Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb
Trong những ngày cuối năm, dù bộn bề công việc nhưng mỗi chúng ta cũng nên dành cho mình một khoảng lặng để suy ngẫm về quãng thời gian một năm đã trôi qua. Trong tiềm thức tôi luôn cảm nhận đời người chúng ta là hữu hạn nhưng thời gian là vô hạn.
Bạn thân mến, ngày tháng cứ qua mau… thời gian không thể dừng lại dù chỉ một giây, một phút thôi và nó cũng chẳng đợi chờ ta đâu! Có ai trong cuộc đời mình mà không muốn giữ lại thời gian và những kỷ niệm đẹp nhất trong đời? Có ai trong chúng ta không muốn ghi lại những khoảnh khắc xúc động và hạnh phúc nhất? Như ngày mới biết yêu, ngày tạo lập gia đình, ngày sinh nhật, ngày lễ Tốt nghiệp… Vâng, ai trong mỗi chúng ta cũng đều muốn giữ lại những khoảnh khắc ấy, nhưng thời gian cứ phớt lờ và vô tình mãi trôi đi…. Nhưng khi ta đã cảm nhận được thời gian qua nhanh thì cũng là lúc ta thấy mình đã già! Đôi lúc ta chạnh lòng buâng khuâng nhớ lại một thời đã xa, nhớ lại ngày xưa ấy với đầy ắp những kỷ niệm buồn vui của tuổi trẻ, của thời mới lớn! Mới ngày nào đây thôi, những người thân trong gia đình và lũ bạn bè thân thương vẫn thường gọi ta là cu cậu hay cô bé, ấy vậy mà giờ đây trên mái đầu tóc đã điểm bạc, gương mặt sạm đi, lại thêm những dấu chân chim hằn lên đôi khóe mắt và phản xạ nghe nhìn cũng bắt đầu chậm dần. Thời gian khắc nghiệt quá phải không các bạn? Nó chẳng chừa một ai và cứ thế… cứ thế…!
Thời gian là gì?
Trong xã hội nguyên thủy có thể đã sắp xếp cuộc sống của mình bằng những quan niệm đơn giản “trước” và “sau” tuần trăng, mùa, mặt trời mọc và mặt trời lặn. Đối với những xã hội tân tiến, khái niệm thời gian ngày càng phức tạp. Xuyên suốt tất cả những ý tưởng của chúng ta về thời gian là hai quan niệm tương phản nhau. Thứ nhất, thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thứ hai, thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần v.v… cứ lặp đi lặp lại.
Theo thần thoại Hy Lạp, con Nhân sư, một quái vật mặt phụ nữ mình sư tử và có cánh chim, đã đố tất cả những du khách trên đường đến thành Thebes: “Sinh vật nào buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, và buổi chiều đi ba chấn?”‘Ai không trả lời được đều bị nó ăn thịt. Tuy nhiên, Oedipus đã đáp đúng: “Con người”, và Nhân sư phải tự sát. ông ta đã hiểu ra rằng câu đố này là một ẩn dụ về thời gian. Đi bốn chân là hình ảnh một đứa bé đang bò, hai chân là một người trưởng thành, và ba chân là một người già chống gậy. Chỉ cần nghĩ đến một chuỗi thời gian lâu dài hơn là giải được. Ông cũng hiểu rằng các kiểu định hướng thời gian được nén gọn bên trong câu đố này, và ngôn từ cho phép ta làm chuyện đó.
Khi tạo ra những công cụ nhân tạo để đo lường thời gian, chúng ta định hình kinh nghiệm của mình về thời gian. Ta có thể phân biệt giữa thời hạn và chuỗi nối tiếp, và bằng la bàn có thể phân định rạch ròi về thời gian thiên văn, thời gian để trái đất quay quanh mặt trời. Thánh Augustine từng nhận định rằng thời gian nếu xem như một hiện tượng chủ quan có thể rất khác so với thời gian nếu xem như một khái niệm trừu tượng. Nếu thời gian ở dạng trừu tượng, ta chẳng thể biết tương lai vì nó không ở đây, và cũng chẳng biết mặt mũi quá khứ là gì. Ta có thể có ký ức, có kỷ niệm, nhưng diễm xưa đã xa rồi còn đâu thấy nữa. Điều duy nhất hiện hữu là hiện tại, đó là con đường duy nhất về quá khứ và đến tương lai. Augustine viết: “Do đó, hiện tại có ba chiều: hiện tại của những chuyện quá khứ, hiện tại của những chuyện hiện tại và hiện tại của những chuyện tương lai”.
