Thuỵ Sĩ – Bóng Đá Chữa Lành Vết Thương Chiến Tranh

(ANS – St. Gallen) – Càng kéo dài, chiến tranh ở Ukraine càng khiến nhiều người trẻ tử vong hoặc trở về từ tiền tuyến trong tình trạng  thương tật hoặc bị thương do bom đạn khi là dân thường. Họ bị mất một chân hay một tay do mảnh đạn hay mìn nổ. Những người này phải tìm một chỗ đứng mới trong cuộc sống, một nhiệm vụ mới và niềm tin mới. Vì vậy, Dòng Don Bosco đã bổ sung vào trường bóng đá được thành lập thành công ở Lviv trong nhiều năm các đội bóng mang tên “bóng đá cho người cụt chân”. Đây là trường bóng đá đầu tiên thuộc loại hình này trong cả nước.

Hợp tác cùng Quỹ “Football is More” và các câu lạc bộ đối tác, huấn luyện viên và cầu thủ đã được huấn luyện từ năm 2024 để thành lập các đội bao gồm những người bị thương tật chiến tranh và cụt chân. Họ đã tham gia giải vô định Ba Lan và có một khởi đầu đầy hứa hẹn. Trong khoảng thời gian ngắn, bóng đá đã thành công trong việc giúp nhiều người mang thương tật nghiêm trọng vì chiến tranh từng bước trở lại cuộc sống. Họ bước ra khỏi sự cô lập, tham gia vào các hoạt động nhóm, học cách chơi bóng đá với nạng, thi đua với người khác và tìm lại niềm tin vào cuộc sống.

Cúp quốc tế Helvatia tại St. Gallen, Thuỵ Sĩ

Cúp quốc tế Helvetia – “Bóng Đá Vì Hoà Nhập” – diễn ra ở St. Gallen vào tháng 8 năm 2024. Hai đội bóng đến từ FK Pokrova của Lviv/Ukraine cũng đã tham gia. Giải Bóng Đá Cho Người Cụt Chân đã làm say mê khán giả. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được xem các trận bóng của người bị cụt chân, và thật ngạc nhiên khi thấy tốc độ và sức mạnh của trận đấu. Các pha bóng trên sân rất sôi nổi, nhưng luôn công bằng. Sau tiếng còi mãn cuộc, đối thủ lại trở thành những người chung chí hướng, tận hưởng niềm vui của trận đấu. Đặc biệt đáng mừng khi hai đội bóng của FK Pokrova đã có thể theo kịp những người khuyết tật và cụt chân do chiến tranh đến từ Ukraine, ngay cả khi mội số người trong số đó chỉ mới tham gia loại bóng đá cho người bị cụt chân chưa tới một năm. Một trong hai đội thậm chí còn đoạt chiến thắng chung cuộc, cùng với câu lạc bộ Everton FC đến từ Liverpool.

Bogdan Melnyk – huấn luyện viên của FK Pokrova – tự hào về các cầu thủ của mình. Ông nói: “Tôi bắt đầu làm huấn luyện viên của FK Pokrova một năm trước. Hiện nay, tôi giống như một người tổ chức và quản lý hơn. Tôi biết về bóng đá cho người cụt chân chỉ mới một năm trước. Cha Mykhailo, Dòng Don Bosco, đã hỏi liệu tôi có thể thành lập một đội bóng như vậy. Đầu tiên, chúng tôi phải tìm ra những cầu thủ quan tâm đến nó – việc tìm kiếm không dễ dàng chút nào. Tôi đã ghé thăm các trung tâm phục hồi chức năng, các tổ chức tình nguyện và bệnh viện. Tôi đã nói chuyện với nhiều ứng viên và khuyến khích họ tham gia. Số phận của từng cầu thủ rất gần gũi với tôi và đồng thời cho tôi thấy đội bóng này quan trọng như thế nào. Sau một năm, chúng tôi hiện có 35 cầu thủ đang chơi tích cực trong câu lạc bộ, 80% là các binh lính thương tật do chiến tranh, những người khác bị mất một chân vì bệnh tật hoặc tai nạn. Công việc của chúng tôi không chỉ cung cấp sự hỗ trợ về mặt tâm lý, cảm xúc mà còn mang lại niềm vui trên nhiều cấp độ. Tôi ước mong câu lạc bộ này sẽ trở nên lớn mạnh hơn. Tôi cũng mơ ước thành lập các đội bóng dành cho phụ nữ và trẻ em. Như vậy, bóng đá cho người cụt chân sẽ mang đến sự hỗ trợ và hy vọng mới cho những người bị thương tật trên khắp Ukraine. Chúng tôi đang trả lại cho nhiều người mảnh đời mà họ đánh mất”.

