Mùa hè năm 1974, tôi được cử tham gia hội đồng thi Cần Thơ. Sau mỗi ngày làm việc, buổi chiều, anh em rủ nhau ra bến Ninh Kiều vừa ngồi uống bia, vừa ngắm dòng nước Cửu Long rộng mênh mông và kể cho nhau nghe những kỷ niệm trong cuộc đời đi dạy của mình. Trong hội đồng thi này tôi có người bạn khá thân là anh Nguyễn văn Bá, giáo sư của một trường Trung học tại Sài Gòn.
Anh Bá ra trường Sư phạm năm 1963 và được bổ về dạy tại trường Trung học ở huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, một vùng quê nghèo nàn. Học sinh ở đây hiền lành, chất phác, hiếu học nhưng không ít em phải bỏ học nửa chừng để lo kiếm sống với gia đình.
Năm mới về trường, anh Bá được phân công chủ nhiệm một lớp mười. Trong lớp, anh chú ý đến Nam, một em có diện mạo thông minh, Nam lễ phép và chăm chỉ. Anh hi vọng đứa học sinh này sẽ học hành đến nơi đến chốn để trở thành người trí thức, một thành phần tương đối hiếm có ở quê hương em. Không ngờ, mới sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ một), em vắng mặt liên tiếp ba ngày. Phòng giám thị cho anh hay rằng em Nam nghỉ không xin phép; phòng có gởi thư về nhà nhưng không được phụ huynh trả lời, nên nhà trường dự định ba ngày nữa sẽ xóa tên em trong sổ với lý do tự ý bỏ học.
Nghe văn phòng thông báo như thế, anh vội vàng yêu cầu nhà trường khoan xóa tên em và xin cho biết địa chỉ gia đình Nam để anh đến tận nhà tìm hiểu lý do nghỉ học của em. Cô giám thị xem sổ rồi ghi cho anh địa chỉ và nói thêm:
– Tôi nghe nói vùng nầy không được an ninh lắm, nhất là từ chập chiều tối đến sáng. Thầy nên cẩn thận.
Anh buồn bã về nhà, đêm đó mất ngủ. Hôm sau, anh không có giờ dạy nên quyết định đạp xe đi tìm nhà của Nam ở tận gần vùng đồi núi hoang vu.
Đó là một ngôi nhà tranh nghèo nàn. Lúc anh đến, chỉ có mẹ Nam ở nhà. Nghe anh tự giới thiệu là thầy của Nam, bà có vẻ sửng sốt, luýnh quýnh mời anh vào nhà. Khi anh hỏi lý do Nam bỏ học, bà mẹ thở dài buồn bã rồi ngập ngừng nói với anh:
– Thưa thầy, nhà tôi nghèo lắm, sống nhờ cái rẫy trong núi, khi được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì đói. Mấy năm nay sức khỏe ông nhà tôi cũng yếu rồi. Thằng Nam và con em gái nó đi học không tốn tiền thầy nhưng tốn tiền áo quần, sách vở, thức ăn sáng, chúng tôi lo không nổi nên ông nhà tôi quyết định cho thằng Nam nghỉ học theo cha lên núi canh thêm rẫy. Lúc nghe nói phải thôi học luôn, thằng Nam nhà tôi khóc, tôi cũng đau lòng lắm, nhưng biết làm sao được.
Khi nghe anh Bá nói ý định đến xin gia đình cố gắng cho Nam đi học tiếp cho xong bậc trung học thì bà mẹ kéo áo lau nước mắt và nói:
– Cám ơn thầy có lòng thương cháu, nhưng việc nầy do ông nhà tôi quyết định, tôi đành chịu thôi.
Anh Bá tiếp tục năn nỉ, cuối cùng bà mẹ nói:
– Thôi được rồi, tối nay tôi sẽ nói lại với ông nhà tôi, dặn ông ấy ngày mai nghỉ lên rẫy một bữa để đợi thầy đến đây nói chuyện. Xin thầy chịu khó đến một lần nữa.
Cũng may, ngày hôm sau anh Bá không có giờ dạy buổi sáng nên hẹn sẽ đến gặp cha của Nam.
Mới tờ mờ sáng, anh Bá đã lên đường. Khi anh bước vào nhà, mẹ của Nam ra tiếp, giọng buồn bã:
– Chúng tôi có lỗi với thầy nhiều lắm. Chiều hôm qua, khi nghe tôi nói ý định của thầy về việc học của thằng Nam và việc thầy muốn gặp cha nó thì ông nhà tôi lắc đầu nói không vắng mặt được vì đã lỡ nhờ hai người đến phụ cất lại cái chòi. Ông nhà tôi nói thêm, sáng mốt, Chúa nhật ông ấy mới có thể ở nhà, mời thầy đến chơi.
