Phỏng vấn Sư huynh Ambrose, đang làm việc tại Trung tâm Dạy nghề Don Bosco ở Myitkyia – Myanmar

1- Điều gì khiến Thầy cảm thấy vui thích và hạnh phúc?

+ Đó là được sống 24/24 giữa các em học sinh tại Trung tâm Dạy nghề nơi đây, đặc biệt khi thấy các em ra trường với giấy tốt nghiệp để tự tin vào đời. Cho dù cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi sống giữa các bạn trẻ ấy.

2- Đâu là mẫu gương Sư huynh Salêdiêng đối với Thầy?

+ Tôi rất ấn tượng nơi mẫu gương Chân phước Artemide Zatti. Tôi thán phục sự khiêm tốn của Ngài trong việc dấn thân phục vụ mọi người.

3- Điều gì giúp nâng đỡ ơn gọi nơi Thầy?

+ Đó là sống đời sống cộng thể và luôn hiện diện giữa người trẻ. Tôi cần phải dấn thân cách triệt để hơn nữa. Tôi đang cố gắng cứu vớt chúng, nhưng ngược lại, chính các bạn ấy cũng cứu tôi, cứu ơn gọi của tôi. Các bạn trẻ ấy giúp tôi thoát vượt các cám dỗ khi tôi chỉ muốn sống cho cá nhân mình mà không sống theo những cam kết của đời thánh hiến.

4- Thầy đã phân định ơn gọi Sư huynh Salêdiêng như thế nào?

+ Tôi cũng không biết tại sao tôi lại chọn ơn gọi Sư huynh, nhưng tôi cảm nhận có sự thôi thúc sâu xa tự bên trong tâm hồn. Chúa muốn tôi đi tu Salêdiêng Sư huynh để tôi phục vụ và gặt hái được nhiều hoa trái. Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành luôn là mẫu gương để tôi dõi theo. Tôi luôn đeo Thánh giá Salêdiêng trên người với hình Mục tử nhân lành để nhắc nhớ tôi điều này. Tôi cũng phải trở nên người chăn chiên nhân hậu giữa các em học sinh của tôi. Cuộc sống của các em rất bấp bênh và dễ tan vỡ. Nhiều em muốn đi khỏi đây để trở về lối sống cũ với biết bao cạm bẫy, như nghiện hút, trộm cắp. Nhiều em xuất thân từ những gia đình tan nát, không có ai dậy dỗ hay nâng đỡ. Các em đó đã quen với những việc làm xấu trước đây và sống không có tương lai.

5- Kinh nguyện mà Thầy thích nhất, là kinh gì?

+ Tôi vẫn hay đọc kinh Lạy Cha và 3 kinh Kính mừng mỗi ngày. Từ hồi còn nhỏ, gia đình tôi đã dạy tôi những kinh này. Một Giáo lý viên cũng dạy tôi những lời kinh đó.

6- Theo Thầy, làm cách nào để quảng bá ơn gọi Sư huynh tại Myanmar?

+ Tôi cũng không biết phải làm sao. Tại Myanmar người ta rất đề cao giáo sỹ (clericalism). Nếu người ta biết về 2 hình thái ơn gọi Salêdiêng, thì cũng rất ít người hỏi về ơn gọi Sư huynh. Họ chẳng hiểu gì về ơn gọi này cả. Tốt nhất, chúng ta quảng bá ơn gọi Sư huynh bằng những việc làm cụ thể, vì não trạng dân chúng ở đây chỉ quý trọng các linh mục mà thôi. Ngay cả nơi các hội viên SDB, nhiều anh em cũng chưa hiểu ơn gọi đó. Rất khó để cắt nghĩa cho họ.

Tuy nhiên, Cộng thể Á tỉnh Myanmar có bầu khí huynh đệ khá tốt, và chúng tôi cần phải tiếp tục phát huy. Các anh em Sư huynh ở đây cũng chưa có nhiều việc để làm. Ví dụ cụ thể, như ngay tại Trung tâm dạy nghề nơi đây cũng chưa có anh em nào có chuyên môn để tổ chức và điều hành trung tâm.

7- Hình như Thầy đã đi dự Đại hội Sư huynh miền EAO được tổ chức năm 2013 tại Hua Hin?

+ Đúng thế. Tôi đã gặp gỡ nhiều anh em Sư huynh và học hỏi nơi họ rất nhiều điều. Tôi đã trải qua 1 tuần lễ tại Hua Hin trong bầu khí huynh đệ rất chân tình. Tuy đến từ nhiều quốc gia khác biệt, nhưng chúng tôi sống với nhau như trong một gia đình.

8- Thầy có kỳ vọng gì từ Đại hội Sư huynh sắp tới tại Việt Nam?

+ Tôi hy vọng sẽ học hỏi được nhiều điều từ những Sư huynh của các tỉnh dòng khác, để đem về áp dụng tại Myanmar. Ví dụ, tôi cần học hỏi kinh nghiệm về việc điều hành một Trường Dạy nghề hay tổ chức một nguyện xá.

9- Khi làm việc tại Trung tâm Dạy nghề ở Myitkyina tại đây, Thầy học được điều gì từ các học viên trẻ?

+ Có rất nhiều điều tôi học từ nơi các em. Trước hết, các em rất đa dạng, mỗi đứa một tính nết. Tôi cần phải kiên nhẫn nhiều hơn. Có như thế, tôi mới có thể hiểu các em. Bây giờ, tôi đã tập sống nhẫn nại và kiên trì và sẵn sàng đón nhận các em vô điều kiện, cho dầu các em ấy như thế nào đi nữa, nhất là các em nội trú. Một vài em cũng có những mơ ước về tương lai, và các em đang tỏ ra cố gắng. Đa số các em quậy phá đều là những em Công giáo. Nói chung các em cũng chưa đến nỗi nào. Chính những em có vấn đề đặc biệt, lại là những em mà chúng tôi quý mến nhất.

10- Là Điều phối viên Sư huynh của Á tỉnh Myanmar, Thầy có ước muốn gì?

+ Tôi đề nghị phải cho mỗi Sư huynh có điều kiện đi chuyên hóa một lãnh vực nào đó, để khi ra làm việc anh em có những kỹ năng chuyên môn, phù hợp với công việc đảm nhận. Khi làm việc với chính phủ, trung tâm dạy nghề như ở đây cũng cần phải được tổ chức một cách bài bản chính quy theo hệ thống chung, chứ như hiện nay, trường dạy nghề của chúng tôi vẫn còn đang trong tình trạng ‘chui’, chưa được công nhận chính thức ngoài xã hội. Mỗi anh em Sư huynh cần được đào tạo chuyên môn một cách bài bản, từng bước một. Sau khi đã có bằng cấp chuyên môn, các anh em Sư huynh có thể đảm nhận nhiều trọng trách khác trong công việc mục vụ.

Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Visited 6 times, 1 visit(s) today