Thánh Phanxicô Salê – Nghệ thuật nói với trái tim con người và xây dựng sự thống nhất trong sự đa dạng

       (ANS – Rome) – Phỏng vấn cha Gildasio Mendes – Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội

       Việc xuất bản loạt bài viết của cha Gildasio Mendes, Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội, tiếp tục về chủ đề “Don Bosco và thực tế ảo và kỹ thuật số”. Trong phần đóng góp được đề xuất vào ngày lễ thánh Phanxicô Salê (24/1/2023), trọng tâm là Nguyện xá Valdocco: thực tế ảo và “sự hòa nhập”, một cách truyền thông mới. Vào ngày 24 tháng 1, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội mừng lễ thánh Phanxicô Salê, bổn mạng của các nhà báo và nhà văn Công giáo, danh hiệu và bổn mạng của Tu hội thánh Phanxicô Salê. Để dịp này thêm ý nghĩa, chúng tôi đã phỏng vấn cha Gildasio Mendes, Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội, người đã tuyên bố: “Giám mục Geneva và Tiến sỹ Hội thánh là một trong những nhà truyền thông vĩ đại của Hội thánh và của nhân loại vì ngài biết cách đặt con người vào trung tâm của mối tương quan liên vị, lắng nghe, đối thoại và tạo niềm tin trong tương quan với mọi người.”

       Cha Gildasio nhấn mạnh rằng để truyền thông ngày nay trong thế giới kỹ thuật số và trong một xã hội có nhiều thay đổi về văn hóa và xã hội, các mối tương quan giữa con người với nhau, sự chấp nhận con người và sự hiểu biết về văn hóa cũng như nơi sinh sống của họ là điều cần thiết. Cha cũng nói rằng thánh Phanxicô là một điểm quy chiếu hiện hành cho cảm thức thống nhất trong đa dạng và khả năng so sánh các ý tưởng khác nhau mà không đánh mất cảm thức thuộc về, lòng trung thành với Giáo hội và tầm quan trọng của một nền luân lý đặt con người và cộng đồng ở trung tâm và thúc đẩy tình đoàn kết và hòa bình.

       Xin mời quý độc giả thân mến đọc nguyên văn lời của Tổng Cố vấn Truyền thông Xã hội, cha Gildasio Mendes.

       Thưa cha Gildasio, để bắt đầu, chúng con muốn biết tại sao có thể khẳng định rằng thánh Phanxicô Salê là một nhà truyền thông tuyệt vời?

       Thánh Phanxicô Salê trước hết là người thông truyền trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Trong tất cả những gì ngài làm và viết, ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là tình yêu, rằng truyền thông là chạm đến trái tim của con người và tạo ra những mối tương quan tin cậy.

       Chúng ta cũng có thể nói rằng vị thánh vĩ đại này tiếp tục nói theo cách đương thời không? Chúng ta có thể đưa ra ví dụ nào về khía cạnh truyền thông này?

       Thánh Phanxicô là một nhà văn cách tân. Ngài biết cách truyền thông với sự tự do nội tâm tuyệt vời, đơn giản, không sợ con người, không sợ sự đối đầu cần thiết. Bởi vì ngài có thể hiểu được các động lực nhân bản và thiêng liêng của mọi người, ngài là một mẫu gương truyền thông cho tất cả các thế hệ noi theo. Một ví dụ là các tác phẩm của ngài. Các tác phẩm chính của ngài là Dẫn nhập vào Đời sống Sùng mộ (Philothea), tác phẩm mục vụ đầu tiên của ngài, được lưu hành rộng rãi và dịch ra nhiều thứ tiếng, và Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa, một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất trong văn học Kitô giáo và linh đạo của Hội thánh.

       Khi chúng ta nói về các tác phẩm của ngài, có thể hiểu được sức mạnh của truyền thông. Vậy thì theo cha, chúng ta có thể làm nổi bật điều gì về đặc điểm này, hiện diện trong nhiều tác phẩm đã xuất bản của ngài?

       Ngài biết cách nói chuyện với trái tim vì ngài giao tiếp từ chính trái tim mình. Ngài biết rằng mối tương quan của con người dựa trên tình yêu và sự tin tưởng sẽ giúp một người cởi mở, hiểu biết về bản thân, yêu và được yêu. Khi chúng ta đọc các thư của ngài, theo một phong cách gẫn gũi và xúc động, chúng ta cảm nhận được những kho tàng thực sự của việc đồng hành thiêng liêng và đời sống cầu nguyện. Những bài giảng và nói chuyện của ngài với văn phong giản dị, sâu sắc và gần gũi, cho đến ngày nay vẫn là một minh chứng thiêng liêng cho muôn thế hệ.

