*Kỷ niệm 25 chuyến xuất phát truyền giáo ad gentes đầu tiên
Ngày 30/11/2024 tại Học viện Don Bosco Đà Lạt, Ban Truyền Giáo của Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam tổ chức Ngày sinh động truyền giáo Vùng Lâm Đồng- Kỷ niệm 25 chuyến xuất phát truyền giáo ad gentes đầu tiên với chủ đề “Những người kiến tạo sự đối thoại”
Từ 8 giờ, khuôn viên Học viện Don Bosco Đà Lạt rộn ràng với tiếng kèn, tiếng nhạc do một số nhạc công Ban kèn Vạn Thành và các Thầy biểu diễn để chào đón quý Cha, quý Tu sĩ và các tham dự viên.
Ngày sinh động quy tụ hơn 300 người tham dự, bao gồm Cha Giám Tỉnh Barnaba Lê An Phong, Quý Cha trong Ban Cố Vấn Tỉnh, quý Cha, Thầy SDB, quý Sr FMA, quý Cộng tác viên (CTV), Chí nguyện viên nữ (VDB), Chí nguyện viên nam (CDV), Quý ông bà cố, thân nhân của quý Cha, Sư huynh, Thầy truyền giáo ad gentes. Tham dự Ngày sinh động lần này còn có nhiều bạn trẻ của Nhóm sinh viên Don Bosco, Tu sinh Don Bosco, HIH, Ban hành giáo các giáo xứ Salêdiêng vùng Lâm Đồng…
Đặc biệt, ngày sinh động hân hoan chào mừng Cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính- Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt thay mặt Đức Giám mục Giáo phận đến tham dự.
Sau tiết mục sinh động của các bạn sinh viên, Cha Giám Tỉnh khai mạc và thánh hóa ngày họp mặt.
Tiếp đó, cộng đoàn xem video clip chủ đề Ngày sinh động truyền giáo: “Những người kiến tạo sự đối thoại” và hình những hình ảnh kỷ niệm 25 năm chuyến xuất phát truyền giáo ad gentes đầu tiên của Tỉnh Dòng. Theo đó đến nay Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam có 109 Cha, Thầy, Sư huynh đang truyền giáo tại 51 quốc gia thuộc 5 Châu lục.
Sau đó, ca sĩ Xuân Trường và Hoài Uyên thể hiện ca khúc “Lên đường Truyền Giáo” của Cha Gioan Baotixita Trần Văn Hào (SDB) sáng tác cho Ngày sinh động truyền giáo năm nay; anh em Tu sinh Don Bosco Đà Lạt phụ họa vũ điệu.
Đối thoại là một chọn lựa của Giáo hội
Chương trình tiếp tục với bài chia sẻ của Cha Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt. Mở đầu, Cha Tổng chia sẻ: “Được tham dự trong Ngày sinh động truyền giáo Tỉnh Dòng SDB vùng Lâm Đồng là một niềm vui nhưng cũng có một trách nhiệm khi thay mặt cho Đức Cha Giáo phận (hôm nay ngài đã nhận chủ sự Lễ Khấn Trọn cho Dòng Chúa Quan Phòng Tỉnh Dòng Tây Nguyên).
Trong bài chia sẻ Cha Tổng chia làm 3 phần:
1-Đối thoại là một chọn lựa của Giáo hội sau Công Đồng Vat. II.
Theo Cha Tổng, đối thoại không phải là điều mới mẻ, Đối thoại là một chọn lựa của Giáo hội sau Công Đồng Vat. II. Và đề cao trong mọi hoạt động của Giáo hội trong thế giới hôm nay từ 60 năm nay rồi.
Cụ thể hơn Cha Tổng trích dẫn nhiều tài liệu của Giáo hội đề cập đến “đối thoại” như: Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay với tựa đề Vui mừng và Hy vọng, Sắc lệnh về truyền giáo Ad gentes (AG) đến với muôn dân: Sắc lênh Giám mục (Christus Dominus CD), Sắc lệnh Đào tạo linh mục (OT) Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (AA)… Trong tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo GE, CĐ mong muốn nhờ giáo dục, giới trẻ cần được chuẩn bị săn sàng cho việc đối thoại (GE1); Các trường Công giáo phục vụ cho việc đối thoại giữa Giáo hội và cộng đồng nhân loại (GE 8); và đặt nhiều kỳ vọng vào các phân khoa thần học với các nghiên cứu chuyên môn để gia tăng đối thoại các anh em ly khai và những người ngoài Kitô giáo.
2-Điều kiện để đối thoại.