Markus Burri, Giám đốc điều hành của trung tâm Phúc Lợi Thanh Thiếu Niên Thế Giới Don Bosco có trụ sở tại Beromünster, Thuỵ Sĩ đã nói: “Thể thao chữa lành những tổn thương”. Điều này có nghĩa là thể thao không chỉ giúp chữa lành những vết thương thể xác mà còn là tâm lý, những thứ đặc biệt nằm sâu bên trong những nạn nhân chiến tranh. Markus Burri nói thêm: “Ngôn ngữ thể thao thì mang tính phổ quát và được sử dụng trong các dự án hỗ trợ toàn cầu của Don Bosco: ăn mừng chiến thắng, học hỏi từ thất bại, trưởng thành trong tinh thần đồng đội, nhưng trên hết luôn là vận động tích cực”. Ông cũng mô tả mục tiêu của thể thao trong việc hoà nhập xã hội và hỗ trợ những người thiệt thòi như là một phần của các dự án phát triển toàn cầu của Dòng Salêdiêng Don Bosco.

Những người sống với cuộc chiến

Khi chiến tranh nổ ra, không rõ liệu các tu sĩ Salêdiêng Don Bosco có thể tiệp tục công việc của mình ở Ukraine không? Liệu họ có thể duy trì các trung tâm trẻ và các cơ sở giáo dục của mình? Tình hình đã dần ổn định. Đất nước Ukraine và người dân đang sống trong chiến tranh. Các Salêdiêng Don Bosco vẫn tiếp tục làm việc trong giới hạn có thể, mặc cho các thách thức to lớn. Do tình trạng khẩn cấp, các dự án khác đã được triển khai.

Nhà Pokrova ở Lviv hiện đang chăm sóc 70 trẻ em, hầu hết là trẻ mồ côi. Trong những năm gần đây, ba mươi em mới đã được đưa vào thêm, hầu hết từ các vùng chiến sự ở phía đông của đất nước, và cũng chừng ấy trẻ được nhận nuôi hoặc rời đi khi đến tuổi trưởng thành. Điều quan trọng là người trẻ tìm được một nơi tốt để gọi là nhà.

Hợp tác với chính phủ, một khu định cư container cho 1000 người tản cư trong nước – hầu hết là phụ nữ và trẻ em – đã được xây dựng trên mảnh đất của Dòng Salêdiêng. Những người này được cung cấp thực phẩm hằng ngày. Ngoài ra, 1000 phần ăn mỗi ngày được phân phát cho những người ở trong vùng chiến sự. Công tác thông tin quan trọng cũng được thực hiện trong các vùng chiến sự. 70 phụ nữ từ khu định cư này đang được trải qua việc đào tạo nghề nghiệp tại trung tâm Don Bosco ở Lviv.

Về lâu về dài, sau khi chiến tranh kết thúc, Cha Mykhailo dòng Don Bosco hy vọng rằng một trung tâm thể thao và hồi phục chức năng lớn cho các người bị thương tật và sang chấn tâm lý có thể được xây dựng. Trung tâm sẽ trở thành một nơi của hy vọng và hồi phục, mang đến triển vọng cho tương lai.

Visited 7 times, 7 visit(s) today