       Chúng ta cũng biết rằng thánh Phanxicô Salê là một tác giả vĩ đại, và một cách rất cụ thể, ngài cũng đã cộng tác vào một thời điểm lịch sử khó khăn cho Hội thánh thời bấy giờ. Chúng ta có thể làm nổi bật điều gì về chủ đề này?

       Thánh Phanxicô là con người hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo hội. Ngài không sợ sự đối đầu trung thực cần thiết để truyền giáo trong bối cảnh chống đối và tranh cãi. Trong sự đa dạng về văn hóa và thay đổi xã hội lớn lao vào thời đại của mình, ngài đã có một tầm nhìn độc đáo về việc rao giảng Tin Mừng và là một Kitô hữu, luôn trung thành với Tin Mừng và Giáo hội. Ngài là một tấm gương về cách sống hiệp nhất trong sự đa dạng về xã hội và văn hóa.

       Là một nhà truyền thông, nhưng cũng là một giám mục và người cha tinh thần, điều gì nổi bật trong hành động của ngài?

       Thánh Phanxicô xử lý cách khôn ngoan các quy trình và quyết định liên quan đến truyền thông thể chế, đặc biệt với tư cách là giám mục, ngài viết thư, tài liệu, văn bản, bảo vệ giáo huấn của Giáo hội trước bối cảnh xung đột thần học và giáo hội, trong cuộc đối đầu với những đối thủ theo chủ nghĩa Calvin, trong những quyết định khó khăn, những quyết định mà ngài phải đưa ra với tư cách là một giám mục.

       Và để học hỏi thêm từ thánh Phanxicô Salê, cha muốn nêu bật những khía cạnh nào trong cách truyền thông của ngài?

       Có rất nhiều, nhưng tôi xin liệt kê một vài điều nói lên nhiều điều cho chúng ta ngày nay, bởi vì truyền thông trước hết là cởi mở với người khác, biết cách khám phá điều cốt lõi của nhân vị, biết cách tạo ra các mối tương quan nhân bản và tín nhiệm.

       Một khía cạnh là ngài biết cách đối thoại với nền văn hóa và xã hội của thời đại ngài, một nền văn hóa Tin lành sâu sắc, với sự khôn ngoan của con người, cởi mở đối thoại, tinh thần Phúc âm và sự trung thành dứt khoát với Giáo hội, và tôi cũng muốn nói thêm rằng truyền thông là một hồng ân và một cam kết, một sự xây dựng trên bình diện nhân bản, thiêng liêng và văn hóa. Học cũng là cầu nguyện.

       Thánh Phanxicô vẫn dạy chúng ta rằng truyền thông là tạo ra mối tương quan liên vị. Ngài có một mạng lưới rộng lớn và đa dạng những người mà ngài liên hệ và đồng hành, ngài thể hiện bản thân qua đối thoại và thể hiện sự cởi mở tuyệt vời để hiểu con người từ thực tế của họ, cởi mở với những gì khác biệt, mà không mất đi sự thanh thản và hành động với sự tín nhiệm và bác ái .

       Ở điểm này, điều quan trọng cần nhấn mạnh là truyền thông phục vụ bác ái. Đối với thánh Phanxicô Salê, yêu mến tha nhân với tình bác ái là yêu mến Thiên Chúa nơi con người và con người nơi Thiên Chúa; đó là ý thức trách nhiệm lớn lao về mục vụ và giáo hội, thần học và thiêng liêng. Truyền thông cũng là đối thoại liên tôn với sự phong phú về nghệ thuật và di sản văn hóa của con người.

       Cuối cùng, truyền thông là đặt con người và cộng đồng của họ vào vị trí trung tâm, tôn trọng nhịp điệu của nền văn hóa, sự thăng tiến của con người, đạo đức cá nhân và xã hội.

       Cảm ơn cha Gildasio đã làm phong phú chúng con với những ví dụ cụ thể như vậy. Và để kết luận, vào ngày dành riêng cho các nhà báo và những người làm công tác truyền thông xã hội, chúng ta có thể đưa vào thực hành khía cạnh nào của phương thức truyền thông “Salêdiêng” ngày nay?

       Don Bosco thường nói rằng “giáo dục là việc của trái tim”. Ngày nay chúng ta có thể nói rằng truyền thông là việc của trái tim. Điều này thánh Phanxicô Salê và Don Bosco đã dạy chúng ta. Truyền thông bằng trái tim có nghĩa là mở ra con đường tìm thấy con người trọn vẹn, cùng nhau thực hiện một hành trình, tạo niềm tin khuyến khích người trẻ mở lòng ra với Chúa, lớn lên như một nhân vị, được Chúa yêu thương, sẵn sàng phục vụ tha nhân vì mình yêu và được yêu.

       Nguồn: infoans.org

       Hồng Phước SDB chuyển ngữ

Visited 81 times, 1 visit(s) today