(Poipet, Cambodia – 04.06.2019) – Cha Kai là một linh mục triều người Thái lan, năm nay 61 tuổi. Ngài đã tình nguyện đi truyền giáo tại Cambodia theo chương trình ‘Fidei Donum’ (chia sẻ nhân sự giữa các giáo phận). Hiện nay, Cha Kai đang sống trong 1 cộng đoàn Salêdiêng cùng với cha John Visser, SDB (người Hoà lan) và cha John Boknam (người Hàn quốc). Ngài được trao trách nhiệm làm quản lý cộng đoàn. Phụ tỉnh Cambodia chỉ có 2 trung tâm Cộng tác viên Salêdiêng, một ở Phnom Penh và một ở Poi Pet. Cha Kai đã gia nhập Cộng tác viên Salêdiêng từ năm 2010. Sau đây là cuộc phỏng vấn Ngài.
1- Thưa cha, cuộc hành trình của cha đến với ơn gọi Cộng tác viên Salê diêng diễn ra như thế nào?
+ Vào năm 2007, tôi bắt đầu đến Cambodia để làm việc truyền giáo theo lời mời gọi của Đức Giám mục giáo phận ở Thái lan. Nơi tôi đến làm việc là trường Kỹ thuật Don Bosco tại Phnom Penh. Tôi đã cộng tác chặt chẽ với các tu sỹ Salêdiêng trong sứ mệnh giáo dục các người trẻ. Sau 2 năm, tôi đã rất quen thuộc với tinh thần và đoàn sủng Salêdiêng, luôn sống gắn kết và yêu thương giới trẻ. Tôi đã tìm hiểu ơn gọi Cộng tác viên Salêdiêng qua sự giới thiệu của cha Leonardo Ochoa SDB, một linh mục Salêdiêng truyền giáo người Philippines. Lúc đó, Ngài làm Giám đốc cộng đoàn và cũng là người điều hành trường Kỹ thuật tại đây. Tôi ghi danh để chính thức gia nhập Cộng tác viên Salêdiêng vào ngày 02/12/2010.
2- Điều gì khiến cha cảm thấy hạnh phúc khi trở thành 1 Cộng tác viên Salêdiêng ở Poi Pet?
+ Điều đầu tiên, đó là tôi hãnh diện vì mình đã trở nên 1 thành viên chính thức trong Gia đình Salêdiêng. Thứ đến, tôi rất vui vì được làm việc cùng với các anh em SDB giữa các bạn trẻ, đồng thời tôi cũng được chia sẻ đoàn sủng Salêdiêng với các anh chị em tình nguyện viên thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau, cũng đang làm việc tại Cambodia. Cuối cùng, vì Poi Pot nằm sát biên giới giữa Thái lan và Cambodia, nơi mà các tu sỹ Salêdiêng cả nam lẫn nữ đang làm việc rất phong phú tại nhiều công cuộc, nên tôi cũng có dịp thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với họ.
3- Đâu là thách đố lớn nhất cho Hiệp hội Cộng tác viên Sa lê diêng tại Cambodia?
+ Tại Cambodia, có rất nhiều các bạn trẻ nghèo khổ cần đến những con cái của Don Bosco. Các Cộng tác viên chúng tôi được mời gọi để dấn thân phục vụ các bạn, đồng hành với họ, đặc biệt trong đời sống đức tin. Mặc dầu con số Cộng tác viên của chúng tôi đã lên tới 28 người, nhưng vẫn còn quá ít. Việc mời gọi họ dấn thân và hy sinh nhiều hơn cũng không phải là chuyện dễ dàng. Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng chúng tôi tại đây cần có thêm những vị đào luyện để giúp Hiệp hội thăng tiến về số lượng cũng như về chất lượng.
4- Các anh chị em Cộng tác viên ở đây có những mơ ước gì?
Chúng tôi chỉ mơ ước làm sao Hiệp hội càng ngày càng trở nên vững mạnh, có những vị đào luyện chững chạc để chúng tôi ít bị lệ thuộc hơn vào những Uỷ viên SDB hoặc Uỷ viên FMA. Chúng tôi cũng mong ước Hiệp hội ngày càng có thêm nhiều thành viên trẻ trung để đoàn sủng Salêdiêng ngày càng được nhiều người biết đến.
Ghi chú : Tại một số nơi như ở Đài loan, không chỉ có linh mục nhưng ngay cả Giám mục cũng gia nhập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng.
Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