TRUYỀN GIÁO TẠI PAPUA NEW GUINEA VÀ QUẦN ĐẢO SOLOMON

Đất Nước và Con Người

Papua New Guinea (PNG) là một quốc gia gồm nhiều hòn đảo rải rác từ Indonesia đến Úc châu và quần đảo Solomon, với dân số khoảng 4 triệu người. Port Morsby là thủ đô của đất nước này. Phương tiện đường bộ chủ yếu là xe ôtô và xe buýt; còn di chuyển từ đảo này qua đảo khác, người dân phải sử dụng tàu thủy hay máy bay. PNG là một đất nước đang trên đà phát triển; đặc biệt thủ đô Port Morsby là trung tâm thương mại và giao dịch của các tập đoàn lớn từ nhiều quốc gia khác nhau như: Trung Quốc, Nhật Bản, Phi luật Tân, Úc châu, Hoa kỳ… Họ đến chủ yếu khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như  dầu mỏ, gas, than đá, thủy sản… vì PNG là một quốc gia rất phong phú về các loại tài nguyên thiên nhiên.

Tại những vùng miền quê của PNG, cuộc sống dân chúng còn rất nghèo và hoang sơ. Thức ăn chính của họ là khoai lang, chuối, rau và dừa. Ngày nay, họ đã bắt đầu ăn cơm, nhưng vẫn không thể bỏ hẳn được khoai, chuối và dừa. Văn hóa của họ có hai nét đặc trưng: nhảy múa và nhai trầu. Ngay từ khi lên bốn lên năm, các em đã học nhai trầu. Người dân ở đây cho rằng trầu kích thích thần kinh, làm cho họ tỉnh táo, sảng khoái, lãng mạn và sáng tạo. Ngoài ra, văn hóa trầu cau còn là phương tiện giao tiếp giữa người với người, tương tự như dân Việt nam ngày xưa: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mặc dù đời sống dân chúng vẫn còn nghèo nhưng chính phủ luôn khuyết khích các trẻ em đi học. Hàng năm, Chính phủ có chính sách tài trợ cho các học sinh từ cấp tiểu học đến cấp đại học. Thêm vào đó, chính phủ còn ưu tiên hỗ trợ tiền vé máy bay cho những học sinh giỏi, để các em có thể về thăm gia đình vào các kỳ nghỉ hè trong năm.

Quần đảo Solomon là một đảo quốc của người Melanesia, nằm ở phía Đông Papua New Guinea, bao gồm gần một ngàn đảo nhỏ trải dài trên một diện tích khoảng 28.400 cây số vuông. Thủ đô của nơi đây là Honiara, tọa lạc trên đảo Guadalcanal.

Theo một số ý kiến khách quan, nhiều người cho rằng người dân đảo quốc này chính là hậu duệ của người Melanesia cổ, sinh sống từ mấy ngàn năm trước. Vào thập niên 1890, thực dân Anh đã thiết lập nền bảo hộ vùng đất này. Năm 1976, chính quyền tự trị ra đời. Hai năm sau đó, Solomon chính thức trở thành quốc gia độc lập và là một thành viên thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh.

Từ năm 1998, cuộc xung đột sắc tộc đã diễn ra trong sự bất lực của chính quyền. Đến tháng 6 năm 2003, lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia của Úc được gửi đến với “Sứ mạng giúp đỡ Quần đảo Solomon” (Regional Assistance Mission to the Solomon Islands – RAMSI) nhằm thiết lập lại nền hòa bình và giải giáp các phiến quân sắc tộc vũ trang.

Ngày nay, Bắc Solomon chia thành hai vùng: Quần đảo Solomon độc lập và tỉnh Bougainville thuộc Papua New Guinea.

Ơn Gọi & Công cuộc Salêdiêng

Các tu sĩ Salêdiêng đã đến làm việc tại hai quốc gia này và hiện nay đã hình thành một Phụ Tỉnh Salêdiêng PNG, trực thuộc Tỉnh dòng Phi luật Tân Bắc (FIS).            

Ngay từ khi các tu sĩ Salêdiêng tiên khởi đặt chân đến vùng đất này, họ đã nỗ lực rất nhiều trong việc tìm kiếm ơn gọi. Thế những mãi đến hơn 40 năm sau, họ mới gặt hái được một thành quả đầu tiên là cha Isidore James Maramun, một linh mục Salêdiêng người bản xứ đầu tiên được thụ phong linh mục vào ngày 11.11.2013 vừa qua. Sự kiện đáng ghi nhớ này đem lại niềm vui và sự tự hào cho các Salêdiêng, đồng thời cũng gây ấn tượng tốt đẹp đối với dân chúng, đặc biệt các thanh thiếu niên.