Thời gian dài hay ngắn?
365 ngày trôi qua nhanh quá, biết bao nhiêu sự đổi thay trong cuộc sống, trong đời người, rồi mỗi chúng ta ai ai cũng có một một nỗi lo riêng cho tổ ấm, cho công việc hàng ngày và xen vào đó là những nỗi buồn, niềm vui lẫn lộn. Chiêm nghiệm với thời gian, với mỗi chúng ta thì không có hạnh phúc nào bằng khi mỗi ngày đi qua ta thấy được sự khỏe mạnh của cơ thể, sự chăm ngoan và trưởng thành của con cái. Những thành quả trong quá trình làm việc, những niềm vui nơi công sở và những áp lực của cuộc sống thường ngày đã vượt qua…! Cứ như vậy, mỗi ngày mới đến ta có thêm một sáng, một chiều nữa để được làm việc, được chia sẻ nỗi buồn, niềm vui với đồng nghiệp, bạn bè và nhất là để được gần gũi, yêu thương những người thân trong gia đình.
Thời gian với đời người cũng không phải là dài, cũng chẳng phải là ngắn? Đời người dài hay ngắn tùy thuộc vào bản ngã; cách sống, lối sống, sự suy nghĩ và cảm nhận của mỗi người. Nhưng một điều tôi, các bạn và chúng ta đều công nhận rằng thời gian rất khắc nghiệt! Nhưng nó cũng giúp mỗi người cảm nhận được những sự thất bại, đắng cay và những ngọt ngào của cuộc sống mang lại. Chính điều thú vị đó lại cho ta nếm trải sự đời đầy bản lĩnh hơn, trọn vẹn hơn, rồi chính thời gian lại làm lành vết thương, cho ta những trải nghiệm hữu ích để vững bước tiếp trên con đường đời…
Suy cho cùng, thời gian thật tuyệt vời, thật ý nghĩa với những ai biết sống có ích, sống có trách nhiệm; nó là liều thuốc nhiệm màu, là thần dược giúp ta chữa lành những vết đau trên thể xác và tâm hồn, đồng thời giúp ta cảm nhận được tất cả những hạnh phúc, những yêu thương và mỗi người chúng ta ai ai cũng cất giữ những kỉ niệm đẹp nhất của thời tuổi trẻ… Và thời gian cũng cho ta một cảm xúc lâng lâng, nhẹ nhàng len lỏi vào tâm can mỗi chúng ta khi ta chiêm nghiệm về nó. Thời gian là dòng chảy vô tận, nó quý hơn bạc vàng châu báu, nó cứ trôi qua thật nhanh, hết sớm lại chiều, hết ngày sang đêm, rồi bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông cứ thế nối nhau đi….Thời gian có mặt ở khắp nơi trong mỗi tia nắng, trong mỗi tiếng chim, trong từng ngọn cỏ, trong mọi niềm vui, nỗi buồn; trong từng nỗi nhớ, trong mỗi ước mơ, đều hiện hữu thời gian. Thời gian vừa ở bên ngoài, vừa ẩn chứa trong lòng, trong ý thức của mỗi con người.
Thời gian là vậy đó, nên không thể do dự, chần chừ…ngay từ bây giờ mỗi chúng ta hãy sống có trách nhiệm, sống có ích, sống thật nghĩa tình và vị tha để được chia sẻ buồn vui, được yêu thương trong tình cảm gia đình, người thân, bè bạn… để đến cuối chặng đường đời, mỗi người tự nhìn lại thời gian đi qua không thấy nuối tiếc, xót xa, ân hận và tự mỉm cười toại nguyện với chính mình rằng: thời gian đã cho ta có tất cả…!
Bạn thân mến, chúng ta hãy đến với câu chuyện tình tay ba giữa lá, gió và cây nhé.
