Nhóm Sinh viên Công Giáo Phát Diệm do anh em Don Bosco Quảng Nạp đồng hành, bước vào hai ngày tĩnh tâm Mùa Chay

Tháng Ba, tháng kính Thánh Giuse, cũng là Tháng mà Giáo Hội chuẩn bị cho người Kitô hữu mừng đại lễ vượt qua với những ngày của Mùa Chay Thánh. Trong tâm tình đó, vào trung tuần tháng Ba, gần 100 bạn trẻ của gia đình SVCG Phát Diệm dưới sự chăm sóc của anh em SDB Quảng Nạp, đã quy tụ về Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn – Giáo phận Phát Diệm, để chuẩn bị tâm hồn qua những ngày tĩnh tâm, dưới sự linh hướng của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, cha Đặc trách Gioan Baotixita Dương Hoài Đức và sự giúp đỡ tận tình của quý Thầy tại Đan viện với chủ đề: “Tìm về bên Chúa”, như là cách thức để lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Bí tích Hòa giải, cùng với ý thức Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối, là thời gian trở về để nhìn lại chính mình với biết bao lỗi lầm thiếu sót với Chúa và tha nhân.

Đúng 14 giờ chiều, các tham dự viên đã có mặt đông đủ và tiến vào chào Đức Tổng Giám mục Giuse và được lắng nghe lời chia sẻ của Ngài.

Trước tiên, Ngài đưa mọi người trở lại khung cảnh vườn địa đàng xưa, kể lại quá trình con người sa ngã, từ đó phân tích những tội ác đang diễn ra trong đời sống của chúng ta ngày nay. Theo đó, con người ngày nay đang tự giết chết mình bằng cách phá hoại môi trường (phá rừng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, xả chất thải độc hại ra môi trường,…), giết hại đồng loại (phá thai, giết người, bóc lột sức lao động của người khác, buôn bán người,…). Kéo theo đó là những giá trị đạo đức luân lí bị gạt bỏ: gạt bỏ Thiên Chúa, không tuân phục Người, đề cao hiệu quả thành đạt,… Vô hình chung, những điều này đang làm đảo lộn trật tự hài hòa mà thuở ban đầu Chúa đã ban cho.

Chính vì thế, Đức Tổng Giám mục đưa ra lời mời gọi mọi người sống tâm tình mùa Chay thánh: Ăn chay hãm mình, Cầu nguyện và Làm việc bác ái.

  1. Ăn chay hãm mình

Ăn chay là một hình thức biểu hiện sự sám hối. Ăn chay không phải cho qua lần, chiếu lệ, nhịn ăn một hai bữa cơm. Ăn chay có mục đích nhắc nhở các tín hữu có trách nhiệm hơn, tái lập sự quân bình bằng cách kìm hãm dục vọng, hạn chế ham muốn, bớt phí phạm. Cụ thể là biết tiết kiệm và bớt tiêu dùng.

  1. Cầu nguyện

Tiên tri Giô-en từng kêu gọi dân chúng: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Việc ăn chay đề cao thái độ sống của con người. Cụ thể là bằng đời sống cầu nguyện. Theo lời Đức Tổng, cầu nguyện không phải để xin ơn mà là để nâng tâm hồn lên, để nhớ tới Chúa, thấy sự hiện diện của Chúa và từ đó cảm thấy cần Chúa trong đời sống hàng ngày.

  1. Làm việc bác ái

Để ăn chay trong tinh thần và thực sự hướng về tha nhân, Giáo hội mời gọi chúng ta biến việc ăn chay trở thành những hành động bác ái cụ thể. Bên cạnh đó cũng phải tiết chế chính bản thân bằng cách tránh tham lam, ích kỉ, nghĩ cho tha nhân nhiều hơn. Để từ đó xây dựng xã hội của tình thương, nâng cao phẩm giá của con người, đặc biệt là những người nghèo.

Ba việc làm trên đã trở nên như trụ cột căn bản của Mùa Chay, giúp chúng ta “tái khám phá niềm vui trong công trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta” (trích sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phanxicô).

Ngay sau giờ chia sẻ của Đức Tổng, mọi người đã có những phút giây thinh lặng trong nhà nguyện để trò chuyện tâm tình với Chúa đồng thời dọn mình đón nhận Bí tích Hòa Giải, chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa.

Điểm nhấn cuối ngày là giờ chầu Thánh Thể lúc 20 giờ. Có lẽ đây là giây phút lắng đọng nhất, tâm tình nhất. Quỳ trước tôn nhan Chúa, trước Thánh Thể hằng mến yêu, dâng lên Chúa những vui buồn sướng khổ trong cuộc sống thường nhật, và xin ơn Người đồng hành, giúp sức.

Kết thúc ngày tĩnh tâm thứ nhất, mọi người trở về phòng trong thinh lặng và có một giấc ngủ bình an trong Chúa.