Ngoài ra, Phụ tỉnh PNG lại có thêm một tin vui là thầy Gilbert sẽ lãnh Thừa tác vụ phó tế vào tháng 3 năm 2014. Hiện nay thầy Gilbert và 2 Triết sinh người PNG nữa cũng đang theo học tại Học viện Paranaque, Phi luật Tân. Tại PNG, Phụ tỉnh Salêdiêng có một Đệ tử viện Savio Haus với các đệ tử được gởi tới từ các cộng thể Salêdiêng tại đây. Các em đệ tử này theo học tại Trường Cao Đẳng Công nghệ (DBTI) và chung sống với nhau trong cộng đoàn. Sau 4 năm, các em được gửi sang Phi luật Tân để gia nhập Tiền Tập Viện.

Phụ tỉnh Salêdiêng PNG có 8 cộng đoàn: 6 tại PNG và 2 tại quần đảo Solomon. Ngoài ra, các nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu cũng có hai cộng đoàn, trong đó có sơ Vũ Phương Thùy Trinh người Việt nam. Hiện nay, sơ Trinh đang làm việc tại cộng đoàn Alotau, tỉnh Milne Bay, với công cuộc trường học và lưu xá. Công việc chính của các Salêdiêng tại PNG là điều hành các trường và dạy học, các lưu xá, nguyện xá và cả việc mục vụ tại các giáo xứ lân cận. Thỉnh thoảng các Salêdiêng cũng tổ chức Đại Hội Giới Trẻ, các buổi cắm trại… tại Trường Cao đẳng DBTI.

Hiện nay, có 7 tu sĩ Salêdiêng Việt nam đang làm việc tại Phụ tỉnh PNG và quần đảo Solomon: cha Giuse Trần Phước Tỉnh và sư huynh Anton Phạm Khắc Huy thuộc Cộng thể Vuna Bosco ở Rabaul (nơi có núi lửa và động đất xảy ra hàng tuần). Cha Giuse Tỉnh vừa là hiệu trưởng vừa là giáo viên của trường cấp hai. Sư huynh Antôn Huy đang phụ trách 200 em lưu xá. Cả công cuộc trường học và lưu xá có khoảng 800 học sinh mà chỉ có 4 tu sĩ Salêdiêng đảm trách.

Cha Fx. Trần Công Phán thuộc cộng đoàn Araimiri, gồm công cuộc trường học và lưu xá; hiện nay cha Fx. Phán đang tu nghiệp 2 năm tại Roma. Cộng thể này tuy nằm cạnh bờ biển, nhưng lại rất vắng vẻ, vì tọa lạc sát một cánh rừng hiu quạnh. Cộng đoàn Araimiri cũng có 5 tu sĩ Salêdiêng, phụ trách khoảng 150 học  sinh. Cha Giám đốc cũng kiêm nhiệm vai trò cha xứ, nên trong tuần, ngài vừa dạy học vừa coi sóc học sinh, rồi cuối tuần, lại đi bộ vài cây số để đến dâng lễ cho dân làng gần đó.

Cha Giuse Nguyễn Công Thành, cha Micaen Lập và sư huynh Fx. Nguyễn Tiến Đạt thuộc cộng đoàn Tetere tại quần đảo Solomon, với công cuộc trường cấp 2 và lưu xá. Cha Micaen Lập trước kia là giám đốc cộng đoàn, nhưng vì bệnh tật, ngài không thể hiện diện thường xuyên, nên cha Giuse Thành đảm nhận trách vụ giám đốc.

Riêng bản thân tôi đang làm việc tại trường Cao đẳng Công nghệ DBTI, vừa trông coi các em đệ tử, vừa theo học tại trường này. Đệ tử viện năm nay có 20 em đang tìm hiểu ơn gọi. Trong suốt quá trình sống và làm việc tại PNG, mặc dù luôn có những khó khăn nhất định, nhưng tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc trong đời truyền giáo của mình.

Mặc dù các tu sĩ Salêdiêng Việt Nam không được sống và làm việc chung với nhau, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc để chia vui sẻ buồn và nâng đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn. Hàng năm chúng tôi gặp nhau từ một đến hai lần, đặc biệt vào dịp tĩnh tâm. Khi đó, tất cả các tu sĩ Salêdiêng PNG đều quy tụ tại nhà tĩnh tâm Emmaus. Đây là cơ hội rất thuận tiện để anh chị em Việt nam chúng tôi có thể trao đổi những thách đố của đời tu, nhằm nâng đỡ và giúp nhau thăng tiến cuộc đời truyền giáo của mình.

Sư huynh Phêrô Lê Mạc Khải, SDB

Visited 43 times, 1 visit(s) today