Phỏng vấn ông Sanya Boonprasert, Cựu học viên Don Bosco, người đã đi tiên phong trong việc khai phá công cuộc Salêdiêng tại Lào

Bài viết của ông Sanya Boonprasert, cựu học viên Don Bosco (CHVDB)

Viêng chăn, Lào 23/06/2020.

Ngày 24/06/2020 là ngày kỷ niệm 150 năm Hiệp hội CHVDB được thành lập. Xin giới thiệu với quý độc giả anh Sanya Boonprasert, 1 cựu học viên Don Bosco gốc Thái lan. Anh đã sang Lào và cùng với 5 anh em cựu học viên khác để thành lập cơ sở dạy nghề Salêdiêng đầu tiên tại đây. Ở Lào hiện có 1 cộng đoàn SDB đang làm việc tại 1 trường huấn nghệ ở thủ đô Viêng Chăn. Cộng đoàn Salêdiêng ở đây thuộc tỉnh dòng THA (gồm Thái lan, phụ tỉnh Cambodia và Lào). Sau đây là tóm tắt bài phỏng vấn ông Sanya.

“Tôi là Sanya Boonprasert, người Thái lan. Tôi sinh ra tại Rayong, miền tây Thái lan, trong 1 gia đình rất nghèo. Gia đình tôi có tất cả 7 anh chị em, tất cả đều theo Phật giáo. Tôi đã may mắn được thụ giáo dưới mái trường Salêdiêng. Tôi học tại 1 trung tâm huấn nghệ Don Bosco ở Bangkok trong 2 năm, sau đó tôi tiếp tục học đại học và tốt nghiệp với văn bằng cử nhân kỹ thuật. Tôi đã có thời gian làm giáo viên, giảng dạy về bộ môn kỹ thuật mà tôi đã được đào tạo. Tôi cũng đã từng là tu sinh Salêdiêng trong 1 năm và cũng đã từng hộ trực các em học sinh trong trường. Tính tổng cộng, tôi đã trải qua 12 năm sống với Don Bosco và chia sẻ công việc với các tu sỹ SDB. Tôi rất tâm đắc nền giáo dục Salêdiêng mà tôi đã từng được hấp thụ. Tôi vẫn chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày, đặc biệt cầu nguyện với Mẹ Maria.

Khi còn là một tu sinh tại cộng thể Nazareth, tôi đã hứa với Đức Mẹ là tôi sẽ đi theo Don Bosco cho đến suốt đời và quyết tâm làm những gì có thể làm được để phục vụ các thanh thiếu niên nghèo như Don Bosco hằng mong muốn.

Vào năm 2004, cha Tito Pedron, cựu Giám tỉnh của tỉnh dòng Thái lan, nói cho tôi biết rằng, các bề trên của tỉnh dòng Thái lan muốn mở một công cuộc Salêdiêng tại Lào và các Ngài ngỏ ý xin tôi tình nguyện đi tiên phong. Vào lúc bấy giờ, chính phủ Lào chưa cho phép các tu sỹ nhập cảnh vào Lào để làm việc. Tôi đã đồng ý. Tôi cùng với 5 em học sinh Lào, những em đã sang Thái lan để du học và đã tốt nghiệp tại trường kỹ thuật Don Bosco ở Bangkok.

Khi đặt chân đến Lào, chúng tôi bắt đầu khai phá và mày mò để mở những lớp huấn nghệ. Tôi tìm để thuê 1 căn nhà hầu có thể mở trung tâm dạy nghề nho nhỏ trong tương lai. Trung tâm đó có tên gọi là ‘Mitr Sampran’, chuyên dạy sửa chữa xe máy và điện công nghiệp. Vào năm sau, chúng tôi có được một học viên đầu tiên, tên là Thao Sansuk. Khu vườn phía sau nhà được chúng tôi dùng làm xưởng dạy nghề dã chiến chỉ với 1 bàn học và 1 túp lều tạm bợ để sinh hoạt. Vào những năm kế tiếp, con số học viên cứ tăng dần, đa số là do các sơ gửi đến. Các em sau khi tốt nghiệp được chúng tôi giữ lại để được tiếp tục đào tạo và huấn luyện, giúp các em trở thành giảng viên sau này.

