- Vị trí địa lý, tình hình chính trị, tôn giáo và kinh tế của An-ba-ni-a
Về mặt địa lý, An-ba-ni-a là một quốc gia nhỏ bé của Miền Đông Nam Châu Âu thuộc vùng Balcan, bao gồm các nước Cộng Hoà Nam Tư cũ trước đây. Tổng diện tích của An-ba-ni-a là 28.756 km², với dân số khoảng 3 triệu người, mà Hồi Giáo đã chiếm 70%, còn Chính Thống Giáo là 15% và Công giáo là 12%.
Trước kia, An-ba-ni-a được xây dựng trên nền văn minh Kito giáo, vì tọa lạc bên cạnh quốc gia Italia; thế nhưng từ giữa thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, đất nước này bị đặt dưới ách thống trị của Ottomano – Thổ Nhĩ Kỳ, nên An-ba-ni-a dường như là một quốc gia theo Đạo Hồi.
Thế rồi, vào những thập niên 50 của thế kỷ XX, với sự lớn mạnh của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu, những nhà độc tài đã có tham vọng biến An-ba-ni-a trở thành một đất nước “Vô thần Tuyệt đối Đầu tiên của Thế giới”. Với chính sách đó, tất cả các đền thờ, nhà thờ hoặc nơi thờ phượng đều bị chính quyền thu hồi; tất cả các lãnh đạo tôn giáo, các chức sắc, các tu sĩ , kể cả các tín hữu đều bị tù đày hoặc bị thủ tiêu. Suốt 50 năm trời, không một nghi thức tôn giáo nào được công khai tổ chức trên đất nước được mênh danh là “vô thần tuyệt đối đầu tiên của thế giới”. Tuy nhiên, trong bối cảnh cấm đạo khắc nghiệt đó, An-ba-ni-a đã đóng góp cho Giáo Hội Công giáo 38 Anh hùng Tử đạo, đã được đức Hồng Y Amato SDB đề xướng Đức Thánh Cha phong hiển thánh vào ngày 05/11/2016. Đây là ngày kỷ niệm 26 năm Thánh lễ đầu tiên được cử hành công khai tại nghĩa trang Shkoder sau gần 50 năm bị bắt bớ và cấm cách. Ngoài ra, An-ba-ni-a còn cống hiến cho Giáo Hội và thế giới một vị Thánh lừng danh, với tên gọi quen thuộc là Mẹ Têresa Calcutta.
- Công cuộc Truyền giáo Sa-lê-diêng tại An-ba-ni-a
Trong buổi huấn từ tối cho các bạn trẻ nguyện xá, cha giám đốc có hỏi một em : “Ai là người đã dựng nên trái đất cùng muôn vàn tinh tú trên bầu trời”. một em lớp 8 lập tức giơ tay trả lời: “Don Bosco dựng nên trời đất và vũ trụ”. Câu trả lời thật ngây ngô; nó nói lên sự thiếu hụt trầm trọng về giáo lý và đời sống đạo nơi người dân An-ba-ni-a, sau gần 50 năm bị bách hại và cấm cách. Tuy nhiên câu trả lời đó lại cho thấy tầm ảnh hưởng tốt đẹp của Sa-lê-diêng nơi giới trẻ. Tại An-ba-ni-a, có 16 hội viên Sa-lê-diêng mang 7 quốc tịch khác nhau đang làm việc trong 4 cộng đoàn. 2 cộng đoàn tại Kosovo, nơi mà phần đa người Kosovo là người gốc An-ba-ni-a nhập cư, và họ nói tiếng An-ba-ni-a. Kosovo được tách ra khỏi Cộng Hoà Nam tư cũ vào tháng hai năm 2008. Còn 2 cộng đoàn khác, một tại Tirana, thủ đô của An-ba-ni-a, và một ở Shkoder là thành phố nhiều người Công giáo sinh sống nhất. Riêng tại Shkoder có 2 hội viên Sa-lê-diêng truyền giáo Việt Nam; đó là Linh mục Gioan Bao-ti-xi-ta Khổng Hữu Hiền, đặc trách Trung tâm Huấn nghệ và Nội trú; còn Linh mục Gioan Bao-ti-xi-ta Trần Tấn Huy, hiện là giám đốc và quản lý cộng đoàn. Cha JB Huy cũng là hội viên truyền giáo người Châu Á đầu tiên làm đến chức vụ Giám đốc.
