Từ đầu xuân năm 2020, giữa lòng một Sài Gòn sinh động, nhịp sống hối hả. Có một thực thể vô hình đã đến và xâm chiếm nơi đây. Nó len lỏi vào từng ngõ ngách, từng khu hẻm. Làm gián đoạn từ hoạt động kinh tế cũng như tôn giáo, làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi sinh hoạt của con người. Nó cướp đi biết bao nhiêu giá trị hiện thực mà con người đang cố gắng xây dựng. Nó gây khủng hoảng cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của con người. Thực thể đó mang tên Covid-19.
Giữa lòng đại dịch, con người cảm thấy bất an. Giữa lòng thành phố, con người lại cảm thấy buồn tẻ. Họ cảm thấy bất an không phải vì tệ nạn, những giết chóc, trộm cướp hữu hình nhan nhản trên các mặt báo. Họ cảm thấy bất an vì Covid-19 – một thực thể vô hình mà họ không nhìn thấy, có thể gần ngay bên họ, đe doạ tới mạng sống của họ. Họ cảm thấy buồn tẻ vì bao lâu nay, người dân đã quen sống với nhịp sống hối hả, sinh động. Nhưng hôm nay, ngoài đường lặng như tờ giấy trải, không một tiếng xe, mà có chăng, chỉ là tiếng còi hú của xe cứu thương. Trong đại dịch, chúng ta có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh. Chúng ta sẽ phải đối mặt với những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại của chính chúng ta. Bởi vì chúng ta không thể làm việc, chúng ta có thể mất niềm tin, đánh mất ý nghĩa cuộc sống… và có thể mất cả người thân. Những điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về sự mỏng giòn của con người.
Nhưng trong khủng hoảng đó, có lẽ mỗi người trong chúng ta đã ý thức hơn về cuộc sống, về nhân phẩm con người, đặc biệt là giới trẻ, tham gia tình nguyện giúp đỡ mọi người. Có lẽ trong đại dịch này, tinh thần đoàn kết của con người đang được dâng cao và lan rộng. Người dân chúng ta cũng có lẽ đã mở lòng hơn với nhau, tồn tại song song với đói kém là những sẻ chia, tồn tại song song với những đau khổ là những ủi an. Những cây ATM gạo mọc lên để giúp đỡ người đói khổ. Những đoàn phát nhu yếu phẩm từ thiện len lỏi vào những khu hẻm giúp đỡ bà con. Những sinh viên ngành y tế hy sinh giúp đỡ những ca bệnh F0. Và còn nhiều điều khác nữa cho chúng ta thấy tính siêu việt của con người, chúng ta đã biết mở lòng ra, bước ra khỏi mình mà chạm đến người khác. Trong đại dịch nguy hiểm này, những điều giúp chúng ta còn tồn tại là tình người, sự liên đới, sẵn sàng sẻ chia, kể cả sẻ chia sự sống.
Thời gian của đại dịch cũng là một cơ hội, một khoảng thời gian lý tưởng để chúng ta tĩnh tâm, nhìn nhận lại chính mình. Nếu trước đó tôi đã lìa xa ân nghĩa của Chúa, thì hôm nay Chúa cho ta cơ hội làm lại con người tôi để tôi quay về với Chúa và với tha nhân. Trong cuộc khủng hoảng hiện sinh, tôi có thể thấy cô đơn, tôi “bị trói chân”, tôi thấy mất tự do. Nhưng khi quay về với Chúa, sống trong ân sủng của Chúa, tôi sẽ cảm thấy ngược lại hoàn toàn. Đó là sự tự do, thư thái và bình an. Tác giả linh mục Nguyễn Tầm Thường đã ghi trong đoản khúc 73 “Cô Đơn Và Sự Tự Do”, trong tập sách suy niệm và cầu nguyện cùng tên: “Không Chúa, ngồi bên dòng sông, con lạc lõng bơ vơ, thấy đời bất định xao xuyến vì không biết dòng nước kia trôi về đâu, giống đời mình quá. Có Chúa trong hồn con, con thấy dòng sông không trôi về bất định hoang mang mà là đường dài của thú vị khám phá.
Nếu Chúa ở trong con, con gọi cái mịt mùng của những viên đá không biết chờ đợi ai bên dòng sông kia là bình an thản nhiên bên cuộc đời. Không Chúa, con thấy chúng là bất hạnh, cằn cỗi phải chịu đựng sự có mặt dư thừa.
Tự do và cô đơn. Có Chúa và vắng bóng Chúa.”
Chúng ta hãy cùng cầu xin Chúa tiếp thêm sức mạnh, để chúng ta bước tiếp trong cuộc sống này. Dù là đau khổ, chúng ta vẫn tin đó là Thánh ý Chúa dành cho chúng ta trên nền tảng là sự yêu thương quan phòng của Ngài. Xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng bạn và tôi, dù là trong nghịch cảnh, chúng ta vẫn sống đức tin một cách mãnh liệt hơn bao giờ hết và cùng nhau vượt thắng đại dịch Covid này.
–ALF- (Tu sinh Don Bosco Xuân Hiệp)
Visited 3 times, 1 visit(s) today