Năm Thánh Chứng Nhân – Bài 2: ĐỒNG THANH TƯƠNG ỨNG TỰ BAO GIỜ

Xin chào mọi người, xin chào các bạn trẻ.

Cho tới lúc này, hẳn bạn đã tải xuống, hoặc ít là đã có ý định truy tìm bản dịch tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh (Tgnt) để tải xuống. Nếu bạn đã đọc, hẳn bạn thấy tập mỏng này của Đức Thánh Cha thật lôi cuốn, nó réo rắt mời gọi ta quyết tâm nên thánh. Bạn trầm tư và khao khát thực hiện, đồng thời cũng thấy vẫn có những khó khăn. Làm sao để nhớ, rồi làm sao để áp dụng vào cuộc sống từng ngày?

QUẢNG CÁO HÀNG NHÀ

Tôi có cảm tưởng chính Chúa đã thấy rõ khó khăn ấy của nhiều người nên đã dọn sẵn một dụng cụ thiết thực để an ủi những tâm hồn bé nhỏ. Ở đây lại thêm một trùng hợp bất ngờ lý thú, xin cho tôi được phép có một chia sẻ hơi khác thường để biện minh cho sự đóng góp táo bạo khá buồn cười vì dám quảng cáo hàng nhà.

Đầu những năm 1980, sau khi dự Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nêu ý tưởng của ngài và bảo tôi biên soạn quyển sách này. Vào thời điểm lễ phong thánh, 1988, quyển sách đã được in lụa với tựa đề Kinh Nguyện Gia Đình, về sau đã được Đức Cha Phaolô cho imprimatur và Tòa Giám mục Nha Trang ấn hành nhiều đợt.

Từ năm 2009, tôi được giao cho phụ trách về mục vụ Văn hóa của Giáo phận Qui Nhơn, rồi về sau được yêu cầu kiêm thêm mục vụ Giáo dục. Trong cái nhìn mục vụ, giáo dục trước hết là đào tạo nhân cách và các đức tính tốt. Đây là lãnh vực đang khiến mọi người cả trong lẫn ngoài Giáo hội hết sức âu lo, không tìm thấy giải pháp. Khi Đức Giám mục giáo phận bảo tôi lo mục vụ Giáo dục, tôi đã thưa ngài: “Vâng, con xin đảm nhận ít lâu để tìm hiểu xem vấn đề nằm ở chỗ nào”. Giữa sự bế tắc của hoàn cảnh hiện nay, tôi thấy Chúa vẫn dành lại một chút hy vọng: Các phụ huynh vẫn là những người không thể không yêu thương chính con em họ. Nếu có cách nào trao được tận tay mỗi gia đình một bản chỉ dẫn tóm tắt, chính xác, thiết thực và khả thi để giúp họ giáo dục con em, và làm sao để họ có thể giữ bền bản chỉ dẫn ấy trong gia đình từ thập niên này sang thập niên khác, thì dần dần hy vọng sẽ hình thành được cho các gia đình một kinh nghiệm chung về giáo dục. Các đoàn thể, lớp giáo lý và cả tòa giảng của linh mục sẽ cùng giúp các gia đình xoáy sâu vào một số mũi nhọn thì kết quả sẽ không nhỏ.

Lúc ấy, năm 2013, tôi lại đang tập trung cập nhật những chỉ dẫn về tôn kính Tổ tiên trong quyển Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo (tạm viết tắt là KvG) để kịp mừng 50 năm huấn thị Plane compertum est. Cùng lúc bận tâm cả hai chuyện, cuối cùng tôi tìm ra được đáp số: Cài các chỉ dẫn giáo dục nhân bản và Kitô giáo vào quyển sách của các gia đình là sách kinh. Với chút vốn liếng linh hạnh I Nhã và Cát Minh cộng với một kinh nghiệm từ quyển sách của ông Sean Covey, tôi đã tổng hợp được phần định hướng giáo dục hiện có trong quyển KvG. Tôi linh cảm rằng nếu quyển sách đến tận tay các gia đình tín hữu thì cái mẫu số chung nhỏ nhất về giáo dục Công giáo sẽ có ảnh hưởng đáng kể và nếu lương dân biết đến mẫu số chung ấy thì, vì muốn cho con cái nên người, có lẽ không ít gia đình sẽ quan tâm tới Giáo hội Công giáo.

