Truyện Tây du ký kể lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tam Tạng. Những gian nan thử thách xảy đến cho vị thiền sư họ Đường không phải là những gai góc hiểm trở của một đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu hiện thân nơi ba đệ tử của ông: Tôn Ngộ Không, Trư Bát giới và Sa Tăng. Ba người học trò này là biểu tượng của ba nết xấu mà vị thiền sư phải vượt qua để đạt đến chính quả. Đó là lòng kiêu căng, sự đam mê nhục dục và tính lười biếng.
Bài Tin mừng hôm nay cũng phác vẽ cuộc hành trình theo Đức Giêsu của các môn đệ. Trong cuộc hành trình này, điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện duy nhất Chúa Giêsu nêu ra như một thách đố : “ Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Lời mời gọi ấy quả rất nhức nhối và mang tính quyết liệt gửi trao đến tất cả chúng ta.
Per Crucem (Qua Thập giá)
“Thập giá Đức Kitô là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”. Đây là điều tâm niệm mà các nữ tu Mến Thánh giá vẫn lập đi lập lại mỗi ngày. Nhưng không phải chỉ các nữ tu, mà tất cả mọi Kitô hữu đều phải chọn và sống linh đạo Thập giá trong cuộc sống đức tin của mình. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô cũng khẳng quyết với xác tín sâu xa: “ Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại coi là sự điên rồ” (1 Cor 1, 22). Thánh Marcô kể lại, khi Đức Giêsu khải thị cho các học trò về viễn ảnh Thập giá, các tông đồ, đặc biệt Phêrô đã can ngăn Ngài. Điều này dễ hiểu. Họ không thể chấp nhận một tương lai u ám như thế. Một con người mà họ mơ tưởng sẽ làm thủ lãnh một vương quốc đầy oai hùng, tại sao lại có thể bị giết chết và bị treo thân giống như một tên tội phạm? Phêrô can ngăn là điều rất hợp lý theo suy luận tự nhiên. Vì vậy, Đức Giêsu quay lại quở trách Phêrô: “ Satan, lui lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Trở lại với bối cảnh xã hội ngày xưa, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều Chúa muốn nói. Trong xã hội Do thái thời bấy giờ, dân chúng sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma. Đế quốc dùng án tử hình thập giá đối với các tội phạm ghê tởm nhất. Đây là hình phạt man rợ và kinh hoàng mà đế quốc chỉ áp dụng cho cư dân ở các nước thuộc địa, còn công dân Rôma thì được miễn. Tên tử tội sẽ bị treo lên cao, tay chân bị đóng chặt, ngực dãn ra và rất khó thở. Phạm nhân vừa đau đớn, vừa phải chịu đói chịu khát, phơi nắng phơi sương cho đến chết. Người nào khỏe nhất cũng chỉ cầm cự được hai ngày. Sau khi chết, xác của họ không được chôn trong lòng đất, để mặt đất khỏi bị nhiễm uế do tội lỗi ghê tởm của họ. Chim trời sẽ đến rúc rỉa thân xác ấy cho đến khi không còn lại gì. Đối với người Do thái, đây là một sự sỉ nhục, đồng thời hình phạt ấy cũng nói lên tính dã man và sự miệt thị của đế quốc đối với các nước nhược tiểu.
Cũng tương tự như thế, Hy Lạp ngày xưa có rất nhiều triết gia nổi tiếng như Socrates, Aristote, Diogène.. Người dân say mê triết học để tìm sự khôn ngoan cho cuộc sống mình. Họ chủ trương phải sống cho thật ý nghĩa và giá trị. Cái chết thập giá của những phạm nhân đối với họ quả là một sự điên rồ, vì nó kết thúc cuộc sống con người một cách vô nghĩa. Cuộc sống của họ coi như bị vất bỏ hoàn toàn.
Đây là não trạng của dân Do Thái và dân Hy Lạp thời Chúa Giêsu khi họ nhìn vào hình phạt khổ giá. Nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận cái chết xem ra vô lý tột độ như thế. Ngài chết như một tên tử tội đốn mạt nhất bị xã hội ruồng bỏ và coi khinh. Ngài đã đi xuống tận đáy bùn đen của xã hội, đón nhận cái chết man rợ nhất, nhục nhã nhất và cũng bi thương nhất.
