
(ANS – RMG) – Chỉ còn vài ngày là Tổng Tu Nghị 29 (TTN29) của Tu hội Salêdiêng chính thức khai mạc, Cha Alphonse Owoudou, Cố vấn Miền Phi Châu – Madagascar và cũng là Điều hành viên của TTN29, đã chia sẻ chi tiết, thông qua một buổi phỏng vấn rõ ràng về quá trình chuẩn bị cũng như tinh thần sẽ định hướng cho biến cố quan trọng này. Ngài cũng nhấn mạnh những thái độ và điều kiện cần có để làm cho Tổng Tu Nghị thực sự trở thành một “Lễ Hiện Xuống mới”, nơi Chúa Thánh Thần có thể hoạt động để mang lại lợi ích cho Tu hội, cho sứ mạng Salêdiêng và cho giới trẻ trên toàn thế giới.
- Chỉ còn bốn ngày nữa là đến thời điểm khai mạc Tổng Tu Nghị 29, Cha cảm thấy thế nào khi đứng trước thời khắc quan trọng này của Tu hội?
Tôi phải nói rằng tôi cảm thấy như một huấn luyện viên và trọng tài trước trận chung kết: có sự háo hức, một chút hồi hộp tích cực, nhưng trên hết là sự biết ơn sâu sắc đối với hành trình đã qua.
Chúng tôi đã làm việc hết mình, cùng với các Ủy ban về Kỹ Thuật và Pháp lý, Ủy ban Tiền Tổng Tu Nghị về chủ đề của TTN, Ban Thư ký, các cộng tác viên ở Rôma và Turin – Valdocco, cùng với các anh em phiên dịch từ các Tỉnh dòng giúp chúng tôi truyền tải công việc của mình đến toàn thế giới. Nhưng trên hết, chúng tôi muốn gửi lời cám ơn đến các thành viên của TTN, các Giám tỉnh và các Đại biểu, những người, trong nhiều tháng qua đã trao đổi, động viên, đóng góp và làm phong phú thêm cho chúng tôi bằng kinh nghiệm và tình yêu của họ dành cho Tu hội.
Đây là một hành trình mang tinh thần hiệp hành, được thực hiện trong sự lắng nghe, phân định và hiệp thông. Giờ đây, chúng ta đã sẵn sàng bước vào biến cố này với một con tim rộng mở, tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để chọn lựa những điều tốt đẹp nhất cho Tu hội và đặc biệt là cho người trẻ. Và nếu Don Bosco có mặt ở đây, chắc hẳn ngài sẽ khuyên chúng ta đừng lo lắng quá … nhưng hãy tiếp tục làm việc với niềm vui!
- Cha đã làm việc để chuẩn bị cho Tổng Tu Nghị trong hơn một năm qua. Cha có hài lòng với những gì đã đạt được không?
Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng tất cả bắt đầu từ ngày 24 tháng 9 năm 2023, với lá thư triệu tập của Cha Bề Trên Cả. Kể từ thời điểm đó, 92 Tỉnh dòng của Tu hội đã bắt tay vào việc đào sâu chủ đề của Tổng Tu Nghị: “Say mê Đức Giêsu Kitô, tận hiến cho người trẻ”. Một công trình suy tư, trao đổi và tổng hợp có sự tham gia của các anh em hội viên từ khắp nơi trên thế giới.
Tại Rôma, cùng với các anh em được chọn vào các Ủy ban, chúng tôi đã dấn thân để nghiên cứu, tổng hợp và định hình tất cả các tài liệu này. Đây thực sự là một hành trình học hỏi, phân định và đối thoại huynh đệ. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho một Tổng Tu Nghị không chỉ dừng lại ở nội dung, mà còn đòi hỏi phải vận hành cả bộ máy tổ chức.
Chúng tôi phải phối hợp nhiều lĩnh vực hậu cần khác nhau: tiếp đón và đăng ký, di chuyển, ăn ở, dịch vụ công nghệ thông tin, phiên dịch, truyền thông, chưa kể đến việc tổ chức không gian và cử hành phụng vụ.
