TẢN MẠN MÙA GIÁNG SINH

Sáng nay đầu tuần.

Vẫn đang mơ màng ngủ nướng thì có điện thoại từ anh. Tôi làu bàu rồi cũng tung chăn màn dậy, đi ra chỗ hẹn.

Ngồi rung đùi dưới một quán café cóc ở góc đường Trần Hưng Đạo, trông anh có phong thái khác hẳn thường ngày.

  • Thế nào cô gái? Cháy hết mền gối chưa?
  • Điên! Làm gì mà gọi em sớm vậy? – Tôi tiếp tục làu bàu.
  • Chia tay! Hôm qua anh xong vai rồi.
  • Hâm nặng! Anh định đi đâu hả?
  • Về nhà!

Tôi gật gù. Gọi một ly sữa đá.

Lá bay phấp phới làm tôi chợt nhớ đến Hà Nội.

  • Mùa này Hà Nội lạnh lắm rồi nhỉ? – Tôi buột miệng.
  • Ừ, nên anh về!

Nghe giọng anh, tôi hiểu. Với anh, ngôi nhà ở Hà Nội là một cõi rất đỗi thiêng liêng. Nơi đó có một mình mẹ anh vò võ, năm này qua tháng nọ chờ anh trở về. Ba anh đã mất khi anh còn trong bụng mẹ. Rồi mẹ anh bươn chải khắp nơi, lặn lội từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để chăm lo cho anh có một cuộc sống ổn nhất có thể. Anh dứt áo vào Sài Gòn cũng là để kiếm tiền, mong muốn cho mẹ một cuộc sống khấm khá hơn. Anh luôn bảo tôi rằng cũng may anh là con của mẹ, chứ nếu không, chẳng biết đời anh đã đi về đâu luôn rồi. Chẳng ai muốn con mình lông bông cả, vậy mà mẹ anh đã một mình chống lại cả họ nhà nội để cho anh làm theo cái nghề sướng ca vô loài nay đây mai đó. Và bây giờ thì anh về. Về để chăm mẹ, để làm trọn chữ “hiếu” với mẹ ngay khi còn có thể.

Năm 2012. Tôi được gặp chị Mai Anh. Nghe nhiều về chị, lần đầu được gặp nên có chút lúng túng. Đứng trước mặt tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn, mái tóc xoăn nhẹ và đôi mắt thâm quầng.

  • Các em chờ chút, để chị gọi Thiện Nhân!

Vài phút sau, chú lính chì ấy xuất hiện trước mặt chúng tôi. Thông minh. Lanh lợi. Cái nạng gỗ hoạt động liên tục, thoắt cái ở cầu thang, loáng sau đã ra tới bếp.

  • Nghịch lắm, hai anh còn phải chịu nữa là… – Chị nói với giọng điệu pha chút tự hào.

Chắc ít nhiều ai cũng biết chị là người mẹ dũng cảm khi nhận bé Thiện Nhân về. Nhưng khi gặp ngoài đời thế này, tôi mới cảm thấy những gì trên báo chí viết về chị chưa bao giờ là đủ cả. Chị đã cho Thiện Nhân một mái nhà, hai người anh, bà ngoại, và cả sức khỏe nữa. Hai bé con nhà chị, Thiên Minh và Hải Minh, chưa bao giờ xem Thiện Nhân là “người ngoài được mẹ đem về và bảo đó là em mình” cả. Chúng chơi đùa với nhau, nhường nhịn nhau, đôi lúc cũng giận dỗi rồi lại dàn hòa, và chúng cũng chẳng bao giờ thắc mắc tại sao em Thiện Nhân lại khác mình như thế. Mọi chuyện cứ như là hiển nhiên vậy. Tôi chợt nghĩ “Gia đình đâu nhất thiết phải là những người có cùng huyết thống. Chỉ cần yêu thương nhau, tin tưởng nhau, đùm bọc nhau, cùng chung sống dưới một mái nhà, ấy là gia đình rồi. Những yếu tố kia đôi lúc chỉ là gia vị mà thôi”

