Sứ điệp của Đức Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Đời Thánh hiến lần thứ 23 – Đời Thánh hiến: Cuộc gặp gỡ

Như thường lệ vào ngày 2 tháng 2, Giáo hội dành ngày đó để suy tư và sống ý nghĩa đời sống thánh hiến. Trong thời gian qua, với những ngày Tết, chúng ta có thể để cho sứ điệp đó bị chìm đi. Nhân dịp tĩnh tâm này, tôi xin được lấy lại những lời của Đức Thánh Cha để hướng dẫn chúng ta sống vui đời thánh hiến tông đồ Salêdiêng của mình ngày một hơn.

Đức Thánh Cha trình bày suy tư của ngài dựa vào chính phụng vụ như môi trường hiện sinh của đức tin chúng ta gắn bó với Đức Giêsu. Phụng vụ là nơi chốn tuyệt hảo để những suy tư không chỉ thuần tuý là lý luận, nhưng trở thành sức sống, trở thành kích thích tố cho cầu nguyện, hay đúng hơn trở thành cầu nguyện chiêm niệm. Những gì Đức Thánh Cha trình bày về về đời thánh hiến nhân dịp này, theo tôi, có thể được gói ghém vào phạm trù GẶP GỠ. Ngay đầu bài suy niệm, Đức Phanxicô nói như sau:

“Phụng vụ lễ Dâng Hài nhi Giêsu vào đền thánh cho thấy Đức Giêsu đi ra gặp dân ngài. Đây là ngày lễ của gặp gỡ: một Hài nhi mới sinh gặp gỡ truyền thống của đền thờ; lời hứa tìm thấy được sự hoàn thành của mình; đôi bạn trẻ Đức Maria và Giuse gặp gỡ hai bậc cao niên Simêon và Anna. Vì thế, mọi sự gặp gỡ nhau khi Đức Giêsu đến.”

Quả thật là như thế. Trong thực tại, chúng ta biết rằng nơi Đức Giêsu mọi sự khác biệt, thậm chí chống đối nữa, được gặp gỡ nhau, được hoà giải. Đức Giêsu đúng là nơi GẶP GỠ của trời và đất, của Thiên Chúa và dân người, của quá khứ và tương lai.

Với ánh sáng đó, Đức Giáo hoàng suy tư tiếp để cho thấy phạm trù gặp gỡ có ý nghĩa gì cho đời thánh hiến chúng ta. “Điều này, tức là, gặp gỡ có ý nghĩa gì cho ta?” Ngài trả lời như sau:

“Trên hết, chúng ta cũng được gọi để đón chào Đức Giêsu, Đấng đến gặp chúng ta. Gặp gỡ ngài: Thiên Chúa của sự sống phải được ta gặp gỡ mọi ngày trong đời sống chúng ta; không phải thỉnh thoảng, từng chốc nhưng mọi ngày.” Chúng ta sống đời thánh hiến để gặp gỡ Đức Giêsu, vì ngài đến gặp chúng ta trước. Ngài đi bước trước tiến vào đời chúng ta. Và vì ngài là Thiên Chúa của sự sống nên ngài cũng chỉ muốn một câu trả lời của đời sống. Của đời sống đây có nghĩa là gì, Đức Giáo hoàng nói tiếp như sau: “Theo Đức Giêsu không phải là một quyết định được làm một lần là xong, nó là một chọn lựa hằng ngày. Và chúng ta không gặp Chúa một cách ảo. Chúng ta trực tiếp gặp ngài trong đời sống chúng ta. Bằng không, Đức Giêsu chỉ là một kỷ niệm đẹp của quá khứ.” Quả thế, “Khi chúng ta đón chào ngài như Chúa của sự sống, như trung tâm và trái tim đang đập của mọi sự, thì ngài sống và lại sống trong ta. Quanh ngài, mọi sự gặp gỡ nhau, và đời sống trở thành hoà điệu (hài hoà). Với Đức Giêsu, chúng ta tìm lại được sự can đảm để gánh vác cuộc sống cũng như sức mạnh để luôn vững vàng,” để trung kiên. Rõ ràng, ” gặp gỡ Chúa là nguồn mạch” cho một sự sống không bao giờ mỏi mệt, như ngôn sứ Isaia đã từng nói: “họ chạy mà không mỏi không mệt.”