Việc liên lạc với các điều phối viên và khách mời cũng một thách đố lớn, chưa kể đến việc triển khai tất cả các hệ thống công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo mọi tiến trình của Tổng Tu Nghị diễn ra hiệu quả và có cấu trúc chặt chẽ.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của Cha Stefano Martoglio, Phó Bề Trên Cả, chúng tôi đã nỗ lực để điều phối tất cả các nguồn lực này, gặp gỡ nhiều lần cả ở Rôma và Turin để rà soát tiến độ công việc. Chúng tôi đã gặp phải những khó khăn bất ngờ, tìm ra các giải pháp mới để xử lý những tình huống không lường trước được… và như mọi khi, chúng tôi thực hiện tất cả với tinh thần Salêdiêng: óc cụ thể, sự sáng tạo và tín thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa.
Giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng! Và nếu còn những chi tiết chưa hoàn hảo, chúng tôi chắc chắn rằng, với tư cách là những người con của Don Bosco, chúng tôi sẽ biết cách xử lý bằng sự linh hoạt, nụ cười và tinh thần gia đình đặc trưng của mình.
- Có bao nhiêu thành viên sẽ tham dự Tổng Tu Nghị lần này và họ đảm nhận những vai trò gì?
Tổng Tu Nghị 29 sẽ có 269 người tham dự, mỗi người đều có một vai trò cụ thể trong việc đảm bảo tiến trình của hội nghị diễn ra suôn sẻ. Trọng tâm là 227 nghị viên, những người có quyền bỏ phiếu và đại diện cho toàn Tu hội. Trong số đó là 14 Tổng Cố Vấn, Tổng Đại diện, và một Bề Trên Cả Danh Dự, những người sẽ cùng nhau đóng góp kinh nghiệm và tầm nhìn cho tương lai của Tu hội. Nhóm đông nhất là các Giám tỉnh và Đại biểu từ 92 Tỉnh dòng, phân chia theo các Miền như sau: 32 vị từ miền Phi Châu – Madagascar, 22 vị từ miền Châu Mỹ – Nón Phía Nam, 27 vị từ miền Đông Á – Châu Đại Dương, 33 vị từ miền Nam Á, 36 vị từ miền Bắc – Trung Âu, 27 vị từ miền Liên Mỹ, 29 vị từ miền Địa Trung Hải, cũng như 2 đại diện từ UPS (Đại học Giáo hoàng Salêdiêng) và 3 hội viên từ Nhà Trung Ương tại Rôma (RMG).
Tuy nhiên, một Tổng Tu Nghị không chỉ vận hành dựa trên các nghị viên có quyền bỏ phiếu. Một đội ngũ hỗ trợ hùng hậu đang làm việc thầm lặng phía sau để đảm bảo mọi khoảnh khắc của hội nghị diễn ra trôi chảy. 11 thông dịch viên và 7 biên dịch viên sẽ làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo sự hiểu biết giữa các nghị viên trong năm ngôn ngữ chính thức của Tu hội. Việc quản lý thực tiễn được giao cho một đội ngũ hậu cần chuyên nghiệp, với 10 người đang làm việc tại Valdocco và 3 người thuộc Nhà Trung Ương tại Rôma, phụ trách tiếp đón, tổ chức không gian và các dịch vụ hằng ngày.
Để đảm bảo việc vận hành trơn tru, 3 chuyên viên máy tính sẽ coi sóc toàn bộ hệ thống kỹ thuật số của Tổng Tu Nghị, từ các thiết bị điện tử đến quy trình bỏ phiếu. Đồng thời, đội truyền thông gồm 6 thành viên, với sự hỗ trợ quý giá của Hãng tin Salêdiêng (ANS), sẽ tường thuật diễn biến hằng ngày để toàn thể Gia đình Salêdiêng trên thế giới có thể theo dõi tiến trình của Tổng Tu Nghị.
Như vậy, chúng ta sẽ có tổng cộng 269 người, mỗi người với một nhiệm vụ riêng, nhưng tất cả đều hiệp nhất trong một ước muốn duy nhất: biến Tổng Tu Nghị này thành một kinh nghiệm của Hiệp thông, Phân định và Canh tân. Một nhóm khá đông, chắc chắn rồi, nhưng được tổ chức cách chặt chẽ! Và nếu nếu có vấn đề phát sinh, thì… Chúng ta là Salêdiêng mà! Với sự sáng tạo và tinh thần gia đình, chúng ta sẽ biết cách khắc phục bằng một nụ cười và niềm đam mê luôn thôi thúc chúng ta.
