Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 13 Thường niên năm B: Thiên Chúa không làm ra cái chết (Kn 1,13)

Thiên Chúa không làm ra cái chết (Kn 1,13)

    Cái chết là ẩn số lớn nhất trong kiếp người. Theo lẽ thường, không ai trong chúng ta muốn chết, và ý chí muốn sống (vouloir vivre) luôn gắn liền với bản năng tự nhiên nơi mỗi người. Khi mang thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng từng khiếp sợ khi đối diện trước cái chết. ‘Ngài đã lớn tiếng rơi lệ khẩn khoản nài xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết’ (Dt 5,7), nhưng Chúa đã hoàn toàn quy phục thánh ý Chúa Cha để hoàn tất sứ mạng cứu thế. Chính Đức Giêsu cũng đã công bố : ‘Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Như vậy rõ ràng, Thiên Chúa không muốn chúng ta phải chết. Vậy tại sao chúng ta lại cứ phải giã từ cuộc đời, ý nghĩa của sự chết là gì, và đâu là đáp án cho ẩn số bí nhiệm này ?. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay vén mở cho chúng ta câu trả lời. Cái chết là một thực tại, hàm ngậm những chân lý mang tính hiện sinh, và cũng liên đới với ý nghĩa cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Thiên Chúa không làm ra cái chết

    Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Khôn ngoan đã khẳng định điều này. “Thiên Chúa không bao giờ tạo ra cái chết. Ngài chẳng vui thích gì khi sinh mạng con người tiêu vong”. Tác giả cắt nghĩa tiếp:  “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường sinh bất diệt. Nhưng cái chết đã xảy đến chỉ vì ‘Qủy dữ ganh tị và sự chết đã xâm nhập trần gian. Những ai về phe nó đều phải nếm trải cái chết’.

Tư tưởng thần học này đã được thánh Phaolô cắt nghĩa rõ nét hơn trong thư gửi giáo đoàn Rôma, chương 5. Vị Tông đồ viết : “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên cái chết” (Rm 5,12). Theo triền suy tư này, chúng ta nhận thấy có một sự liên hệ nhân quả giữa 3 yếu tố: Ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Do đó, chúng ta có thể khẳng quyết như tác giả sách Khôn ngoan đã viết, đó là sự chết không đến từ Thiên Chúa nhưng phát xuất từ ma quỷ và những ai thuộc về nó. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng đã từng trải nghiệm về cái chết, khi chứng kiến một người thân trong gia đình vĩnh viễn nhắm mắt xuôi tay, hay khi một người mà ta hết lòng thương mến lại lặng lẽ lìa đời. Thánh Augustinô đã nói : “Hãy để sự chết làm thầy dạy chúng ta”. Đúng như thế, không có thầy dạy nào khôn ngoan và sâu sắc cho bằng sự chết. Bất cứ cái chết nào mà chúng ta đang đối diện đều hàm ngậm những sứ điệp mà Chúa muốn gửi trao. Mỗi ngày sống trôi qua là mỗi ngày chúng ta đang tiến gần đến cái chết hơn. Cha Thánh Gioan Bosco vẫn tổ chức ngày tĩnh tâm hàng tháng cho các học sinh và Ngài gọi đó là ngày ‘Dọn mình chết lành’. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 vẫn thường để một chiếc quan tài nho nhỏ trên bàn làm việc của Ngài để nhắc nhớ về cái chết. Đây không phải là một thái độ bi quan, nhưng là một việc làm rất có ý nghĩa. Càng suy ngẫm về sự chết, chúng ta càng sống một cách tích cực và có ý nghĩa hơn.

