(Lagos, Nigeria 18/11/2018) – Vào năm 2012, trong đợt xuất phát Truyền giáo Salêdiêng lần thứ 143, Tỉnh dòng Việt Nam đã gửi 17 anh em hội viên đi truyền giáo Ad Gentes, trong đó có cha Tôma Trần Quốc Huấn. Hiện nay, ngài đang làm việc ở Nigeria, thuộc Tỉnh dòng Tây Phi. Tỉnh dòng Tây Phi (AFW) bao gồm các cộng thể ở các quốc gia: Ghana; Nigeria; Sierra Leone; Liberia và Gambia. Sau đây là bài phỏng vấn cha Tôma Trần Quốc Huấn, một hội viên SDB Việt Nam đã trải qua kinh nghiệm 6 năm truyền giáo tại Châu Phi.
1- Sau 6 năm dấn thân làm việc truyền giáo, xin cha chia sẻ một vài cảm nghiệm
+ Nhóm 17 anh em SDB Việt Nam chúng tôi được gửi đi làm việc truyền giáo Ad Gentes tính đến nay đã được 6 năm. Trong những năm qua, nhiều anh em trong nhóm chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau. Từng 2 người một, chúng tôi được sai đến làm việc tại mỗi quốc gia, nhưng không phải ở chung trong một cộng thể. Vì khoảng cách địa lý khá xa, nên chúng tôi khó có thể gặp lại nhau. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên kết trong cùng một sứ mệnh và hiệp thông với nhau trong kinh nguyện hằng ngày.
Khi mới đặt chân đến vùng đất mới, người ta nhìn chúng tôi như những người xa lạ, giống như những người từ hành tinh khác đến. Nhưng dần dần, tôi đã cố gắng hội nhập văn hóa, và coi đất nước này như là quê hương thứ hai của mình. Lúc đầu, người ta cứ trố mắt nhìn tôi vì thấy tôi lạ lẫm, đặc biệt là các bạn trẻ. Bây giờ khá hơn rất nhiều. Tôi cố gắng tiếp xúc và làm quen với các bạn trẻ để giúp các bạn trở nên những công dân lương thiện và tốt lành.
2- Ơn gọi Truyền giáo đến với cha như thế nào?
+ Đúng, sống cuộc sống truyền giáo đích thực là một ơn gọi khởi phát từ Thiên Chúa. Chúa gọi mỗi người mỗi khác. Cách thức chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa cũng rất khác nhau, chẳng ai giống ai. Tôi nhớ lại rất chính xác rằng, khi tôi là tập sinh ở Tập viện Ba thôn, Cha Phanxicô Nguyễn Đức Nhật lúc bấy giờ đang chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục. Ngài đã chia sẻ với các tập sinh về ước muốn đi truyền giáo ở Nam Sudan, một đất nước rất nghèo đói ở Phi Châu. Tôi thật sự xúc động và tự nhủ rằng, tôi cũng sẽ xin đi truyền giáo Ad Gentes giống như thế. Nhưng trước mắt là tôi còn phải học một vài năm nữa. Hiện nay, cha Phanxicô Nguyễn Đức Nhật đang làm việc truyền giáo ở Nam Sudan, thuộc Tỉnh dòng Tây Phi. Tôi ý thức rằng muốn đi truyền giáo phải tập sống hòa đồng với mọi người, với những người khác tính khí, khác ngôn ngữ, khác nền văn hóa… Vì vậy, tôi cố gắng tập sống chan hòa với mọi anh em trong cộng thể để chuẩn bị cho cuộc hành trình truyền giáo tương lai.
3- Cha bắt đầu cuộc sống truyền giáo tại Nigeria như thế nào?
+ Có muôn vàn khó khăn, khó khăn về khí hậu, về đồ ăn thức uống, về văn hóa… Nếu không biết thích ứng, chúng ta không thể đi truyền giáo được. Trước khi đến Nigeria, tôi đã hỏi han một số người cũng như tham cứu qua sách vở để bớt ngỡ ngàng khi đặt chân đến vùng đất mới. Cám ơn Chúa, vần đề đồ ăn thức uống không quá khó khăn để thích nghi, cho dù có lần tôi đã phải nhập viện. Nhưng thách đố khác quan trọng hơn, đó chính là đời sống cộng thể. Tôi phải thích nghi để sống và làm việc chung với các anh em hội viên khác. Tính khí của họ nhiều khi rất khác thường. Văn hóa của từng người cũng khác nhau rất lớn. Đôi lúc họ cười hô hố trước mặt tôi khi thấy tôi không giống họ. Tuy nhiên, đó cũng là những cơ hội để tôi chia sẻ với các anh em trong cộng thể và học hỏi nơi họ nhiều điều quý giá. Tôi đã học cách sống khiêm tốn để khi làm việc chung với các hội viên khác, tôi có thể chia sẻ và tiếp nhận những kinh nghiệm từ nơi họ. Nhiều anh em đi truyền giáo đã thất bại ngay từ lúc ban đầu vì không biết khiêm tốn học hỏi và chia sẻ với nhau.