Chính vì tầm quan trọng này, Đức Thánh Cha cũng khuyên chúng ta phải liên tục trở về nguồn. Nguồn nào? Ngài muốn nói: “lần ngược lại trong tâm trí những thời khắc gặp gỡ ngài cách quyết liệt, để canh tân tình yêu đầu tiên chúng ta.” Ngài đề xuất có lẽ cũng tốt đẹp khi ta “viết xuống câu chuyện tình của ta với Chúa. Điều này sẽ tốt cho đời thánh hiến chúng ta để nó không trở thành một thời gian trôi qua, nhưng đúng hơn một thời gian gặp gỡ.” Điều mà TTN 27 mời gọi các Salêdiêng dám nói cho các bạn trẻ về hành trình gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Giêsu một cách quyết liệt trong đời mình. Vì lẽ đời thánh hiến thu hút không phải nhờ quảng cáo cho bằng nhờ chứng từ sống.

Đó là góc cạnh gặp gỡ mang tính cá vị trong đời sống thánh hiến. Từng người phải gặp Đức Giêsu. Không ai thay ai cả. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của đào luyện vậy, vì gặp gỡ Đức Giêsu cũng chính là để ngài huấn luyện chúng ta.

Nhưng chúng ta không một mình gặp gỡ Chúa. Cuộc gặp gở ấy cũng có khía cạnh cộng đoàn. Đời thánh hiến không sống cho riêng mình. Nó dẫn ta vào những thăng trầm của cộng đoàn. Vai trò của Cộng đoàn, Giáo hội không kém phần thiết yếu. Đức Phanxicô viết như sau:  

“Nếu chúng ta gợi nhớ cuộc gặp gỡ nguyên thuỷ của ta với Chúa, chúng ta trở nên ý thức rằng nó không nảy sinh như một cái gì riêng tư giữa ta và Thiên Chúa mà thôi. Không. Nó nở hoa trong bối cảnh của một dân tín hữu, bên cạnh nhiều anh chị em, vào những thời gian và nơi chốn chính xác. Tin mừng nói cho ta điều này, khi cho thấy cách thức cuộc gặp gỡ xảy ra trong Dân Chúa, trong lịch sử cụ thể của Dân ấy, trong truyền thống sống động của Dân ấy: trong đền thờ, theo lề luật, trong bối cảnh của lời ngôn sứ, trong người trẻ và người già với nhau (cf Lk 2:25- 28,34). Đời thánh hiến cũng y như thế này: nó nở hoa và triển nở trong Giáo hội; nếu nó bị cô lập, nó héo khô. Nó chín muồi khi người trẻ và người già lão cùng bước đi với nhau, khi người trẻ khám phá lại cội rễ của mình và người cao niên đón chào những hoa quả đó… Khi bước đi một mình, khi chú trọng đến quá khứ hay gắng sức nhảy bổ tới phía trước để sống còn, thì đời thánh hiến đình trệ.” Cộng đoàn tu sĩ cần thiết để canh tân tính ngôn sứ của mình, chứ không phải lắng lo quá để sống còn; cần phải “khám phá Đức Chúa hằng sống giữa dân tín hữu và cho phép đoàn sủng chúng ta nhận được gặp gỡ những ân huệ của hôm nay.”

Như thế đời thánh hiến đã được nhìn dưới góc cạnh gặp gỡ những con người, trong cộng đoàn Giáo hội. Còn một góc cạnh gặp gỡ khác mà Đức Thánh Cha muốn khai triển. Ngài nói đến sự gặp gỡ giữa luật lệ và Thần khí. Ngài cho thấy sự tương tác mật thiết giữa hai điều này. Ngài viết như sau:

“Tin mừng cũng nói cho chúng ta rằng Thiên Chúa gặp gỡ dân ngài có một khởi điểm và một điểm tới … Tin mừng … là một tiếng gọi lưỡng diện: có một tiếng gọi đầu tiên “theo lề luật” (c. 22). Nó là tiếng gọi của Giuse và Maria, cái ngài đi tới đền thờ để chu toàn mọi điều lề luật định. Bản văn nhấn mạnh điều này … thậm chí tới 4 lần (cf. vv. 22, 23, 24, 27). Đây không phải là một điều gì ép buộc: cha mẹ Đức Giêsu không bị buộc để lên Đền thờ hay chỉ hoàn thành một bổn phận bề ngoài. Họ đi vì đáp lại tiếng Thiên Chúa gọi. Rồi có một tiếng gọi thứ hai, theo Thần khí. Nó là tiếng gọi của Simêon và Anna. Điều này cũng được nhấn mạnh: 3 lần trong trường hợp của Simêon, nó qui chiếu tới Thánh Thần (cf. vv. 25, 26, 27) và nó bao gồm với Anna nữ ngôn sứ, được soi sáng để tạ ơn TC (cf. v. 38). Hai người trẻ chạy tới đền thờ, được gọi bởi lề luật; hai vị cao niên được Thần khí chuyển động. Tiếng gọi lưỡng diện này, bởi lề luật và bởi Thần khí, có nghĩa gì cho đời sống thiêng liêng và thánh hiến chúng ta? Nó muốn nói rằng chúng ta được gọi tới một sự vâng phục lưỡng diện: vâng phục lề luật – theo nghĩa là điều trao ban trật tự cho đời sống chúng ta – và vâng phục Thần khí, đấng làm những điều mới mẻ trong đời chúng ta. Cuộc gặp gỡ với Đức Chúa được sinh ra như thế: Thần khí mặc khải Chúa, nhưng để đón chào ngài, chúng ta cần trung kiên mọi ngày. Ngay cả những đoàn sủng lớn nhất, nếu thiếu một cuộc đời có trật tự, không thể sinh hoa trái. Đàng khác, ngay cả những qui luật tốt nhất không đủ nếu không có sự tươi mát của Thần khí: lề luật và Thần khí đi chung với nhau.