Cha Tổng đặt vấn đề, ai được mời gọi kiến tạo sự đối thoại? Là các đối tượng mà Công đồng Vat II nói tới như đã đề cập ở trên. Cụ thể là thành phần tham dự hôm nay gồm: Quý Cha, quý Thầy SDB, quý Soeurs FMA, ông bà Cố của quý Cha quý Thầy truyền giáo, CTV, VDB, CDB, Đại diện các thành phần trong giáo xứ, Nhóm giới trẻ…Người kiến tạo sự đối thoại vừa có nghĩa là người tạo ra sự đối thoại, nhưng cũng chính là người sẵn sàng đối thoại, ý thức sự cần thiết và tin vào hiệu quả của sự đối thoại. Cha Tổng ví dụ: “Vai trò của người kiến tạo là quan trọng: chúng ta xem bóng đá và thấy khi có một bàn thắng thì cầu thủ kiến tạo cho bàn thắng đó luôn được nhắc tới cùng với cầu thủ ghi bàn”.
Một minh họa rõ nhất là Thượng Hội Đồng về Hiệp hành mới kết thúc cuối tháng 10 vừa qua. Chúng ta nhớ lại, trong 2 năm đầu tiên của hành trình Thượng Hội đồng về Hiệp hành, thì hoạt động đầu tiên của Giáo hội là lắng nghe. Lắng nghe tại các địa phương, từ các đoàn thể đến cộng đoàn tu trì, từ giáo xứ đến giáo hạt, giáo phận đến quốc gia và kể cả trong 2 phiên họp THĐ tháng 10 năm 2023 và tháng 10/2024 cũng là lắng nghe. Lắng nghe là hành động được coi là căn bản để mọi người có thể tự do bầy quan điểm của mình về mọi vấn đề có liên quan đến Hội thánh.
Cha Tổng nhấn mạnh: “Khi chúng ta để ý đến những thành phần mà Giáo hội đã lắng nghe trong tiến trình Thượng hội đồng vừa qua, chúng ta sẽ nhận ra tại sao mình phải trở nên người kiến tạo sự đối thoại và mình phải kiến tạo sự đối thoại với ai trong ý hướng truyền giáo”.
3-Những người kiến tạo sự đối thoại phải làm gì ?
Đối thoại là một sự gặp gỡ, trao đổi ý kiến, quan điểm, qua đó mọi người có cơ hội hiểu rõ nhau hơn, biết quan điểm và nguyện vọng của nhau để từ đó xây dựng một mối quan hệ. Do đó, kiến tạo đối thoại để truyền giáo là điều cần thiết.
Trong lễ bế mạc Thượng Hội Đồng, ĐTC Phanxicô nói “Chúng ta không phải là một Giáo hội tĩnh tại, mà là một Giáo hội chuyển động. Không phải là một Giáo hội im lặng, mà là một Giáo hội lắng nghe tiếng kêu của nhân loại. Không phải là một Giáo hội mù quáng, mà là một Giáo hội được Chúa Kitô soi sáng, mang ánh sáng của Tin Mừng đến cho người khác. Không phải là một Giáo hội tĩnh tại, mà là một Giáo hội truyền giáo bước đi cùng Chúa Giêsu qua các con phố của thế giới”.
Cha Tổng lưu ý, cần đối thoại với Thiên Chúa để trở nên người kiến tạo sự đối thoại. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 19 nói rằng “Ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa”. Đối thoại với Thiên Chúa chúng ta mới nhận ra được Thiên Chúa muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”.
Năm nay, Dòng Salêdiêng Việt Nam kỷ niệm 25 năm chuyến xuất phát truyền giáo đầu tiên của Tỉnh Dòng (1999-2024) và hướng đến sang năm là 150 năm chuyến xuất phát truyền giáo đầu tiên của Hội Dòng (1875-2025). Vào dịp này, chúng ta may mắn được nghe lời ĐTC trong Sứ điệp Ngày truyền giáo bày tỏ lòng biết ơn với những nhà truyền giáo: “ Tôi nhân cơ hội này cám ơn các nhà thừa sai, nam và nữ, những người đáp lại lời kêu gọi của Chúa Kitô, đã bỏ tất cả để rời xa quê hương và mang Tin Mừng đến những nơi mà người ta chưa đón nhận hoặc chỉ mới đón nhận Tin Mừng gần đây. Các bạn thân mến, sự cống hiến quảng đại của các bạn là một biểu hiện hữu hình của sự dấn thân cho sứ mạng ad gentes mà Chúa Giêsu đã giao phó cho các môn đệ của Người: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19).
Theo Cha Tổng, đây chẳng phải là một lời khích lệ để gia đình Salêdiêng dấn thân vào cuộc đối thoại để truyền giáo và từng thành viên trong gia đình này được mời gọi trở thành những người kiến tạo sự đối thoại hướng về truyền giáo hay sao ? Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Phù Hộ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của các môn đệ Chúa Kitô, và đặc biệt cho những chương trình truyền giáo của Hội Dòng.
Sau bài chia sẻ của Cha Gioan Bosco, 2 ca sĩ Xuân Trường và Hoài Uyên thể hiện ca khúc “Một đời tạ ơn”của Cha Đa minh Trần Quang Hiền (SDB), nhóm sinh viên SoB múa phụ họa.