- Những điểm nhấn của Tổng Tu Nghị 29 sẽ là gì?
Tổng Tu Nghị 29 sẽ là một hành trình chuyên sâu của việc lắng nghe, phân định và đưa ra những chọn lựa quan trọng cho tương lai của Tu hội. Trong số những thời khắc quan trọng nhất, không thể không nhắc đến tuần tĩnh tâm khai mạc – thời gian để hồi tâm và cầu nguyện, giúp chúng ta đặt Chúa Thánh Thần vào vị trí trung tâm, và để Ngài hướng dẫn suốt hành trình của Tổng Tu Nghị.
Ngay sau đó, chúng tôi sẽ đi vào trọng tâm của Tổng Tu Ngị với việc nghiên cứu sâu sắc về tình trạng của Tu hội. Từng lĩnh vực một, chúng ta sẽ phân tích những cơ hội và thách thức của thời đại, cố gắng đạt đến một cái nhìn thực tế, nhưng luôn được soi sáng bởi đức tin. Đây là một thời điểm mang tính quyết định vì nó giúp chúng ta xác định các ưu tiên cho nhiệm kỳ sáu năm (2025-2031), dưới ánh sáng của sứ mệnh Salêdiêng và đặc sủng của Don Bosco.
Một trong những cột trụ của Tổng Tu Nghị sẽ là việc đào sâu chủ đề của Tổng Tu Nghị, “Say mê Đức Giêsu Kitô, tận hiến cho người trẻ”. Đây không chỉ là một câu khẩu hiệu để suy gẫm, mà còn là một viễn tượng cụ thể để đổi mới căn tính và sự dấn thân của chúng ta giữa người trẻ, đặc biệt là những em dễ tổn thương nhất.
Sau cùng, chúng ta sẽ bước vào một thời khắc được mong đợi và mang tính trách nhiệm cao: phân định và bầu chọn Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài. Đây không đơn thuần là việc chọn lựa những con người, nhưng là việc xác định, qua cầu nguyện và suy tư, người sẽ hướng dẫn và đồng hành với Tu hội trong những năm sắp tới. Đó là một kinh nghiệm của lòng tín thác vững vàng vào Chúa Thánh Thần và sự hiệp thông giữa tất cả các thành viên của Tổng Tu Nghị. Tuy nhiên, cũng không thể quên một khoảnh khắc được nhiều người đang háo hức mong chờ – và, nói thật lòng, cũng không kém phần hồi hộp: Trải nghiệm Năm Thánh tại Rôma. Việc cử hành Thánh Lễ tại Vatican, cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha và việc kết thúc Tổng Tu Nghị bằng Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ là một dấu chỉ của sự hiệp thông với Giáo Hội và một cơ hội để mỗi người chúng ta được canh tân đời sống thiêng liêng.
Nói tắt, TTN29 sẽ là thời gian đầy ý nghĩa, đan xen giữa phân định, gặp gỡ huynh đệ và những lựa chọn can đảm. Và như thường lệ, chúng ta sẽ sống những ngày này theo phong cách của Don Bosco: với sự nghiêm túc, lòng nhiệt thành và niềm vui của những người biết rằng Chúa đang đồng hành với mình!
- Chủ đề của TTN29 là “Say mê Đức Giêsu Kitô, tận hiến cho người trẻ”. Chủ đề này phản ánh thực trạng của Tu hội và người trẻ ngày nay như thế nào?
Từ ngày Cha Ángel, lúc ấy còn là Bề Trên Cả, công bố chủ đề này, có một từ vẫn luôn vang vọng mạnh mẽ trong tâm hồn tôi: say mê. Đây không chỉ là một từ ngẫu nhiên, nhưng là một ngọn lửa, một năng lượng nội tâm thôi thúc chúng ta sống ơn gọi với tất cả sự mãnh liệt.