Cộng đoàn Sa-lê-diêng đầu tiên được thành lập tại Shkoder vào năm 1994. Đó cũng là cái nôi sản sinh ra ơn gọi Sa-lê-diêng cho An-ba-ni-a. Thành phố Shkoder có khoảng 200.000 dân. Hiện nay cộng đoàn Sa-lê-diêng Shkoder được coi như là một “Valdoco” của tỉnh dòng, vì cộng đoàn này không bao giờ thiếu vắng sự hiện diện của người trẻ. Shkoder là cộng đoàn duy nhất của Tỉnh Dòng có nội trú, nguyện xá và cũng là nơi tìm kiếm và đào luyện ơn gọi Sa-lê-diêng. Phải nói rằng Nguyện xá của cộng đoàn Shkoder rất phong phú và sinh động; mỗi ngày vào ban chiều, có từ 200 – 400 trẻ em đến sinh hoạt đều đặn. Ngoài ra, nguyện xá còn tổ chức trại hè hàng năm, thu hút khoảng 1.200 bạn trẻ và kéo dài trong suốt một tháng. Nguyện xá Don Bosco tại Shkoder là điểm hẹn lý tưởng cho các bạn trẻ trong thành phố, vì nơi đây các bạn trẻ được huấn luyện để hoà nhập vào thế giới văn minh bên ngoài, và đặc biệt hội nhập vào văn hoá Châu Âu, sau bao năm bị cấm cách dưới chế độ độc tài Đông Âu. Nguyện xá Don Bosco cũng là nơi giúp các bạn trẻ hiểu biết hơn về đối thoại liên tôn, từ đó họ có thể sống hài hoà giữa các niềm tin và tôn giáo khác nhau như Công giáo, Chính Thống giáo và Hồi giáo trên đất nước của họ. Cũng chính trong bầu khí thân thiện và hài hoà của nguyện xá, một số bạn trẻ Hồi giáo có cơ hội tiếp cận và trở lại niềm tin Công giáo, ngay cả khi gặp sự ngăn cản của gia đình. Có những em Hồi giáo cũng xin tham dự khóa ơn gọi cuối tuần và hoa trái ơn gọi đang bắt đầu nở rộ, là có những em theo Đạo Hồi đã xin rửa tội cách kín đáo và đang theo đuổi ơn gọi thánh hiến Sa-lê-diêng.
Đoàn sủng Don Bosco và sự hiện diện của các Sa-lê-diêng trên đất nước An-ba-ni-a trong suốt 25 năm qua, đã thiết lập được sự đối thoại niềm tin tôn giáo khác nhau nơi các bạn trẻ, vì khi không thể diễn tả cách trực tiếp về Đức Kitô, thì Don Bosco và phương pháp giáo dục của ngài đã đưa những người trẻ không cùng tín ngưỡng đối thoại được với nhau. Nhờ lòng yêu thương và tôn trọng các bạn trẻ không cùng tôn giáo, các anh em Sa-lê-diêng đã nhận được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh. Họ cảm nhận được con em của họ sống tốt hơn khi tham gia nguyện xá Don Bosco; nơi đây các em được giáo dục trở nên những công dân lương thiện và những tín hữu nhiệt thành, góp phần xây dựng một xã hội An-ba-ni-a phát triển và phong phú hơn mỗi ngày.
Tác giả: Hữu Hiền, SDB