Đức Thánh Cha rõ ràng cho chúng ta thấy có sự tương tác chặt chẽ giữa một đời tự kỷ luật chính mình, một đời sống có trật tự, với một đời sống linh động bởi Thần khí. Không thể nào ảo tưởng được để nhân danh điều này huỷ bỏ điều kia. Để làm rõ ý tưởng này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta chiêm ngắm thời khắc Đức Giêsu ở tại Cana.

“Để hiểu hơn tiếng gọi này, … chúng ta nên chuyển tới những ngày đầu của sứ vụ công khai, tại Cana, ở đó ngài biến nước thành rượu. Cũng có một tiếng gọi của vâng  phục, khi Đức Maria nói: “Người bảo gì các anh cứ làm theo” (Jn 2:5). Làm bất cứ cái gì. Rồi Đức Giêsu yêu cầu một điều đặc thù; ngài không đột ngột làm ra một cái gì mới, không sản sinh rượu mà đôi tân hôn cần từ hư vô; song ngài yêu cầu một cái gì cụ thể và đòi hỏi. Ngài xin họ đổ đầy các chum nước được dùng vào việc thanh tẩy, vốn gợi nhắc lề luật. Điều đó có nghĩa là họ phải múc nước giếng đổ khoảng 600 lít nước: nó đòi hỏi thời gian và nỗ lực; song việc này lại xem ra vô nghĩa bởi vì điều đang thiếu không phải là nước mà là rượu! Nhưng chính từ những chum được đổ nước đầy thấu lợi đó, Đức Giêsu tạo ra rượu mới. Điểu đó cũng cho chúng ta: Thiên Chúa gọi chúng ta gặp ngài qua sự trung thành với những điều cụ thể: cầu nguyện hằng ngày, thánh lễ, xưng tội, đức ái thực sự, lời Chúa hằng ngày. Những việc cụ thể, chẳng hạn vâng phục bề trên và qui luật trong đời sống thánh hiến. Nếu chúng ta đưa điều này ra thực hành với tình yêu, thì Thần khí sẽ đến và mang lại sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, giống như trong đền thờ và tại Cana. Vậy, nước của đời sống hằng ngày được đổi thành rượu của sự mới mẻ, và đời sống chúng ta, mà xem ra như bị trói buộc hơn, trong thực tế, lại trở nên tự do hơn.”

Suy tư này kiện cường những thúc bách mà Tu hội chúng ta, qua TTN 27, đang thực hiện: mời gọi mỗi cộng đoàn, dù lớn dù nhỏ, đi vào con đường của tu đức trong việc trung thành với những gì cơ bản nhất của đời thánh hiến, để từ đó Thánh Thần làm linh hoạt đời sống chúng ta. Thánh Thần làm cho chúng ta nhìn đời sống một cách mới. Khoé nhìn về đời sống được thay đổi khi có được cuộc gặp gỡ giữa lề luật và Thần khí. Ngài viết:

