nếu có ai hỏi con ấn tượng với từ nào nhất trong nhà dòng thì con xin trả lời đó là từ “cha”. Vì từ “cha” được sử dụng rất nhiều trong một ngày, nó được nhắc đến 5 lần trong mỗi Kinh Lạy Cha, nhiều lần trong kinh phụng vụ, trong Thánh Lễ và nhiều lần trong khi gọi các bề trên trong nhà dòng. Tính trung bình thì từ cha được lặp đi lặp lại trên dưới 80 trong một ngày. Tần xuất lặp lại của từ này cũng nói lên một ý nghĩa rất sâu sắc của nó, ý nghĩa chứa đầy cái tình mà người ta gọi là “Tình Cha”.
Cái tình của người cha được nói nhiều đến trong Kinh Thánh. Đó là cái tình của Gia-cóp dành cho Giu-se, của người cha nhận hậu dành cho người con hoàng đàng hay của chính Chúa Cha dành cho Đức Ki-tô. Điểm chung của những người cha này là yêu con của mình hết lòng; đau khổ, xót xa khi con của mình bị hãm hại; bao dung rộng lượng và mở rộng vòng tay để tha thứ cho những lỗi lầm của con mình; không lên án nhưng xót thương. Giu-se bị anh em mình hãm hại nhưng Gia-cóp không trừng phạt một ai thay vào đó ông không muốn để mất thêm một ai khác. Đức Ki-tô bị loài người kết án và giết hại nhưng Chúa Cha vẫn yêu thương loài người. Tất cả những hình ảnh đó đều nói nên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Tình yêu này lại một lần nữa được bộc lộ qua hình ảnh của Don Bosco như Hiến luật khoản 2 đã nói “người Salêdiêng trở thành dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho người trẻ”
Không giống với nhiều người cùng thời, Don Bosco đã làm những công việc mà người đời cho là kì quặc. Cha là một giáo sĩ có cơ hội thăng tiến trong chính ơn gọi của mình bằng việc phục vụ tầng lớp thượng lưu, và sau đó là giúp đỡ gia đình mình… Cha không chọn điều này, thay vào đó cha chọn thanh thiếu niên nghèo khổ, là những đứa trẻ mà người đời gọi là những tên du côn, trộm cắp, là những thanh niên bị bỏ tù, bị xã hội ruồng bỏ. Cha chọn các em để tiêu hao chính cuộc đời mình cho các em và hứa cho các em của ăn, việc làm và Nước Trời. Trong khi những người khác dành thời giam rảnh rỗi để giải trí, nghỉ ngơi thì chính Don Bosco lại tận dụng hết mọi thời gian mình có để ở với các trẻ của cha, để hiện diện với các trẻ về mặt thể lý hầu nói nên sự quan tâm tâm của người cha. Hơn thế nữa, cha còn tận dụng thời gian cách triệt để cho việc học tập và làm việc hầu mưu ích cho người trẻ. Như chính cha đã nói: “Vì các con cha học tập, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống…”
Không phải lúc nào lòng yêu mến của Don Bosco dành cho người trẻ cũng được đền đáp xứng đáng. Đôi khi có những em lợi dụng lòng tốt của cha để lấy trộm đồ khi cha cho các em ở trong nhà qua đêm. Thế nhưng cha không tìm cách để bắt hay vạch tội những đứa trẻ đáng thương này. Thay vào đó cha vẫn mở rộng vòng tay của mình để đón các em. Cùng với đó, khi nhận thấy sự bất ổn nơi tâm hồn một số em trong nguyện xá, cha không bỏ rơi, đánh phạt mà cha cho các em biết cha đau khổ như thế nào khi nhìn thấy các em sống trong tình trạng như vậy. Một câu truyện kể lại rằng có một em trong nguyện xá phạm một lỗi lầm, cha mời em vào phòng của mình, mọi người nghĩ rằng em đó sẽ có một hình phạt nhớ đời. Nhưng không, cha đưa cho em một chiếc roi và nói hãy đánh cha với hình phạt mà em đáng nhận được. Thế là cậu bé của ngài đã nhìn được khuôn mặt đau đớn của cha vì lỗi lầm của em. Không những thế, cha tìm những phương thế thích hợp để giúp các em trở nên tốt hơn trong chính cuộc sống của các em. Đó là việc cha dẫn các em đến với Bí tích thánh thể, Bí tích hòa giải và sự trợ lực nơi Mẹ Maria. Tất cả những gì Don Bosco đã sống, đã làm cho người trẻ không chứng minh tình yêu của riêng cha dành cho người trẻ, thay vào đó cha đã nói mọi người biết rằng Thiên Chúa yêu các bạn trẻ thế nào. Người không bỏ rơi nhưng luôn gởi đến cho các em những con người đạo đức thánh thiện với tấm lòng của một người cha để giúp đỡ, chăm sóc các em.
