Tại sao việc học của con lại không đưa đến một tương lai nào cả?

Thưa cha, con là một sinh viên Cao đẳng. Con không thấy việc học của con đưa đến một tương lai nào cả, vì khi học xong cũng không xin được việc trong ngành con đang học. Con phải làm gì?


Con thân mến, rất nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường đại học có cùng một tâm trạng như con. Học để làm gì? Học có ích lợi gì hay chăng? Chính vì thế, ngày ngày lên lớp học, các bạn mang tâm trạng nặng nề và không muốn tiếp thu những kiến thức được chuyển giao.

Cha không muốn đề cập ở đây nội dung ngành con học, hoặc cơ hội việc làm sau này của con. Điều đó vượt quá khả năng của cha và cha chắc chắn các nhà giáo dục, những nhà chuyên môn hơn cha đã khắc khoải và cũng đang muốn tìm ra phương hướng cho nội dung kiến thức học và áp dụng vào thực hành cuộc sống sao cho có ích lợi theo nghĩa làm sao để các công ty có thể sử dụng nhân lực được đào tạo như thế. Cha cũng không có khả năng phân tích sự thích hợp của cá nhân này với ngành học kia và công việc sau này khi ra trường của con hay bạn nào đó. Chính sự không phù hợp ấy có thể làm cho nhiều bạn trẻ đâm ra chán học.

Tuy nhiên, cha muốn chỉ ra cho con một điều rất rõ ràng. Tạo Hóa đã dựng nên con người, và từng người một cách không hoàn mỹ, hay nói đúng hơn, còn dang dở, theo nghĩa, Tạo Hóa đặt vào trong mỗi người những tiềm năng học biết để từ đó phát triển thành những kiến thức ích lợi cho cuộc đời. Không ai có thể trở nên tháo vát, biết làm việc này việc kia mà không phải trải qua việc học hỏi. Tiềm năng cần được phát triển qua việc chịu khó học hành. Vấn đề là học cái gì để làm gì. Nếu tự bản thân con chỉ quả quyết học để kiếm được việc làm ra tiền, thì chính định hướng ấy đã giết chết tiềm năng học của con rồi. Nỗi buồn chán đã len lỏi vào chính tiến trình học tập của con.

Song nếu học để phát triển bản thân mưu ích cho xã hội, con sẽ có một mục tiêu kích thích con học hỏi liên tục, trong cũng như ngoài nhà trường. Nhà trường chỉ cung cấp cho con cái khung để học tập, còn chính bản thân phải học hỏi phát huy mọi tiềm năng có trong con người con, tri thức cũng như đạo đức lẫn tâm linh.

Cậu bé Gioan Bosco xưa kia đã mồ côi cha, không được đi học tại trường như nhiều trẻ em khác lúc bấy giờ, nhưng cậu đã nuôi ước mơ đi học để có thể thăng tiến mình và sau này giúp tha nhân. Cậu đã đi học chính thức khi tuổi đã lớn (15 tuổi) nhưng không ngại và liên tục học hỏi trong suốt cuộc đời để rồi đã trở thành vị sáng lập Dòng Sa-lê-diêng và đồng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ cũng như Hiệp Hội Cộng Tác Viên chăm sóc hàng triệu thanh thiếu niên nam nữ trong độ tuổi học hành như con.

Nếu con đặt việc học của con trong cái nhìn ấy, cha tin chắc con sẽ tìm được niềm hứng khởi trong học tập và cơ hội việc làm là chuyện sẽ phải đến đối với con. Bởi lẽ, chính nỗ lực đi tìm việc làm lại cũng là một tiến trình học tập.

Ban biên tập Chuyên đề Don Bosco

Visited 1 times, 1 visit(s) today