(Macao – Madrid – Rôma – 13.06.2018) – Đại hội thế giới về Mục vụ Gia đình Salêdiêng đã được tổ chức tại Madrid – Tây Ban Nha từ ngày 27 tháng 11 đến ngày 01 tháng 12 năm 2017. Trong Đại hội ấy, miền EAO của chúng ta có hơn 20 thành viên tham dự. Chúng tôi đã đúc kết tài liệu, dày 160 trang (bản tiếng Anh) và bắt đầu cho phổ biến rộng rãi trên mạng internet.
Tại các Tỉnh dòng trong miền EAO, chúng ta thấy có những thách đố liên quan đến mục vụ gia đình mà bản tài liệu đã nêu ra, cụ thể là những vấn đề sau đây:
+ Chúng ta rất ít tiếp cận với những gia đình của các bạn trẻ. Chúng ta chỉ gặp các em tại môi trường chúng ta làm việc, nhưng không hiểu rõ hoàn cảnh thực tế tại mỗi gia đình của các em.
+ Khó khăn về địa lý. Ví dụ tại đảo Papua New Guinea, gia đình các học sinh ở những vùng xa xôi và hẻo lánh, khiến chúng ta khó có thể đến để tìm hiểu gia cảnh của các em cách tường tận. Đa số phụ huynh lại quá bận rộn trong công việc sinh nhai hằng ngày. Ngoài ra, sự dị biệt về văn hóa cũng là một trở ngại lớn vì nhiều hội viên SDB đang làm việc tại đây là những anh em truyền giáo đến từ hải ngoại, chứ không phải là cư dân bản xứ. Các anh em truyền giáo chưa hiểu rõ về sắc nét văn hóa tại vùng này. Vả lại, các phụ huynh gửi con em của họ cho chúng ta coi sóc và hoàn toàn phó mặc cho các anh em Salêdiêng. Sự tương tác giữa chúng ta và các phụ huynh hầu như không có.
+ Chúng ta có thể làm tốt sứ vụ giáo dục, nhưng để trở thành ‘ngôn sứ’, tức là cho họ thấy và hiểu những công việc chúng ta làm, thì chưa thể thực hiện được.
+ Chúng ta biết khá nhiều tài liệu về gia đình trên lý thuyết, nhưng đem ứng dụng cụ thể thì chưa được bao nhiêu.
+ Các bạn trẻ thích ở trường hơn ở nhà, vì ở trường có bạn bè, còn ở nhà thì không có ai để chúng có thể chia sẻ.
+ Quan niệm về gia đình tại mỗi nơi rất khác nhau. Gia đình là gì ? Các bạn trẻ ngày nay nghĩ gì về gia đình ? Làm sao để sống bầu khí gia đình ? Đây là những câu hỏi được đặt ra, nhưng không phải dễ trả lời.
Sau đây là những đường hướng được nêu ra để chúng ta thực thi trong miền EAO:
– Mỗi tỉnh dòng cần có những đường hướng cụ thể, phù hợp với bối cảnh văn hóa của mỗi địa phương về mục vụ gia đình. Vấn đề này cần liên thông chặt chẽ với mảng Mục vụ Giới trẻ.
– Các tỉnh dòng cần củng cố các ‘Cộng đoàn Giáo dục Mục vụ’ (EPC) tại các công cuộc trong tỉnh dòng để phục vụ giới trẻ cách hữu hiệu.
– Để làm tốt mục vụ gia đình, các tỉnh dòng cần chuẩn bị để có những chuyên viên về tư vấn. Những chuyên viên này sẽ giúp chúng ta đồng hành tốt hơn với các bạn trẻ và gia đình của họ.
– Cần thúc đẩy các nhóm trong gia đình Salêdiêng dấn thân sâu xa hơn trong mảng mục vụ gia đình.
– Chúng ta thường nêu những mẫu gương nơi các gia đình Công giáo, còn những gia đình ngoại giáo, chúng ta vẫn chưa quan tâm.
+ Nhiều anh em SDB có quan niệm chưa đúng khi nghĩ rằng, việc chăm sóc đến các gia đình là nhiệm vụ chỉ dành riêng cho các cha xứ. Vả lại, trên cấp tỉnh dòng, nhiều nơi cũng chưa đưa mảng mục vụ gia đình vào trong ‘Kế hoạch Giáo dục Mục vụ Salêdiêng’(SEPP) của tỉnh dòng.
+ Nhiều gia đình bị đổ vỡ sau những mâu thuẫn. Việc hàn gắn những rạn nứt cần phải đặt ưu tiên, trước khi chúng ta muốn giáo dục con cái của họ. Vì vậy, Ban Mục vụ Giới trẻ của tỉnh dòng cần quan tâm đến lãnh vực này.
Để kết luận, các đại biểu của miền EAO sau khi tham dự Đại hội đã đúc kết với những đề nghị sau đây:
1- Làm cách nào để các phụ huynh các em học sinh tham phần vào sứ vụ giáo dục cùng với anh em SDB của chúng ta, đặc biệt trong việc phác thảo kế hoạch giáo dục mục vụ và biết đồng hành với con cái của họ.
2- Trong tâm của sứ mạng chúng ta là phục vụ giới trẻ, cùng sống và làm việc với người trẻ. Vì thế, chúng ta phải luôn ghi khắc trong đầu ý tưởng này, là chúng ta phải giúp các bạn trẻ khám phá ra ơn gọi của họ. Mục vụ giới trẻ và mục vụ gia đình Salêdiêng đều phải quy chiếu vào tiêu chí này.
3- Trong việc đào luyện anh em hội viên, đừng quên yếu tố đào luyện các anh em biết cách làm việc với các gia đình của những bạn trẻ.
4- Cần điều chỉnh lại cơ cấu và phương thức làm việc để chúng ta có thể tiếp cận chặt chẽ hơn với gia đình của các em học sinh.
5- Như Đại hội mong muốn, cần gắn kết chặt chẽ 2 ban ngành trong tỉnh dòng: Ban Mục vụ Giới trẻ và Ban Mục Vụ Gia Đình.
Chúng ta có thể nhìn vào mô hình mẫu tại nguyện xá Macao, tỉnh dòng Trung Hoa. Nguyện xá tại đây có hơn 200 phụ huynh, là những người đời cùng thông dự vào trong sứ mệnh giáo dục của chúng. Đây là cơ sở giáo dục Salêdiêng, được chính quyền địa phương hỗ trợ và cộng tác rất tích cực. Nét nổi bật tại đây là có sự tham phần của người đời, trong đó có khá nhiều phụ huynh của các em học sinh trong nhà trường. Các cộng đoàn Salêdiêng của chúng ta cũng nên học hỏi mô hình này.
Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