Nói đến đây, con tự hỏi đâu là nguồn cảm hứng để Don Bosco, một người bị mồ côi cha từ nhỏ lại có thể trở thành một người cha vĩ đại như vậy. Ai đã hướng dẫn cho cha để để cha trở nên một người cha mang hình ảnh của chính Thiên Chúa? Có lẽ ở đây ta không thể phủ nhận sự trợ lực từ những con người bên cạnh cha. Đầu tiên phải kể đến là Mẹ Magritta, mẹ của cha, kế đó là cha Cafasso và cuối cùng là chính Đức Maria. Chính những con người này đã giúp Bosco nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính cuộc đời cậu. Người là một người cha luôn yêu thương, bên cạnh và chăm sóc dạy bảo cho cậu qua bàn tay của những người Ngài gởi đến cho cậu. Và nhờ đó, khi lớn lên cậu tiếp tục truyền lửa yêu mền của chính Thiên Chúa cho người trẻ.
Lại một lần nữa con tự hỏi, là một Salêdiêng, con đã được lĩnh hội tinh thần của tu hội mà chính Don Bosco đã để lại, thế con đã làm được gì để người trẻ thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa, của Don Bosco nơi con? Tình yêu của người cha thì ấm áp và ngọt ngào như những gì được thể hiện nơi bài hát “Tình cha”. Thế nhưng con lại chưa làm cho người nghe cảm nhận được tâm tình của một người cha ở trong đó. Thay vào đó, nó chỉ còn là lời hát chưa có hồn, tẻ nhạt. Tệ hơn nữa là giọng hát của con có thể làm cho người nghe cảm nhận tình cha thật nhàm chán. Nghĩ lại có vẻ con đang khiêm nhường nhưng thực ra lại là kiêu ngạo một cách tinh vi, vì bản chất trong chính ơn gọi này Thiên Chúa mời gọi và chọn con đến với Người để họa lại dung mạo của Người cho người trẻ chứ không do ý muốn của riêng con. Cũng vì thế, Ngài chọn con không phải vì con giỏi giang, hay có sẵn tấm lòng của một mục tử nhân lành nhưng vì Ngài yêu con. Riêng con phải mở rộng tâm hồn của mình để cảm nhận tình yêu thương của Ngài trong từng ngày sống của con và nhờ đó con có thể hát tiếp khúc hát Tình cha mà con đã được lãnh nhận.
Với những tâm tình đó, con xin kính chúc mọi người có được tâm tình của một người cha mà Don Bosco đã truyền lại để qua chính ơn gọi của mình mọi người sẽ làm cho người trẻ thấy rằng các bạn được Thiên Chúa yêu thương chừng nào. Kính chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cộng đoàn và các bạn trẻ mừng lễ Don Bosco vui tươi, thánh thiện và một năm mới tràn đầy bình an của Chúa Xuân.
Giuse Thiên Trúc, SDB