Thoát bỏ lối sống hiện sinh vô thần

    Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã từng cảnh báo về 3 nguy cơ làm sói mòn niềm tin nơi các Kitô hữu, đó là sống theo chủ nghĩa duy vật (materialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumerism) và sống theo chủ nghĩa tục hóa (secularism). Đây là 3 sắc nét của một lối sống vô thần thực hành mang tính hiện sinh (atheist existentialism), đang dần dần gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, và thượng tôn những ngẫu tượng như tiền bạc, lạc thú hay danh vọng. Trong cựu ước, Đức Chúa Giavê ghét nhất việc thờ ngẫu tượng (idolatry). Ngẫu tượng hay con bò vàng của thời đại hôm nay còn mang những hình thái khác, đặc biệt qua việc sùng bái một lối sống thác loạn và hưởng thụ. Giáo hội chọn bài đọc 2 trong phụng vụ hôm nay để gợi nhắc chúng ta về hướng đi mà chúng ta phải chọn trong cuộc lữ hành đức tin. Thánh Phaolô khuyên mời giáo đoàn Corintô hãy học lấy mẫu gương khó nghèo của Chúa Giêsu, Đấng vốn là Thiên Chúa giàu sang đã tự nguyện trở nên khó nghèo để lấy cái nghèo của mình làm cho chúng ta nên giàu có. Sống tinh thần khó nghèo là không thượng tôn tiền bạc vật chất như một thứ ngẫu tượng, đồng thời phải có tâm hồn quảng đại, biết chia sẻ và trao ban. Để sống tinh thần nghèo khó và thanh thoát, chúng ta hãy suy gẫm về 3 câu hỏi để làm hướng đích cho cuộc sống mình. Đó là, tôi sống nhưng cuộc sống của tôi từ đâu đến ? Tôi đang sống nhưng tôi sống để làm gì ? Cuối cùng, tôi đang sống ngày hôm nay, nhưng cuộc sống tôi sau khi chết đi sẽ đi về đâu?

Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại.

    Trình thuật phép lạ được thánh Marcô kể lại hôm nay gồm hai sự kiện : Chúa chữa người phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm, và Chúa cho phục sinh con gái ông trưởng hội đường Giaia. Chúng ta hãy liên kết trình thuật trên với 2 bài đọc trong phụng vụ, đặc biệt phép lạ Chúa làm cho đứa bé gái 12 tuổi đã chết được sống lại. Văn phong của thánh Marcô rất mộc mạc, dung dị nhưng hàm chứa những nội dung rất sâu xa.

Trước khi cho đứa bé sống lại, Chúa nói : ‘Thalithakum’. Đây là thuật ngữ Aram cổ xưa, có nghĩa là ‘Hỡi con chiên nhỏ bé của ta, hãy trỗi dậy!’. Câu nói đơn sơ của Chúa diễn bày hai chiều kích. Một mặt nói lên lòng thương cảm của một mục tử đối với đàn chiên, bởi vì chính Đức Giêsu đã công bố ‘Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào’. Thứ đến, phép lạ nói lên quyền năng của Đấng Messia, Đấng có thể khuất phục sự chết. Tính cách ‘Bí mật thiên sai (Messianic secret) trong Tin mừng Marcô, dần dần được vén mở để khải thị cho chúng ta về chân dung cứu thế nơi Đức Giêsu. Điều kiện để phép lạ xảy ra chính là ‘Đức tin’. Chúa nói : “ Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36). Đức tin là chìa khóa dẫn đến phép lạ, và đã được thể hiện qua hành động ‘chạm đến Chúa’. Người phụ nữ đã sờ chạm đến áo choàng của Chúa Giêsu và máu đã cầm lại. Chúa Giêsu cũng chạm đến đứa bé, cầm tay đứa bé và ra lệnh truyền khiến, làm cho nó trỗi dậy. Những chi tiết đó là những dấu chứng hiển thị đức tin. Cũng thế, mỗi khi chúng ta biết chạy đến với Chúa, để cho Chúa ‘sờ chạm’ đến cõi lòng, chúng ta sẽ được chữa lành, cho dầu có thể chúng ta đang giẫy chết trong tội lỗi.

Kết luận

    Thiên Chúa không làm ra cái chết, đặc biệt là cái chết sâu kín nơi tâm hồn mỗi người. Để được Chúa Giêsu chữa lành, chúng ta cần đến với Chúa và để Chúa chạm đến. Chúa đã cho Lazarô được phục sinh. Chúa cũng đã cho con gái ông Giaia sống lại, nhưng những con người đó, sau này cũng sẽ phải chết. Tuy nhiên, có một cái chết quan trọng hơn rất nhiều, đó là cái chết nơi tâm hồn khi chúng ta gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài và dấn sâu vào vũng lầy tội lỗi. Chúng ta hãy xin Chúa chữa lành để chúng ta thoát khỏi cái chết ghê sợ đó. Đồng thời, chúng ta hãy bắt chước người phụ nữ bị loạn huyết hay giống như ông trưởng hội đường. Ông đã mời Chúa Giêsu đến nhà để con gái ông được Chúa Giêsu yêu thương và chữa lành.

Văn Hào, SDB

Visited 5 times, 1 visit(s) today