Gió theo đuổi lá, hứa hẹn sẽ dẫn lá đi ngao du thế giới bên ngoài. Lá do dự, vội hỏi ý kiến của cây. Cây nói: “Nếu em không rời đi, anh cũng sẽ không buông bỏ”. Cuối cùng, có một ngày, lá bị gió làm dao động, nên đã lựa chọn theo gió phiêu bạt chân trời.
Trước khoảnh khắc rời xa cây, lá hỏi cây: “Anh, vì sao lại không giữ em ở lại?” Cây nói: “Trên thế gian này, không phải chỉ mỗi mình em là lá!”. Lá lại hỏi gió: “Tại sao anh lại theo đuổi em?” Gió chân thành trả lời: “Vì trên thế giới không có hai chiếc lá nào giống nhau”. Lá im lặng, là vì lá không hiểu được tình yêu hay là do gió quá cố chấp?
Bởi vì yêu, cây cũng không ngăn cản chiếc lá lìa cành…Cây hỏi lá: “Vì sao lại phải lìa xa anh?” Lá vui vẻ nói: “Bởi vì em muốn nhìn ngắm một chút thế giới bên ngoài”. Cây thực sự quá yêu lá, vì muốn thỏa mãn nguyện vọng của lá nên đã không giữ lá ở lại. Gió hỏi lá: “Em vì sao lại muốn đi cùng anh?”. Lá vui sướng trả lời: “Bởi vì anh cho em được tưởng tượng, cũng giúp e thỏa mãn được đam mê”.
Nhưng rồi cuối cùng, lá cây lại nhận kết cục thê thảm vì không giữ được mình… Khi chiếc lá đang ngắm nhìn thế giới, thì đột nhiên gió ngừng thổi, chiếc lá lắc lư rồi rơi xuống đất. Từ đằng xa, một chiếc xe hơi đang tiến đến, nó chạy qua khiến chiếc lá nát vụn. Cây rất thương tâm, nó hối hận vì đã không giữ lá ở lại, cũng chẳng thể làm được gì khi chiếc lá đã biến dạng hình hài như thế. Gió tiếp tục thổi, không chút xót thương, nói: “Bởi vì anh giúp em thỏa mãn, em cũng phải trả cái giá tương xứng, thậm chí là cái giá rất đắt”.
Bạn thân mến, chúng ta thông thường, cứ phải chờ đến khi bỏ lỡ, chờ đến khi không thể lui, thì mới biết được điều gì là quý trọng, mới biết điều gì không nên ôm giữ mãi. Cuộc đời như chiếc lá, thoáng chốc lá đã lìa cành. Mỗi phút giây cuộc sống đều đáng tựa ngàn vàng, vậy nên phải trân quý, khi mọi thứ đã đi qua, hối tiếc cũng đã quá muộn màng. Thông thường, những thứ không thể buông bỏ ấy, lại không phải là thứ đáng nên quý trọng. Những thứ đau khổ truy cầu, lại không nhất định đúng là thứ sinh mệnh cần. Mỗi bước nhân sinh, con người thường bước đi quá vội vàng. Chúng ta phải nên học được cách dừng lại cười ngắm gió mây, ngồi tĩnh nhìn hoa khai hoa nở.
Thời gian là của Thiên Chúa, vì chỉ có mình Ngài mới quản lý và sở hữu thời gian
Đối với quan niệm của Kitô giáo, thời gian không biểu thị bằng vòng tròn mà là đường thẳng có mũi tên đi lên, mỗi ngày, mỗi thời gian qua là một sáng tạo mới, sáng tạo mới có chiều hướng đi lên: Trong kinh nguyện Kitô giáo, sau bài đọc 1, nói về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, trong ngày lễ Vọng Phục Sinh, Lời nguyện ấy xác quyết một niềm tin rằng: “Công trình tạo thành vũ trụ ban đầu tuy đã kỳ diệu, nhưng công trình cứu độ của Đức Kitô; Đấng hy sinh làm Chiên Vượt Qua của chúng con trong thời sau hết còn kỳ diệu hơn nữa”. Như vậy, không gì có thể cản trở được hay làm hủy hoại công trình sáng tạo tự ban đầu ấy được, ngay cả tội lỗi cũng là một duyên cớ để tiến trình đi lên mãnh liệt hơn: Thánh Lêo Cả nói rằng: “Ân sủng khôn tả của Đức Kitô, đem lại cho ta những gì tốt đẹp hơn những gì mà ma quỷ do lòng ghen ghét đã cướp mất”.