Vì thế, chẳng lạ gì Phêrô đứng ra can ngăn Chúa ngay tức khắc theo phản xạ tự nhiên. Phêrô không hiểu, đúng hơn ông chưa hiểu thế nào là mầu nhiệm Thập giá. Lời gọi mời của Chúa Giêsu “Ai muốn theo tôi, phải bỏ mình vác Thập giá mình mà theo”, vừa mang tính thách đố quyết liệt, vừa gợi mở một cuộc hành trình theo Chúa trong niềm tin tuyệt đối, tức là ‘cuộc hành trình đi vào một vùng tối tăm đầy ánh sáng’ (tư tưởng của Thánh Grêgoriô thành Nyssê).
Ad Lucem (Đến vinh quang)
Nhưng, cái chết trên Thập giá của Đức Giêsu không phải là một dấu chấm kết tận, kết thúc cuộc sống 33 năm dương thế của Ngài một cách vô nghĩa. Ngài là một con người rất con người, đã đi qua cái chết, nhưng Ngài vẫn là một Thiên Chúa rất Thiên Chúa, Đấng hằng sống và không bao giờ chết. Đức Giêsu đã chọn Thập giá để khai mở cho con người chân trời ơn cứu độ qua sự phục sinh vinh thắng. Không có cái chết nào nhục nhã cho bằng cái chết của một tên tử tội bị xã hội loại trừ. Không có cái chết nào bị thương và tức tưởi cho bằng cái chết của một đấng hay thi ân, lại bị con người phản bội và đối xử tàn khốc. Không có cái chết nào ai oán cho bằng cái chết của Đấng Công chính lại bị xét xử cách bất công và quá phũ phàng. Đức Giêsu đã chết trong cô đơn và bị ruồng bỏ hoàn toàn. Các học trò thân tín nhất cũng tháo chạy. Ngay cả Chúa Cha dường như cũng hắt hủi, đến độ Ngài phải não lòng thốt lên: “ Cha ơi, sao Cha lại bỏ con?”
Nhưng Thập giá và mầu nhiệm tự hủy chính là con đường dẫn đến sự sống. Nghịch lý của Thập giá mà Chúa Giêsu gọi mời hôm nay được diễn bày nơi chính cái chết bi thương của Ngài : Qua sự chết đến sự sống; qua bóng tối của tử thần, chúng ta mới có thể đi vào miền ánh sáng phục sinh vinh quang. ‘Per Crucem ad Lucem’.
Nghịch lý của Thập giá luôn là một mầu nhiệm khó hiểu. Chỉ khi Đức Giêsu từ cõi chết chỗi dậy, các học trò của Ngài mới dần hiểu ra và sẵn sàng lao vào con đường xem ra rất tối tăm ấy. Ánh vinh quang Phục sinh đã làm sáng lên chân trời đức tin mà trước kia vẫn còn mù tối nơi tâm hồn các tông đồ. Hai môn đệ trên đường đi Emmaus đã tiếp cận trực tiếp với Đấng sống lại và con mắt đức tin của họ đã mở toang. Ngay cả Tôma Dydimô vẫn bị mang tiếng oan uổng là cứng tin, cũng đã hoàn toàn quy thuận khi Đức Giêsu hiện đến. Ông không cần xỏ tay vào lỗ đinh, cũng chẳng cần sờ chạm đến vết đinh nơi thân thể Chúa. Chính cặp mắt Đức Giêsu đã xoáy sâu vào tận tâm hồn ông, đem đến cho ông một luồng sáng mới, thắp lên ngọn lửa đức tin nơi ông. Bấy giờ các tông đồ mới hiểu ra cách tường tận những điều Chúa nói trong Tin mừng hôm nay: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo tôi”.
In hoc signo (Cứ dấu này)
Vào năm 326, Vua Constantinô, hoàng đế Rôma đã có một thị kiến nhìn thấy hình Thập giá trên bầu trời với hàng chữ ‘In hoc signo vinceris’ (cứ dấu này ngươi sẽ chiến thắng). Ông đã chiến thắng và đã tin. Vua Constantinô đã trở thành một tín hữu, bắt đầu giai đoạn hoàng kim của Kitô giáo ở Âu châu. Cũng vậy, Thánh giá chính là dấu hiệu để người ta có thể nhận ra những ai thuộc về Đức Giêsu. Người ta thấy hình tượng Thánh giá ở khắp nơi, trên nóc các nhà thờ, giữa gian cung thánh, trên bàn thờ mỗi gia đình, trên các phần mộ của người công giáo tại các nghĩa trang.., bởi vì cứ dấu này (in hoc signo), người ta nhận ra ai là môn đệ của Đức Giêsu một cách đích thật.