Tôi muốn nói rằng trong nhiều đề xuất mà các Giám tỉnh gửi tới cho Tổng Tu Nghị, có một điều đặc biệt làm tôi ấn tượng, một Giám tỉnh đã viết: Chúng ta đã soạn thảo biết bao văn kiện, lữu trữ biết bao những chương sách tuyệt vời, với những văn bản đầy tính hùng biện và chiều sâu. Nhưng điều chúng ta cần bây giờ không phải là một Tổng Tu Nghị sản sinh thêm nhiều trang giấy, mà là một Tổng Tu Nghị giúp chúng ta đánh giá xem mình đang thực sự sống những gì mình đã viết đến mức nào. Hãy nhắc nhở chúng ta về điều gì đó có thể mở ra cho Chúa Thánh Thần: đam mê, lửa nhiệt huyết, động lực, sức mạnh thúc đẩy… Đó chính là những gì chúng ta cần lúc này!
Và đó chính là trọng tâm của vấn đề: không có đam mê, không có trái tim nồng cháy, chúng ta có nguy cơ đánh mất ý nghĩa của sứ mệnh chúng ta. Don Bosco vẫn thường lặp lại với con cái mình: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hy sinh mạng sống”. Đây không chỉ là một nói hay: nó còn là bí quyết của “sự điên rồ trong yêu thương” của ngài, của sự tận hiến hoàn toàn cho thanh thiếu niên. Không phải ngẫu nhiên mà Cha Bề Trên Cả đã chọn ba từ khóa cho TTN29: Say mê, sống ngôn sứ và can đảm kiểm chứng.
Say mê Chúa Giêsu Kitô nghĩa là quay lại với cội nguồn ơn gọi của chúng ta, tìm lại niềm vui bước theo Đức Kitô, để cho tình yêu Ngài thiêu đốt tâm hồn chúng ta. Sống ngôn sứ mời gọi chúng ta trở nên dấu chỉ đáng tin cậy của niềm hy vọng cho người trẻ, là những chứng nhân đích thực của một Thiên Chúa bước đi cùng con người. Cuối cùng, can đảm kiểm chứng là một hành vi của sự chân thành và đức tin: Chúng ta có thực sự là người chúng ta nói chúng ta là? Chúng ta có đang ứng phó với những thách thức của ngày hôm nay với cùng sự nhiệt tình như Don Bosco? Chúng ta chỉ muốn thiết kế lại sơ đồ tổ chức của Tu hội tuyệt vời này, hay chúng ta dám để Chúa Giêsu thành Nazareth dạy chúng ta bảng chữ cái về phong cách lãnh đạo của Người?
- Instrumentum Laboris (công cụ làm việc), tài liệu sẽ được biểu quyết và trở thành tài liệu làm việc, mang theo những kỳ vọng lớn và táo bạo. Cha có thể chia sẻ đôi điều về nó không?
Ồ! Instrumentum Laboris! Mỗi Tổng Tu Nghị đều có tài liệu này, và như mọi khi, đây là một văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng, phong phú về suy tư và là kết quả của một quá trình tổng hợp sâu rộng. Nhưng để tôi nói ngay một điều quan trọng: nhân vật chính thực sự của Tổng Tu Nghị không phải là một văn bản, dù nó hay đến đâu. Nhân vật chính ấy là Chúa Thánh Thần và là khả năng của Tu hội biết để mình được Ngài hướng dẫn. Công cụ làm việc này được hình thành từ việc lắng nghe tiếng nói của tất cả các Tỉnh dòng, cố gắng hệ thống hóa những câu hỏi và trực giác xuất phát từ trái tim của Tu hội. Nó có một cấu trúc rõ ràng và tập trung vào ba hạt nhân chính: Việc sinh động đời sống thánh hiến Salêdiêng, sứ mệnh được chia sẻ với Gia đình Salêdiêng và người đời, và việc xem xét lại các cơ cấu quản trị của Tu hội. Đây là những chủ đề quan trọng, bởi vì chúng đụng chạm đến căn tính của chúng ta, cách chúng ta hiện diện giữa người trẻ, và cách chúng ta tổ chức sứ mệnh. Tuy nhiên, có thể có người sẽ hỏi: Vậy nghĩa là chúng ta đã có sẵn mọi câu trả lời? Hoàn toàn không! Ngược lại, mối nguy hiểm lớn nhất là xem tài liệu này như một dạng “sách giải đáp”, gần như là một “tượng thần” thay thế sự phân định đích thực.