“Cuộc gặp gỡ sinh ra từ tiếng gọi đạt đến tột đỉnh trong khoé nhìn. Simeon thốt lên: “mắt con đã thấy ơn cứu độ ngài ban” (Lk 2:30). Ông thấy Hài nhi và ông thấy ơn cứu độ. Ông không thấy Đức Mesia làm phép lạ, song là một trẻ nhỏ. Ông chẳng thấy một cái gì ngoại thường, nhưng [chỉ thấy] Đức Giêsu với cha mẹ ngài, những người mang cặp bồ câu, tức là, của lễ khiêm tốn nhất (cf. v. 24) đến đền thờ. Ông Simeon nhìn thấy sự đơn giản của TC và đón chào sự hiện diện của ngài. Ông chẳng tìm kiếm bất kỳ cái gì khác hay muốn một cái gì khác hơn nữa. Xem thấy Hài nhi và ẵm ngài trên tay là đủ rồi: “nunc dimittis, giờ đây cho con đi bình an” (cf. v. 29). Thiên Chúa là đủ cho ông rồi. Trong Thiên Chúa, ông tìm được ý nghĩa tối hậu của đời mình. Đây là tầm nhìn của đời thánh hiến; khoé nhìn này thật đơn giản song rất ngôn sứ; với tầm nhìn này, chúng ta giữ Chúa trước mặt và giữa đôi tay chúng ta, và không phục vụ bất kỳ cái gì khác. Ngài là sự sống, là niềm hy vọng, là tương lai của ta. Đời thánh hiến hệ ở khoé nhìn (tầm nhìn) ngôn sứ này trong Giáo hội: nó là cái nhìn vốn xem thấy Thiên Chúa hiện diện trong thế giới, mặc dù nhiều người không để ý đến ngài; nó là một tiếng nói rằng: “Thiên Chúa là đủ rồi, mọi sự còn lại đều qua đi”; Tầm nhìn này là lời ngợi khen luôn vọt trào ra, bất chấp mọi sự, như ngôn sứ Anna cho thấy. Bà là một người phụ nữ cao niên, sống goá chồng nhiều năm, nhưng bà không u buồn, nhung nhớ hay rút vào chính mình; trái lại bà luôn ở trong đền thờ và hằng ca ngợi Thiên Chúa cũng như chỉ nói về ngài (cf. v. 38).”

Tầm nhìn này mới làm cho đời thánh hiến tràn ngập sức sống, linh hoạt mà không náo động; nó không quan tâm đến chuyện tồn tại, sống sót của một cơ sở hay một thể chế. Nó cho thấy Thiên Chúa hằng sống, trở thành lời nhập thể của Thiên Chúa, qua chọn cách sống, thái độ sống cũng như cả hình thức sống của Đức Giêsu Kitô. Trong ánh sáng đó, Đức Giáo hoàng nói cho ta biết đời thánh hiến chân chính sẽ như thế nào và tại sao nó có thể thức tỉnh thế giới hôm nay. Ngài viết:

“Vậy đây là đời thánh hiến: lời ca ngợi mang đến niềm vui cho Dân Chúa, là một khoé nhìn ngôn sứ mặc khải cái gì quan yếu. Khi nó là một đời như thế, đời thánh hiến đâm hoa và trở thành lời mời cho mọi người chúng ta để chống lại sự tầm thường: chống lại một sự hạ giá đời sống thiêng liêng, chống lại cám dỗ là giản lược tầm quan trọng của Thiên Chúa; chống lại một sự sắp đặt tới đời sống thoải mái và trần tục; chống lại những lời phàn nàn, bất mãn và thương hại mình; chống lại một não trạng chịu vậy (resignation, rút lui) và não trạng tự hào “chúng tôi đã thường làm như vậy mà”. Đời sống thánh hiến không phải liên quan đến sự sống sót, nhưng chính là đời sống mới. Nó là một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa trong dân ngài. Nó là một tiếng gọi đi tới sự vâng phục trung thành với đời sống hằng ngày cũng như tới những ngạc nhiên bất ngờ từ Thần khí. Nó là một khoé nhìn về điều chúng ta cần phải ôm ấp để kinh nghiệm niềm vui: Giêsu.”

Vậy, ta có thể nói sứ điệp của ngày thánh hiến thế giới năm nay liên quan đến gặp gỡ: gặp gỡ của cá nhân với Chúa, gặp gỡ với cộng đoàn anh chị em thuộc Dân Chúa, gặp gỡ giữa tu đức và Thần khí, giữa kỷ luật và ân sủng. Đó là cuộc gặp gỡ thay đổi bộ mặt đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn, đời sống thế giới. Với những tư duy đầy thẩm quyền như thế, phần còn lại là chúng ta: chúng ta muốn sống đời thánh hiến của mình như thế nào và cách sống như thế luôn đi ngược lại trào lưu thế tục luôn muốn xâm nhập vào đời thánh hiến chúng ta, vì nó muốn đánh cắp niềm vui, kho tàng vĩ đại Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta hãy trung thành tuân giữ HL và những bổn phận với tình yêu mạnh mẽ và hăng nồng ngày một hơn. Chúng ta hãy xác tín: Thiên Chúa là đủ và mọi sự còn lại đều qua đi. Chúng ta giữ Chúa Giêsu trước mặt và trong đôi tay để không phục vụ cái gì khác ngoài Thiên Chúa và vương quốc của ngài.

[00186-EN.01] [Original text: Italian]

© Libreria Editrice Vatican

Văn Am, SDB chuyển ngữ

Visited 83 times, 1 visit(s) today