Vào năm 2006, cơ sở dạy nghề của chúng tôi có 12 học viên. Năm sau, con số tăng lên 24 em, trong đó có 12 em ở lại nội trú. Chúng tôi mở rộng việc đào tạo, và cộng tác với các nữ tu để dạy nghề cho cả các em khuyết tật nữa. Đến năm 2008, cơ sở của chúng tôi đã có 48 học viên với đội ngũ giáo viên gồm 13 người. Trung tâm dạy về 3 ngành nghề chính: Điện, cơ khí và sửa chữa xe hơi. Chúng tôi mở rộng cơ sở dạy nghề và cùng hợp tác với chính phủ Lào. Chính phủ cũng hỗ trợ chúng tôi mỗi năm một số tiền học bổng, để trợ giúp các học viên nghèo.

Dần dần chúng tôi ký hợp đồng với một số công ty tại Viêng Chăn để đào tạo tay nghề cho các em và để bảo đảm sau khi tốt nghiệp, các em sẽ có việc làm ngay. Công việc ngày càng phát triển. Chúng tôi tiếp tục mua được khu đất rộng hơn 16.000 mét vuông để mở rộng thêm công cuộc.

Từ năm 2010 đến năm 2013, với đội ngũ hơn 25 giáo viên, mỗi năm chúng tôi đã đào tạo cho khoảng 120 học viên.

Đến năm 2014, các tu sỹ bắt đầu được phép vào Lào để làm việc. Hai tu sỹ SDB đã đến để hỗ trợ chúng tôi, trong đó có 1 Sư huynh đến từ Philippines. Cũng vào thời gian này, chúng tôi đã liên lạc với các sơ FMA ở Việt nam và các sơ cũng đã bắt đầu đến Lào để trợ giúp các bạn thanh thiếu niên nghèo khổ.

Cha Tito Pedro, người đã khai mào dự án tông đồ Salêdiêng tại Lào, đã luôn đồng hành, luôn nâng đỡ và chỉ dạy chúng tôi rất tận tình.

Trong 10 năm đầu tiên, từ năm 2004 đến năm 2014, chúng tôi phải bươn chải và vươn lên từ con số không. Tôi bắt đầu đến Lào chỉ với 1 balô hành lý nho nhỏ, cùng với 5 em học sinh cũ của tôi, gốc Lào. Trong tay hoàn toàn chưa có gì. Nhưng, Đức Mẹ đã trợ giúp chúng tôi để công cuộc Salêdiêng ở đây ngày càng phát triển tốt đẹp.

Mỗi lần gặp khó khăn, tôi vẫn hướng lòng lên Đức Trinh Nữ Maria để xin Mẹ nâng đỡ. Sự thành công cho đến hôm nay là một điều hết sức kỳ diệu, tất cả nhờ ơn Chúa nà sự trợ giúp của Mẹ Maria.

Các tu sỹ SDB đã bắt đầu hiện diện tại Viêng Chăn từ 6 năm nay, và tỉnh dòng Thái lan cũng đã mở một trường dạy nghề ở Viêng Chăn.

Còn riêng cá nhân tôi, tôi tiếp tục phát triển công ty riêng của tôi, công ty Boonsomjai Co,. Ltd. Nhưng nếu tỉnh dòng muốn tôi điều hành một trường dạy nghề, tôi luôn sẵn lòng cộng tác vì tôi luôn ý thức mình là cựu học viên Don Bosco, một người đã từng được thụ giáo trong nền giáo dục Salêdiêng. Don Bosco luôn dạy chúng tôi phải có lòng biết ơn, và đây chính là gia sản quý báu mà mỗi anh em CHVDB chúng tôi cần phải phát huy.

GB Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Visited 129 times, 1 visit(s) today