Instrumentum Laboris không phải là đích đến, nó chỉ là chiếc la bàn: hữu dụng, nhưng không phải là tất cả. Đó là lý do tôi không muốn nói quá nhiều vào lúc này. Tổng Tu Nghị sắp bắt đầu và, cũng như mọi hành trình Salêdiêng khác, chúng ta biết mình sẽ bắt đầu từ đâu, nhưng chúng ta để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên đường đi. Và nếu đến cuối hành trình, chúng ta nhận ra rằng “công cụ này” thực chất chỉ là đường băng để cất cánh chứ không phải bản đồ hoàn chỉnh… thì điều đó có nghĩa là chúng ta thực sự đã có một Tổng Tu Nghị thật tốt đẹp!
- Có những tính năng hay cách tiếp cận mới nào được đưa vào TTN này để cải thiện sự tham gia và giúp đạt được các mục tiêu của TTN29 không?
Nếu có một điều mà Tu hội luôn thực hiện từ những ngày đầu tiên Don Bosco triệu tập Tổng Tu Nghị – cũng như lúc các Salêdiêng đầu tiên đặt chân đến Châu Mỹ – đó chính là việc lắng nghe mọi người. Phương pháp luôn là như vậy: trước hết là lắng nghe từng hội viên, tiếp theo là lắng nghe các cộng thể và Tỉnh dòng, và cuối cùng là đạt đến sự phân định chung của Tổng Tu Nghị. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể giữ được sự phong phú và tính đa dạng của đoàn sủng và sứ mệnh của chúng ta. Trong TTN29 này, chúng tôi cũng cố gắng sống tinh thần này một cách cụ thể. Điều này được thể hiện từ việc thành lập các Ủy ban: Nhóm các chuyên viên giáo luật Salêdiêng, do Cha Pier Fausto Frisoli hướng dẫn đã quy tụ các chuyên gia từ nhiều nơi trên thế giới. Ủy bản Tiền- Tổng Tu Nghị (Pre-Chapter Commission) có tính quốc tế hơn bao giờ hết, và các buổi Lectio Divina cũng góp phần mang lại chiều sâu thiêng liêng cho toàn bộ hành trình. Tuy nhiên, sự quan tâm đến tính đa dạng không dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị: ngay trong Tổng Tu Nghị, việc chủ sự các Thánh lễ và Huấn từ tối Salêdiêng sẽ được phân công giữa các Miền khác nhau của Tu hội. Điều này giúp chúng ta lắng nghe những ngôn ngữ, lịch sử và nhạy cảm khác nhau, để cảm nhận được nhịp đập của Tu hội trong hơi thở của toàn thế giới.
Về mặt tổ chức, một đổi mới quan trọng là cổng thông tin kỹ thuật số do các chuyên gia IT của chúng ta phát triển. Công cụ này giúp mỗi điều phối viên từ 92 Tỉnh dòng, có thể chủ động nhập liệu về công việc, câu hỏi và dữ liệu của các thành viên tham dự. Ngoài ra, các kênh truyền thông và nhóm chia sẻ cũng được thiết lập để thúc đẩy đối thoại, giúp tiến trình trở nên dễ dàng và bao quát hơn. Bên cạnh đó, cũng có những sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả. Chẳng hạn, tại Châu Phi, Hội nghị các Tỉnh dòng vùng CIVAM đã tạo một nhóm WhatsApp từ tháng 11 năm ngoái với 33 người tham viên của TTN29 giúp phối hợp tốt hơn. Những Miền khác chắc chắn cũng có các chiến lược tương tự trong các hội nghị gần đây. Các giải pháp nhỏ này đã giúp rút ngắn hành trình vốn dĩ sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu thực hiện theo cách thông thường. Và tất cả những điều này diễn ra trong một giai đoạn đặc biệt của Tu hội, khi mà Bề Trên Cả của chúng ta, Cha Ángel Fernández Artime, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Hồng y. Tuy nhiên, như Cha Stefano Martoglio thường nhắc nhở: Tạ ơn Chúa, chúng ta đã có thể sống thời gian này trong sự thanh thản và chuẩn bị một Tổng Tu Nghị mang tính bình thương trong một hoàn cảnh phi thường.” Don Bosco, và trước ngài là thánh Phanxicô Salê, đã từng định nghĩa các phép lạ nhỏ bé hằng ngày theo cách này: khi lòng tín thác vào Chúa Quan Phòng gặp gỡ với sự lao động cụ thể, mọi việc đều tiến triển tốt… với một chút ngạc nhiên và rất nhiều lòng biết ơn.
