
(ANS – Rôma) – Các Tổng Tu Nghị của Tu hội Salêdiêng từ lần thứ 8 đến thứ 13 trải dài hơn ba mươi năm lịch sử, từ cuối thế kỷ 19 (1898) đến thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1932). Đây là một thời kỳ có rất nhiều sự kiện và thay đổi quan trọng ở mức độ toàn cầu, Giáo hội và Salêdiêng. Vì vậy, các Tổng Tu Nghị cũng phản ánh sự phát triển của những năm tháng đó.
Trong giai đoạn này, cuộc “tàn sát vô ích” của Thế chiến thứ nhất (1915-18) đã diễn ra, và nó cũng có ảnh hưởng lớn đến Tu hội Salêdiêng còn non trẻ, với sự thay đổi liên tiếp của 4 Bề Trên Cả (Cha Michael Rua, Cha Paul Albera, Cha Philip Rinaldi và Cha Peter Ricaldone).
Thoạt nhìn, đã có một số cuộc họp Tổng Tu Nghị ngắn gọn và gần như chỉ mang tính chức năng – hoặc để bầu Bề Trên Cả, hoặc để hoàn thành những vấn đề chưa được giải quyết từ các phiên họp trước – và những cuộc họp khác có chiều sâu và tác động lớn hơn, nơi các nghị quyết mang tính tổ chức và cơ cấu được đưa ra nhằm đánh dấu rõ rệt con đường của Tu hội Thánh Phanxicô Salê trong những năm tiếp theo.
Chẳng hạn, TTN8 có lẽ là một trong những TTN quan trọng nhất, cả về các chủ đề được thảo luận lẫn số lượng người tham dự, và vì lần đầu tiên Bề Trên Cả được bầu chọn bằng cách bỏ phiếu. Đây cũng là lần cuối cùng Tổng Tu Nghị bầu Giám Đốc Tổng Quát về Tập viện, và người được họn là Cha Giulio Barberis. Đồn thời, một đề xuất đã được đưa ra nhằm bầu số Giám đốc tương ứng với số Tập viện.
Tổng Tu Nghị 9 cũng có sức ảnh hưởng đáng kể: thực tế, chính tại Tổng Tu Nghị này, các Tỉnh dòng Salêdiêng đã được thiết lập, quyết định tổ chức các Tổng Tu Nghị sáu năm một lần, và quy định rằng từ Tổng Tu Nghị tiếp theo, không phải tất cả các Giám đốc sẽ tham dự, mà chỉ có các Giám Tỉnh và một Đại diện cho mỗi Tỉnh dòng. Tổng Tu Nghị 10 là lần cuối cùng được chủ tọa bởi Cha Rua và đã được tổ chức với một sự trọng thể nhất định. Trong suốt phiên họp, di hài của Don Bosco được khai quật trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Richelmy và tất cả các thành viên của Tổng Tu Nghị, những người đã biểu lộ một ước muốn mãnh liệt được gặp lại Don Bosco.
Sau TTN11, nơi bầu chọn Cha Paul Albera và tiến hành tu chỉnh các Quy chế khác nhau được Tổng Tu Nghị 10 đề xuất ad experimentum, đã phải đợi 12 năm để tổ chức một Tổng Tu Nghị mới do Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất; và người chủ tọa Tổng Tu Nghị mới này không còn là Cha Albera nữa, người đã qua đời vào năm 1921, mà là Cha Rinaldi, với vai trò Tổng Giám Học. Một lần nữa, với tiến trình tái tổ chức sau chiến tranh và việc thích nghi đời sống của Tu hội đối với Bộ Giáo Luật mới vốn đã được khởi sự, TTN13 tập trung vào việc tái tổ chức Tu hội Salêdiêng ở các cấp độ khác nhau, chú trọng đến việc học tập của các tu sĩ, đào tạo nghề nghiệp và các công cuộc truyền giáo, trong một không khí đầy nhiệt huyết nhờ lễ phong chân phước của Đấng sáng lập, Don Bosco.
Cuối cùng, TTN14 đã phải tiến hành với một cuộc chuyển giao lãnh đạo mới, với số phiếu gần như tuyệt đối (83 trên 87 phiếu) dành cho cha Peter Ricaldone.
