Người già tựa như chiếc rương khôn ngoan của kinh nghiệm: Khi một người già mất đi, nhận loại mất đi một thư viện. Món quà đầu tiên và quý giá nhất mà người cao niên cống hiến cho một gia đình đó chính là việc chuyển trao. Không chỉ là chuyển trao lại vật chất, cơ sở nhưng còn là những thứ làm cho đời sống trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi rất cảm động khi đến trường mẫu giáo, thấy không ít các trẻ được các bà, hay ông đưa đi học thay vì cha mẹ. Điều lạ là các trẻ dù không được cha mẹ mình đưa đi, nhưng các em vẫn rất hạnh phúc trong vòng tay của ông/ bà của mình. Không ít gia đình trong đó, ông bà đã mặc nhiên trở thành cô – thành thày, rất duyên dáng trong việc giáo dục con cháu.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều có cùng một cảm nghĩ như những đứa trẻ. Trong thời gian này, mạng xã hội đang râm ran chuyện “Cha nuôi con thành tài – Nữ giáo viên đuổi cha ra đường”. Hoá ra, cuộc sống còn có nhiều góc khuất, mà nếu không có sự tỉnh táo trong giáo dục, có thể ta sẽ còn khám phá ra nhiều bóng tối đáng sợ hãi.
Chuyện kể dân gian
Có một người cha nọ đã già và rất già. Ông vất vả khi đi lại, mắt cũng mờ. Ông không nghe rõ, ăn uống khó khăn, làm bầy hầy cả tấm khăn ăn. Những điều này cứ lặp đi lặp lại khiến cho cậu con trai lẫn con dâu rất phiền muộn, họ tìm cách đuổi ông ra khỏi bàn ăn, và chuẩn bị một chiếc ghế ăn sau bếp riêng cho ông.
Hình Ảnh: Hùng Lân
Ngày nọ, trong lúc con dâu – con trai đem cháo cho ông, ông lão lóng ngóng đưa tay ra đón, chẳng may làm tô cháo rớt xuống đất, bể thành trăm mảnh. Bực mình, cô con dâu nói rằng từ nay sẽ cho ông ăn với tô làm bằng vỏ dừa, để khỏi gây phiền phức. Ông lão buồn tủi, cúi đầu, nước mắt vòng quanh.
Hình Ảnh: Hùng Lân
Quay qua, cô con dâu ngạc nhiên nhìn thấy đứa con nhỏ đang cần mẫn nhặt từng mảnh vỡ của cái tô sứ và tỉ mỉ ghép từng rất nhỏ lại thành một cái chén hầu như hoàn hảo. Cô nói: “Michel, con làm gì thế?”. Đứa trẻ ngây thơ ngước mắt nói: “Con muốn cất dành chiếc chén này, để khi mẹ và ba già nua tuổi tác, sẽ dùng nó để ăn cháo ạ”. Cô con dâu và con trai ông lão giật mình nhìn con trẻ, nước mắt tuôn rơi lã chã.
Có lẽ chúng ta đã rất quen câu chuyện này, đến nỗi chỉ cần nghe nhắc đến là đã biết kết luận, mà bởi vì quá quen nên chúng ta chẳng nghĩ gì thêm nữa cho dù câu chuyện rất sâu sắc.
Câu chuyện của cuộc sống người cao tuổi
Ai cũng có thời sinh ra, rồi lớn lên, rồi già nua… và rồi vĩnh biệt cuộc sống. Nói cách máy móc thì những chặng đời sống quả là như thế, nhưng trải qua những chặng ấy có nhẹ như khi nói không?
Cho dù ở giai đoạn nào thì cũng không hề dễ. Đứa trẻ sinh ra đã phải cố gắng khóc lên để chứng tỏ mình tồn tại, rồi tập lật, tập bò, tập ngồi, tập đứng, tập đi… Dường như từng ngày sống của con người đều phải cố gắng, nhưng có lẽ giữa các giai đoạn thì tuổi già là vất vả nhất. Dường như việc sống “cái già nua” không hề dễ vì đây là một lộ trình quanh co và hỗn loạn chứa đầy cạm bẫy, sự mơ hồ và mâu thuẫn, buồn sầu và thanh thản, cay đắng và vui tươi, vừa chắc chắn lẫn lo sợ, năng động và thụ động, vừa gập trên chính mình vừa mở ra cho người khác. Để tiếp tục cảm thấy mình còn có ích, thấy mình “còn là người”, các vị cao niên cần có ai đó kết nối họ với xã hội, với gia đình.
Trong xã hội đánh giá sự hiệu quả, năng suất, nhanh lẹ, thì không ít lần người ta liệt những người già, người yếu thế, người nghèo vào hạng những người vô tích sự, hay ăn bám. Nhưng thay vì gạt ra họ ra ngoài lề xã hội, hãy chuyển hoá sự “vô tích sự” của họ thành món quà đắt giá. Ít nhất, họ có thể phục vụ như một “bảo mẫu” miễn phí.
