Suy niệm CHÚA NHẬT XII A – Vượt Qua Nỗi Sợ

    Một trong những điều rất thông thường thuộc bản năng của con người là biết sợ hãi. Bản năng biết sợ hãi là do Thiên Chúa đặt để ngay trong bản tính con người, nhờ đó con người và cả loài vật nữa mới biết tự vệ và tránh được những khó khăn, bất lợi, tai nạn, đau khổ, chết chóc có thể xảy đến với mình. Tuy nhiên, người có bản lãnh, có trí tuệ, mặc dù biết sợ, nhưng luôn luôn làm chủ được bản năng biết sợ của mình để can đảm chấp nhận những tệ hại nhỏ hơn trước mắt hầu tránh được những tệ hại lớn hơn; hoặc can đảm chấp nhận những tệ hại cho cá nhân mình hầu tránh những tệ hại lớn hơn cho tập thể hay xã hội. Một khi đã nhận thức và chấp nhận điều tệ hại nhỏ hơn, thì ta không còn sợ hãi nó nữa (NCK).

Sống ở trên đời, ai mà không một đôi lần… sợ? Bé thì sợ ma, lớn lên một tí ngoài sợ ma, còn sợ nhiều thứ khác như sợ chuột, sợ gián, sợ thạch sùng, sợ rắn và cả… sợ roi vọt nữa! Trở thành người lớn, hầu như đã bớt sợ mấy thứ đó, nhưng lại có cái sợ khác, như sợ “sếp”, sợ mất việc, sợ không được lên lương…

Cái sợ của trẻ con chủ yếu là sợ vu vơ, lặt vặt, do không hiểu mà sợ như sợ ma, do chưa thấy bao giờ hoặc ít thấy, hoặc thấy hình dạng nó kì quái, bẩn thỉu quá mà sợ như sợ gián, sợ chuột, sợ thạch sùng, do đau thể xác mà sợ như sợ rắn, sợ rết, sợ đòn roi của người lớn!.. Còn cái sợ của người lớn thì khác. Đó là cái sợ thấy được, trực tiếp và cụ thể; sợ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó cái sợ tinh thần chiếm tỉ lệ rất cao. Có cái sợ tránh được, như không bao giờ làm việc xấu, không vướng vào những vụ vi phạm pháp luật,.. thì chẳng việc gì phải sợ. Nhưng có cái sợ không tránh được, như bị cướp, bị bắt cóc, bị khủng bố, bị tống tiền, bị doạ cho thôi việc, bị thuyên chuyển công tác, bị sếp ghét bỏ,… Không may gặp những chuyện như thế mà không sợ, thì ai đó phải có thần kinh …thép! Làm điều sai trái, sợ pháp luật, là cái sợ bình thường. Ra đường sợ kẻ cắp, là cái sợ tuy không bình thường nhưng còn chấp nhận được. Chứ “ra đường sợ công an”, “lên phường sợ… thủ tục” thì đó lại là cái sợ hoàn toàn không bình thường chút nào. Cánh đàn ông lại có kiểu sợ đặc thù này: Sợ vợ! Đến vua chúa oai phong vậy mà còn sợ hoàng hậu, huống nữa là dân thường! Sợ có nhiều cách biểu hiện lắm: sợ run cầm cập, sợ hết hồn hết vía, sợ tái xanh tái xám, sợ lạnh cả xương sống, sợ dựng tóc gáy, sợ toát mồ hôi, sợ rụt vòi, sợ vãi linh hồn, sợ bóng sợ vía… và có cả loại “điếc không sợ súng”. Nỗi sợ cứ quấn lấy đời người. Nỗi sợ làm người ta mất vui, mất bình an và tự do. Thế mà Lê Quý Đôn lại khuyên nhủ: “Phải biết sợ mới nên người”.

Trang tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu khuyên các môn đệ “đừng sợ”. Ðừng sợ người đời, cứ mạnh dạn nói Lời Chúa. Ðừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác thôi.Ðừng sợ vì chúng ta có giá trị trước mặt Chúa.

Sợ sệt có thể làm con người chùn bước trước muôn vàn nghịch cảnh đang giăng mắc và xảy ra trong đời sống thường ngày. Chính vì thế, Chúa luôn cảnh tỉnh các tông đồ hãy tỉnh thức, đừng sợ, sao nhát đảm đến thế! Chúa có đó và luôn can thiệp kịp thời những biến cố xảy ra trong lịch sử cứu độ, trong đời sống riêng tư của con người. Khi Chúa ngủ ở đầu mạn thuyền, sóng to, gió lớn trổi dậy, các môn đệ cuống cuồng, lo âu sợ sệt. Chúa nói:” Sao các con nhát đảm thế“, và Chúa khiến gió bão im lặng.