Cũng trong ý hướng đó, Thánh Thomas d’Aquine viết: “sau khi con người phạm tội, không có gì ngăn cản bản tính loài người được hướng về một cứu cánh cao đẹp hơn”. Động lực cho chiều đi lên ấy do Một Đấng là chủ thể của thời gian, Người là Đấng siêu việt vượt trên thời gian, là mốc căn nguyên của thời gian. Mỗi thời gian được nới dài thêm ra là mỗi thời gian được Người sáng tạo và bảo tồn cho đến khi hòan tất. Đó là Thiên Chúa làm chủ thời gian là Alpha và là Omêga. Là khởi đầu cũng là cùng đích của lịch sử đi lên, hướng về Thiên Chúa.
Quan niệm thời gian của Kitô giáo giải thoát quan niệm vòng tròn thời gian của Đông Phương. Là một đường thẳng có chiều đi lên, không còn trong vỏ bọc khép kín, lịch sử không tuân theo định luật của vần xoay, tự nền tảng lịch sử thời gian được Thiên Chúa dẫn dắt. Lịch sử thời gian được ghi dấu bằng lịch sử Thiên Chúa Cứu Độ. Một lần thay đổi vĩnh viễn tòan bộ lịch sử nhân loại là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
Đường thẳng của thời gian đi lên nói lên điều cơ bản, con người sinh ra để sống và sống dồi dào, chứ không phải để chết. Cái mới là cái làm cho con người say mê và vui thích, hãy đón nhận Thiên Chúa, là Đấng làm nên những cái mới và những cái mới đầy những bất ngờ của tình thương.
Ngày đầu năm, đầu tháng, có một ý nghĩa quan trọng là bắt đầu một hành trình mới. Thánh Phaolô nói: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5, 17). Thụ tạo mới hệ tại ở lại trong Chúa Kitô, Đấng làm nên những điều mới, nhờ Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong ngày khởi đầu của năm mới này, chúng ta “hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).
Bạn thân mến, chúng ta biết thời gian là của Chúa, cuộc đời ta thì có hạn có chừng, vì thế trên hành trình nhân thế này, đặc biệt là trong năm mới này, tại sao chúng ta là không bước đi cùng nhau? Tại sao chúng ta lại không trao cho nhau khi còn có thể? Không xây dựng bình an, hạnh phúc trong cái hữu hạn của cuộc đời này?
Vì thế, trong sứ điệp ngày hòa bình thế giới lần thứ 54 sẽ được cử hành vào ngày đầu năm mới này (01/01/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “không có hòa bình nếu không có nền văn hóa chăm sóc. Đây là một sự dấn thân chung và liên đới, với sự tham gia của nhiều người, để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá, thiện ích của tất cả mọi người; giáo dục về chăm sóc là làm sao để có sự quan tâm, chú ý, cảm thông, hòa giải và chữa lành, tôn trọng và đón nhận nhau, đó thực là một con đường ưu tiên để xây dựng hòa bình” (số 9).
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Trong thời kỳ hiện nay, con thuyền nhân loại bị bão tố khủng hoảng làm dao động, tiến bước khó khăn trong việc tìm kiếm một chân trời yên hàn và thanh quang hơn, bánh lái của phẩm giá con người và “địa bàn” các nguyên tắc xã hội cơ bản có thể giúp chúng ta hải hành với một hướng đi chắc chắn và chung với nhau. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta hướng nhìn về Đức Trinh Nữ Maria là Sao Biển và là Mẹ Hy vọng. Tất cả chúng ta cùng cộng tác với nhau để tiến về một chân trời mới yêu thương và an bình, huynh đệ và liên đới, nâng đỡ nhau và đón nhận nhau. Chúng ta đừng chiều theo cám dỗ không quan tâm tới nhau, nhất là tới những người yếu thế nhất, không rơi vào thói quen ngoảnh mặt đi nơi khác, trái lại chúng ta dấn thân mỗi ngày một cách cụ thể để “hình thành một cộng đoàn gồm các anh chị em đón nhận nhau, chăm sóc cho nhau” (số 9).