Có một bài viết tả về bà nội như sau: “Bà là một phụ nữ không có con trẻ của riêng mình, bà yêu mến con cái của người khác. Còn ông thì cũng giống như một bà. Bà thường đưa cháu đi dạo và nói với chúng về trái na, trái anh đào, và các câu chuyện đại loại như thế.
Ông bà không có nhiều việc để làm và cũng không luôn có mặt. Do bởi già cả nên họ không thể làm những việc mệt nhọc, và họ cũng chẳng chạy được. Ông bà không cần thông minh, có lẽ họ chỉ cần trả lời câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa không kết hôn?” và “Tại sao con chó lại không bao giờ làm hoà với con gà?”.
Khi còn trẻ, các ông/bà không phải là những ông bố bà mẹ thành công và có lẽ họ cũng đã làm nhiều điều sai lỗi. Giờ đây, trong cơ hội làm cha mẹ lần thứ hai, họ biết phải làm gì và còn là đóng vai trò cha mẹ giỏi hơn các ông bố bà mẹ trẻ trong vai trò nhà giáo dục.
Sống tuổi già là khó, sống với người già càng khó hơn
Những người cao niên rất mong manh. Trên hết, họ cần sự kiên nhẫn và bao dung, là hai nhân đức mà người hôm nay không biết đến.
Nền văn hoá vội vã của thời hiện đại, những tiến bộ vượt bậc của khoa học đã một cách tự nhiên đẩy người già vào thế giới cổ xưa, không chút gì hợp thời. Những kỷ niệm thời xưa trong trí óc và trên môi miệng của các cụ trở nên nỗi phiền toái cho đàn cháu. Người trẻ thích lướt điện thoại, thích những câu chuyện trên mạng xã hội hơn.
Ngay cả với những người già đã đón nhận tuổi tác cách thoải mái thì họ vẫn cần đến sự dịu dàng của những người thân. Cách thức không lắng nghe hoặc coi thường sự hiện diện của người cao niên chẳng khác gì một lát dao cắt họ ra khỏi đời sống gia đình, một sự loại trừ làm lòng họ tê tái.
Một sự thật ai nấy đều phải công nhận rằng người già tựa như chiếc rương khôn ngoan của kinh nghiệm: Khi một người già mất đi, nhận loại mất đi một thư viện. Món quà đầu tiên và quý giá nhất mà người cao niên cống hiến cho một gia đình đó chính là việc chuyển trao. Không chỉ là chuyển trao lại vật chất, cơ sở nhưng còn là những thứ làm cho đời sống trở nên tốt đẹp hơn.
Phần đa các ông bà là những nhân vật đã trải qua thời gian sống dài lâu và có những kinh nghiệm phong phú, tất cả được lắng đọng lại vào buổi hoàng hôn của tuổi tác, khi mà con tim trở nên tinh tường và đầy cảnh giác với những hư danh, phù vân. Nơi người cao tuổi, mọi sự được lưu cữu, tạo nên một kho báu.
Những câu chuyện của ông bà không chỉ là những kỷ niệm của quá khứ, nhưng còn là bí mật, một phong cách sống, một phong tục, nguồn hứng khởi và niềm hy vọng. Ngoài ra, các ông bà còn chuyển trao cho các cháu những câu chuyện cuộc sống phức tạp và ngoạn mục, tựa như câu chuyện gia đình nhiều thăng trầm pha lẫn lãng mạn. Qua những câu chuyện này, ông bà có thể hình thành nơi con cháu những tình cảm gia đình gắn bó và thân thiện. Lời kể của ông bà như một cuộc khai quật giúp con cháu biết được cha mẹ chúng đã sống thời trẻ thế nào, tính tình và lối ứng xử ra sao; họ đến trường và trải qua tuổi học trò sôi động, đã đi dạo trên rừng sâu, cắm trại trên đồng cỏ, tắm sông tắm suối cùng bạn bè… Tất cả như những thước phim ghi lại tình cảm gia đình, khiến các trẻ thấy ba mẹ thật gần, thật thân thương.
Trong một xã hội vội vã, hay thay đổi như ngày hôm nay, sự hiện diện chậm rãi và thanh thản của các ông bà trở nên như điểm neo vững chắc, thậm chí như nơi dừng chân cho con cháu, để người trẻ có những phút thư giãn, sống thật.
Các bậc làm cha mẹ cũng cần lưu ý rằng trẻ em chỉ học những gì chúng được sống. Nhận thức được điều này, chúng ta hãy có sự trân trọng, quan tâm đối với các bậc tiền bối. Là thế hệ đầu tiên, nhiệm vụ của chúng ta là dạy cho con trẻ về văn hoá của người già, và giúp các em sống một tuổi thơ an bình trong sự bảo vệ khôn ngoan của các vị cao niên tuổi tác.
Tác giả: Nhật Tâm