Biết bao vị Thánh Tử Đạo đã không sợ roi đòn gông cùm tù tội và ngay đến cả cái chết. Thánh nữ Anê Lê Thị Thành bị bắt chính vì bà đã cho các thừa sai trú ẩn nơi nhà mình. Bà đã hành xử giống như nhóm phụ nữ cùng với Nhóm Mười Hai và đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu cùng các môn đệ (Lc 8,1-3). Tại Nam Định, quan tòa bắt bà Anê Thành chối đạo, bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời”. Các quan truyền đánh đòn bà, lúc đầu bằng roi, sau bằng thanh củi lớn quật vào chân bà. Dịp chồng bà đến thăm, bà đã giải thích lý do tại sao bà chịu đựng nổi cơn đánh đập hung bạo đó: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn”. Dã man nhất là màn thả rắn độc vào trong áo bà Thành đang mặc. Họ đã túm lấy tay áo bà, có ý để rắn bị bức xúc sẽ cắn vào người bà. Nhưng bà Thành bình tĩnh lạ thường, không nhúc nhích, nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Con út của bà Thành là Lucia Nụ tới thăm mẹ và thấy y phục mẹ đầy vết máu nên khóc nức nở. Bà Thành an ủi con: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Bà còn nói với con gái: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Trong thời gian ngồi tù, bà Thành không những chịu cực hình tra tấn, chịu đói, chịu khát, mà còn chịu khổ vì bệnh kiết lị hành hạ. Nhưng bà được an ủi nhiều vì có hai nữ tu cùng bị giam, săn sóc và giúp đỡ bà. Các linh mục cũng gởi thuốc, đến thăm và ban bí tích hòa giải, xức dầu. Cuối cùng bà đã phó linh hồn trong tay Chúa theo gương Thầy Chí Thánh ngày 12 tháng 7 năm 1841, sau ba tháng bị giam, hưởng thọ 60 tuổi, và được Thánh Gioan Phaolô II phong hiển thánh năm 1998.

Có ai làm người mà không một lần sợ hãi. Ðức Giêsu khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (Ga 14,1) nhưng chính Ngài cũng xao xuyến trước cuộc khổ nạn. Tin Mừng Gioan hai lần nhắc đến điều đó (Ga 12,27; 13,21). Ðức Giêsu xao xuyến đến tột cùng trong Vườn Dầu: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,37-38), và có lẽ Ngài cũng bị xao xuyến trên thập giá: “Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mt 27,46). Sợ hãi, xao xuyến không phải là một tội. Kitô hữu không phải là người không biết sợ, hay không dám khiêm tốn thú nhận là mình sợ. Nhưng họ là người không để nỗi sợ chi phối đời mình, không vì sợ mà không dám sống cho chân lý.Ðức Giêsu nói tiếng Xin Vâng ngay trong lúc sợ hãi và đã uống cạn chén đắng Cha trao.

Con người hôm nay an toàn nhờ đủ thứ bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cũng bắt nguồn từ nỗi sợ cái bất trắc. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ riêng. Cần đối diện và vượt qua bằng lòng tín thác, để rồi được an tĩnh và tự do. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, chăm lo đến từng sợi tóc cho ta, và chúng ta có giá trị lớn lao trước mặt Ngài. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào đời sau. Cái chết thân xác không là dấu chấm hết của đời người. Cuối cùng, chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng không bị sợ hãi nuốt chửng và đã đi tới cùng.Ðấng phục sinh vẫn mời gọi chúng ta hôm nay: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Tình yêu giải phóng con người khỏi sợ hãi. Thánh Gioan viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18). Tình yêu giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của chúng ta càng chứng tỏ được là lớn lao bấy nhiêu. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm.

Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và tha nhân mà biết bao người dám chấp nhận tất cả cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che. Chúa Giêsu nói: loài chim sẻ chẳng đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng. Con người quý giá trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); và “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5,8; x. 1Cr 15,3). Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119;105). Có Lời Chúa dẫn đường, chúng ta không thể sa hầm sập bẫy trần gian. Lời Chúa không lừa dối, nhưng xua tan mọi ảo tưởng và phơi bày mọi sự thực trần gian. Hơn nữa, có điểm dựa nào vững chắc bằng Tin Mừng? Chính Chúa quả quyết: “Ai nghe những lời Thày nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24). Ðược Lời Chúa làm nền tảng, bản lãnh chúng ta sẽ vững chắc và đủ sức đương đầu với bất cứ thách đố nào trong cuộc đời. Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta thấy “núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.” (Tv 31,4) Ðó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô dám nhắc lại lời Thầy chí thánh để kêu gọi Giáo hội “Ðừng sợ!” ngay từ lúc mở đầu triều đại giáo hoàng. Đức Giêsu quả quyết: “Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Giữa bao nhiêu thách đố, Kitô hữu có thể tìm được nơi Lời Chúa một nền tảng vững chắc và một nơi ẩn trú bình an. Ðó là tất cả bí quyết giúp Kitô hữu vượt qua mọi cơn sợ hãi và vận dụng mọi khả năng biến đau khổ thành phương tiện làm chứng cho Ðức Kitô. 

Lạy Chúa, xin tăng cường sức mạnh đức tin cho chúng con, để chúng con có thể can đảm làm chứng cho Chúa giữa lòng dân tộc và nhân loại hôm nay. Amen

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Visited 2 times, 1 visit(s) today