NGƯỜI THÂN HAY NGƯỜI THƯƠNG?

Ánh nắng chiếu qua khung cửa sổ, mang theo hơi sương sớm mát lạnh. Tôi tỉnh giấc, bước đi giữa những hành lang chưa có bóng người để tiến lại khu cấp cứu. Hiếm có nhà thương nào lại trong lành và yên tĩnh như ở đây. Nhìn ba đang ngủ ngon giấc, tôi khẽ mỉm cười, thở phào nhẹ nhõm, với tốc độ bình phục như thế này thì hy vọng hôm nay ba sẽ được ra khỏi phòng cấp cứu “dịch vụ” này.

Ba hay bị bệnh, nên quãng thời gian tôi ở bên cạnh chăm sóc ba tại nhà thương cũng khá nhiều. Mấy hôm trước, tình trạng sức khỏe ba rất yếu nên dù chẳng mấy khá giả, tôi và mẹ vẫn quyết định cho ba nằm tại phòng cấp cứu loại “dịch vụ” để ba mau bình phục. Đó là phòng mà những người trong bệnh viện thường gọi bằng một cái tên là “phòng của nhà giàu”. Thật vậy, tiền phòng hằng ngày gấp 3 lần những phòng khác, có máy lạnh, bác sỹ ra vô thăm bệnh liên tục… Sau vài lần trò chuyện, tôi được biết nhà các bệnh nhân cùng phòng với ba đều khá giả, nếu không nói là giàu có, người là doanh nhân, người là giảng viên đại học, và có cả công chức nhà nước. Thế nhưng có một điều đặc biệt là tôi không thấy người thân của họ chăm sóc, mà toàn bộ đều do những nhân viên điều dưỡng phục vụ. Thi thỏang có người vào thăm thì cũng chỉ hỏi thăm dăm ba câu, ở chơi đôi mươi phút là về. Khuôn mặt các bác tự hào khi kể về bằng cấp, địa vị của con cái, nhưng một nét buồn lại thoáng hiện lên trong đôi mắt ngấn lệ khi tôi vô tình thắc mắc sao ít thấy các anh chị vào thăm các bác… Hỏi ra mới biết con cháu các bác đều đi học, đi làm rất bận rộn nên không thể ở chăm sóc được, vì thế, họ phải “nhờ” các chị điều dưỡng ở đây chăm lo cho các bác. Tôi vội cười trừ và lảng sang chuyện khác vì biết mình lỡ lời…

Đúng như tôi dự đoán, sau giờ khám bệnh buổi sáng, ba được chuyển sang phòng bệnh bình thường. Một cảm giác bình an nhẹ nhàng xâm chiếm tâm hồn như ánh nắng ban mai chiếu tia nắng sự sống vào thân hình đã quá kiệt quệ vì bệnh tật.

Phòng bệnh thường, nơi những con người bình dân khốn khó, đau đớn vì bệnh tật, nhăn nhó vì những cơn đau thể xác, thiếu những phương tiện hỗ trợ. Nhưng lại là nơi mà con người ta lại rất mau chóng thân thiết với nhau, họ cùng nhau chuyện trò, chia sẻ với nhau về những chứng bệnh, những cơn đau, về hoàn cảnh khốn khó của gia đình, để thêm thông cảm với nhau hơn.

Tới đầu giờ chiều, tôi thấy một cô hộ lý vào thay tã cho hai bệnh nhân nữ và một bệnh nhân nam. Cô vui vẻ hỏi thăm bệnh của từng người, cô làm vệ sinh cho họ. Và cô làm việc ấy một cách hết sức vui vẻ, thân thiện. Tôi thầm nghĩ: “Chẳng lẽ phòng này cũng có dịch vụ chăm sóc nữa sao?”

Sáng hôm sau, tôi thấy một chị hộ lý khác, tuổi độ hơn 20, chị vui vẻ phát thuốc cho từng bệnh nhân và cũng những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, chị thay tã cho bệnh nhân. Lúc chị đi ra, tôi hỏi thăm người nhà có “gửi gắm” gì chị không mà các chị lại phục vụ tận tình thế… Và tôi nhận được câu trả lời: “Dạ không, đó là công việc của tụi em. Các bệnh nhân vào đây không có người thân bên cạnh nên tụi em tự coi mình như người nhà và có bổn phận chăm lo cho họ, chị ạ!” Tôi sững người trước câu trả lời của chị. Từ ngày hôm sau, chúng tôi không chỉ đơn giản trò chuyện cho qua thời gian, nhưng đã cùng nhau chăm sóc và giúp đỡ cho những bệnh nhân bị bỏ rơi, không có người thân bằng những việc nhỏ bé như đi mua thuốc, đi nhận cháo từ thiện, thay khăn trải giường… giúp các cô chú.

Tôi chợt nghĩ đến người thân và người thương. Các chị là người thương nhưng đã trở nên người thân cận. Thật vậy, người thân có thể trở nên xa lạ, nhưng người thương thì không tính gần xa, vì từ trong lòng họ, tình thương làm cho trở nên thân. Xin cảm ơn những tấm gương sống động đầy yêu thương của những con người nhân hậu. Chính lòng nhân hậu này đã trả lại cho xã hội những con người đúng nghĩa.

Vũ Minh


Visited 4 times, 1 visit(s) today