Quyển KvG đã được Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin viết lời giới thiệu cuối năm 2015 và được imprimatur đầu 2016. Thế nhưng, có lẽ do Chúa quan phòng, mãi tới giữa tháng Năm, đang lúc chuẩn bị khai mạc Năm Thánh, nhà in mới giao những lô hàng đầu tiên. Khi hiệu đính bản dịch Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh để giúp chủng sinh Qui Nhơn học hỏi, tôi thấy giữa Tông huấn mới và những chỉ dẫn mục vụ tôi đã đưa vào quyển sách có những điều khá trùng khít.

MỘT DỤNG CỤ GIÚP THỰC HÀNH TÔNG HUẤN NÊN THÁNH

Bản PDF có mục lục liên kết của quyển sách hiện đã được đưa lên các trang: simonhoadalat.com, thuvienconggiaovietnam.net, conggiaovietnam.net, tapsanmucdong.net  và  vanthoconggiao.net… 

Mời bạn tải xuống và chép vào điện thoại cảm ứng để tiện dụng. Đem đối chiếu những lời chỉ dẫn trong quyển KvG với nội dung của tông huấn, bạn sẽ nhận ra những sự tương hợp khá lạ. Tông huấn mời gọi “nên thánh”, quyển KvG đề ra định hướng “bảo đảm tối thiểu để vươn tới tối đa” (trang 201). Những đoạn chỉ dẫn trong quyển KvG hầu như đều là chỉ dẫn để sống theo tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh.

Chương 1: Tiếng gọi nên thánh

(ss. KvG trang 167, đoạn 2: Đào tạo ý thức phẩm giá con Thiên Chúa và tinh thần trách nhiệm; trang 165: Cam kết thánh hóa gia đình; trang 211: vượt thắng… để tiến lên không ngừng).

Chương 2: Hai kẻ thù tinh tế của sự thánh thiện

(ss. KvG trang 208,3: Từ giác quan tới tâm linh; KvG trang 209,4: Có hai loại điều tốt chủ quan; KvG 210, 6: Đời ta là công cuộc của Chúa).

Chương 3: Ánh sáng của Thầy Chí Thánh

  1. Tám mối phúc thật (ss. KvG 207, 2: Bài giảng trên núi).
  2. Lòng thương xót (ss. KvG 166, 1: Bầu khí yêu thương).

Chương 4: Những nét tiêu biểu của sự thánh thiện ngày na

  1. Kiên trì, kiên nhẫn và hiền lành (ss. KvG 172,7).
  2. Vui tươi và biết đùa (ss. KvG 171,6).
  3. Mạnh dạn và sáng tạo (ss. KvG 169,4).
  4. Tình cộng đoàn (ss. KvG 170,5; 172-173: ích chung; 173,8: đào tạo khả năng làm việc chung).
  5. Cầu nguyện (ss. KvG 13-14: đời sống cầu nguyện cá nhân; 163: cầu nguyên đầu ngày và cuối ngày; 167,2: phẩm giá con Thiên Chúa).

Chương 5: Chiến đấu, tỉnh thức và phân định

  1. Chiến đấu (ss. KvG 211,A: để thắng xu hướng xấu).
  2. Tỉnh thức (ss. KvG 209,5: sáng suốt và tỉnh táo).
  3. Phân định (ss. KvG 208,3: Quỷ dữ phá đám; 172: Lắng nghe; 208,4; 212,B: Cám dỗ làm điều tốt; 208,4; 209,5: Ý Chúa).

Như thế, với những chỉnh sửa từ những ghi nhận sau hơn 30 năm sử dụng, phải chăng phiên bản mới của quyển KvG được tiền định để làm một bản giúp trí nhớ cho tông huấn  Tiếng Gọi Nên Thánh? Tôi ước mong phổ biến kịp quyển sách để phục vụ Năm Thánh 2018 của cả nước. Mong quí vị và các bạn tích cực giúp giới thiệu với mọi người.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Visited 8 times, 1 visit(s) today