Anh Bá buồn rầu ra về. Suốt buổi chiều hôm đó và cả ngày hôm sau, anh cảm thấy bần thần, trí óc không rời được vấn đề bỏ học của Nam. Anh nhủ thầm phải kiên trì, đừng bỏ cuộc trong nỗ lực đưa đứa học trò đáng thương về với học đường. Anh sực nhớ lời bà mẹ nói với anh là không lo nổi chi phí về áo quần và sách vở cho hai đứa con đi hoc. Nếu quả như thế thì anh có thể cung cấp cho gia đình Nam một phần với món tiền mà anh đang dạy thêm ở trường tư. Để gia đình đừng ái ngại, anh sẽ nhờ nhà trường, hàng tháng trao số tiền nầy cho Nam dưới dạng học bổng dành cho học sinh nghèo. Nghĩ như thế, anh cũng được yên tâm phần nào.
Sáng chủ nhật, anh đạp xe đến và may mắn gặp cha của Nam đang ở nhà. Không đợi anh trình bày, ông vào đề ngay:
– Thưa thầy, tôi rất cảm động vì đây là lần thứ ba thầy đến nhà tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì mình làm cha mẹ mà không nghĩ đến tương lai của thằng Nam bằng thầy của nó. Nhưng thầy thông cảm cho, nhà tôi nghèo quá.
Anh Bá ngập ngừng tiếp lời cha của Nam:
– Thưa ông, tôi có ý kiến nầy xin thành thật trình bày để ông xét xem có thể chấp nhận được không. Tôi sẽ đề nghị nhà trường cấp cho Nam một học bổng hàng tháng, tuy không giúp được nhiều cho gia đình nhưng cũng đủ cho ông bà khỏi phải lo về áo quần, sách vở và quà sáng của hai em.
Ông cha sửng sờ nhìn anh Bá một lúc rồi thều thào nói:
– Có phải Ơn Trên phái thầy đến đây để cứu giúp cho thằng Nam của tôi hay không? Thôi được rồi, tôi không dám từ chối lòng tốt của thầy. Nhất định ngày mai tôi cho cháu nó trở lại trường. Xin thầy vui lòng nói với nhà trường giúp tôi.
Anh Bá ra về, lòng rất hân hoan.
Ngay ngày hôm sau, Nam trở vào lớp và sau đó học hành chăm chỉ hơn trước nữa. Gần ba năm sau, Nam đậu tú tài ngay khóa một với hạng “bình”, tức là hạng giỏi. Một ngày sau khi xem bảng đậu, Nam dẫn cha mẹ đến thăm anh Bá, đem theo biều thầy một buồng chuối to tướng mà cha Nam mang từ rẫy về. Người cha có vẻ phấn khởi lắm và nhất định cho con tiếp tục lên đại học. Anh Bá hỏi Nam định thi vào trường đại học nào thì em nhỏ nhẹ đáp lời:
– Thưa thầy, từ nhỏ, em có mộng làm bác sĩ nhưng nay thì em nhất định đi ngành sư phạm để noi gương của thầy.
Kể đến đây, anh Bá mỉm cười với vẻ mãn nguyện, nâng ly bia lên uống cạn rồi nói tiếp:
– Ngay trong kỳ nghỉ hè năm đó, tôi được Nha Trung học thuyên chuyển về Sài Gòn. Chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt, tôi không có dịp về thăm hay liên lạc với gia đình em Nam. Năm ngoái, tôi được Nha Khảo thí cử phụ trách một trung tâm gác thi tú tài ở Quy Nhơn. Khi tôi bước vào phòng họp thì các giám thị đã có mặt đầy đủ. Một thầy giám thị trẻ tuổi ngồi ở bàn đầu bật đứng dậy, bước lên nắm chặt lấy bàn tay tôi, giọng nghẹn ngào: “Thầy còn nhớ thằng Nam của thầy hay không?”. Tôi nhìn Nam nay đã trở nên cao lớn và chững chạc, cảm động đến rưng rưng nước mắt, trong khi các giám thị khác đều nhìn chúng tôi với đôi mắt ngạc nhiên.
Câu chuyện của anh Bá đến đây là chấm dứt. Trước khi trở về phòng tạm trú của hội đồng thi, anh còn nói thêm với tôi:
– Đó là kỷ niệm đẹp nhất trong những năm làm nghề dạy học của tôi. Khi nhớ lại, tôi vẫn còn tự hài lòng với ba lần lặn lội đến vùng thiếu an ninh để sau cùng làm tròn nhiệm vụ giáo dục của mình. Tôi còn nhớ lời của một vị giáo sư đáng kính trong lớp sư phạm ngày trước của tôi: “Lòng kiên trì luôn luôn rất quý vì giúp chúng ta đi đến thành công của đời mình. Trong nghề dạy học, lòng kiên trì của người thầy càng cao quý hơn nữa vì nó đem đến sự thành công cho cuộc đời người khác”.
Võ Phá