- Chúng con có nghe nói rằng Tổng Tu Nghị lần này sẽ thảo luận một số chủ đề độc đáo và quan trọng chưa từng đề cập trước đây. Cha có thể nói thêm về điều đó?
(Đùa) Ai nói với con vậy? Cha rất muốn biết về người đó (cười)
Một số hội viên nghĩ rằng những vấn đề như bảo vệ trẻ vị thành niên và những người yếu thế, sinh thái toàn diện, cơ hội và thách đố của thế giới số và trí tuệ nhân tạo, hoặc thậm chí tính phù hợp của Sắc lệnh của Đức Thánh Cha về sự cần thiết hoặc không cần thiết của chức linh mục đối với các Bề trên, là những điều hoàn toàn mới và đòi hỏi một lập trường rõ ràng và mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, nhiều chủ đề trong số đó đã được Tu hội nghiên cứu từ nhiều thập kỷ qua, chỉ có điều chúng ta không có cơ hội để đọc hoặc thẩm thấu chúng một cách đầy đủ. Nhưng suy cho cùng, điều mới mẻ thực sự không phải lúc nào cũng nằm ở nội dung chúng ta suy tuy, mà ở cách chúng ta suy tư về chúng. Vẻ đẹp, giống như sự đổi mới, hệ tại ở mắt của người chiêm ngắm. Và đó chính là ý nghĩa của Tổng Tu Nghị: Không chỉ lặp lại những điều chúng ta đã biết, nhưng cho phép mình ngạc nhiên bởi một cái nhìn mới, có khả năng thấy xa hơn.
- Tuần lễ phân định sẽ diễn ra như thế nào và ai sẽ hướng dẫn tiến trình quan trọng này?
Tuần lễ phân định để bầu chọn Bề Trên Cả và Ban Tổng Cố Vấn được tổ chức một cách cẩn trọng, xen giữa giữa các giờ cầu nguyện, suy tư cá nhân và thảo luận chung, trong một bầu khí của lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúng tôi đã lắng nghe nhiều đánh giá khác nhau về kinh nghiệm của TTN28, trong bối cảnh mà tất cả chúng ta đều nhớ, giai đoạn khắc nghiệt nhất của cơn đại dịch. Giờ đây chúng tôi đang cố gắng tiến về phía trước với tâm thế bình an hơn. Hành trình bắt đầu vào Chúa Nhật, ngày 23 tháng 3, với lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần cách long trọng, bài nói chuyện khai mạc của Vị Hướng Dẫn, Kinh Chiều tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ, và Chầu Thánh Thể tại Nhà Nguyện Thánh Phanxicô Salê. Các nghị viên sẽ được đồng hành bởi Cha Amedeo Cencini, người hướng dẫn thiêng liêng cho toàn bộ tiến trình cho đến khi hoàn tất việc bỏ phiếu. Vào thứ Hai, ngày 24 tháng 3, sau một giờ suy niệm có hướng dẫn, các ủy ban sẽ làm việc dựa trên bản đánh giá sơ bộ về những nội dung đã được bàn thảo trong tuần thứ hai của Tổng Tu Nghị, từ đó xác định những tiêu chí và danh sách ứng viên cho vị trí Bề Trên Cả nhiệm kỳ 2025-2031. Buổi chiều sẽ dành cho việc trao đổi và tổng hợp, kết thúc bằng cuộc thăm dò ý kiến để xác định những ứng viên thích hợp nhất.
Thứ 3, ngày 25 tháng 3 sẽ là ngày quyết định quan trọng: sau thời gian làm rõ và chia sẻ, cùng lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, việc bầu chọn Bề Trên Cả sẽ diễn ra. Ứng viên được bầu chọn sẽ chấp nhận chức vụ bằng việc tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trước toàn thể nghị viên. Kể từ buổi chiều cùng ngày, và trong những ngày tiếp theo, từ 26 đến 29 tháng 3, tiến trình sẽ được lặp lại để bầu chọn Phó Bề Trên Cả, các Tổng Cố Vấn phụ trách các Ban và các Cố Vấn Miền. Công việc sẽ được thực hiện luân phiên giữa các phiên họp toàn thể và thảo luận trong Ủy ban, luôn đi kèm với các buổi cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Các ủy ban sẽ được phân chia theo cách thức khác nhau: ủy ban hỗn hợp để bầu chọn Bề Trên Cả và Phó Bề Trên Cả, và ủy ban theo từng Miền đối với các Tổng Cố Vấn và các Cố Vấn Miền, theo quy định của Tổng Tu Nghị.