Đúng 6 giờ 30 sáng ngày hôm sau, các tham dự viên đã có mặt tại nhà nguyện để đọc kinh dâng ngày, xin Chúa thánh hóa mọi sự.

Sau bữa sáng, mọi người tiến về hội trường để tiếp tục giờ hội thảo về các vấn đề hiện hữu ngay trong gia đình Sinh viên Công giáo Phát Diệm. Trước đó cha Đặc trách đã đưa ra 3 câu hỏi để mọi người tự nhìn nhận: Tôi là ai trong cuộc đời này? Bạn hiểu SVCG là gì? Bạn muốn đóng góp gì cho gia đình SVCG Phát Diệm?

 

Các nhóm thảo luận khá sôi nổi và đưa ra rất nhiều các ý kiến khác nhau. Và cuối cùng, cha Gioan Baotixita đã tổng kết lại như sau:

– Mỗi người phải tự ý thức được mình là thụ tạo mà Thiên Chúa tạo thành, là hình ảnh của Thiên Chúa.

– SVCG Phát Diệm gắn liền với hai chữ “Tri thức – Đức tin”. Đến với nhóm không phải chỉ vì những cuộc chơi, cuộc vui không hồi kết, mà còn để nâng đỡ nhau trong đời sống tinh thần, đời sống Đức Tin.

– Mỗi cá nhân là một thành viên trong gia đình SVCG Phát Diệm. Hai chữ “gia đình” là để nói về mối dây liên kết mật thiết giữa chúng ta: yêu thương. Dù vui hay buồn, thất bại hay thành công, đó vẫn là mái nhà để chúng ta có thể trở về bất cứ lúc nào, là nơi nâng bước và tiếp thêm sức mạnh nhờ tình thương với anh chị em trong gia đình.

Giờ thảo luận đã giúp các tham dự viên nói chung và các thành viên trong gia đình SVCG Phát Diệm nhìn lại bản thân để nhận thấy rõ vị trí và trách nhiệm của mình đối với nhóm.

Tiếp đó, dưới sự hướng dẫn của các Thầy tại Đan viện, mọi người được học hỏi giáo lý ngay tại vườn Fatima. Vườn Fatima là toàn bộ tâm huyết của Đức Tổng Giuse, nó như một cuốn  sổ ghi chép tóm tắt toàn bộ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa và sứ điệp Fatima (ăn năn sám hối, tôn sùng mẫu tâm, năng lần hạt mân côi) – khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta. Mỗi một sự vật trong khu vườn đều mang một ý nghĩa riêng về lòng thương xót của Chúa Cha và kí thác tâm tình dâng con người và đất nước Việt Nam nơi trái tim Vô Nhiễm của mẹ. Nhờ đó, mỗi người được dịp củng cố và bổ sung thêm kiến thức về Đức tin và đi sâu vào tâm tình con thảo trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Lúc 10 giờ, Thánh lễ trên núi do Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự và cha Đặc trách Gioan Baotixita Dương Hoài Đức đồng tế diễn ra trang nghiêm, sốt sắng. Trong bài chia sẻ của mình, Đức Tổng lại một lần nữa nhắc nhở mọi người về sự sám hối trong Mùa Chay Thánh này. Sám hối để nhìn lại bản thân tội lỗi của mình, để biến đổi mình trở nên “một thụ tạo mới”, sống theo tinh thần thánh Phanxicô: “sống chan hòa với tha nhân”.

 

Kết thúc Thánh lễ, mọi người chụp ảnh lưu niệm với Đức Tổng Giuse ngay tại gian cung thánh trên núi.

Bữa cơm trưa diễn ra trong không khí vui tươi, ấm áp.

Hai ngày tại đan viện đã thực sự để lại trong lòng các tham dự viên nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đức Tổng Giuse, các Thầy tại đan viện đã tạo điều kiện để chúng con có không gian tĩnh tâm và chuẩn bị cho chúng con những bữa cơm rất chu đáo.

Hai ngày không Internet, tránh xa ồn ào, xô bồ của cuộc sống thường nhật, được sống trong môi trường “tĩnh tâm”, dường như cuộc sống của chúng ta cũng chậm lại một nhịp. Chậm để nghe tiếng Chúa, để thưa cùng Chúa, để bước đi cùng Người. Rồi ngày mai, quay trở lại với cuộc sống hối hả, vẫn nhắc nhở bản thân nhớ và thực hiện những gì đã học hỏi được qua hai ngày tĩnh tâm ngắn vừa qua.

Lạy Chúa:

“Xin tái tạo trong con
Một tâm hồn trong trắng
Để cuộc đời thanh thản
Chuyên mến Chúa, yêu người
Con nhận biết mình rồi
Bụi tro và nước mắt
Xin ca vang khúc hát
Ăn năn khối tội đời”  (Chay Khúc)

SVCG Phát Diệm

Visited 29 times, 1 visit(s) today