Tuần 9 ngày kính Thánh Gioan Bosco – Ngày thứ 5: “Chết đi để được sống sung mãn hơn”

Mọi người thân mến, sau những ngày nghỉ lễ, giờ đây chúng ta cùng tiếp tục tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và yêu mến Don Bosco trong tuần 9 ngày. Hôm nay, con xin được cùng cộng đoàn sống trong tâm tình ấy qua bài chia sẻ với chủ đề: Chết đi để được sống sung mãn hơn. Trong ngày giao lưu với các tập sinh FMA năm 2016, con thật sự ấn tượng khi lần đầu tiên bắt gặp những hình ảnh của Don Bosco về cuối đời. Trước đây, những hình ảnh về Don Bosco là những hình ảnh lúc ngài còn khỏe mạnh. Tuy nhiên khi xem những hình ảnh này, đọc lại những trang sử viết về những năm tháng cuối đời và cái chết lành thánh của Don Bosco, con nhận ra Ngài đã trải qua biết bao đau khổ của bệnh tật về thể xác, nhất là những giây phút cuối cùng, tất cả nói lên một cuộc đời hao mòn cho tới hơi thở cuối cùng vì người trẻ. Hôm nay con cũng muốn chia sẻ với quý Bề trên và anh em về những hình ảnh biết nói này. Con thiết nghĩ, chắc hẳn chúng ta, những người con của Don Bosco cũng sẽ nhận ra tình yêu, sự hy sinh của ngài dành cho mình.

Khi viết bài chia sẻ này, con được dịp xem lại cuốn sách lịch sử và tinh thần, cuốn số 7 viết về những năm tháng cuối đời và cái chết lành thánh của Don Bosco. Trong đó, cha Lemoyne, người viết hồi ký tiểu sử nói rằng: Don Bosco đã chiến đấu chống lại bệnh tật suốt cả đời. Ngài nói đến thời là học sinh ở Chieri: “Việc đọc sách muộn cả đêm đã làm tổn hại đến sức khỏe của cha đến độ, trong một vài năm dường như cha đã phải xuống mồ”. Năm 1846, những căn bệnh của Don Bosco lên đến tột độ và kéo dài với những triệu chứng liên quan đến hô hấp yếu, đau ngực, thổ huyết, nhiệt độ thất thường. Năm 1871-1872, Don Bosco liệt giường gần 2 tháng với những bệnh như co giật vì phong thấp, sốt, táo bón. Năm 1884, căn bệnh đường phế quản trở nên nặng nề với các triệu chứng đuối sức, đau ngực, thổ huyết và nhịp tim yếu. Trong những hoàn cảnh phải mang lấy những đau đớn nơi thể xác đó, thầy Enria viết về Don Bosco: “Ngài rất đau nhưng không bao giờ than phiền. Ngài luôn cầu nguyện cho thánh ý Chúa được nên trọn trong mọi sự. Thật là một gương sáng hy sinh chịu đựng mà cha thánh chúng ta đã để lại cho chúng ta.”

Sáng thứ Hai, ngày 30/01/1888, một ngày trước khi Don Bosco qua đời, cánh tay phải của ngài hoàn toàn bị tê liệt. Trong khi đó, miệng ngài luôn nói: “Nguyện cho thánh ý Chúa được chu toàn trong mọi sự” và ngài liên tục lặp đi lặp lại “Lạy Mẹ Maria, Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con, xin cầu cho chúng con”. Đây cũng là những lời cuối cùng của Don Bosco nơi cuộc đời này. Đặc biệt vào đêm cuối cùng, thầy Enria miêu tả: Từ 9 giờ tối, ngày 30/01/1888, tất cả các thành viên Tu hội vây quanh giường ngài, tất cả đều xúc động và không ai muốn rời phòng. Lúc 1 giờ 30 sáng, Don Bosco bắt đầu có những triệu chứng rung cả giường, mọi người đều quỳ xuống cầu nguyện. Tất cả đều khóc, pha trộn lời cầu nguyện với những lời nức nở. Hơn 4 giờ sáng, hơi thở của ngài không còn nhẹ nhàng và những giọt mồ hôi bắt đầu xuất hiện. Đức Giám mục Cagliero đọc kinh Profiscere – Hỡi linh hồn người tín hữu, hãy lên đường. Khi tất cả mọi người nhìn ngắm khuôn mặt đau thương của Don Bosco, thì ngài ra đi cách nhẹ nhàng, lúc đó là 4 giờ 45 phút, sáng thứ 3 ngày 31/01/1888.

Qua cái chết thể lý của Don Bosco, con tự hỏi: Nhờ đâu mà Don Bosco và các vị Thánh khác như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, các vị thánh tử đạo, có thể đối diện với cái chết cách thanh thản như vậy, dù phải trải qua biết bao đau đớn thể xác?

Con thiết nghĩ, các ngài đã không chết một lần, nhưng cuộc đời của các ngài là những cái chết liên lỉ, con gọi đó là những cái chết hiện sinh trong mọi giây phút và trạng huống cuộc sống. Quả vậy, khi còn nhỏ, Gioan Bosco đã chết đi cho sự lười biếng để tranh thủ mọi giây phút và cơ hội học hỏi, khi làm linh mục, ngài đã chết cho cuộc sống an nhàn, sung túc trước những chọn lựa: Phó xứ ở Buttigliera d’Asti, và Giám đốc Bệnh viện cho Thanh thiếu nữ được Bà Bá Tước Barolo thành lập. Ngài đã từ bỏ tất cả để chọn sống và chết chỉ cho thanh thiếu niên nghèo mà thôi. Trong cuộc sống, ngài đã chết đi cho những điều kiện sống tốt đẹp để luôn chọn sống nghèo khó; chết đi cho sự kiêu ngạo, cái tôi của mình để sống vâng lời và trung thành với giáo hội; chết đi cho những ích kỉ cá nhân để sống yêu thương hết mọi người; những ngày làm việc không ngơi nghỉ, những chuyến thăm viếng, những chuyến đi xin tiền xây dựng nhà thờ và các trung tâm trẻ. Những hình ảnh và ký sự về những năm tháng cuối đời của ngài cho ta thấy tất cả những điều đó. Con người ngài đã hao mòn tất cả vì người trẻ. Vậy nhờ đâu mà Don Bosco có được động lực để ngài làm được những điều phi thường như vậy? Con nghĩ, đó chính vì Ngài đã theo sát để học và bắt chước Đức Kitô một cách triệt để.