Tuần phân định sẽ đạt đến cao điểm vào thứ 7, ngày 29 tháng 3, với việc bầu chọn các Cố Vấn Miền, và kết thúc bằng Thánh Lễ do Cha Tân Bề Trên Cả chủ sự, cùng với Ban Cố Vấn của ngài – một dấu chỉ của sự hiệp thông và sứ mạng được canh tân của toàn thể Tu hội.
- Tổng Tu Nghị lần này kéo dài gần 55 ngày. Điều đó có tương tự như các Tổng Tu Nghị trước đây không? Cha có nghĩ rằng khoảng thời gian đó là hợp lý không?
Thời lượng của Tổng Tu Nghị chưa bao giờ là một quyết định ngẫu nhiên, mà được xác định bởi những người triệu tập TTN ấy, dựa trên khối lượng công việc cần thực hiện. Tôi hiểu rằng đối với một số anh em hội viên, tám tuần có vẻ là một thời gian dài, nhưng khi đến Turin, anh em sẽ nhận ra rằng khoảng thời gian đó hoàn toàn không hề dư thừa so với công việc đang chờ đợi chúng ta. Tôi xin nhắc lại rằng TTN29 được xây dựng quanh ba chủ đề hạt nhân chính, tương tự như các Tổng Tu Nghị gần đây. Lần này, ba hạt nhân đó lại bao gồm không dưới 18 tiểu đề mục, mỗi đề mục đòi hỏi sự suy tư kỹ lưỡng và thảo luận sâu rộng. Ngoài ra, còn có những vấn đề pháp lý còn tồn đọng từ TTN28, cần được tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ.
Trong tương lai, nếu Cha Bề Trên Cả quyết định áp dụng một phương pháp khác – chẳng hạn như quay lại với mô hình trước Công đồng Vatican II, khi Tổng Tu Nghị chỉ tập trung vào việc nghiên cứu tình trạng của Tu hội, hoặc chọn một chủ đề đơn giản hơn – thì thời lượng dĩ nhiên sẽ được điều chỉnh. Thêm vào đó, công nghệ số ngày nay đã cho phép thực hiện công việc từ xa, và có lẽ trong tương lai, điều này có thể ảnh hưởng đến cách tổ chức Tổng Tu Nghị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là thời gian kéo dài bao lâu, mà là trải nghiệm của chúng ta cùng sống trong Tổng Tu Nghị: những ngày gặp gỡ sôi nổi, mối dây huynh đệ được thắt chặt, những giờ phút lắng nghe và cùng nhau tiến bước. Các anh em hội viên từ nhiều nền văn hóa khác nhau làm việc cùng nhau, học cách hiểu nhau hơn và cùng đồng hành trong sứ vụ. Một số người nói rằng đây chính là một trong những bí quyết cho sự hiệp nhất của chúng ta: một Tu hội với khoảng 13,600 Salêdiêng, có thể cảm thấy như một gia đình, bất chấp những khác biệt và khoảng cách địa lý.
Có lẽ thời gian ở Turin không dài…mà đơn giản là cần thiết. Và đối với nhiều anh em, đó cũng sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên.
- Tầm nhìn của Cha về Tổng Tu Nghị này là gì? Cha hy vọng gì vào việc canh tân sứ mệnh Salêdiêng?
Tôi phải thú nhận một điều. Tôi không xây dựng một tầm nhìn riêng cho Tổng Tu Nghị lần này. Không phải vì nó không quan trọng, mà vì tôi đã học được rằng nhiệm vụ của tôi với tư cách là Điều Hành Viên không phải là đưa ra một tầm nhìn, mà là tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của Tổng Tu Nghị, như đã được ấp ủ qua tiếng nói của Bề Trên Cả. Vai trò này không cho phép tôi tham gia vào công việc của các Ủy ban và thậm chí là bỏ phiếu, chính là để tôi có thể trở thành khí cụ trong tay Chúa với sự tự do lớn hơn.