Thường thì ngày Noel cũng là ngày gần sinh nhật tôi. Hồi đó mọi người hay đùa rằng ngày sinh gần với Giáng Sinh nên hèn gì số sướng. Mà đúng là tôi sướng thật. Hồi sinh tôi, gia đình tôi chẳng khấm khá gì. Đã vậy, tôi còn sinh đúng rằm tháng 11, mà người ta hay bảo con gái ngày rằm khó nuôi. Chẳng biết đúng sai mà tôi khóc ròng rã mấy ngày từ khi ở nhà bảo sanh về, làm mẹ tôi nhọc nhằn mướt mồ hôi. Lớn lên thì tôi lại thích toàn những thứ quái đản, con gái mà toàn chơi súng ống đao kiếm chứ nhất định vặt cổ mấy con búp bê vì nó chẳng hợp với mình. Đi học thì lại xa nhà, sáng nào ba mẹ cũng phải dậy từ 4h để nấu cơm rồi đưa tôi đi học cách trường hơn chục cây số. Rồi đến chuyện chọn nghề cũng khác hẳn các anh chị em khác trong dòng họ. Vậy mà, vượt qua tất cả, cha mẹ tôi vẫn bảo vệ tôi, vẫn cho tôi chọn con đường mà mình thích, chẳng đòi hỏi tôi phải làm bất cứ thứ gì cho gia đình. Cha tôi nói “Sống sao, làm gì đừng hối hận và đừng gây thất vọng cho bản thân và gia đình là được.  Con sống cho con chứ không phải sống cho cha hay cho mẹ”. Vậy đấy, và khi mệt mỏi, chán chường, tôi lại về nhà, nằm ườn đó và kể mọi chuyện cho mẹ nghe. Chẳng khuyên can, chỉ nghe thôi. Vậy là tôi nhẹ lòng. Rồi tôi lại đi. Có chuyện buồn vui lại gọi điện thỏ thẻ cùng với mẹ. Thi thoảng ghé nhà ăn bữa cơm. Người ta hỏi tôi có nhớ nhà không, tôi trả lời thẳng là “KHÔNG”. Vì nhà ở trong tim tôi rồi, có gì mà nhớ.

Tôi gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, nhiều mảnh đời hạnh phúc, nhiều mảnh đời ở lưng chừng. Họ kể với tôi nhiều chuyện, có vui, có buồn, có tiếc nuối, có hạnh phúc, có oán hận, có tất cả mọi thứ cảm xúc mà con người có được. Tôi lắng nghe. Tôi gật gù. Tôi tán thành. Tôi không ý kiến. Và tôi nhận ra rằng tất cả những gì tôi nghe, tôi thấy, tôi chứng kiến dù đau khổ nghiệt ngã hay hạnh phúc tột cùng đến thế nào đi nữa, thì cái mà mọi người hướng về luôn là hai chữ “GIA ĐÌNH”. Cũng vì hai chữ đó mà họ đã có tất cả các cảm xúc mà họ đã nói với tôi.

Ai đó đã hỏi tôi rằng “Em có biết tại sao khi sợ hãi, con người ta hay co dúm người lại không?”. Tôi chịu. Và sau này, tôi biết được rằng: Đó là tư thế của con người khi ở trong bụng mẹ. Khi chịu không nỗi những sợ hãi bên ngoài, họ lại muốn được cung lòng của người mẹ để được chở che, bao bọc như một bản năng.

Mùa Giáng Sinh. Mùa nhắc nhớ rằng mỗi người được sinh ra là một món quà quý giá. Được làm con của một gia đình, con của xã hội, đó là một điều thiêng liêng và tuyệt diệu. Con của ai không quan trọng, cuộc sống nghèo khổ hay sung sướng không quan trọng. Quan trọng là ta đã được sinh ra và sống giữa tình thương của mọi người, ấy là một đặc ân mà Đấng tối cao đã ưu ái tặng rồi và ta chẳng có lý do nào để chối bỏ cả.

Bài viết: Tùy Phong


Visited 2 times, 1 visit(s) today