Tin mừng thánh Gioan chương 12, câu 24 có viết: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”. Câu lời Chúa này phản ảnh trọn vẹn cuộc đời hiện sinh của Đức Kitô, cũng là điều Don Bosco đã bắt chước và sống. Quả thế, cả cuộc đời của Đức Kitô là vô số những cuộc chết đi trong mọi giây phút của kiếp người ngay cả bản tính Thiên Chúa của mình. Hẳn mỗi người chúng ta còn nhớ bài chia sẻ của cha Giám tỉnh về bài giảng của cha Bề trên Cả trong chuyến hành trình xuất phát truyền giáo năm vừa qua. Cha Bề trên Cả đã cho thấy cái chết tận căn của Chúa Giêsu với sự từ bỏ bản tính qua thư gửi tín hữu Philliphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Thế đó, Đức Kitô đã chết liên lỉ trong cuộc sống để sinh lại liên lỉ trong Thánh Thần, để sống sung mãn và chu toàn trọn vẹn Thánh Ý Chúa Cha. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh ngài, tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.”

Tới đây, con nghĩ tới những điều mà cha Giuse Nguyễn Tiến Mỹ, SDB vẫn thường hay nói: Tôi đang chết! Mà có bao giờ thấy ngài chết đâu! Những lời nói vui đùa, tưởng như vô lý nhưng thật có lý. Cám ơn cha! Cái đang chết đó chính là những cái chết hiện sinh để chuẩn bị cho cái chết thể lý cách thanh thản và bình an. Ta nhận thấy điều này nơi Chúa Giêsu, nơi Don Bosco, nơi các thánh và thật cũng là lời mời gọi con và mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi ta chết đi cho những ham muốn vật chất, tiện nghi để hiệp thông với người nghèo khổ; chết đi cho tình yêu ích kỉ, những cám dỗ về đức trong sạch để sống yêu thương trọn vẹn; chết đi cho sự kiêu ngạo, cho cái tôi để hòa chung với ý kiến của anh em, để vâng lời cách bình an; chết đi cho sự lười biếng, ghen tương điểm chác để chăm chú học tập vì lợi ích giới trẻ; chết đi cho sự nóng giận, ghen ghét, nói xấu, dửng dưng, chết đi tất cả để sống thánh thiện với niềm vui hoan hỷ nhờ một tình yêu thanh thoát, triển nở liên lỉ với Chúa, với anh em và người trẻ.

Con tự hỏi nếu hạt lúa mì, hạt cải, hay hạt bắp khi được gieo xuống lòng đất mà không chết đi thì sẽ như thế nào? Thay vì chết, thối đi để nảy mầm, nếu nó cứ như vậy lớn lên thì nó sẽ trở thành một loại quái dị biết bao. Cũng thế, mỗi Kitô hữu hay mỗi tu sĩ nếu đã được tuyển chọn, được chịu phép Rửa tội, được thánh hiến trong ơn gọi của mình mà không chết đi để cho Tình yêu Thiên Chúa nảy mầm, sinh hoa và kết trái thì những Kitô hữu hay Tu sĩ đó sẽ như thế nào?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: con đường của người Kitô hữu là con đường thập giá, dấn thân và tự hiến. Đó là con đường Đức Kitô đã đi, Don Bosco và các vị thánh cũng đã qua. Thiết nghĩ đó cũng là lời mời gọi nên thánh của Thiên Chúa dành cho con và anh em: Con đường của những cái chết hiện sinh để sống sung mãn trong Thần Khí. Nhờ đó, mỗi người chúng ta sẽ trở nên mẫu người Salêdiêng lý tưởng cho người trẻ ngày nay.

Trở lại với cái chết của Don Bosco, sau khi Don Bosco qua đời, mọi người đều tiếp tục quỳ cầu nguyện và khóc. Lúc đó, cha Rua nói cho toàn thể mọi thành viên hiện diện những lời ý nghĩa, mà con thiết nghĩ chính ngài cũng đang nói cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây và trên toàn thế giới: “Chúng ta đã mất đi người cha yêu thương của chúng ta, nhưng giờ đây chúng ta đã có một vị bảo trợ trần thế trên thiên đàng. Ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa và trước Đức mẹ Maria trinh nữ rất thánh cho những thanh thiếu niên rất yêu thương của ngài ở trên trần gian. Anh em hãy tin chắc rằng, Don Bosco sẽ luôn sống mãi trong chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục gìn giữ tinh thần ngài và chúng ta hãy khắc ghi tinh thần này cho các thanh thiếu niên. Nếu làm được điều này thì Chúa sẽ làm cho Don Bosco của chúng ta tiếp tục sống giữa chúng ta cho đến tận cùng, cho đến tận thế.”

Cuối cùng, trong tâm tình trong trong tuần 9 ngày, thay lời cầu chúc, con xin mời cộng đoàn một lần nữa cùng chiêm ngưỡng tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu qua bài hát: Giêsu, Giêsu.

Giuse Lê Văn Nhàn, SDB

Visited 146 times, 1 visit(s) today