Tuy nhiên, khi nói về Thập giá, chúng ta thường nghĩ ngay đến những đau khổ. Không phải đơn thuần chỉ như thế. Thánh giá của Chúa Giêsu trước hết và trên hết là dấu chỉ của tình yêu. ‘In hoc signo’, cứ dấu này người ta sẽ khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa được biểu tỏ tuyệt vời như thế nào. Thập giá Đức Kitô chính là câu định nghĩa tròn đầy nhất về tình yêu Thiên Chúa dành trao cho con người. Qua Thập giá, chúng ta học được bài học rất căn bản về tình yêu Thiên Chúa ngỏ trao. Tình yêu ấy đến thật nhiều xuyên qua đau khổ. Thánh Têrêsa Hài đồng đã học được bài học căn bản này. Khi nằm trên giường bệnh, Chị thánh luôn mỉm cười, để qua những đau khổ nhỏ bé, chị dần tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu cao cả cùng với Chúa Giêsu. Một lần mẹ Agnès hỏi chị: “ Sao sáng nay em vui vẻ thế?”. Têrêsa trả lời “ Em rất vui vì hôm nay em được lãnh nhận 2 sự khó nho nhỏ để yêu Chúa Giêsu. Không có gì vui sướng cho bằng đón nhận những sự khó cỏn con như vậy”. Ngài nói tiếp: “ Những khổ đau ấy chẳng dữ dằn gì đâu. Em chịu được tới mức nào, bạn tình Giêsu gởi đến cho em tới mức đó, em chẳng bao giờ lo lắng về điều ấy cả”. Cuộc đời của Chị thánh là cuộc đời chứa chan niềm vui và an bình, tựa như những cánh hồng lan tỏa mùi hương êm dịu, nhưng ẩn sâu bên dưới đầy những gai nhọn của Thập giá. Thập giá Chúa Giêsu chính là dấu chứng (signum) bày tỏ tình yêu và quyền lực vô song của Thiên Chúa. Vì thế, Thánh nữ đã tóm kết cuộc đời mình qua một định thức đơn giản: “Ơn gọi của tôi chính là tình yêu. Tình yêu là tất cả. Ơn gọi của tôi là sống sung mãn tình yêu nơi Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu”.
Kết luận: Những con chim ẩn mình chờ chết
Đây là tên bộ phim được trình chiếu rộng rãi trên đài truyền hình thành phố vào những năm thập niên 90. Ở đây, chúng ta không đề cập đến nội dung hư cấu của bộ phim hay đích nhắm mà soạn giả muốn nói đến. Chỉ xin vay mượn giai thoại về loài chim gai (thornbird), được bộ phim chọn làm tựa đề, để quy chiếu và tóm kết sứ điệp Lời Chúa hôm nay.
Có một loài chim hót rất hay và chỉ hót duy nhất một lần trong đời. Trước khi chết, theo bản năng, nó bay vút lên cao, lượn mình vi vu giữa bầu trời mênh mông rồi lao nhanh xuống đất, cắm đầu vào một bụi gai và giẫy chết ở đó. Gai nhọn đâm nát khiến máu chảy tung tóe, thân xác nó tả tơi và dập nát. Trong đau đớn, nó sẽ cất lên tiếng hót, một giọng hót vừa ai oán vừa hùng vĩ, vừa cao vút nhẹ nhàng, vừa trầm buồn đến não nuột. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, nó hót vang. Giọng hót ấy thật tuyệt vời và thánh thót. Đó chính là tiếng hót của ‘những con chim ẩn mình chờ chết’ (les oiseaux se cachent pour mourir). Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay :“Ai yêu sự sống mình sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Thầy và vì Tin mừng sẽ cứu được mạng sống ấy”. Con đường theo Đức Kitô trên hành trình Thập giá cũng chính là con đường dẫn đến cái chết. Nhưng đây không phải là cái chết vô nghĩa, mà xuyên qua cái chết ấy chúng ta sẽ hát lên một bản hùng ca tuyệt vời, một bài ca chiến thắng khải hoàn vang dội. Đó chính là bài ca mà Đức Giêsu, thầy của chúng ta đã cất lên qua sự Phục sinh vinh thắng của Ngài. Có hát lên bài ca này, chúng ta mới cảm thấu được tình yêu Thiên Chúa, và tiếp tục dấn bước theo lời gọi mời của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay.
Văn Hào, SDB