Tôi nhớ có lần, tôi và một anh bạn tham dự khóa học tiếng Anh trong 3 tháng. Có một anh em linh mục trong cộng thể đã nói với tôi: “Ở đây, cộng thể và tỉnh dòng đã có nhiều hội viên bản địa rồi. Chúng tôi không cần đến các anh.” Câu nói làm tôi rất sốc và buồn tủi. Tôi liền viết thư cho Cha Giám tỉnh và kể lại sự việc. Ngài lập tức trả lời và trấn an tôi. Ngài viết: “Người ta không thích con, không muốn con ở đây, con đừng phản kháng hay chống đối họ. Con cũng đừng buồn làm gì, nhưng hãy cố gắng cư xử tốt đối với mọi người. Có như vậy, các anh em khác trong cộng thể sẽ quý mến con”. Về đồ ăn thức uống thì không mấy quan trọng. Tôi đã khá quen thuộc. Có vài anh em hội viên người bản địa Nigeria từng nói với tôi : “Anh muốn sống và làm việc ở đây, anh phải tập ăn những gì chúng tôi ăn”.
4- Cha đã học được những gì từ các anh em SDB Phi Châu cũng như từ các bạn trẻ nơi đây?
+ Mỗi vị truyền giáo cần phải học hỏi không ngừng để công việc truyền giáo mang lại hiệu quả. Tôi cũng thế. Tôi phải học hỏi để tìm hiểu xem giới trẻ ở đây sống ra sao, có những nét đặc thù nào và có những nhu cầu gì. Tôi đã từng làm việc ở cả 2 miền, miền đông cũng như miền tây Châu Phi. Người dân ở phía đông khá trầm tính, còn người dân ở phía tây thì ngược lại, họ rất năng động và hiếu chiến. Tuy nhiên, dân chúng Châu Phi nói chung khá thân thiện và tốt lành. Một điểm son nơi đây, là dân chúng rất hiếu khách. Đi đến đâu tôi cũng được mọi người đón tiếp niềm nở và ân cần, từ dân làng đến các hội viên trong cộng thể.
Người dân Phi Châu quá nghèo khổ. Họ phải vật lộn và bươn chải để sinh tồn. Cuộc sống của họ rất thiếu thốn, thiếu cả những phương tiên tối thiểu để đáp ứng những nhu cầu căn bản hằng ngày. Vì thế khi có cơ hội, họ cố gắng tranh đấu để dành quyền lợi về cho mình. Nếu cần đánh nhau, họ không ngại gian khổ. Ra sân đá banh với bọn trẻ, chúng ta dể nhận ra điều này. Chúng không ngại va chạm để dành lấy chiến thắng. Trong các cuộc họp, họ sẵn sàng bốp chát nảy lửa như những người ‘điếc không sợ súng’ để tranh đấu đến cùng.
5- Cha có lời khuyên nào cho các anh em SDB trẻ đang phân định về ơn gọi truyền giáo Salêdiêng hay không?
+ Tôi không dám đưa ra lời khuyên nhưng chỉ xin chia sẻ một vài điều. Trước hết, nếu bạn được sai đến Phi Châu để làm việc truyền giáo, bạn đừng để mình bị sốc quá. Bạn hãy can đảm dấn thân bước tới nhưng phải có 1 đầu óc biết rộng mở. Thứ đến, bạn phải biết tự lo cho chính mình và cũng để tâm giúp đỡ các anh em khác. Khi chúng ta biết cách giúp người khác, thái độ khiêm tốn phục vụ của chúng ta sẽ làm tan chảy những tảng băng lạnh lùng và chai đá nơi trái tim của họ, dần dần biến đổi họ trở nên những người bạn thân thiết với chúng ta. Điểm thứ ba, trong các cuộc họp cộng thể, bạn cứ đưa ra những ý kiến đóng góp một cách thẳng thắn nhưng phải nhẹ nhàng và khiêm tốn để xây dựng cộng thể. Tâm lý chung của người Á đông chúng ta là không dám nói thẳng nói thật, nhưng cứ nói vòng vo bên ngoài. Điều này khá nguy hiểm, dễ dẫn đến tình trạng bùng nổ và đổ vỡ tan tành. Chúng ta ưa nói sau lưng, thích xầm xì hay chỉ trích nhưng lại cứ dấu mặt. Điều này không tốt chút nào. Đó không phải là cách thức để xây dựng cộng thể.
Điều sau cùng xin chia sẻ với anh em, là đừng bao giờ sao lãng việc cầu nguyện. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong cuộc sống truyền giáo. Khi vui cũng như lúc buồn, chúng ta hãy chạy đến với Chúa. Khi không có ai hiểu và có thể chia sẻ với chúng ta, thì vẫn còn có Chúa. Ngài luôn đồng hành và không bỏ quên chúng ta bao giờ.
Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