Tuy nhiên, như Cha Pascual Chávez gần đây có khuyên tôi, nhiệm vụ của tôi không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ kỹ thuật. Tôi cần phải giúp các nghị viên đạt đến một tầm nhìn rõ ràng về Tu hội, bởi vì nếu không có tầm nhìn chung, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ rất lớn: mỗi người sống một Tổng Tu Nghị khác nhau, và tệ hơn nữa, làm việc cho một Tu hội khác nhau. Chính từ tầm nhìn chung này, những định hướng hành động rõ nét hơn sẽ xuất hiện và dẫn dắt sứ mệnh của chúng ta trong sáu năm tới. Đồng thời, từ đó cũng sẽ xuất hiện những tiêu chí để chọn lựa những người sẽ dẫn dắt hành trình tương lai của Tu hội.
Vì thế, tôi muốn nói rằng niềm hy vọng của tôi là Tổng Tu Nghị lần nẽ sẽ tìm được một tầm nhìn chung. Nhưng câu trả lời thực sự không nằm trong lời nói của bất cứ ai trong chúng ta. Nó nằm trong trái tim của Thiên Chúa và trong trái tim của những ai dám lắng nghe tiếng Ngài, trong sa mạc và những diễn đàn của thời đại hôm nay.
- Cuối cùng, Cha muốn gửi gắm điều gì đến các anh em Salêdiêng trên toàn thế giới, những người đang háo hức mong chờ kết quả của Tổng Tu Nghị là gì?
Trước hết, tôi muốn cám ơn anh em. Cám ơn từng người trong anh em vì sự đóng góp cho Tổng Tu Nghị lần này, vì nó không chỉ thuộc về chúng tôi, những người đang hiện diện ở đây, mà còn thuộc về toàn thể Tu hội. Tôi xin anh em tiếp tục nâng đỡ Tổng Tu Nghị bằng lời cầu nguyện, vì mỗi nghị viên, từ Phó Bề Trên Cả đến người anh em phụ trách hậu cần, ở đây như những người đại diện cho anh em. Tổng Tu Nghị là dấu chỉ chính yếu về sự hiệp nhất trong sự khác biệt của Tu hội. (HL. 146).
Chúng tôi đã cầu xin Thiên Chúa ban cho TTN29 này trở thành một kairos, một thời gian của ân sủng, trong đó sự say mê Chúa Kitô và người trẻ được canh tân cách mạnh mẽ.
Vì thế, hơn cả việc đọc các tài liệu cuối cùng, điều thiết yếu là mỗi người chọn ra một số khía cạnh quan trọng và sống những điều đó cách trọn vẹn trong kế hoạch đời sống cá nhân, kế hoạch cộng thể và Kế hoạch Giáo dục Mục vụ Salêdiêng. Nếu tất cả chúng ta làm được điều này, thì công việc của Tổng Tu Nghị đã có ý nghĩa thực sự.
Bản thân tôi rất xúc động bởi lời mời gọi của Cha Bề Trên Cả, trong lá thư triệu tập của ngài: chăm sóc ơn gọi của chính mình và của người khác (hạt nhân 1 của TTN29). Đây chẳng phải là cốt lõi của đoàn sủng của chúng ta sao? Là những người anh em chăm sóc lẫn nhau, là những người hướng dẫn cho người trẻ, là những chứng nhân đáng tin cậy của một tình yêu giáo dục và đồng hành. Có lẽ đây chính là chìa khóa cho một đời sống huynh đệ và mục vụ theo tinh thần người Samari nhân hậu hơn, mang tính ngôn sứ hơn, và nhập thể sâu xa hơn vào đời sống của con người. Vì thế, tôi mong ước rằng chúng ta có đủ can đảm để ước mơ, để xây dựng những cộng đoàn giáo dục và mục vụ sinh nhiều hoa trái và để trở thành một sự hiện diện sống động và có sức sáng tạo giữa người trẻ. Và như mọi khi, chúng ta phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ Phù Hộ, là Mẹ, Bà Giáo và Người Hướng Dẫn, chắc chắn Mẹ sẽ tiếp tục chỉ lối cho chúng ta.