Hãy thắp lên ngọn lửa Tình Yêu
Cao điểm của ngày sinh động truyền giáo là Thánh lễ tạ ơn, mừng 25 năm chuyến xuất phát truyền giáo ad gentes đầu tiên của Tỉnh Dòng. Trong bài giảng, Cha Giám Tỉnh Barnaba Lê An Phong dựa vào Lời Chúa theo thánh Mattheu nhắc nhở Chúa nói chúng ta hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn để của Chúa Giêsu. Muốn làm môn đệ Chúa, muốn loan báo Tin Mừng phải có lòng yêu mến rồi muốn làm gì thì làm. Lòng yêu mến thể hiện qua từ “quan tâm”. Quan là nhìn, Tâm là cõi lòng- con tim. Có thể chúng ta nhìn thấy rất nhiều điều nhưng đôi mắt sẽ vô hồn vì có quan mà không có tâm, không để vào tim. Chúng ta qui tụ hàng chục giới trẻ đến vui chơi nhưng thiếu sự quan tâm thì làm sao loan báo về Chúa được, Chúa phải là niềm vui. Muốn loan báo Tin mừng hãy nói về tình yêu, hãy nhìn người khác bằng con tim, bằng tình yêu thương bắt đầu từ gia đình, trong giáo xứ, trong môi trường chúng ta đang làm việc. Mối quan tâm của chúng ta có Chúa làm trung tâm, còn không chỉ là phô diễn, Chúa không được biết tới. Nhiều khi chúng ta làm việc đặt mối bận tâm của mình nhiều hơn mối bận tâm về Nước trời; mục tiêu làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa thì không làm. Đây là nỗi trăn trở của chúng ta trong Ngày sinh động truyền giáo. Chúng ta hãy khuyên nhủ nhau sống chứng tá tình yêu. Hôm này là ngày khơi lại tình yêu. Chúng ta hãy hứa với chúa và nhớ lại căn tính môn đệ của Chúa. Lòng mến của Đức Kitô thúc bách tôi. Hãy cùng nhau chia sẽ niềm vui, xin chúa nâng đỡ đức tin để mỗi người chúng ta biết thắp lên Ngọn lửa Tình yêu mến.
Tâm tình tri ân
Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Đaminh Trần Quang Hiền- Cố vấn truyền giáo đại diện Ban truyền giáo và cộng đoàn cám ơn Đức cha Đaminh-Giám mục Giáo phận Đà Lạt tuy bận việc mục vụ nhưng đã cử Cha Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt thay mặt đến chia sẻ và hiện diện giữa chúng con. “Qua bài chia sẻ, Cha đã nói lên sự gần gũi, nâng đỡ và khích lệ của Đấng bản quyền địa phương trong việc sinh động tinh thần loan báo Tin mừng tại giáo phận mà Tỉnh dòng chúng con đang phục vụ và cộng tác”- Cha Đaminh bày tỏ.
Tiếp đó Cha Đaminh cảm ơn Cha Cha Giám Tỉnh, Quý Cha trong Ban cố vấn Tỉnh đã hy sinh vất vả cùng Ban Truyền giáo hiện diện và sinh động truyền giáo trong 3 vùng: Tây Nguyên, Sài Gòn và Lâm Đồng. Cảm ơn quý Cha,Thầy, quý Sơ Salêdiêng cùng mọi thành phần trong đại gia đình Salêdiêng đã đến tham dự đông đủ. Cha cám ơn Cha Giám đốc Học viện Don Bosco Đà Lạt- Phanxicô Xavie Nguyễn Trung Thành, Cha Quản lý, Cha hộ trực, Cha Giáo sở cùng quý Cha, quý Sư huynh, quý thầy trong Cộng thể. Cảm ơn các bạn Sinh viên, Tu sinh, các bạn trẻ HIH, Hội đồng mục vụ giáo sở, các Công tác viên Salêdiêng, các ca sĩ khách mời đã cộng tác để Ngày sinh động diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn Ca đoàn, ban nhạc phục vụ thánh lễ sốt sắng, tâm tình.
Trước khi ban phép lành, Cha Giám tỉnh cảm ơn Ban Truyền giáo tỉnh cùng mọi người đã cộng tác để Ngày sinh động truyền giáo ở 3 miền diễn ra rất tốt đẹp. Cảm ơn quý Ông Bà Cố có các Cha, Thầy, Sư Huynh đang truyền giáo để về tham dự. Cảm ơn các thành phần trong đại gia đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam đã về tham dự.
Cuối thánh lễ, Cha Giám tỉnh cử hành Nghi thức sai đi để nhắc nhở mọi người tham dự ý thức sứ vụ Loan báo Tin mừng của mình trong cuộc sống thường ngay. Trước khi kết thúc mọi người cùng chia sẻ bữa cơm gia đình trong tình gia đình.
Bài: Hữu Phước (CTV)
Hình: Ban Truyền thông Tỉnh dòng