Dưới đây là bản tóm tắt về 7 Tổng Tu Nghị của Tu hội Salêdiêng Don Bosco (1898-1932), trình bày theo cấu trúc ban đầu với các chi tiết về Chủ tọa (Bề Trên Cả), điều hành viên, thành viên, địa điểm, thời lượng, các chủ đề chính, cùng những ghi chú đặc biệt hoặc những diễn tiến quan trọng.
________________________________________
- TTN 8 (1898):Hiệp Nhất Trong Tinh Thần
- Địa điểm: Turin, Valsalice
- Thời gian: 6 ngày (29/8 – 3/9/1898)
- Chủ tọa: Cha Michael Rua
- Điều hành viên: Cha Francesco Cerruti
- Thành viên: 217 Nghị viên
- Chủ đề: Củng cố sự hiệp nhất trong tinh thần, tu chỉnh các quy chế và áp dụng thực tiễn các nghị quyết.
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Giới thiệu giai đoạn tập vụ ba năm dành cho các Salêdiêng trẻ.
- TTN9 (1901) – Thiết Lập Các Tỉnh Dòng
- Địa điểm: Turin, Valsalice
- Thời gian: 5 ngày (1-5/9/1901)
- Chủ tọa: Cha Michael Rua
- Điều hành viên: Cha Francesco Cerruti
- Thành viên: 27 Nghị viên, 8 cố vấn
- Chủ đề: Thiết lập các Tỉnh dòng, học thần học và giai đoạn tập vụ.
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Tổ chức đầu tiên theo Giáo luật của các Tỉnh dòng Salêdiêng.
- TTN10 (1904) – Khung Pháp Lý
- Địa điểm: Turin, Valsalice
- Thời gian: 22 ngày (23/8-13/9/1904)
- Chủ tọa: Cha Michael Rua
- Điều hành viên: Cha Francesco Cerruti
- Thành viên: 35 Nghị viên
- Chủ đề: Quy chế về Tổng Tu Nghị và các tập viện
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Bầu các thành viên tại cấp độ Tỉnh dòng.
- TTN11 (1910) – Chuyển Giao Lãnh Đạo
- Địa điểm: Turin, Valsalice
- Thời gian: 17 ngày (15-31/8/1910)
- Chủ tọa: Cha Paul Albera
- Điều Hành viên: Cha Luigi Piscetta
- Thành viên: 73 Nghị viên
- Chủ đề: Bầu chọn Cha Paul Albera làm Bề Trên Cả và tu chỉnh các quy chế ở mọi cấp độ.
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Nhấn mạnh việc duy trì tinh thần hiền phụ của các giám đốc.
- TTN12 (1922) – Tái Tổ Chức Sau Chiến Tranh
- Địa điểm: Turin, Nguyện Xá Thánh Phanxicô Salê
- Thời gian: 17 ngày (23/4 – 9/5/1922)
- Chủ tọa: Cha Philip Rinaldi
- Điều hành viên: Cha Luigi Piscetta
- Thành viên: 64 Nghị viên
- Chủ đề: Thích nghi với Bộ Giáo Luật 1917.
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: TTN đầu tiên sau 12 năm gián đoạn do Thế Chiến I.
- ________________________________________
- TTN13 (1929) – Mở Rộng Truyền Giáo Và Nghiên Cứu Giáo Hội
- Địa điểm: Turin, Valsalice
- Thời gian: 12 ngày (9 – 20/7/1929)
- Chủ tọa: Cha Philip Rinaldi
- Điều hành viên: Cha Bartolomeo Fascie
- Thành viên: 88 Nghị viên
- Chủ đề: Tái tổ chức các nghiên cứu Giáo hội và các trường nghề, phát triển có hệ thống các công cuộc truyền giáo.
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Tổng Tu Nghị được tổ chức trong bầu không khí hân hoan sau lễ phong chân phước Don Bosco (2 tháng 6 năm 1929).
- TTN14 (1932) – Chuyển Giao Lãnh Đạo
- Địa điểm: Turin, Valdocco
- Thời gian: 3 ngày (16-18/5/1932)
- Chủ tọa: Cha Peter Ricaldone
- Điều hành viên: Cha Bartolomeo Fascie
- Thành viên: 87 Nghị viên
- Chủ đề: Bầu chọn Cha Peter Ricaldone làm Bề Trên Cả.
- Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Tổng Tu Nghị đặc biệt, được triệu tập sau sự qua đời của Cha Rinaldi (5/12/1931).